logo

Truyện ngắn

Văn xuôi Đức Ban

Bắt đầu in sách từ năm 1978 (tập truyện ngắn Mưa rừng) cho đến lúc khép lại thế kỉ XX, Đức Ban cho ra đời hơn chục đầu sách, gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… Gắn bó với nghề văn một cách tận tâm, tận lực; bền bỉ như một người đi đường đã định rõ hướng, Đức Ban lặng lẽ kết bó những thành quả nhất định, trở thành gương mặt tiêu biểu của văn


   Đặng Lưu

  Bắt đầu in sách từ năm 1978 (tập truyện ngắn Mưa rừng) cho đến lúc khép lại thế kỉ XX, Đức Ban cho ra đời hơn chục đầu sách, gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… Gắn bó với nghề văn một cách tận tâm, tận lực; bền bỉ như một người đi đường đã định rõ hướng, Đức Ban lặng lẽ kết bó những thành quả nhất định, trở thành gương mặt tiêu biểu của văn

xuôi Hà Tĩnh hơn hai mươi năm qua.

  Đọc Đức Ban, dễ thấy ông cũng để mắt đến khá nhiều mảng, nhiều vấn đề trong cái hỗn mang của đời sống đương đại. Nhưng, như một ý kiến đã chỉ ra rất đúng: thể loại sở trường của Đức Ban là truyện ngắn, và mảng đề tài ông gắn bó nhất là đời sống nông thôn (1).

  Miêu tả sinh hoạt của người thôn quê là điều không còn mới mẻ trong văn học Việt Nam. Thế nhưng, ở mảng đề tài ngỡ như đã được khai thác đến cạn kiệt, vẫn còn trầm tích biết bao tầng vỉa, hứa hẹn những tìm tòi mới mẻ, bất ngờ. Với một đất nước 80% dân số là nông dân, lại trải qua biết bao biến động dữ dội, mảng hiện thực nông thôn đúng là một món nợ mà những người cầm bút không thể lãng tránh.

  "Cứ luôn thấy mình mắc nợ đời, cứ luôn thấy mình tài hèn sức mọn trước thiên chức của văn chương nghệ thuật" - những lời tự bạch ấy của Đức Ban cũng chính là một động lực thúc đẩy ông quyết tâm "cày xới" trên cái mảnh đất vốn đã trở thành máu thịt của mình. Phải viết về cái miền quê thân thuộc, phải vén bức màn bí ẩn để nhìn rõ hơn những miền khuất tối, đó là một cách để trả món nợ đời.

  Hình ảnh cuộc sống thôn quê hiện lên trong truyện Đức Ban phức tạp, chồng chéo, đan cài giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác, giữa thù hận và bao dung, giữa mưu mô toan tính và trong sáng, ngây thơ... Nó là muôn mặt cuộc đời. Nó là dòng chảy âm thầm, ngỡ như ngưng đọng nhưng chứa chất bên trong bao nhiêu va đập, cuộn xiết. Tạo nên không gian đặc trưng trong phần lớn truyện của ông là khúc sông quanh co với những gốc bần lặng lẽ đơn côi, những bến tắm vắng vẻ đìu hiu như bị bỏ quên, những cây đa, lùm lòi, đền miếu... Bấy nhiêu văn liệu quen thuộc trở đi trở lại trong biết bao tác phẩm như một thứ ám ảnh. Cứ đọc lần lượt từng truyện ngắn của Đức Ban, có cảm giác như mỗi lần đi xa về gặp lại làng xưa, trước mắt mọi vật vẫn cũ cũ như thế, không hề chuyển di, không hề đổi khác. Có chăng, ấn tượng về làng quê trong ta càng đậm hơn do sự chồng lấn của những cảm xúc thế sự lắng đọng pha chút ngậm ngùi.

  Đức Ban rất sở trường trong cách tạo dựng không khí. Phải đọc truyện Đức Ban theo kiểu “chồng văn bản” mới thấy được dụng ý của tác giả. Dường như bao nhiêu truyện viết về thôn quê cũng chỉ bắt gặp cái gương mặt làng quê quen thuộc ấy mà thôi. Nhưng chi tiết rời vụn như những nét kí họa thấp thoáng đây đó trong các trang truyện. Khi thì "mấy chục nóc nhà xếp thành hình lưỡi mác bên bờ sông Nghèn... Những mái tranh bạc phếch lươm nhươm, đằng trong bám đầy hồ bóng phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật dưới bầu trời cao ngút khoáng đãng"; khi thì "dăm chục nóc nhà, ba phía sông Nghèn bao bọc, một phía là đồng ruộng rải rác những ao chuôm, mồ mả, con đường làng trống trải thoảng mùi rơm mục với mùi phân khô chạy ngoằn ngoèo giữa những bụi tre dày sít"... Chỉ có thế mà nó gợi lên ở người đọc một sự hình dung, một cảm nhận rất rõ về không khí làng quê. Đối với truyện ngắn, người viết phải dựng bối cảnh, tạo "môi sinh" cho nhân vật hoạt động. Trong tác phẩm của mình, Đức Ban rất chú ý tái hiện bối cảnh tự nhiên. Cả những mối quan hệ xã hội dường như cũng chìm ẩn vào tự nhiên. Bởi vậy, làng trong truyện Đức Ban là một thực thể tự trị, cũ kĩ, xa vắng, hoang sơ, như từ bao nhiêu đời nay vốn thế.

  Trên cái nền cảnh nhập nhòa ấy, từng thời điểm khác nhau thấy trồi trụt, trôi nổi bao nhiêu khuôn mặt, bộ dạng, số kiếp con người.

  Con người trong truyện Đức Ban không phải là người nông dân trong cái vỏ khái niệm xã hội học chung chung mà hiển thị rõ ràng những thân phận cá biệt. Thế giới nhân vật của Đức Ban gồm vô số những nhân vật dưới đáy. Đó là ông Trìu, con người bị đẩy ra khỏi mảnh đất hương hỏa của cha ông, sống lênh đênh, trôi nổi trên sông nước, chết trong cô độc, đơn côi (Hoa bần). Đó là ông Cự, từ chỗ có bát ăn bát để, bỗng sa cơ lỡ vận, con cái hắt hủi, bị đẩy ra ngoài rìa cuộc sống, bị vu oan giá họa, không chịu được nhục nhã phải treo cổ tự tử (Ngôi sao hôm leo lét). Đó là Nhọn, kì hình dị tướng, tồn tại vật vờ như một kẻ lạc loài dưới cái nhìn kì thị, khinh bỉ của người làng (Bức tượng đất nung). Rồi những Nợi (Đền thờ Đức Thành mẫu), người đàn bà hóa điên (Tiếng đêm), ông Cải - một Qua-di-mô-đô thời hiện đại ở làng quê Việt Nam (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm), cặp trai gái yêu nhau với cuộc tình đầy oan trái (Miếu làng)... Những con người ấy sinh ra trên cõi đời này dường như chưa bao giờ biết đến ánh sáng, niềm vui. Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày nặng nề, cơ cực. Thế nhưng, Đức Ban không quá chú tâm vào chuyện đói cơm rách áo, không xem đó là mặt quan trọng nhất của sự sống. Bao nhiêu thân phận khổ nghèo còng lưng vì miếng ăn, vì sự tồn tại thể xác, nhưng họ vẫn gắng sống, sống như một lẽ sinh tồn tự nhiên. Vậy mà chỉ một ngọn đòn tinh thần, họ sẽ hoàn toàn suy sụp. Thì ra - nói như Đumbatdê, nhà văn Xô viết trước đây -, "Ở đời, tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác". Sức ám ảnh của truyện Đức Ban có lẽ được gợi lên trước hết ở những bi kịch tinh thần của con người - điều hoàn toàn xa lạ với sự hình dung của những đầu óc lạc quan tếu. Đương nhiên, bi kịch tinh thần được miêu tả ở đây có màu sắc hoàn toàn khác với những gì mà Nam Cao cũng như một số cây bút từng thể hiện trong loạt truyện viết về người dân quê trước cách mạng.

  Cảm quan hiện thực của một nhà văn thể hiện không chỉ ở việc miêu tả sắc nét thực trạng cuộc sống, mà quan trọng hơn cần chỉ ra nguyên nhân của thực trạng ấy. Ở điểm này, ngòi bút của Đức Ban tỏ ra khá tinh vi. Tác giả không hề đơn giản hóa vấn đề. Không ít lần, người viết muốn "đè tận tay, day tận mặt" những kẻ trực tiếp gieo rắc nỗi khổ không đáng có cho đồng bào, đồng loại. Đó là những kẻ như Phan Bá Long, Tứ (Trăng vỡ), mẹ con bà Ngụ, thằng Sắt (Ngôi sao hôm leo lét), cha con ông chủ tịch xã (Hoa bần), một cán bộ có địa vị mà tha hóa, bất nhân, bạc tình (Tiếng đêm)... Tuy nhiên, đằng sau những bộ mặt nhơn nhơn hiện thân của cái ác, người đọc nhiều lúc cảm thấy rùng mình vì những tấm lưới vô hình chụp lên số phận con người. "Mắt lưới" đó có khi là những kẻ vận dụng máy móc thiết chế xã hội; những kẻ nhân danh cách mạng tự tung tự tác vơ vét cho bản thân, đẩy người ta vào chỗ chết; có khi là sự trì độn, u mê, cả tin vào những điều ngụy tạo; là sự thù hận, ích kỉ, hẹp hòi, là sự đố kị ganh ghét nhau một cách vô lối, sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại; là tâm lý thực dụng hám danh, hám lợi... Trong Trăng vỡ, ta bắt gặp một chi tiết đầy ý tính biểu tượng: "Một chú ruồi xòe cánh... bay vụt lên cửa sổ, chắc nó có ý định ra khỏi phòng. Nhưng nó mắc vào tấm mạng nhện chăng giữa hai chấn song sắt. Nó giãy giụa, kêu o o giữa những sợi tơ mềm óng ánh. Càng giãy, những sợi tơ càng quấn chặt thêm vào chân nó". Đức Ban đã ý thức rất sâu sự chi phối triệt để hoàn cảnh đối với số phận, cuộc sống con người. Bao nhiêu kẻ muốn vùng vẫy thoát ra mà nào có được. Có những người tung phá giữ dội, mạnh mẽ như Nợi (Đền thờ Đức Thánh mẫu), từng muốn chống lại sự áp đặt nghiệt ngã, đi theo tiếng gọi của trái tim như đôi trai gái trong Miếu làng, thậm chí sục sôi khao khát trả thù như Thùy Linh (Trăng vỡ)..., vậy mà rốt cuộc, họ đành bất lực, phải cam chịu một cách nhẫn nhục. Nỗi ám ảnh của nhân vật Lương - người kể chuyện trong Trăng vỡ khiến ta cảm thấu rõ ràng hơn sự vây riết khủng khiếp của một thế lực vô hình: "Trước kia đã nhiều lần đứng trước tai họa, tôi run sợ mà mong ước rằng, giá mà tất cả chỉ là giấc mơ, nó sẽ qua đi và những tai họa khác sau đó tôi có đủ khôn ngoan hơn để tránh né. Nhiều lần như vậy, cái giấc mơ áo tưởng ấy không đánh lừa được thần kinh tôi nữa. Tôi chỉ còn nỗi lo sợ triền miên, lặp đi lặp lại... Tôi vẫn là tôi. Những tai họa tôi đã vấp đã và đang bủa vây tôi...". Điều đáng nói là trong sự cầm tù của hoàn cảnh, nhiều lúc có sự chuyển hóa thật kì lạ. Hôm nay là tội đồ, ngày mai có thể trở thành nạn nhân. Hỉ (Trăng vỡ), lão chủ tịch huyện (Lối đi trong đêm tăm tối)... là những con người như vậy. Phải chăng đó là biện chứng của cuộc đời?

  Viết về những thân phận đau khổ, hiu hắt, những con người bất hạnh, ngòi bút Đức Ban thấm đẫm một nỗi cảm thông, một sự nâng niu chi chút. Đúng như Lê Văn Tùng nhận xét: nhân vật "tôi" thường là chứng nhân kiêm dẫn truyện. "Tôi" là người làng, đã từng sống, cùng vui, cùng khổ với bao nhiêu số kiếp được nói đến trong trang sách. Qua nhân vật thuật truyện, Đức Ban gửi gắm niềm tin mãnh liệt của mình đối với những vẻ đẹp ngời sáng tiềm ẩn trong tâm hồn, nhân cách của những người sống lầm lụi với bùn đất quê hương. Đói khổ, nghèo hèn không làm mất đi cái thiện căn sâu rễ bền gốc nơi họ. Trên cái nền lạnh lẽo, quạnh quẽ, hoang vắng, những người bị hắt hủi vẫn đến với nhau, sưởi ấm cho nhau bằng một thứ tình cảm chân thực, cao quý: chị Thảo với ông Trìu (Hoa bần); con Hệ với lão Cự (Ngôi sao hôm leo lét); "tôi" và Nợi (Đền thờ Đức Thánh mẫu)... Trong âm điệu trầm buồn của những câu chuyện, thỉnh thoảng thấy vút lên giai điệu nồng nàn tha thiết của lòng vị tha, sự bao dung, niềm trắc ẩn. Thời nào cũng thế thôi, lòng tốt trong sáng, giản dị mà thiết thực vẫn là điều quí hiếm, rất đáng được nâng niu. Đọc truyện Đức Ban, nhiều khi ta thấy lòng ấm lên vì bắt gặp những “hạt vàng” của lương tâm. Đó là lòng tốt hiền minh của Viễn (Trăng vỡ); sự khoan dung, lòng thương người đến mức thánh thiện của bà lão (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm), đức ẩn nhẫn của một người cha không có quyền nhận con mình trong một tình huống đầy oái oăm (Khúc hát ngày xưa)... Chính những nhân vật ấy đã góp phần làm bừng lên những tia sáng lạc quan để tác phẩm không rơi vào hoài nghi, bế tắc, vô vọng.

  Bên cạnh đề tài làng quê, loạt tác phẩm về cuộc sống thời hậu chiến của Đức Ban cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Nỗi đau bởi cuộc chiến tranh được cảm nhận từ một phương vị khác. Đâu đó trong cuộc đời này vẫn tồn tại những bất công. Hãy còn không ít người từng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước, vậy mà sau chiến tranh, họ chịu bao thiệt thòi, đau khổ. Hình ảnh cô Bờ (Người đàn bà choàng khăn), Khang (Sông nước), hai người đàn bà lỡ thì (Mồng mười tháng tám)... không phải là những trường hợp cá biệt. Những ngày tháng ở chiến trường đối mặt với mưa bom bão đạn chưa hẳn đã đáng sợ hơn khi đối mặt với sự thờ ơ vô trách nhiệm, sự lãnh đạm đến mức độc địa của người đời, những mưu ma chước quỷ lợi dụng việc công để mưu đồ ân oán cá nhân. "Bom đạn thằng Mĩ là kinh khiếp, chết vì nó, đui què mẻ sứt vì nó, nhưng nó làm việc rõ ràng... Đằng này, người ta làm cho anh bị thương mà anh không thấy bóng dáng người ta đâu" (Trăng vỡ). Số phận của Khang trong truyện ngắn Sông nước là một ví dụ. Sau chiến thắng Sài Gòn, Khang lại lên mặt trận Tây Nam đánh đấm, tối tăm mặt mũi, hai lần bị thương, hai lần vào tù vì những chuyện không đâu. Ra tù về quê, thằng Hưng xã đội trưởng (một thời là tình địch) dẫn dân quân đến hỏi giấy tờ. Chỉ có mỗi cái giấy ra viện không ghi đơn vị, hắn chụp lên đầu Khang cái tội đào ngũ, phản bội Tổ quốc bắt giam vào kho phân đạm hợp tác. Người yêu thì đã đi lấy chồng, cha thì bực bội, nhục nhã không muốn nhìn mặt con. Khang không còn chốn nương thân, đành nhảy tàu vào Sài Gòn làm ăn kiếm sống. Về làng lần thứ hai thì cha đã chết, một mình tứ cố vô thân, lênh đênh trên sông nước gập lưng trên cần te đến gãy cột sống mà cũng chỉ tạm bợ qua ngày. Đến thế rồi mà vẫn cứ bị săn đuổi. Thằng Hưng mò xuống thuyền dọa dẫm Khang chuyện lí lịch không rõ ràng. Nỗi tức giận, tủi cực và cả sự bất lực cùng lúc nổi lên trộn lẫn vào nhau muốn nổ tung cả người, bật lên thành tiếng chửi phẫn uất: "Mẹ nó! Một lũ không đi chiến đấu, khi chiến tranh qua rồi, trời yên biển lặng rồi lại khệnh khạng nhân danh chính quyền mà dạy dỗ người từng đổ máu cho sự hòa bình". Đọc truyện, có lúc cảm thấy uất nghẹn đến không thể thở nổi, muốn phá tung, đập nát tất cả cho bõ hờn; nhưng một cảm giác khác cũng rất rõ: dường như có sợi dây vô hình vô cùng bền chặt cứ thít chặt lấy, càng quẫy đạp, càng vô vọng.

  Ở một góc nhìn khác, truyện ngắn Mồng mười tháng tám đã khơi dậy nỗi đau đớn âm thầm, khắc khoải trong tâm trạng những cô gái quá lứa lỡ thì vì tuổi xuân đã gửi lại nơi rừng già Trường Sơn một thời máu lửa. Giữa ngày thường cuộc sống thời bình, nào ai có thể chia sẻ với những mất mát, thiệt thòi lớn lao của hai cô gái thanh niên xung phong - những nhân vật được nói đến trong truyện. Thậm chí, họ còn phải nhận cái nhìn giễu cợt của những kẻ vô tâm vô tình: "Vài gã rỗi rãi kháo chuyện trong quán rượu rằng, những đêm trời động, có bốn giọt lửa bay từ trong nhà hai người đàn bà ấy ra, lượn lờ giữa bãi cây trinh nữ rồi vút thẳng vào những khung cửa có bóng đàn ông, mãi canh hai, canh ba mới uể oải bay về". Ai mà không hiểu họ thiếu thốn điều gì. Khi một trong hai người đàn bà tìm được bến đỗ của đời mình cũng là lúc người còn lại cháy lên nỗi khát khao vô biên và vô vọng. Những ước muốn âm thầm bị dồn nén trong sâu thẳm trong cõi lòng bỗng bật dậy như con sóng dâng trào: "Chị vào nhà theo lối sau rón rén và nhẹ như một con mèo cái. Phòng ngoài, người đàn ông đang đứng, áo hở ngực. Chao ôi, một khuôn ngực khỏe mạnh. Chị không thể không nhìn vào cái khuôn ngực ấy, cho dù phải cúi gập người ghé mắt vào cái lỗ hổng nơi bức phên. Bất giác những sợi dây thần kinh trên đầu chị giật giật. Cứ như có những tấm màn chăng ngang dọc trong đầu, bất đồ bị xé toang...". Người viết đã chạm đến những chuyện hết sức nhạy cảm trong tâm lý của những người phụ nữ chưa từng được nếm mùi hạnh phúc. Nó đánh thức ở người đọc niềm cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau, những mất mát ghê gớm của con người bởi chiến tranh.

  Về mặt thể loại, ngoài truyện ngắn, Đức Ban đã thử bút ở lĩnh vực tiểu thuyết và truyện dài, trong đó Trăng vỡ là tác phẩm thành công hơn cả. Lấy bối cảnh là cuộc sống phức tạp ở một tổng đội thanh niên xung phong sau chiến tranh, với cảm hứng phê phán mạnh mẽ, tác giả đã vạch trần sự tha hóa ở một bộ phận cán bộ. Đó là những kẻ nhân danh cách mạng, nhân danh Đảng để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của cá nhân, triệt bỏ đường sống của những con người lương thiện, chân chính. Mặc dù cuốn tiểu thuyết tái hiện không khí lịch sử xã hội ở thời điểm cụ thể, với một phạm vi đời sống cụ thể, nhưng đọc lại vẫn thấy được ý nghĩa cảnh báo sâu xa.

  Viết truyện, Đức Ban đã tìm được cách xử lý nghệ thuật riêng của mình. Lê Văn Tùng đã nhận xét rất đúng: xuyên suốt các thiên truyện của Đức Ban là cái nhìn trầm cảm. Chính cái nhìn trầm cảm - đặc trưng cốt lõi trong thi pháp truyện ngắn Đức Ban - đã chi phối mọi yếu tố có mặt trong tác phẩm. Nó quyết định sự lựa chọn những mẫu nhân vật giúp nhà văn thể hiện những suy tư của mình về cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên thế giới nhân vật trong hầu hết truyện của Đức Ban là những con người bình thường, bé nhỏ trong cái nhịp u trầm lặng lẽ của dòng chảy cuộc đời. Họ đều là những số phận kém may mắn, gợi ta nghĩ đến những hình tượng con côi, em út đầy bất hạnh trong truyện cổ tích. Những cái tên nhân vật đọc lên nghe cũng nhọc nhằn khổ ải: ông Trìu, lão Cự, ông Cải, Nợi, Nhọn... Lắm lúc, họ chỉ được gọi tên bằng những đại từ chung vô danh: anh, chị, nàng, hắn, lão, người đàn bà thứ nhất, người đàn bà thứ hai... Đó là những thân phận dễ chìm lẫn vào đám đông.

  Truyện ngắn của Đức Ban đẫm màu sắc cổ tích. Chất cổ tích có khi in dấu qua cách vào truyện: "Thuở ấy, cạnh con sông Nghèn bắc năm hai mùa nước trong đục, có một người đàn ông... (Ngôi sao leo lét), "nghe kể rằng, lọt lòng mẹ là lão khóc cái tiếng khóc vòi vĩnh và hờn giận suốt ngày này sang ngày khác..." (Lối đi trong đêm tăm tối), "Năm ấy, làng được mùa lúa..." (Khúc hát ngày xưa), "Thời xưa, ở một làng nọ thuộc vùng đồi núi miền Trung có một cô con gái mồ côi xinh đẹp, trí lực hơn người" (Chuyện cổ tích năm chín mươi lăm)... Có khi, chất cổ tích thể hiện yếu tố hoang đường, kì ảo phảng phất trong nhiều câu chuyện. Kết hợp với những điều đó là các chi tiết được điệp lại ở nhiều truyện ngắn như những mô típ trong truyện kể dân gian (dòng sông, bến nước, con thuyền, bóng đêm...) tạo nên ám ảnh trong lòng người đọc. Giọng kể trong truyện Đức Ban thường chậm rãi, rỉ rả, đượm một vẻ buồn vắng xa xôi, rất hợp với nội dung câu chuyện. Trong lời văn thuật chuyện, ta bắt gặp nhiều từ địa phương được sử dụng rất đắt, khiến tác phẩm toát lên phong vị riêng của một miền quê. Tuy nhiên, Đức Ban không lạm dụng điều này. Ông  có ý thức tìm tòi, sáng tạo từ ngữ, đặc biệt là những từ láy hiếm gặp, chẳng hạn: xõa xượi, lăm răm, đùi đụi, khuềnh khoàng, loạp roạp, rí rách, tung tinh, tốc tác, chuầy chòa... Với một ý thức sáng tạo như vậy trong nghệ thuật tự sự, có thể nói Đức Ban đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, yếu tố quan trọng góp phần hình thành phong cách cá nhân.

                                                                                                                                                          

1. Lê Văn Tùng, Đêm thức và những người không ngủ, Hồng Lĩnh.


Bình luận