logo

Lý luận phê bình

Tham luận Hội thảo" Giọt nước mắt màu đất"

Tôi sẽ nói đến việc đọc Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban. Đầu tiên là sự cảm phục. Đức Ban đã coi viết là nghiệp của mình nên không buông bút. Cứ tưởng sau mấy năm làm ông quản lý đầu ngành của tính, sau gần hai chục đầu sách đủ thể loại từ thiếu nhi, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết rồi kịch bản sân khấu, giải thưởng từ Trung ương đến địa phương, đủ cả;


  Tôi sẽ nói đến việc đọc Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban. Đầu tiên là sự cảm phục. Đức Ban đã coi viết là nghiệp của mình nên không buông bút. Cứ tưởng sau mấy năm làm ông quản lý đầu ngành của tính, sau gần hai chục đầu sách đủ thể loại từ thiếu nhi, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết rồi kịch bản sân khấu, giải thưởng từ Trung ương đến địa phương, đủ cả; danh như thế, phận như thế ở cái tỉnh lẻ như Hà Tĩnh ta, vào cái thời buổi kinh tế thị trường như thế, cũng coi là được rồi, thì nghỉ hưu anh có thể an nhàn mà chơi với cháu, rỗi thì gõ vài chân dung bạn bè để nhớ, hoặc ngao du đây đó… Nhưng hóa ra, anh vẫn đang kiên tâm viết. Viết là để trải lòng. Một đặc thù lao động trí óc, vừa phải chuyên tâm vừa phải cần cù, khổ ải. Thấy anh xuất hiện trên mặt báo, tạp chí đều đặn, đội ngũ văn xuôi Hà Tĩnh rất mừng. Có một cây bút như anh đang đồng hành là vững tâm có chỗ dựa. Điều này tôi nói là thật lòng. Bởi nhìn thẳng vào đời sống văn học đương đại, nhiều cây bút thành danh đã ít viết hẳn, viết văn, đặc biệt văn xuôi, thật khó khăn. Chưa nói đến việc in ấn, tiền nong, nội chỉ nhìn vào văn hóa đọc, trận địa chính của nhà văn thì hiện tượng xuống cấp này thật nản. Thật khó lòng động viên nhà văn cày cuốc trên cánh đồng văn chương mà sản phẩm không ai còn cần mấy nữa! Chính vì lẽ đó, mà khi Giọt nước mắt màu đất xuất hiện, anh em viết văn xuôi Hà Tĩnh chúng tôi rất mừng và cảm phục.

         Một điều cảm phục nữa là đọc ra trách nhiệm công dân của nhà văn Đức Ban khi cầm bút rất cao. Có thể thấy rõ trong Giọt nước mắt màu đất, trách nhiệm ấy.Trách nhiệm công dân của nhà văn là làm gì trong cái khái niệm quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước. Đức Ban đã chọn bối cảnh đương thời, trực diện với những sự tha hóa, xuống cấp, đánh mất bản thể, đánh mất quá khứ ngay trên những ngày anh đang chứng kiến đây, với trách nhiệm cao nhất của người cầm bút. Trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, tham nhũng tràn lan, văn hóa, đạo đức xuống cấp như các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã cảnh báo khắp cả nước, thì việc đối diện với thực trạng đó ở địa phương, bối cảnh nhà văn chọn, không là ngoại lệ. Phải có dũng khí mà đương đầu, mà chịu trách nhiệm khi trực diện. Những nhân vật anh hư cấu, những địa danh không có thật, người đọc có thể tìm ra nguyên mẫu bên mình, sát sạt, để làm cái việc phi văn chương là so sánh, tọc mạch tìm biết, đối chiếu, thậm chí dè bỉu. Điều mà nhiều nhà văn tránh né.

      Giọt nước mắt màu đất rỏ xuống số phận ông lão và đội người trồng rừng lấn biển. Cả đời giữ đất thì nay đã mất đất cho một dự án nào đó. Không chỉ mất đất, ông lão còn mất luôn cả người con gái ông yêu thương. Cô gái ra đi theo mộng đổi đời mà anh Phó tổng ngoại quốc vẽ ra. Có đổi được không nhưng cô chỉ về khi cơn bão mạnh chưa từng có tràn qua làng Yên Linh. Cơn cuồng nộ của thiên nhiên bởi sự bình yên bao đời bị tàn phá. Đến cả Mẫu Thượng thiên cũng bất lực, hay hùa theo? Cô về với thân hình mảnh khảnh, khác xa cô gái xinh đẹp hát thờ khi xưa, có thể cô đã bị bạc tình khi gã Phó tổng có vợ con nên cô chỉ là phận tôi tớ. Ông lão biết vậy chăng, mà khi cô gục xuống ngực cha, người ta thấy từ mắt ông nhỏ ra hai giọt nước mắt màu nâu đất. Lão khóc hay đất mẹ khóc?

     Từng tuôn giọt lệ mấy muôn năm, lấp cả con ngươi bởi bụi lầm (XD ), giọt nước mắt lầm bụi đất ấy cũng có thể rỏ xuống thân phận cô Rơi sống dưới gầm cầu, trong một gia đình từng cứu 3 người nhảy cầu tự tử và khâm lượm 2 người chết đuối. Sống lương thiện như thế lại bị cái thằng người phản phúc.Cái thằng người con một ông to nào đấy, đã từng được bà dìu về, không, lúc ấy hãy còn là chị Rơi 25 tuổi, dáng đậm, da trắng, ngực nở nhặt lên sau một cơn say xỉn, dặt dẹo trên cầu. Chị đã cho hắn nằm trên giường đang ấm hơi thân thể trinh nguyên của mình mà cởi áo, mở khóa thắt lưng mà tắm, mà làm những động tác như khi xưa cha chị cứu người chết đuối từng làm. Chị đã xúc động thánh thiện, bản năng  bao nhiêu thì khi tỉnh lại hắn lại thanh minh với cái giọng nhẹ tênh tênh bấy nhiêu. Thế rồi hắn lại mò xuống gầm cầu trong một đêm mưa rét khác. Lần này hắn không say mà xuống chiếm đoạt chị. Chị buông mình dâng hiến. Rồi chị lên gặp ông to ấy. Ông  to đã bằng giọng nhẹ tênh mà hứa sẽ về thăm, khi biết chị đã sẩy thai. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, chị Rơi đã thành bà lão lẩn thẩn, ăn xin ăn nhặt. Bao nhiều việc trên đời bà lão có thể quên, nhưng cái giọng nhẹ tênh của cái ông to trong ngày về khánh thành cầu mới và cho nổ phá cầu Giằng của bà thì bà nhớ. Bà đã nằm dán mình lên mặt cầu mà giữ. Bà làm sao giữ ! Rồi bà chết. Bà chết chỉ có gió mưa khóc bà (Người đàn bà bên cầu Giằng).

      Trong Giọt nước mắt màu đất gồm 9 truyện, thì đã có 4 nhân vật chính trong 4 câu chuyện, đã chết, phải chết. Tác giả đã để ông lão mất đất thiêng trên khu đất dự án có đền thờ Mẫu và bà lão giữ tình trên cái cầu xưa kia từng nương bóng, nay có cầu mới thì phải phá đi, chết là đúng rồi. Không làm được gì chống lại phường gian manh thì bất lực mà chết. Khóc cho họ, rỏ giọt nước mắt màu đất cho họ là cách xử lý đúng, không khác được. Nhưng đến cái chết của anh chàng Hân (Thăm thẳm rừng xanh), từ một anh cán bộ văn hóa không cam phận nghèo, bằng mọi cách lấy được người đẹp con ông chủ, lại khác. Hân trải qua những tháng năm vừa là chồng, vừa là vệ sỹ, là cửu vạn, bố vợ dạy cách làm giàu, rành rẽ trong thăm thẳm rừng xanh. Gìau có nhờ lách rừng, trốn biên phòng, chẳng may sa hẻm, thân tàn ma dại. Rồi Hân chết trong phòng ngủ trong khi vợ đang đãi tiệc tối với 13 tông đồ, tai to mặt nhẵn, có tắm táp hút xách, có khách ngủ quen vài ba hiệp mỗi đêm. Hân chết là đúng rồi, nhưng tôi cứ ngờ cái cô vợ người mẫu từng bỏ chồng đi hàng tháng làm ăn, rủ trai đến nhà còn cho 3 phút thì rũ ra thành bún, rồi coi chồng không còn sức chiến đấu mà ghen tuông thì khiếp. Cô vợ này đang hừng hực thế, khi cầm ly bia vào phòng ngủ của chồng thấy cảnh Hân bặn người đầu chúc xuống nền nhà thì: lạnh người, đưa tay ôm mặt, người đàn bà cắn răng để khỏi rú lên. Cái cung bậc của lạnh người, rồi đưa tay ôm mặt đã là cao trào rồi còn cắn răng để khỏi rú lên là tột cùng của cảm xúc người vợ khi chứng kiến cảnh tượng chồng mình chết. Cô này không xứng thế. Người quá ! Cô này chỉ còn một nửa thôi. Bởi thế thì phòng khách không thể ồn ào được nữa, rồi phải giải tán. Rồi chắc cô sẽ khác đi, mai ngày sẽ khác. Nhà văn đã nương tay... Có thể thay một chi tiết nhỏ, một hành vi nhỏ là sẽ khác. Nhưng thôi, đó là việc của tác giả Chuyện hãy còn…

 Đến cái chết của ông to làng Yên (Sóng bến Duyềnh) thì lại là chuyện khác nữa. Khác với 3 nhân vật trong 3 truyện ngắn nói trên, ông này chưa chết hẳn. Ông này vốn là con nhà, biết nắm thời cơ, làm phân ủ, làm bèo hoa dâu, kêu gọi cả làng  phá đình, phá chùa chống tàn dư chế độ cũ rồi phá cả thượng điện nhà thờ cụ tổ Đào Thinh của mình. Rồi ông lên làm to, làm chính khách. Làm to thì ông chỉ thị làm lại di tích lịch sử văn hóa cho cụ tổ Đào Thinh mà ông từng phá. Ông mở tiệc khoản đãi, rượu bia như suối, tay sáu ngón nhoáy điện thoại tanh tách. Bao nhiêu là quan khách tay chân, cô áo đỏ, cô áo trắng đẹp như tranh vẽ tận tình phục từ A đến Z. Nhưng nghiệp chướng đã đến với ông từ cái cô áo đỏ có miệng và đường lông mày giống ông. Cô ấy chụp hình ghi âm sao đó rồi tung ra. Thế là ông, một ông to đã bị hội săn bắt sếp bắn hạ. Thân bại danh liệt ông về quê. Ông ôm quần áo ra nhà thờ tổ Đào Thinh sống những ngày mù lòa sám hối. Rồi ông ngã, đầu va vào đá, đi viện. Anh nhà văn trong truyện thì cho là ông ngã ở bậc đá bến đò Duyềnh nơi ông xưa từng ân ái với chị Lài chèo đò mà đẻ ra cô áo đỏ. Nhà văn Đức Ban viết vậy thì tôi cho là ông chết. Ông ấy chưa được chết đâu. Nên phải sống để chứng kiến, mà dày vò thêm thì họa may mới xưng đỡ tội. Chết là may cho ông !

Trong Gịot nước mắt màu đất, có một vấn đề mà nhà văn đau xót không thể rỏ được nước mắt ấy là tình trạng xuống cấp, xập xệ, sa đọa của đời sống, nhất là đời sống văn hóa. Trong 9 truyện thì truyện nào cũng có. Từng có năm làm cán bộ văn hóa phong trào, trưởng thành lên trong nghiệp viết, lại có mấy năm làm quản lý, Đức Ban thông thuộc các mặt phải trái của công cuộc xây dựng đời sống văn hóa hôm nay. Nhưng nhìn vào thực trạng thì thật nản. Có di tích thì không được bảo vệ, có di tích thì có cái tên với lời truyền khẩu, còn ruột rỗng, sử sách thì thời thế này, thời thế khác, chân dung đức vua thì thuê người khác vẽ, đức tin chỉ là thứ sương lờ mờ váng vất trong tiềm thức, cả đến bậc giáo sư thì xem cổ vật cũng chỉ xem cho biết, hời hợt (Lối trong rừng). Còn những cá thể nhận lãnh trách nhiệm của ngành văn hóa thì mỗi người mỗi phận. Anh nhà văn thì làm cảnh, tán tụng lãnh đạo (Sóng bến Duyềnh). Anh họa sỹ vắt sức ra vẽ, tô đẹp cho đời thì nghèo khổ, vợ bỏ, sống mà không biết ngày mai, chẳng biết rồi sẽ đi đâu (Trong mưa). Người thì bỏ nghề mong đổi đời để chơi, để hưởng thụ như Hân, người thì như Trần Gỉảng (Thăm thẳm rừng xanh), hôm trước còn chửi bới lão Thọ buôn lậu, sau lại phải nghỉ hưu trước tuổi vì dính vào buôn xương hổ cho lão. Rồi ra anh gác chợ cho lão ấy, với dáng cúi đầu đi đùi đụi về chợ biên giới . Thật thảm.

      Từ cái xuống cấp thảm hại ấy nên mới xẩy ra những tệ nạn quan tham, Đương chức đã tính đến cất giữ chiếm đoạt cả lô đất 13 trên cái khu Kẻ Xá xa xôi (Chốn xưa), hay tìm chức cho con sau những ngày dặt dẹo của bố ông to sau phá cầu Giằng (Người đàn bà bên cầu Giằng.) Từ những bữa tiệc sa đọa của người vợ sặc mùi xác thịt bên cạnh anh chồng đang sống mà coi như đã chết của người đẹp Ngọc Diệu (Thăm thẳm rừng xanh) tới tiệc rượu hành lạc của ông nạn nhân săn bắt sếp…( Sóng bến Duyềnh ) thẩy đều đáng lên án. Ngòi bút Đức Ban đã bật tung những thói tật phi văn hóa này. Và cho đến cảnh cô chủ giàu có biết đi tìm người giỏi chăm chồng ốm, người tiêu biểu mà báo đài đưa tin, để chăm con chó ốm – chàng Pin của cô (Nước chảy) thì hết nói rồi. Chi tiết này đắt hơn bao lời bàn luận về sự suy đồi, xuống cấp của đạo đức, lối sống trưởng giả! Nó xứng là biểu tượng của sự sa đọa đạo đức một cách rất văn hóa thị trường đáng lên án hôm nay !

     Và có một điều nữa tôi đọc được ở Gịot nước mắt màu đất của Đức Ban mà anh thâm trầm lên án. Đó là thói vô cảm. Vô cảm không chịu được. Không chịu được với mọi chuyện chung quanh. Vô cảm với nỗi mình, nỗi người. Trong truyện ngắn Trong mưa anh đặt đầu sách, sự vô cảm đặc quánh. Chẳng ai muốn biết đến ai, thân ai nấy biết, biết nhau đấy mà không muốn biết, muốn ngoảnh mặt làm ngơ, giơ tay lên định vẫy nhưng rồi lại thôi. Ngoài cái việc lên án sự bội nghĩa, truyện còn đẩy cao trào của sự vô cảm, đến nỗi nhân vật tôi khi hỏi cô mặc váy: có chuyện gì vậy? thì cô ấy đã ráo hoảnh: Không dính dáng gì đến ông. Thật hết nói, nhưng cũng chưa hết khi nhân vật tôi ấy cũng thốt lên : Không chịu được! Tôi lẩm bẩm và lắc đầu như một phản xạ! Thành phản xạ mất rồi, thế là bản năng. Bản năng ấy đã nuôi cái mầm vô cảm không chịu được không phải cách phản kháng mà đã vô tình thụ động thúc tội ác mọc lên. Không chịu được mà không nói nữa, không phản biện, là căn bệnh trầm kha. Đến cả như bậc quân vương Hàm Nghi mà trên khuôn mặt của ngài thấy rõ nét bình thản dửng dưng trước sự việc vừa xẩy ra trước mắt, thậm chí không đoái hoài thì thôi rồi. Cũng vô cảm đấy thôi. Thế thì còn trông cậy vào đâu ?

      Gập sách lại, tôi bắt gặp trên bìa 4 Gịot nước mắt màu đất, lời bình của nhà văn và tác phẩm sau phần biểu dương những đóng góp đáng kể của Đức Ban về mặt thể tài còn ở chỗ dù kể về báu vật vu vơ đã mất, về văn hóa khi bị kinh tế xâm lăng... còn thoáng nỗi buồn tỉnh lẻ như một dư vị không hết. Tôi nghĩ thêm, nếu sống cùng các nhân vật của Đức Ban thì nỗi buồn không chỉ thoáng mà nó sộc lên, nó khía vào trái tim ta. Nó mạnh và sắc.

      Còn nói đến phép nén bút qua dẫn truyện, qua lời thoại thì cũng xin có lời bàn thêm với anh. Đức Ban là người khéo dựng truyện, kể cả truyện không có chuyện, hoặc truyện trong truyện. Nhưng có nhiều nhân vật thì anh cần chăm chút hơn. Nhân vật Võ My (Chốn xưa) là một thí dụ. Giá anh ảo hóa con người này, không tên chẳng hạn.Trong không gian mờ một cách cố ý đó, cái tên trần trụi ấy xuất hiện, nó đòi chi tiết. Điều này nó sẽ làm đục không khí đang rất đẹp của một cách viết huyền ảo hiện thực của anh; nó làm vỡ không khí văn chương. Các nhân vật trong Bên đường phố cũng vậy, nhân vật ồn ào, tùy tiện. Hình tượng chú Huyên cũng không thuyết phục. Vì thế, nên khi đọc Chốn xưa và Bên đường phố, thấy nỗi buồn xưa và nay đều chưa đúng độ để bạn đọc váng vất. Theo tôi, nếu dụng công hơn chút nữa, hai truyện ngắn này sẽ là hai truyện của dài lâu, nó thoát được cái tính thời sự của những câu chuyện khác.

Có truyện anh dụng công khi hơi lãng phí văn liệu như đoạn trích về sự tích nàng Len, dài, làm mất cân đối của truyện.

      Về lời thoại thì anh có thế mạnh khi các nhân vật có chữ nghĩa phát ngôn. Đặc sắc nhất là Trong mưa. Nhưng ở các truyện khác thì các nhân vật của anh nói năng với nhau chưa thuyết phục. Như đã nói, Đức Ban giỏi về lời thoại, dùng thoại thay miêu tả, diễn biến tâm trạng v.v.. như một sáng tạo của anh, thì ở một vài truyện, anh đã lấn sân nhân vật. Cái việc dùng thứ ngôn ngữ làm nổi bật tính cách nhân vật, làm không khí cương lên, không thật. Sử dụng phương cách này chỉ thành công ở một số trường đoạn ở những ngữ cảnh nhất định của những nhân vật nhất định, nếu lạm dụng, nó gây cho ta cản giác quen, như đã đọc rồi, vì vậy hứng thú sẽ giảm đi.

      Trên đây là những cảm nghĩ của tôi khi đọc Gịot nước mắt màu đất với tư cách một bạn đọc, bạn viết bền bỉ của nhà văn Đức Ban. Là bạn bè trao đổi chuyện viết lách với nhau. Còn bàn về nghệ thuật, thủ pháp, thi pháp thế giới truyện ngắn truyện dài của anh, là của các nhà văn, nhà lý luận phê bình chuyên sâu.

      Xin cảm ơn!      

                                              Thổ Sơn, tiết Sương giáng.

                                                                 T.Đ.T

                 

 NỖI LO KÝ ỨC VÀ CẤU TRÚC TRẦN THUẬT

(Đọc tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban)

                                      NGUYỄN MẠNH HÀ

Trước áp lực của quá trình đầu tư phát triển và tư tưởng duy lợi, con người thường xem nhẹ ký ức. Bằng đầu óc suy lý, con người tự xây dựng ý chí mạnh mẽ để tiến về phía trước. Điều ấy đã làm tổn thương quá khứ, thậm chí cắt lìa quá khứ với thực tại. Hậu quả của quá trình “xóa nhòa - thay thế” ấy là sự đơn điệu trong tâm hồn mà biểu hiện rõ nhất là cách hiểu đơn giản hóa về ý nghĩa của các giá trị cấu thành nhân cách văn hóa. Quan sát những xung đột thầm lặng của quá trình ấy, Đức Ban đã chuyển tải một cách kín kẽ qua tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất. Điều đáng nói trong tập truyện ngắn này, theo tôi, một mặt là “bè chìm” của câu chuyện, mặt khác, quan trọng hơn, là cách tổ chức trần thuật - một nỗ lực làm mới mình trước những gì đã định hình của nhà văn.

Câu chuyện trong Giọt nước mắt màu đất là những vấn đề hệ trọng mang tính thời sự về mỗi vùng quê, mỗi con người trong giai đoạn hiện nay. Nỗi lo lắng đánh mất ký ức được tác giả Đức Ban chuyển tải thông qua vùng đất bị xới tung, làm mới, bất chấp quá khứ của nó; thông qua câu chuyện về những giá trị mang tính tâm. Dưới góc độ cá nhân, tôi hứng thú với cách tiếp cận này, về cả lối phản ánh trực tiếp cũng như lối tiếp cận vào chiều sâu tâm linh, văn hóa. Có thể dễ dàng nắm bắt điều này qua truyện ngắn nói về việc triển khai dự án “bất chấp” ký ức của đất (Chốn xưa, Giọt nước mắt màu đất), nói về xây dựng cây cầu mới xóa hẳn những ngày xưa cũ, gắn với sự phục sinh và sự kỳ vọng của một con người biết nâng niu những giá trị nhân văn (Người đàn bà bên cầu Giằng), nói về những niềm tin đã trở thành tín ngưỡng nhưng bị… “đánh cắp” (Lối trong rừng). Tựu trung, 9 truyện ngắn trong tập truyện nêu trên của Đức Ban bàn về sự xung đột giữa cái mới và cái cũ. Nhưng, lưu ý, đây là xung đột giá trị, chủ yếu là những giá cấu thành nhân cách, tâm hồn con người, không phải là những xung đột hành động, ý chí theo kiểu trực tiếp như trong tác phẩm kịch. Chẳng phải vậy mà các truyện ngắn khác vẫn đầy ắp sự đau đớn trước những con người cụ thể mang tâm huyết về giá trị làm người, giàu lòng nhân ái nhưng trở thành nạn nhân của sự xúc phạm. Truyện Nước chảy là câu chuyện về đức tính của người phụ nữ tận tụy, hi sinh, chăm lo cho chồng trở thành người được chọn, thuê chăm sóc chó. Truyện Trong mưa là câu chuyện về một con người không thể chấp nhận những con người xung quanh, tựu trung là môi trường lai tạp, nhốn nháo, vô cảm với nội tâm con người. Truyện Bên đường phố là sự xung đột ghê gớm của những giá trị nhân văn với xu thế mưu cầu lợi ích, trọng vật chất trong xã hội. Dĩ nhiên, trong đó, nhà văn phải cụ thể hóa bằng hình ảnh trí thức. Lúc này, câu chuyện về sự thất bại của trí thức trong thời hiện đại đã được chuyển tải.

Theo dõi mục lục của tập truyện, 9 truyện chỉ có 3 truyện nhan đề nêu khá cụ thể về địa danh, về vấn đề (Sóng Bến Duềnh, Người đàn bà bên Cầu Giằng, Giọt nước mắt màu đất), số còn lại không xác định cụ thể, thậm chí mơ hồ, ước lệ nhưng gợi lên một nghĩa biểu trưng, liên quan đến mối quan hệ cũ – mới như nêu trên. Sự không xác định này, theo tôi, ngay cả khi nhà văn không dụng ý, đã chuyển tải ý nghĩa về tính phổ biến, tính vấn đề của nó. Ta có thể dẫn dụ để làm sáng rõ. Lối trong rừng không xác định là rừng nào, nhưng nó gợi đến những lối đi tù mù, dễ thất lạc trong lựa chọn nhân sinh, bởi lối trong rừng lúc nào cũng dễ lạc. Chốn xưa là chốn cũ, không xác định ở đâu, nhưng nó gợi đến những miền đất gắn với kỷ niệm mà nay con người cụ thể nào đó đã phải chia xa. Bên đường phố là không rõ là phố nào nhưng gợi lên sự lạc lõng của con người giữa các lối đi trong quỹ đạo phát triển của xã hội… Việc đặt nhan đề của tác phẩm, ngay từ đầu đã cho thấy cách tổ chức trần thuật và dụng ý chuyển tải ý nghĩa, thông điệp của truyện, khác với lối tiếp cận trước đây của nhà văn như: Cô Tề làng tôi, Đền thờ Đức Thánh Mẫu, kể cả Đêm thức, Hoa bần, Bến tắm dầu không rõ về địa chỉ cụ thể nhưng không gợi được nghĩa biểu trưng.

Với những nỗi niềm ưu tư về giá trị cũ, về các giá trị làm người, Đức Ban đã chuyển tải khá thành công trong cấu trúc trần thuật của tập truyện Giọt nước mắt màu đất. 9 truyện ngắn cho thấy những nỗ lực trong tổ chức trần thuật với mục đích làm mới chính mình của tác giả. Một đặc điểm dễ thấy trong các truyện ngắn này là cách xây dựng nhân vật theo hướng nhân vật – vấn đề. Nếu chủ nghĩa cổ điển ưa thích những con người cụ thể, có đặc điểm tính cách, thân phận, thậm chí có giai cấp, có số phận thì chủ nghĩa hiện đại ưa thích những vấn đề hiện sinh, những trạng thái của con người. Khác với những cô Tề, ông Đa, con Nợi (trong Cô Tề làng tôi và Đền thờ Đức Thánh Mẫu), những người “đàn ông gầy”, “ông”, “Giáo sư”, … (trong Trong mưa, Giọt nước mắt màu đất, Lối trong rừng) là những nhân vật theo kiểu … “thủ vai”.  Vai mà các nhân vật phải đóng ở đây là các vấn đề liên quan đến con người, cụ thể hơn là các vấn đề liên quan đến chức phận của họ: Giáo sư - nhà trí thức trong ứng xử với giá trị tâm linh (Lối của rừng), ông lão - nông dân hồn hậu, chất phác ứng xử với giá trị của làng Yên Linh (Giọt nước mắt màu đất), người đàn ông gầy - một trí thức đầy trăn trở nhưng thất bại trong nỗ lực cứu vãn giá trị tạo thành tâm hồn con người, thất bại trong sự hiện tồn của chính ông (Trong mưa)… Ngay cả chú Huyên trong Bên đường phố dầu có tên tuổi nhưng số phận không cụ thể, là một kiểu trí thức thất bại vì tâm huyết ở đời, thậm chí khốn khổ hơn, vì tâm huyết nên thất bại. Cay đắng của sự thất bại ở chú Huyên là trở thành “người xa lạ” với xung quanh, bị xung quanh xa lánh, cuối cùng chú Huyên sống trong mỏi mòn trí lực. Kiểu nhân vật vấn đề là xu thế trần thuật của văn chương hiện đại. Người có công khai màn cho lối trần thuật này trên thế giới là Kafka khi Kafka xây dựng trong tác phẩm nhân vật K. không xác định. Sau 1986, ở Việt Nam, người tổ chức trần thuật theo hướng này rõ ràng nhất là Phạm Thị Hoài. Xu hướng này gần đây đã phổ biến và có biểu hiện trung hòa hơn, ở chỗ, các tác giả không đặt tên ước định cho nhân vật mà đặt tên theo lối phiếm chỉ (hắn, ông, thị, giáo sư…) hoặc đặt tên thật nhưng vấn đề của nhân vật lại là vấn đề xóa nhòa số phận và tên gọi của chính nó.

Cùng với hướng tiếp cận từ nhân vật, tác giả Đức Ban đã có cách tiếp cận khác về đối thoại. Đối thoại là muôn thuở của tự sự nhưng xây dựng đối thoại như thế nào để trở thành chức năng trần thuật thì phải “chờ” vào nỗ lực của nhà văn. Ở đây, chúng tôi hiểu chức năng trần thuật của đối thoại trên các bình diện căn bản: đối thoại không chỉ hướng đến người đối thoại trực tiếp (người tham gia hội thoại); đối thoại có chức năng cấu thành nội dung chỉnh thể tác phẩm. Điều này chúng tôi nhằm phân biệt với dạng thức đối thoại theo lối truyền thống: đối thoại chỉ làm rõ một phẩm chất, một biểu cảm của nhân vật. 9 truyện ngắn trong tập Giọt nước mắt màu đất cho thấy dụng công trong tổ chức đối thoại. Ở đó, các nhân vật vừa hướng đến nhau trong lượt lời vừa hướng vào nội tâm theo cách biệt lập hóa. Hãy lắng nghe cuộc đối thoại trong Trong mưa:

“- Ở nhà anh cũng thế à? Tôi hỏi.

- Là sao? Hắn hỏi, vẻ ngơ ngác

- Là cứ lắc đầu và cáu kỉnh ấy.

- Nhà tôi cũng ở cõi này.”

Lời người đàn ông ở đây rõ ràng không nhằm xây dựng mối quan hệ giữa ông ta và nhân vật “tôi”. Thay vào đó, ông hướng vào nội tâm nói những nỗi đau khổ, dằn vặt. Lời cuối cùng, đó là sự bất mãn với cuộc đời, như chính sự bất mãn giành cho xung quanh như: cô gái, người đàn ông mặc com lê…

Hoặc có thể kiểm chứng bằng một mẫu đối thoại được tổ chức theo dạng có lời người trần thuật tham gia dẫn truyện trong Bên đường phố: “Chú Huyên nói, trừ thằng Nhu (Nhu là tên tôi) và thằng Hà có học ra còn chú Thắng, chú Duệ làm thân thợ, sướng. Mấy đứa ngớ ra không hiểu. Lúc sau chú nói, người có ba con chữ thương mơ mộng, nghĩ ngợi, giải bày vu vơ, đề cái này, xướng cái kia rồi dằn vặt vì nó… rốt cuộc thân làm khổ mình. Tôi dè dặt nói, có phải ai nhiều chữ cũng khổ đâu”. Ở đây, nhân vật chú Huyên hướng đến trong lời thoại không phải là đám thợ mà là bản thân khi chú đã trải qua sóng gió, chiêm nghiệm. Xa hơn, lời của chú Huyên hướng đến thân phận trí thức trong thời buổi các giá trị có xu hướng bị đảo lộn. Lời của chú Huyên trong nhiều đoạn đối thoại đã đóng vai trò tham gia trực tiếp vào tổ chức trần thuật, tạo thành ý nghĩa của truyện như đã nói trên chứ không đơn thuần chỉ là làm rõ tính cách của một con người.

Lối đối thoại theo hướng không cùng nhau xây dựng quan hệ như trên đã cho thấy sự lạc lõng về liên kết giữa con người và con người trong xã hội hiện đại. Ở đó, mỗi người thường chạy theo một ý nghĩ riêng, sự đối thoại bằng lời đã hóa thân thành hướng nội, bộc lộ chiều sâu bên trong. Lúc này quan hệ giữa con người và con người hết sức lỏng lẻo và rời rạc. Trong truyện ngắn Đức Ban, sự lỏng lẻo này hầu như là do các nhân vật xung đột nhau trước các vấn đề nhân văn. Chú Huyên và đám thợ trong Bên đường phố là xung đột gián tiếp giữa trí thức và xu hướng nhận thức của xã hội; bà lão và Diễm My trong Chốn xưa là xung đột giữa nỗi lòng giành cho chốn cũ với nỗ lực khai thác dự án bất chấp ký ức của đất.

Ngoài xu hướng trên, đối thoại trong truyện ngắn Đức Ban còn được xây dựng theo hướng triết lí hóa. Nhân vật thường có xu hướng chiêm nghiệm và triết lí. Đây cũng là một biểu hiện của chức năng trần thuật khi xu hướng triết lí ấy có giá trị tác động mạnh đến nhân tâm, nhất là vấn đề về ký ức. Chẳng hạn lời của bà lão nói với Võ My trong Chốn xưa: “Bị quên đi, bị xóa đi - bà lão nói. Trên đời này có nhiều thứ bị xóa đi, bị quên đi. Tất cả bởi cái tâm con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không thấy nhau, không cần nhau”. Hay lời của Cố Đạo trong Lối trong rừng: “Đời này nó phức tạp như lối trong rừng, con người thì đủ thói hư tật xấu, ngài làm sao mà thông tỏ hết mọi sự”… Lời của bà lão nói với Võ My là lời hướng đến sự phũ phàng của những thế lực, sẵn sàng “cày” lên các vỉa tầng văn hóa mà cụ thể là quần thể làng, tín ngưỡng hồn ma. Hậu quả của nỗ lực ấy là buộc dân làng phải di dời, các hồn ma thì vất vưởng, lưu luyến. Lời của Cố Đạo nói với Giáo sư là lời đối thoại giàu tính triết học về các lựa chọn nhân sinh mà cụ thể là tín ngưỡng. Vị Giáo sư đại diện cho khoa học, thuần túy khách quan; Cố Đạo đại diện cho niềm tin, sự cứu rỗi, thứ làm nên tâm hồn. Khoa học phát triển đã giải thiêng và lí giải nhiều sự ở đời nhưng chính nó đã làm khô khốc tâm hồn, có khi giải thiêng cả những tín điều, lễ nghi, phong tục, đối thoại với niềm tin. Lời của Cố Đạo nói trên vừa đối thoại với Giáo sư vừa khẳng định chân lí của những điều tưởng là lạc hậu, cũ kỹ, mê tín - đấy là niềm tin của con người vào các giá trị do cộng đồng, các thế hệ đi trước tạo dựng, đã định hình rõ nét. Chính các mẫu đối thoại như vậy đã làm nên sự xung đột trong ứng xử, lựa chọn giữa lý tính và cảm xúc, tâm linh, để rồi giá trị của truyện ngắn đạt đến mức cao điểm khi báu vật bị đánh cắp, còn Giáo sư và Cố Đạo lại đối thoại lượt lời cuối cùng vẫn theo hướng khách quan khoa học và tâm linh, tín ngưỡng. Với quan điểm của tôi, đây là truyện ngắn rất sâu sắc, có nhiều điều đáng lưu ý, nhất là ứng xử với vấn đề rất nan giải đó là tâm linh. Nếu người đọc biết hệ thống hóa có thể thấy những hành động, phát ngôn của Cố Đạo là hết sức chú ý: ông đính chính lời giáo sư khi giáo sư nói “mấy con voi”, ông nói là “báu vật”, ông bảo có thể nhìn nhưng không thấy, rồi nữa ông hành động mang hình thức lễ nghi tôn giáo: “… Cố Đạo mặc áo đỏ, quần đỏ, khăn đóng màu đen trên đầu đang đứng lặng yên trước cánh cửa mờ vào bàn thờ vua Hàm Nghi. Trên tay ông một bó hương nghi ngút khói tỏa…”. Điều đáng nói ở truyện ngắn này là tổ chức trần thuật thông qua đối thoại, xu hướng đối thoại vừa hướng nội, vừa triết lí nhằm khẳng định những giá trị mà mỗi người tin chắc (cụ thể là Cố Đạo và Giáo sư).

Ngoài những đặc điểm trên, nỗi lo lắng về ký ức còn được tác giả chuyển tải thông qua hình thức kết thúc mở. Kết thúc mở trong các truyện ngắn này là các khả năng xảy ra của tình huống. Nó cho thấy xung đột giữa giá trị cũ, giá trị ký ức và cái mới chưa có kết cục cuối cùng. Cái giá phải trả là rất nhiều cho các lựa chọn, dầu cho sự tiếc nuối và xu hướng ủng hộ giá trị xưa của tác giả là khá rõ. Ở truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất, nỗi dằn vặt, đau đớn của ông cụ trước làng Yên Linh bị chiếm đoạt, người con gái yêu thích giá trị cũ (hầu đồng tại Đền Thánh Mẫu) đã biến thành một cô gái xa lạ trong chính ngôi nhà năm xưa, cuối cùng ông cụ chết, đó không phải là sự chiến thắng trước cái mới nhưng cũng không phải cái mới chiến thắng giá trị cũ. Dĩ nhiên, giá trị của tác phẩm nằm ở thông điệp như lời ông cụ “Bình yên no ấm chưa thấy thì cứ tin, cứ tự nhủ là rồi nó sẽ đến. Và người ta bằng lòng, người ta vui vẻ hy vọng. Bao đời, bao người đã thế”. Dầu vậy, sự xung đột của tác phẩm vẫn là chưa ngả ngũ. Tương tự ở truyện Lối trong rừng, dầu thiên hướng khá rõ nhưng tác giả để cho câu chuyện dừng lại khi 2 nhân vật chính đối thoại và Giáo sư nhìn lên bàn thơ, tượng vua Hàm Nghi vẫn vô cảm với mọi sự diễn ra trước mặt. Truyện Người đàn bà bên Cầu Giằng kết thúc như một khả năng khi lời kết là những dòng ghi chép của bà thôn trưởng. Đó cũng có thể là giá phải trả của người đàn ông cũng có thể không khi tác giả không đưa ra một lời kết có tính khẳng định. Hay như hành động hoảng loạn ở phần kết thúc truyện của người đàn bà cảm nhận rõ sự cay đắng, bị xúc phạm khủng khiếp nhưng theo kiểu họ đã “đúng một cách khốn kiếp” (Nguyễn Huy Thiệp) trong truyện Nước chảy…  Lối kết thúc mở là lối kết thúc của truyện ngắn hiện đại. Ở đó, thông qua các khả năng, các tác giả buộc người đọc phải tham gia vào việc kiến tạo tác phẩm. Lúc này, xuất hiện quan hệ đối thoại vượt ra ngoài văn bản tác phẩm giữa độc giả và nhà văn. Ý nghĩa của truyện gợi mở nhiều ý hướng. Bởi vậy, ngay cả sự xung đột giữa giá trị cũ - giá trị mới trong đó bao hàm là nỗi lo mất mát ký ức cũng không được tác giả trình bày một cách rõ ràng, quan điểm về xung đột được giấu kín. Dĩ nhiên, như tôi nói ở trên, thiên hướng lựa chọn của tác giả là khá rõ. Và đó cũng chính là thông điệp nằm trong tên gọi: Giọt nước mắt màu đất.

Trên những khía cạnh đã phân tích, với tôi, tập truyện Giọt nước mắt màu đất là tập truyện khá thành công của tác giả. Nó cho thấy sự vận động của tác giả trong quá trình tổ chức trần thuật trong truyện ngắn. Đấy cũng chính là điều quan tâm nhất của tôi, bởi nó cho thấy đâu là cách thể hiện mới của một người đã cầm bút lâu năm. Dĩ nhiên, đề tài cũng là rất quan trọng, bởi đề tài cho thấy sự hấp thu chất liệu xã hội của tác giả, nhất là trước các vấn đề hệ trọng như đầu tư phát triển, khoa học và tâm linh. Dẫu sự mới mẻ và thành công là nổi trội, tuy nhiên, ở một số truyện ngắn, tác giả vẫn bộc lộ sự gượng gạo trong tạo dựng cốt truyện và tổ chức trần thuật như: Nước chảy, Trong mưa..

                                                      Hà Tĩnh, 31/10/2014

                                                                                  N.M.H

ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHẬN NGƯỜI

TRONG "GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT" CỦA ĐỨC BAN

                                                PHAN TRUNG HIẾU

  Phải mất ba lần đọc, tôi mới gấp lại được trang cuối cùng tập truyện ngắn " Giọt nước mắt màu đất" của nhà văn Đức Ban. Có vài lý do để biện minh nhưng có một nguyên nhân khác đáng để nói ra: Hình như truyện ngắn của Đức Ban đa phần thuộc loại khó nhằn, đọc mệt, đọc để rồi ngẫm nghĩ mà sáng ra cái sự lẽ, cái ý đồ muốn gửi gắm của tác giả lại còn mệt hơn.

  Mỗi nhà văn có một phong cách, chọn một lối đi của riêng mình. Lối đi của Đức Ban là lối đi trong "sương mù chưa tan", trong "thăm thẳm rừng xanh".  Người đọc cũng có nhiều gu, nhiều cách để tiếp cận, có người thích truyện này mà chẳng thích truyện kia cũng là lẽ thường tình. Với tôi cũng vậy nhưng có một điều chung muốn được bàn thêm, đó là bóng dáng đời sống xã hội và những phận người mà nhà văn đã mang đến cho người đọc.

  Hiện thực cuộc sống trong không gian và thời gian nghệ thuật ở truyện ngắn Đức Ban thật rộng và dài. Cái lát cắt theo lý thuyết trong truyện ngắn của nhà văn không đơn giản một chiều và dễ đối sánh. Đôi khi nó là một vòng tròn mê ảo được viết theo cảm thức, phát triển theo tính cách nhân vật và những điểm nhấn của đời người. Từ cõi âm sang cõi dương, từ quá khứ xa lắc xa lư đến cái thực tại còn nóng hổi như vừa mới được nhà văn sao chụp lại. Bối cảnh trong các truyện ngắn được mô tả từ không gian rộng lớn của đô thị phồn hoa cho đến các làng quê heo hút. Những nhân vật - thân phận, kiếp người mà nhà văn nhắc tới có thể là " Ông" nào đó thuộc hàng quan chức cỡ bự ở tỉnh, người lắm chữ, kẻ nhiều quyền cho đến những con người bần hàn, héo hắt bên lề phố.

  Với một vốn sống phong phú và một khả năng biểu đạt tinh tế, đa thanh, đa hình, lắm tầng nghĩa, tác phẩm của Đức Ban đã tiếp cận hiện thực từ nhiều góc độ.  Nhà văn luôn quan tâm đề cập đến đời sống xã hội với những mảng khuất với một bút pháp có khả năng tạo được hiệu ứng thẩm mỹ. Đời sống xã hội rối rắm, đa chiều được trình bày qua lối kể chuyện nhiều tầng nấc, lắm chuyện mang không khí ma mị, huyễn hoặc, " ong ong u u" . Tính hiện đại ở tác phẩm được thể hiện ở sự kết hợp các yếu tố hữu thức với vô thức. Kết cấu trong truyện ngắn Đức Ban nhìn chung  khá độc đáo. Lối kết cấu đa dạng được cộng hưởng bằng một giọng văn đa sắc đưa đến  cho người đọc nhiều ngẫm ngợi mang chiều sâu triết lý.

 Bối cảnh của những câu chuyện nhà văn thường được gắn ( hay gợi cho người đọc) về một địa danh cụ thể nào đấy trên địa bàn Hà Tĩnh. " Thăm thẳm rừng xanh" gợi tới vùng đồi núi Hương Sơn, " Lối trong rừng" gắn với câu chuyện kỳ bí của vùng núi Hương Khê, " Giọt nước mắt màu đất"  lại là phác họa có tính cảnh báo về những chuyển động mới tại vùng đất Vũng Áng, Kỳ Anh, " Bên đường phố" được soi từ những góc khuất của một thành phố trẻ.

  Xuất hiện trong những bối cảnh ấy là những nhân vật được nhà văn chọn lựa hứng chịu nhiều va đập để phát lộ ra cái chủ ý của người viết. Là số phận chênh chao và cái kết cục bi thảm của cha con ông lão miền biển Yên Linh gắn với sự đảo lộn môi trường sống, là hành tung có chút bí ẩn của vị GS và cha con cố đạo ở Gia Ninh trong việc gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa ở " Lối trong rừng", là thân phận trí thức không tìm ra chỗ đứng trong xã hội của chú Huyên cùng đám thợ trẻ với những ước mơ giản dị đời thường, là người đàn bà bạc mệnh bị hắt hủi, bỏ rơi bên cầu Giằng - một góc của thị trấn mới mọc lên với sự "nhốn nháo, lừa lọc, đểu giả, giành giật chảy vào khắp mọi ngõ ngách làng", là Ngọc Diệu - người đàn bà giàu có, như một thách thức bí ẩn trong " Thăm thẳm rừng xanh"…

        Trong cơ chế thị trường, sự tha hoá đạo đức, sự cám dỗ của đời sống vật chất đã len vào phá hoại những quan hệ truyền thống giữa người và người vốn ngàn năm nay luôn tựa vào đạo lý. Từ chi tiết để tạo tình huống, từ tính cách mà nảy sinh số phận.  Ngòi bút của một nhà văn lắm ngón nghề cứ thế mà bóc dần lớp vỏ để lộ cái hiện thực ngổn ngang. Truyện " Giọt nước mắt màu đất" được lấy làm tên chung cho cả tập kể về số phận của những con người bé nhỏ của một làng chài ven biển đối diện với những thay đổi môi trường trong quá trình CNH- HĐH. Kết cục câu chuyện khá bi thảm: số phận của những người dân bị đánh bật gốc ra khỏi môi trường sống quen thuộc, bị hút vào dòng xoáy đầy ma lực của đồng tiền, nơi đạo lý không còn nơi neo giữ. CNH- HĐH là xu thế không thể khác để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên giàu mạnh nhưng tiềm ẩn sau đó những nguy cơ khủng khiếp, con người bị mất môi trường sống: mất rừng phi lao chắn sóng, mất đền Thánh Mẫu - chỗ dựa trong đời sống tâm linh, mất luôn những con người vốn chân chất, hiền lành, ngoan ngoãn tin vào những điều huyền bí…. Hình ảnh những cây phi lao " bám rễ vào cát lớn lên một cách khó nhọc nhưng mà bền bỉ đến lì lợm"  được tác giả ví " nó như bản chất của việc dân chúng đang làm, biểu hiện lòng mong mỏi bình yên và ý thức làm chủ làng xã". Thật ra, cũng chẳng cần phải diễn đạt thêm ra như vậy. Người đọc hiểu số phận những cây phi lao trồng ven biển cùng chung cảnh ngộ, tựa số phận của những dân quê sống ở đất này, như đứa con gái xinh đẹp mà ông dốc lòng nuôi nấng chăm bẵm và hy vọng. Thế nhưng, trong cuộc sống bình yên và có phần buồn tẻ ấy, vẫn phấp phỏng một tương lai u ám khi đứa con gái của ông không biết làm gì ngoài việc lên đền viết sớ, hầu đồng. Khu CN ra đời đã đảo lộn tất cả. Rừng phi lao bị chặt hạ, "làng Yên Linh trở nên trần truồng trước biển". Cũng như rất nhiều người khác trong làng, con gái của ông bỏ đến làm ở khu CN và " sập bẫy", làm người tình, rồi bỏ ra đi xa làm kẻ hầu người hạ cho tay Phó Tổng người nước ngoài với hy vọng đổi đời. Và ông khi không còn gì để sống, để mà hy vọng đã gục chết trong cơn bão hoang tàn, hậu quả của việc mất rừng chắn sóng hay bởi cơn thịnh nộ của nàng Len. Theo tôi, vấn đề của câu chuyện được tác giả đặt ra trong câu chuyện khá táo bạo và mang tính cảnh  báo cao.  Nếu chỉ nghĩ đến việc phát triển kinh tế không thôi, xã hội và con người phải sẽ phải trả giá đắt mà những " giọt nước mắt màu đất" là một cảnh báo tai ương hiểm họa ở phía tương lai.

  Trong tập truyện này, tôi có cảm giác so với những truyện ngắn trước đây, yếu tố nhục cảm vẫn còn đấy nhưng bị đẩy xuống hàng thứ yếu, sau những vấn đề, số phận. Đó là những cồn cào khao khát bản năng của người đàn bà bên cầu Giằng thời trẻ khi một lần được cảm nhận khoái lạc của nhục dục cho dẫu chỉ là với một kẻ đàn ông vật vờ, dặt dẹo như một bóng ma: " Chị dội nước bên mình, xòe hai bàn tay lên ngực, xoa xuống háng, xoa dọc hai đùi, xoa mãi cho đến khi cơ thể nóng rực lên, nhiều chỗ run rẩy lên" ( Người đàn bà bên cầu Giằng).   

         Vốn sống, sự từng trải và khả năng làm chủ được giọng văn, ngôn từ đã khẳng định phong cách truyện ngắn Đức Ban, góp phần làm nên sự bền bỉ cũng như sự đa dạng phong phú trong sáng tạo ở thể loại văn xuôi của tỉnh nhà.

                                  P.T.H

NHỮNG SUY NGẪM VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN  “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT”

CỦA ĐỨC BAN

                                                       NGÔ THẾ LÝ

       Truyện ngắn trong những năm gần đây đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả trong cả nước. Truyện ngắn là một thể loại văn xuôi hấp dẫn với cả người đọc và người viết. Các cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ và các tập truyện ngắn chọn lọc đã khẳng định những thành tựu của thể loại truyện ngắn. Có thể nhận thấy: truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn hiện thực cuộc sống, nắm bắt đời sống rất riêng; là những chi tiết cô đúc có dung lượng lớn, phản ánh con người trong xã hội hiện đại chống lại sự tha hóa đạo đức lối sống trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay. Trong dòng chảy của truyện ngắn hiện đại, tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” của nhà văn Đức Ban đánh dấu sự thành công trên nhiều phương diện: phạm vi phản ánh cuộc sống hiện thực sâu sắc, cách viết bình dị mà ám ảnh người đọc, kết cấu truyện linh hoạt, ngôn ngữ chọn lọc mang tính cá thể cao.

       Thông thường truyện ngắn chỉ miêu tả khoảnh khắc của một đời người, nó như một nhát cắt trong những biến động cuộc đời của mỗi con người. Nhưng truyện ngắn của Đức Ban lại dồn nén, khái quát tương đối trọn vẹn cả cuộc đời của nhân vật. Tập truyện phản ánh nhiều góc độ của xã hội, mỗi cảnh ngộ, mỗi nhân vật đều buộc người đọc phải suy ngẫm về thế thái nhân tình trong xã hội hôm nay.

       Truyện “Trong mưa” , Đức Ban đã chọn một khung cảnh rất quen thuộc của xã hội hiện đại ( quán cà phê ) ở đó chỉ cần một bức tranh treo tường và sự xuất hiện của các nhân vật: hai cô gái, ông già với một phụ nữ, người đàn ông mặc com lê… Tất cả đều được chọn tả rất tinh tế qua vài  nét phác họa, người đọc cảm giác như một xã hội thu nhỏ và các mẩu đối thoại giữa Hắn và tôi. Thế mà người đọc cảm thấy nghẹt thở, ngột ngạt như chính cái ngột ngạt trong truyện. Nhân vật Hắn cô độc đến khó chia sẻ. Nhân vật Tôi rất muốn chia sẻ nhưng cũng không thể tiếp cận. Bi kịch của con người trong xã hội hiện đại là rơi vào cô đơn giữa một xã hội đông đúc, ồn ã, sôi động. Con người phải gánh chịu rất nhiều bất hạnh, cô đơn đến tuyệt vọng.

Đọc truyện “Người đàn bà bên cầu Giằng” ta cảm thương cho cuộc đời của người phụ nữ ấy. Người đọc ngẫm ngợi về nỗi khổ như truyền kiếp của những phận nghèo. Người dàn bà ấy không những chỉ khổ vì nghèo như cha ông chị mà còn gánh một nỗi đau là cô độc giữa cuộc đời chẳng ai quan tâm đến chị. Hình ảnh một bà già cứ bám chặt vào mặt cầu… như bà cố bám lấy cái quá khứ - dù là quá khứ khổ đau nhưng vẫn còn chan chứa tình người.

        Viết về nỗi buồn và số phận con người, các truyện ngắn của Đức Ban đã chạm đến nỗi đau, sự dằn vặt của con người trước những mưu sinh, toan tính trong cuộc sống. Giai điệu buồn, thấm trong cuộc sống của ba người cán bộ văn hóa thị trấn miền núi Sơn Lĩnh. Cuộc đời của họ “không có chi để vui vẻ, không có chi để mong đợi”, cứ “mốc meo” theo năm tháng. Kết cục số phận của họ cũng thật buồn thảm. Kẻ chạy theo vòng xoáy của đồng tiền phải trả giá bằng cái chết bi thảm; người dính dáng đến buôn bán bất hợp pháp phải gánh chịu tàn tật suốt đời (Thăm thẳm rừng xanh). Hoặc câu chuyện đượm buồn về cuộc sống ngột ngạt, bế tắc của những con người trong “ công ty” xây dựng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Trong số họ, có người học hành giỏi giang có trình độ, do thất cơ lỡ vận phải làm trái nghề, phải bươn chải trong cuộc sống. Những khát khao ước vọng dù là nhỏ bé bình thường nhưng cũng khó thực hiện, khó thay đổi được số phận của họ.Tình yêu của Huyên với chị Hiền (vợ nhặt) làm tăng thêm âm điệu buồn, nỗi đắng đót của câu chuyện. Truyện cũng ánh lên tình người, tình đời, lòng cưu mang mang tính nhân văn sâu sắc (Bên đường phố).

   Sống trong xã hội hiện đại, con người phải luôn chống lại sự tha hóa về đạo đức và lối sống. Nhưng lòng tham lam, độc ác, ích kỉ của con người luôn trỗi dậy khi có quyền lực và sức mạnh của đồng tiền. Cô gái trong truyện “Nước chảy” đã dùng đồng tiền để sai khiến, để điều khiển nỗi bất hạnh, cứa vào nỗi đau mất mát của người đàn bà giúp việc. Chỉ vài nét miêu tả ngắn gọn, nhà văn đã nói đến sự băng hoại tột cùng của đạo đức con người, sự vô cảm tột cùng trước nỗi đau mất mát của người khác.

 Nhân vật Ông, một quan chức cấp tỉnh đã tha hóa - có nguồn gốc tha hóa từ trước khi thành công chức. Bản chất ăn chơi sa đọa đã biến Ông thành kẻ độc ác, vô luân. Khi hết quyền lực, ông đã dằn vặt về những lỗi lầm do mình gây ra. Nhưng ông không trốn chạy được quá khứ. Gieo nhân nào gặt quả ấy, ông đã gục ngay ở bậc đá bến Duềnh (Sóng bến Duềnh). Hình ảnh một người đàn ông khi anh ta là “một bóng đen hình người dặt dẹo liêu xiêu trên cầu Giằng” cũng là người đàn ông to béo rất khó đoán tuổi - người chủ trì buổi lễ khánh thành cầu Giằng mới, con người ấy đã từng được người đàn bà cưu mang và dâng hiến phần đời đẹp đẽ  nhất cho hắn. Nhưng quyền lực đã biến hắn thành kẻ phủi sạch quá khứ, thành kẻ vô ơn bạc nghĩa (Người đàn bà bên cầu Giằng).

    Đề cập đến các dự án và vấn đề đất đai, đây là đề tài hết sức nhạy cảm. Đức Ban nhìn nhận và phản ánh theo hướng khách quan, để hiện tượng, sự việc, không gian và thời gian nói lên tất cả.  Bằng thủ pháp nghệ thuật vừa thực, vừa hư, hiện tại và quá khứ đan xen, truyện ngắn “Chốn xưa” đã phản ánh khá chân thực một vùng quê đất đai trù phú, dân cư  đông đúc, có lịch sử văn hóa hàng trăm năm trở thành một vùng đất hoang hóa, cỗi cằn vì một dự án mù mờ do ông quan chức tỉnh nọ muốn trục lợi. Tác giả đã tạo dựng một không gian hư ảo để bà lão gặp những vong linh, để Võ My như nhìn thấy bóng dáng của những người đã mất. Câu nói của bà lão với Võ My đã khái quát bản chất của con người trong xã hội hiện tại: “Trên đời này có nhiều thứ bị xóa đi, bị quên đi. Tất cả bởi cái tâm của con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không thấy nhau, không cần nhau”. Trở về chốn xưa để trở về với sự bình yên, thanh thản, trở về với quá khứ văn hóa tốt đẹp, để tâm hồn con người được gột rửa bụi trần, sống thánh thiện hơn, cao cả hơn. Đó chính là thông điệp mà truyện ngắn muốn gửi gắm đến người đọc.

    Lấy nhan đề một truyện ngắn đặt tên cho cả tập truyện “Giọt nước mắt màu đất” thẳm sâu một nỗi đau, khiến người đọc phải suy ngẫm về cách hành xử của chúng ta hôm nay đối với đất đai mà tổ tiên đã bao đời gây dựng, đối với thiên nhiên muôn đời luôn gắn bó với con người. Truyện đưa người đọc tiếp cận với đời sống tâm linh của người Việt từ ngàn đời vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Đời sống tâm linh ấy là hồn cốt của dân tộc neo giữ cái quá khứ giữ đất giữ nước đầy máu và mồ hôi của con người trên quê hương xứ sở. Lối viết giản dị, đằm thắm, kết hợp giữa thực và ảo, giữa quá khứ và hiện tại, truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” xứng đáng là truyện ngắn hay, đặc sắc, ám ảnh người đọc bởi nhiều vấn đề mà nó đặt ra.

     Trong tập truyện ngắn của mình, với kết cấu đa tầng đa nghĩa, Đức Ban thường có cách viết nêu ra vấn đề để người đọc có thể lý giải, suy ngẫm và đánh giá. Mỗi truyện ngắn chứa đựng những ẩn ý sâu xa. Thông qua những con người, những cuộc đời, nhà văn như muốn cùng người đọc tìm thấy cái được, cái mất, cái hạnh phúc, cái khổ đau của con người trong xã hội hôm nay.

                                                           N.T.L

                                                      Tháng 10 năm 2014

                                     

TẢN MẠN

NHÂN ĐỌC “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT” CỦA ĐỨC BAN

                                                       ĐẶNG LƯU

Xin bắt đầu bằng truyện ngắn Trong mưa. Ấy là truyện mở đầu tập Giọt nước mắt màu đất.

Quán bar. Hai người đàn ông không quen biết nhau (“hắn” và “tôi”) vẫn thường đến uống cà phê. Những câu đối đáp nhát gừng, cáu kỉnh, miễn cưỡng. Không thân thiện, cũng không ghét bỏ nhau. Gặp nhau khá nhiêu lần mà “tôi” cũng chỉ biết người đàn ông ấy có những đoạn đời lận đận: từng là họa sĩ lóc cóc chạy theo phong trào để trên tường nhà đỏ rực những giấy khen, bằng khen; từng có vợ giỏi xoay xở, phất lên, rốt cuộc ai đi đường nấy; hiện tại, trong lòng cứ nghèn nghẹn một cái gì không chịu nổi, nuốt không vào, khạc không được; nghề nghiệp thì có cũng như không, bị người ta vung tay ký ngoằng vào đơn xin thôi việc để rồi ngày mai chẳng biết đi đâu, về đâu... Tương ứng với con người ẩm phận vô danh ấy, thế giới nhân vật trong truyện ngắn này cũng thật thưa thớt, rời rạc, vô danh: cô chủ quán cổ áo trễ nải hay gắt gỏng; đám thanh niên và đám trẻ em chơi game online thường ùa vào quán ăn kem, uống sữa; mấy ông đi xe lai chụm đầu vào nhau đánh phỏm; vài ông già, một chị phụ nữ, một người thổi sáo mù lướt qua như những hình nhân... Trong đám “nhân loại” khi tụ khi tán ở quán bar này, đáng chú ý hơn cả là cái ông mặc com lê. Hình như giữa ông và “hắn” có mối tơ vương. Cái ông quen mặc com lê đen, lãnh đạo phong trào di dân lên vùng tái định cư ở các khu công nghiệp, từng là nhân vật chính trong những bức tranh hắn vẽ, có phải chính là ông mặc com lê thường xuất hiện ở quán bar này? Tại sao ông mặc com lê chú ý đến hắn, giơ tay như định vẫy khi hắn đã đi xa, rồi đến trước mặt “tôi” hỏi tên của hắn? Đối với hắn, ông ta là thiên thần bản mệnh hay một hung thần? Mối quan hệ mơ hồ mong manh ấy càng thêm bí ẩn qua hai tiếng “hình như...” mà ông mặc com lê lẩm bẩm một mình.

Tôi đã cố gắng gom nhặt những chi tiết của truyện ngắn này, tạm kết nên một chuỗi để giúp người đọc có được một hình dung. Kỳ thực, đây là một truyện không có chuyện. Mọi mảng miếng đều vụn rời, ngỡ chẳng có mối liên hệ gì với nhau. “Không dính dáng gì đến ông” – câu nói của cô gái trong truyện tưởng chỉ ám vào một nhân vật, hóa ra lại là “chìa khóa” giúp ta tìm được lối vào tác phẩm. Không dính dáng gì đến nhau, nhiều lúc, con người hiện đại xem đó là một cách ứng xử khôn ngoan, hợp thời, nhưng đâu biết rằng, với cõi nhân gian, đó là đại họa.

Truyện không có chuyện có cái hấp dẫn riêng của nó. Nó chơi trò trốn tìm với độc giả, bởi đọc hết truyện, nhiều lúc cũng chẳng biết tác giả muốn nói gì. Với Trong mưa, ta có thể đưa ra một số giả định về chủ đề của nó. Là sự thất thế của loại nghệ sĩ tùy thời? Là sự bội bạc, phản trắc của con người? Là mối liên hệ hờ hững giữa người với người trong thời hiện tại? Là sự u uẩn, riêng tư của mỗi cá nhân, người khác khó có thể đồng cảm, sẻ chia? Hình như bấy nhiêu vẫn chưa hết.

Với mỗi tác phẩm biệt lập (một tiểu thuyết, một truyện ngắn hay một bài thơ chẳng hạn), câu mở đầu rất quan trọng. Nó là chủ âm, báo hiệu những gì nhà văn sẽ triển khai. Tôi nghĩ, vai trò của truyện ngắn mở đầu đối với cả tập truyện cũng tương tự như vậy.

Trong mưa dĩ nhiên là đẫm nước. Thì đây, bao nhiêu truyện khác trong tập sách mới này của Đức Ban cũng đầy những nước, trở thành ám ảnh nước. Ấy là “tiếng sóng thầm thì, thầm thì” của Bến sông Duyềnh; là “những xoáy nước xoay tròn, quẩn vào bờ” mà người đi trên chuyến đò dọc trở về Chốn xưa được chứng kiến; là sóng biển tung bọt nước xanh lân tinh vào làng khiến đất đá lở ầm ào (Giọt nước mắt màu đất); là “một con suối bắt nguồn từ đâu đó trong lòng núi, lượn vòng vèo, rồi như kiệt sức đổ òa xuống (Nước chảy)... Nước luôn luôn động, cũng như dòng đời không ngừng trôi. Trên dòng “tràng giang” cuộc đời ấy, bao số kiếp nổi nênh vô định, bọt bèo. Người đàn bà góa chồng sau một thời gian âm thầm, chịu thương chịu khó chăm sóc chồng như một phế nhân từ vụ tai nạn (Nước chảy). Ông già từng miệt mài, bền bỉ trồng rừng chắn sóng, giữ yên cho làng nước trước bão tố của thiên nhiên, nhưng cuối cùng đã bị cơn cuồng phong của thời cuộc dìm xuống tận đáy của nỗi thống khổ (Giọt nước mắt màu đất). Một nhà báo gặp vận bĩ vì dám thể hiện cá tính, suy nghĩ riêng, về làng đi làm thợ nề kiếm sống, để cuối cùng thất nghiệp trôi nổi vô tăm tích (Bên đường phố)... Ngay cả những kẻ quyền thế cũng không tránh khỏi cảnh lên voi xuống chó. Vinh nhục ở đời chẳng biết đâu mà lần.

Nước luôn chảy trôi như mọi sự trên đời đổi thay không gì cưỡng nổi. Nhưng đó là sự đổi thay theo chiều hướng phôi phai, tàn héo. Thế giới nghệ thuật trong truyện Đức Ban cũng luôn vận động cùng chiều với thời gian từ ngày sang đêm, từ ánh sáng đến âm u. Cách mở chuyện đậm màu cổ tích, nhưng kết chuyện thì không có bóng dáng của những viễn cảnh lạc quan, mà chỉ là một điểm ngưng bất chợt của dòng đời đang trôi.

Truyện Đức Ban rặt những nghịch cảnh. Toàn những cảnh éo le, oái ăm, như một thứ định mệnh vận vào con người không sao gỡ nổi. Hẳn vì thế mà đầy nước mắt. Giọt nước mắt của bà lão trở về mảnh đất hoang phế - nơi từng là làng xưa để cầu siêu cho những linh hồn lang thang phiêu bạt, nhìn đất quê mà chỉ biết thốt lên: “thương lắm, thương lắm” (Chốn xưa). Giọt nước mắt của chị Hiền (Bên đường phố) trước cảnh nhóm thợ nề ế việc, rã đám, chẳng biết bấu víu vào đâu để kiếm sống lần hồi. Giọt nước mắt của người đàn bà góa chồng phải đem thân đi làm thuê, chăm sóc con chó của một gia đình trưởng giả thời nay, mà con vật khốn kiếp ấy là căn nguyên gây vụ tai nạn cướp mất chồng chị (Nước chảy). Giọt nước mắt của người đàn ông miền biển đã chết, ứa ra khi đứa con gái phiêu dạt nơi chân trời góc biển trở về gục xuống ngực cha (Giọt nước mắt màu đất)...

Đọc truyện Đức Ban, một người bạn của tôi nói rằng, giá mà thỉnh thoảng được nghe tiếng cười của người thuật chuyện. Trong tập này, ta bắt gặp hai kiểu nhân vật kể chuyện quen thuộc: hoặc là “tôi” – ngôi thứ nhất, người tham gia vào mọi biến cố câu chuyện, hoặc là nhân vật ngôi thứ ba toàn năng, thấu nhập vào mọi tình huống, mọi nỗi niềm sâu kín của con người. Hai kiểu nhân vật đó hòa đồng nhau, cùng tiết lộ chân dung tinh thần của tác giả. Có thể hình dung một con người từng trải, trầm tư, cả nghĩ, ưa tự nghiệm hơn là triết lý, sắc sảo nhìn ra cái ác, cái nhem nhuốc của cuộc đời nhưng vẫn thích chắt chiu cái phần người trong mỗi cá nhân.

Có ai đó nói rằng, truyện Đức Ban vô chiêu thức. Nhưng trong văn chương, vô chiêu thức cũng chính là một thứ chiêu thức. “Nắm lấy tu từ vặn ngoẹo cổ/ Viết như khạc nhổ mọi tu từ”, chẳng phải là một kiểu tu từ của Trần Dần đó sao?

                                             Vinh, 9/ 11/ 2014

                                        Đ.L

       SÁNG TẠO TỪ TRẢI NGHIỆM SỐNG

(Đọc tập truyện “Giọt nước mắt màu đất” của Đức Ban, Hội nhà văn 2014)

                                                       TRẦN QUỲNH NGA

Có thể nói rằng trong 9 truyện ngắn: Trong mưa, Chốn xưa, Giọt nước mắt màu đất, Nước chảy, Bến sông Duềnh, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh, Người đàn bà bên Cầu Giằng, Lối trong rừng in trong tập truyện "Giọt nước mắt màu đất" (NXB Hội nhà văn, 2014) hầu hết chúng đều có khả năng gây ám ảnh cho người đọc để từ đó lôi cuốn người đọc đi sâu vào thế giới nội tâm đa diện của nhân vật để mà ngẫm nghĩ. Tất nhiên, việc dẫn dụ người đọc không còn là một vài những thử nghiệm nữa mà đó là một độ đằm, độ nén của một nhà văn đã dạn dày kinh nghiệm. Không chọn cách viết theo kiểu truyền thống, lần này, tập Giọt nước mắt màu đất thực sự để lại ấn tượng bởi sự nỗ lực tìm kiếm một cách viết mới. 

Không cầu kì trong cách lựa chọn tình huống hay miêu tả nhân vật với những chi tiết cụ thể sinh động. Ngay từ truyện ngắn “Trong mưa” Đức Ban đã chọn lối kể rất đơn giản: trong không gian nhỏ hẹp của một cái quán. Sự xuất hiện của những nhân vật một cách rời rạc bằng những chi tiết sơ lược. Tác giả vờ như không quan tâm đến những ngoại cảnh tác động bên ngoài. Nhưng chính cái sơ lược được tuyển chọn đó đã làm nền cho nhân vật của Đức Ban trở nên nổi bật hơn. Một hắn cô độc đến không thể chia sẻ. Một tôi chùng chình hoang mang vì không thể nào lí giải được những gì đang diễn ra trước mắt mình. Về kẻ đối diện với chính mình mà không thể nào đối thoại được đã tạo nên cái bi kịch của con người muốn hòa nhập mà không thể nào hòa nhập được với cuộc sống. Họ luôn cảm thấy hoang mang, hoài nghi cuộc sống, hoài nghi chính mình.

Vẫn lối viết chân phương và mộc mạc, những truyện ngắn trong tập truyện “Giọt nước mắt màu đất” của Đức Ban đã để lại những ấn tượng khó quên trong người đọc về một không gian nửa gần gũi, nửa xa xôi của một vùng bán nông thôn, bán thành thị. Những câu chuyện được kể ra cũng vì thế mà nửa như quen thuộc, nửa như xa lơ lắc của những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó lại là tất cả những gì đang hiển hiện trong cuộc sống ở tỉnh lẻ, đậm chất tỉnh lẻ. Nơi người ta vừa đấu tranh để níu giữ quá khứ, bản sắc văn hóa, đất đai, làng mạc, nửa lại muốn hiện đại, phát triển, hào nhoáng... tất cả những sự đối lập đó lại đang diễn ra trong cuộc sống, trong mỗi nhân vật tạo nên sự hỗn loạn trong chính họ.

Trong những truyện như Nước chảy, Chốn xưa, Trong mưa, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh.... Cuộc sống chúng ta đã thấy hiện tại cùng với guồng quay của nó đang tạo ra rất nhiều mất mát. Truyện của Đức Ban thường khai thác các vấn đề lớn bỏng rẫy của hiện thực xã hội. Đó là phông nền để ông lồng vào đó những vấn đề lớn lao hơn về số phận con người, những sự mất mát không thể bù đắp nổi, sự cô đơn lạc lõng của những con người trong cuộc đời, muốn níu giữ cũng không thể nào níu giữ được quá khứ đau khổ nhưng đầy ắp tình người. Hình ảnh bà lão trong truyện ngắn "Chốn xưa" năm nào cũng về lại ngôi làng Hòa Nghĩa giờ đã trở thành bãi đất hoang của một dự án không thành hiện thực đã như một vết cứa trong tim những con người luôn hoài vọng trong câu nói của Bà lão nói với Võ Mỵ “ trên đời này có quá nhiều thứ bị xóa, bị quên đi. Bởi cái tâm con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không cần nhau, không thấy nhau”. Đó giống như một sự đúc kết đau khổ về một thực tại mà chúng ta đang sống. Nó đặt ra trong người đọc một câu hỏi không dễ trả lời: rốt cuộc ta là cái gì, ta tồn tại vì lẽ gì trong cuộc sống chưa đầy những điều bất trắc, hay tất cả chỉ là phỏng đoán, mọi câu trả lời đều là phỏng đoán khi mọi thứ đã đang và sẽ thay đổi và không bao giờ dừng lại?

Những truyện khác trong tập, ta dễ nhận ra nhân vật thường bị đặt vào đúng tâm điểm của những biến cố trong cuộc đời. Họ có khi vừa là nạn nhân của bi kịch nhưng đồng thời lại là kẻ tòng phạm… Trong "Người đàn bà bên cầu Giằng", "Sóng bến Duềnh", "Nước chảy”, “Trên đường phố” những nhân vật trong đó hầu hết đều ở thế lưỡng phân, với vô vàn những hành động, lời nói khó giải mã. Tất cả họ đều đối mặt với những biến cố có thể làm tan nát bất cứ một tâm hồn nào đó, biến nó thành dị dạng... Nhưng rồi, đến phút cuối, đoạn cao trào của câu chuyện lại là lương tâm con người, chính lương tâm và lòng người đã vực dậy, muộn mằn đánh thức phần nhân tính trong mỗi con người, giúp họ nhận ra chính họ bằng những đau khổ đắng đót mà họ đã gây ra cho những người xung quanh và cho chính họ (nhân vật Ông trong Sóng bến Duyền)

Nhà văn Đức Ban đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi đưa người đọc và tình thế phải đổi thoại với chính mình, một cuộc đối thoại truy vấn đến khốc liệt để tìm cho ra rốt cuộc trong con người ta đang chưa những gì, đang tồn tại như thế nào giữa cuộc đời đầy những cám dỗ. Đọc Giọt nước mắt màu đất” của Đức Ban, tôi nghiệm ra rằng mọi thứ thật mong manh, thấy lo lắng cho những gì dễ vỡ, dễ biến mất, thấy không yên tâm với những gì bình thản diễn ra xung quanh mình. Nhưng chính khi ấy, khi bắt buộc phải suy nghĩ, phải đối mặt với mọi sự thật thay vì chạy trốn, là lúc ta thấy lóe lên ở đâu đó, có thể là trong sâu thẳm tâm hồn ta, những hi vọng.

                                                                  T.Q.N

        “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT”,

 TẬP TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỨC BAN

                LÊ THÀNH NGHỊ

      Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho in Giọt nước mắt màu đất của nhà văn Đức Ban, tập truyện xinh gọn, gồm 9 truyện ngắn. Đức Ban là một tác giả đã quen thuộc với bạn đọc cả nước với hàng chục đầu sách, thuộc nhiều thể loại như ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện thiếu nhi…Vậy nên, in thêm một cuốn sách, có thể cũng chẳng có gì lạ, chẳng ấn tượng gì với bạn viết, bạn đọc!. Tôi cũng đã nghĩ như vậy, khi cầm cuốn sách anh gửi tặng.

      Nhưng rồi lần đọc những truyện ngắn trong tập Giọt nước mắt màu đất, tôi đã có những tâm trạng khác, tâm trạng phấn chấn của một bạn viết, cũng là một bạn đọc từ lâu đã đọc Đức Ban. Là bạn viết, tôi quen Đức Ban từ thuở còn cắp sách đi học. Cùng học một lớp phổ thông trung học, cùng yêu văn chương, cùng mấy lần lặn lội cuốc bộ gần trăm cây số trong bom đạn chiến tranh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia… nên càng có tuổi chúng tôi càng hiểu văn chương là hải học vô bờ, là cuộc đua không có giới hạn, là cuộc chơi đi tìm ẩn số của một phương trình đa nghiệm…Vì vậy, một cuốn sách in ra, một sự dĩ tận vi độ đã được thực hiện, nếu không để lại tăm tích gì, thì cầm bằng trước đó, ném nó vào lò lửa còn hơn!.

      Tôi đã không phải nghĩ đến cái lò lửa khi đọc những truyện ngắn trong tập này! Ngược lại, những vấn đề tác giả của nó đặt ra, những ý tưởng được nhà văn chuyển tải đã đốt lên trong tôi ngọn lửa sáng tạo, làm tôi có thêm những cảm hứng, về cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn có trong cuộc sống của chúng ta, những điều rất dễ bị che khuất đi, bị quên lãng đi trong cuộc sống vốn xô bồ và thực dụng, nếu không có một sự để tâm nào đó của văn chương nghệ thuật.

Quả tình, 9 truyện ngắn cho thấy tâm trạng của người viết, tâm trạng của một nhà văn, những điều nhà văn muốn giải bày, những điều làm hiện lên những khoảnh khắc tâm hồn của người viết, những ý niệm về cái đẹp, cái thiện nhà văn muốn gửi tới bạn đọc. Có khi đó chỉ là một sự không hiểu nổi của một người đàn ông bình thường mà anh bất ngờ gặp trong quán cà phê. Thoạt tiên nhân vật này có vẻ lập dị: chỉ chọn đúng một chỗ mình thích, chỉ với một vẻ mặt cau có, chỉ với một lối hỏi và trả lời nhát gừng. Nhưng rồi câu chuyện hé mở đến hoàn cảnh đó là một người mất việc, mất vợ của cái cuộc sống đua chen kiếm sống trên cõi nhân gian bé tí này, thì ta bỗng nhận ra sự run rẩy, cảm thông của ngòi bút (Trong mưa). Hoặc giả, một anh chàng, vốn là cán bộ tuyên giáo ở Lâm trường Ngàn Mông, đang yên đang lành, lại nghe theo tiếng gọi của đồng tiền và tình ái, tự chuốc lấy bi kịch của những kẻ háo tiền, tự đưa mình vào cạm bẫy của ái tình, rút cuộc, vừa bị bạn bè khinh bỉ, vừa bị chính sự lựa chọn lối sống vì tiền ấy đưa hắn đến cái chết thảm thương ngay trước những mối quan hệ ái tình và tiền bạc (Thăm thẳm rừng xanh). Quả là thích cái gì sẽ được chết theo cái đó, cả thể xác lẫn tinh thần. Đây là một triết lý nhân sinh luôn luôn có ý nghĩa thời sự, có ý nghĩa răn đe mà nhà văn muốn một lần nữa mỗi người cần nghiêm túc suy ngẫm, tự rút ra bài học cho mình. Hoặc giả, một người cha thương con, thương yêu mảnh đất làng Yên Linh của cha ông, mảnh đất với bao truyền thống văn hóa lâu đời…đã không thể giữ nổi bước chân người con gái khao khát đổi đời trước sự chuyển đổi của đời sống công nghiệp hóa trên quê hương ông. Những người mang cái gọi là ý chí thay đổi đời sống đã không tính đến truyền thống lịch sử, văn hóa, đã làm ngơ trước kinh nghiệm giữ đất đai vùng biển của làng Yên Linh, đã gây nên biết bao hậu họa cho quê hương ông. Trên mặt đất nhốn nháo này vẫn có chỗ cho con gái ông đổi đời ư?... Ông lầm rầm, cắm chân vào cát nhìn ra mênh mông biển, ngực bỗng đau thắt từng cơn (Giọt nước mắt màu đất, tr.46). Rút cuộc, bi kịch từ thiên nhiên như một sự tất yếu giáng xuống từng số phận, của cả cộng đồng vì việc vô trách nhiệm của những kẻ chặt cây bảo vệ bờ biển, xây dựng dự án khu công nghiệp trên đất làng Yên Linh. Ngay tối hôm ấy một cơn bão mạnh chưa từng thấy  tràn vào làng…Khu công nghiệp rộng lớn và dãy tường vây bao quanh nó, chỗ nào cũng ngổn ngang, chơ vơ những khung bê tông ngã nghiêng, đổ gục…(tr. 54). Thông điệp từ câu chuyện này là lời cảnh báo sâu sắc với những ai quen thói làm ăn ẩu tả, cố làm lấy được, bất chấp mọi giá trị, mọi quy luật…Vấn đề câu chuyện đặt ra mang tính điển hình của một đất nước đang phát triển như Việt Nam với biết bao dự án lợi bất cập hại, hủy hoại môi trường, ô nhiễm sông ngòi, tham nhũng thất thoát… hết sức nhức nhối trong dư luận của nhân dân…Ở một tầng nấc cay đắng hơn, ngòi bút của tác giả tỏ ra tê buốt trước cảnh khai khoáng với những giàn khoan thăm dò vô tội vạ đã biến vùng đất Kẻ Xá trù phú trước đây thành một vùng đất chết không một bóng người, không một tiếng chim hót (tr. 26), đến mức dân bỏ làng đi hết, để lại cỏ dại um tùm và mồ mả tổ tiên bơ vơ cùng những vong hồn phiêu bạt trên chính quê hương họ (Chốn xưa). Hoặc giả, ngòi bút của Đức Ban đã khá tinh tế khi đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn của một phụ nữ vì nuôi chồng ốm nhiều năm nên mất việc ở cơ quan và kiệt quệ kinh tế sau khi chồng chết, nhưng chị đã cự tuyệt không làm ô sin cho nhà người vì chị bị xúc phạm (Nước chảy). Ở một truyện khác, truyện Bên đường phố, Đức Ban tỏ ra khá am hiểu tình cảnh của những người lao động, làm những công việc nặng nhọc kiếm sống trong thành phố, nhưng rút cuộc không nuôi nổi bản thân mình, và họ trở nên bất hạnh, cho dù họ là những người trẻ tuổi yêu lao động…

Như vậy, một tập truyện ngắn nhỏ nhưng Giọt nước mắt màu đất đề cập đến khá nhiều các lĩnh vực đời sống xã hội cũng như số phận con người với một cảm hứng phân tích sâu sắc đã tạo cho cuốn sách một tiếng nói nghệ thuật có sức thuyết phục. Tính thuyết phục ấy toát lên từ cách dựng truyện của tác giả. Trước hết, đó là những đối thoại ngắn, tưng tửng, cốt để gợi ngôn ngữ đối thoại của nhân vật khác, nhưng đã làm hiện lên tính cách của người tham gia đối thoại, tạo nên không khí của thì hiện tại, nơi những nhân vật đang tự biểu hiện mình. Ở những truyện chỉ có vài nhân vật như  Trong mưa, Nước chảy, Chốn xưa… cũng như ở những truyện có khá đông nhân vật như Bên đường phố… ngôn ngữ đối thoại như một sự kết dính nghệ thuật để chuyển tải câu chuyện và biểu hiện tư tưởng chủ đề. Bằng cách đó, Đức Ban dựng lại câu chuyện chứ không hề đóng vai người kể chuyện, tức là nhà văn tự để người trong truyện làm hiện lên câu chuyện theo cách của họ, theo ngôn ngữ của họ. Đây là một thủ pháp đòi hỏi tính kiềm chế của ngòi bút mà phải viết đến một trình độ nào đó, nhà văn mới nhận ra, mới đến được. Nếu nhà văn chỉ kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình, độ tin cậy nghệ thuật theo đó chỉ còn một nửa. Ngược lại, nếu nhà văn dựng lại câu chuyện bằng ngôn ngữ và hành vi của nhân vật, bản thân câu chuyện sẽ được người đọc nhận thức trọn vẹn. Đức Ban đã làm được điều này qua các truyện ngắn Trong mưa, Nước chảy, Bên đường phố, Lối trong rừng, Chốn xưa…với một giọng văn khá tự tin, với một sự kiềm chế ngôn từ thể hiện bản lĩnh của một ngòi bút từng trải, có kinh nghiệm. Ví dụ, truyện Chốn xưa. Trên con đò ngược về vùng đất Kẻ Xá chỉ có ba người. Ông lái đò đóng vai người đưa đò nhưng cũng là người đưa đẩy câu chuyện giữa hai người: một bà lão nhớ quê cha đất tổ cứ vài ba năm lại trở về đây hương khói, trò chuyện với những vong hồn người xưa nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của bà, và một ông tiến sỹ nghiên cứu cây trồng, con một cán bộ cấp tỉnh quá cố nhưng đã kịp chiếm cho mình mảnh đất trù phú Kẻ Xá. Ba người ba mục đích, bà cụ già với những trắc ẩn tâm linh, hoài niệm về những ngày tháng đẹp đã trôi qua vĩnh viễn trước sự thô phàm của thời cuộc, ông tiến sỹ với những toan tính cá nhân, thực dụng (được bắt đầu từ người cha cán bộ cấp tỉnh quá cố) và ông lái đò như là nhân chứng của cuộc xung đột âm thầm về triết lý sống giữa hai người kia… bị nhốt vào một không gian hẹp (con đò dọc). Những gì tác giả muốn chuyển tới bạn đọc tự nhiên hiện lên trong câu chuyện như có vẻ bâng quơ giữa ba người nọ. Không một lời thuyết giáo, không một sự cưỡng bức bạn đọc, truyện viết cứ như không…vậy mà cái đẹp, cái thiện hiện lên thấm thía như một bài học đạo đức đầy sức lay động, có thể làm xáo trộn tâm hồn người đọc.

Trong một vài truyện ngắn như Lối trong rừng, Giọt nước mắt màu đất, Chốn xưa… Đức Ban sử dụng những yếu tố tâm linh, huyền thoại tham gia vào câu chuyện của mình. Những thủ pháp này không mới, thậm chí ở một vài cây bút khác đôi khi là trang sức, là làm dáng… không ăn nhập gì với nội dung câu chuyện. Ở truyện ngắn của Đức Ban, yếu tố huyền thoại làm nên một dòng chảy sự kiện đảm nhận chức năng gắn kết không gian và thời gian sự kiện, phục vụ chủ đề mà tác phẩm muốn chuyển đến bạn đọc. Vì vậy, người đọc được thoát khỏi cảm giác gượng ép, hơn thế được dẫn dụ vào một không gian khác, lạ lẫm nhưng không hề cắt đứt với hiện tại. Huyền thoại Nàng Len và Đền thờ Đức Thánh Mẫu ở làng Yên Linh bao đời nay in đậm dấu ấn tâm linh trong ý thức nhân dân, từng che chở cho dân làng qua hoạn nạn và hình ảnh hoang tàn của khu công nghiệp sau trận bão biển hiện tại như một sự ngầm hiểu những sự phỉ báng, thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống đã phải trả giá đắt như thế nào. Câu chuyện đến đây đạt được chiều sâu đáng kể trong nhận thức của người đọc. Cũng vậy, hình ảnh Cố Đạo, người giữ gìn những cổ vật thiêng liêng hàng trăm năm nay giữa rừng sâu tại làng Gia Ninh, xem đó như một niềm tin thiêng liêng của đời sống, những vong hồn làng Kẻ Xá hiện lên trong lời khấn của bà cụ già… đã để lại dư vị huyền ảo, hư thực của câu chuyện, giữ rất lâu trong ký ức những ai đọc qua tập truyện ngắn này.

Đã ngót nghét mấy chục năm cầm bút, gia tài để lại là mấy chục cuốn sách, Đức Ban cho ta thấy hình ảnh một cây bút cần mẫn qua năm tháng. Có nhiều con đường vào văn chương. Có người chói chang khi xuất hiện và mau chóng tàn lụi. Có người lặng lẽ tỏa sáng, càng có tuổi càng sâu sắc. Đức Ban thuộc dạng thứ hai, không chói chang nhưng có sức bền, không ồn ào ăn xổi ở thì nhưng có nội lực. Cái khó là làm sao phải vượt được chính mình, những thói quen nghề nghiệp, những chuẩn mực giá trị luôn cần xem xét và làm mới, những khát khao nghĩ tới những giá trị khác ngoài mình… Đó luôn luôn là hành vi thường trực cần thiết của người viết. Đôi lúc không phải không sốt ruột, khi trước đây đọc Đức Ban, thấy văn anh hiền lành, hơi chậm, hơi khó giải bày ý tưởng của mình, hơi khó tạo ra độ văng cần thiết của ngòi bút, độ mạo hiểm cần có của ý tưởng, độ khác biệt quyến rũ của ngôn ngữ cá thể… Nhưng đến tập truyện này, đã thấy sự đổi khác, trong giọng điệu, trong diễn đạt, trong cấu trúc… Đó là điều tôi thu nhận được từ những truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất của anh.

           Hà Nội 22 tháng 10 năm 2014  

                                L.T.N                                                                                      

TÌNH HUỐNG TRUYỆN – YẾU TỐ GÓP PHẦN TẠO NÊN

    SỰ THÀNH CÔNG TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỨC BAN

                                         HỒ THUÝ NGỌC

Tình huống là một yếu tố hết sức quan trọng trong mọi tác phẩm tự sự. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “…những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”. Đối với truyện ngắn, vai trò tình huống hết sức được coi trọng bởi vì nó là bối cảnh tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật suy nghĩ, hành động và bộc lộ tính cách của mình đồng thời còn là một trong những phương diện thể hiện tài năng sáng tạo của người cầm bút.

Đọc truyện ngắn Đức Ban, chúng tôi nhận thấy ông khá xuất sắc trong việc tạo ra những tình huống bất ngờ, oái ăm, nghịch lí... để dựng nên những tác phẩm có sức nén và gây ám ảnh. Tình huống trong tập truyện Giọt nước mắt màu đất  được lẩy ra từ hiện thực cuộc sống của làng quê quen thuộc với những con người nhỏ bé vô danh tới những không gian xa lạ và rộng lớn hơn như công sở, thành thị với nhiều nhân vật xã hội sang trọng, quyền thế... Tình huống trong truyện ngắn của ông thường không phải là những xung đột xã hội dữ dội hay xung đột trực diện gay gắt về mặt tính cách giữa các nhân vật mà thường bắt đầu vấn đề từ những tình huống đời sống rất đỗi bình thường song nó hiện lên là một hiện thực bất thường trong chính sự bình thường của nó. Từ tình huống đó ông đã xây dựng những hình tượng nhân vật vừa có những nét rất gần gũi với nhân vật của chủ nghĩa hiện thực, song lại có những nét rất cá biệt, mang dấu ấn đặc thù của cái thời hậu chiến. Bài viết này sẽ đề cập đến một số tình huống tiêu biểu trong  tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất”.

“Trong mưa”, tác giả đã tạo nên tình huống gặp gỡ giữa nhân vật “tôi”-  người kể chuyện với một nhân vật bất bình thường với cử chỉ, thái độ “không chịu được”,  rồi từ đó tường thuật thành câu chuyện bằng một lối kể, tả khá tự nhiên, nhuần nhị. Đó là câu chuyện về cuộc sống nhợt nhạt, tù đọng, chán ngán, bế tắc của một công chức tỉnh lẻ. Anh ta có ý thức sâu sắc về cuộc sống tồi tệ đang phải chịu đựng song không thể tìm ra lối thoát cho chính mình. Anh ta chẳng biết làm gì ngoài sự đau đớn, thất vọng bởi bao năm phục vụ cho thủ trưởng rồi cũng bị bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền mong cứu vớt gia đình ra khỏi cái nghèo nhưng bị chính đồng tiền làm cho tha hóa, cuối cùng cũng bỏ rơi anh ta. Ngòi bút nhà văn chủ yếu làm nổi bật bi kịch tinh thần của những kiếp “sống mòn” của thời hiện đại và những cái xấu xa, tàn nhẫn phai nhạt tình người nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường thời mở cửa.

Cũng viết về bi kịch tinh thần của những người trí thức, trong truyện “Bên đường phố” nhà văn lại xoáy vào tình huống nghịch lí, trớ trêu của Huyên - một thanh niên có học thức, nhiều mơ ước, sống trọng nghĩa tình nhưng phải đối mặt với một hoàn cảnh thực tế không hề lí tưởng trong thời buổi kinh tế đầy xô bồ khiến những khao khát ấy trở nên lạc lõng, hài hước, thậm chí  thất bại thảm hại. Nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn này là hình tượng con người dù trong hoàn cảnh khốn khó nhất vẫn muốn giữ lấy thiên lương, vẫn khát khao được thay đổi, được thoát ra khỏi sự nghèo khổ, tù túng, cùn mòn nhưng lại rơi vào bế tắc và bất lực. Đặt nhân vật trong một bối cảnh lịch sử – xã hội cụ thể,  bên cạnh phát hiện và mô tả sự bế tắc và bất lực của con người, thật ra nhà văn còn muốn đi xa hơn đó là những sang chấn lịch sử tới đời sống tinh thần của con người.

Trong truyện ngắn “Người đàn bà cầu Giằng” là một tình huống gặp gỡ trớ trêu và nghiệt ngã. Người phụ nữ gắn chặt cả cuộc đời nơi cầu Giằng -  một không gian chật hẹp, tù túng của bao kiếp người nhỏ bé. Nơi đây, gười phụ nữ ấy đã từng gặp, cứu sống, cưu mang và dâng hiến  phần đời đẹp đẽ nhất cho một người đàn ông có quyền lực nhưng bạc tình bạc nghĩa. Người đàn ông đó lại chính là người chủ trì phá cầu Giằng cũ và làm lễ khánh thành cầu Giằng mới. Oái oăm thay chính thời điểm đó thì người phụ nữ già nua, lẫn thẫn từng là ân nhân của ông ta năm xưa giờ đang nằm áp người trên mặt cầu, bám chặt vào cầu như muốn vò xé, níu giữ một cái gì đó. Bằng một giọng điệu chua xót, nhà văn đã chạm được đến cái nỗi đau khôn cùng của một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu nhưng luôn sống trong sợ hãi, cô độc, trong những ám ảnh triền miên, những nỗi đau đớn âm thầm, không thể chia sẻ, không thể giải thoát. Có lẽ vậy mà người đàn bà ấy bám chặt vào Cầu Giằng cũ cứ như thể nếu để nó mất đi rồi thì không còn gì để níu giữ. Xây cầu mới thay cầu cũ nhưng liệu có thay đổi số phận con người nhỏ bé và thay đổi được nhân cách của những con người vô ơn, tàn nhẫn hay không? Đó là câu hỏi lớn nhà văn đã đặt ra trong tác phẩm gợi bao suy nghĩ cho người đọc.

Vẫn là tình huống gặp gỡ song trong truyện “Nước chảy” lại là một sự gặp gỡ đầy oái oăm, ngang trái. Đó là nỗi đau của một người đàn bà vừa trải qua bao nhiêu năm không nhớ nổi, chăm sóc người chồng bị tai nạn bán thân bất toại, thời gian đó chị bị công ty buộc thôi việc. Chồng chết, chị trở thành bà góa.  Bất ngờ một người phụ nữ giàu có biết chị đảm đang, chịu thương, chịu khó nên đã tìm đến thuê giúp việc. Thật không ngờ rằng, người ta thuê chị ở để nuôi cậu Pin (tên một con chó lai) - “con nuôi” của người phụ nữ đó, là kẻ đã gây ra tai nạn cho chồng mình. Bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo, nhà văn cho người đọc thấy được bên cạnh những phẩm hạnh đáng quý của người đàn bà này là tận cùng nỗi đau như một lập trình số phận. Nó hoàn tương phản với sự vô cảm, độc ác, ích kỉ của những con người có quyền lực và sức mạnh đồng tiền.

Ở truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất”, tác giả lại tạo ra tình huống tượng trưng. Tình huống này theo quan  niệm của Bùi Việt Thắng là “kiểu tình huống trong đó cái ý nghĩa của hình tượng, sự bộc lộ chủ đề rất kín đáo, thậm chí có khi bị phủ một lớp sương mờ huyễn hoặc”. Đền thờ Thánh Mẫu linh thiêng ở làng Yên Linh - một chứng tích lịch sử hào hùng chống xâm lăng gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay là biểu tượng của giá trị văn hóa truyền thống. Nơi đây người dân tìm thấy sự bình yên, được che chở. Nhưng rồi thời buổi hội nhập mở cửa cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường những khu rừng chống giặc được trồng lên cũng là nơi để neo giữ quá khứ, lịch sử bị cuộc khai hóa của ngoại quốc biến thành vùng đất công nghiệp đã kéo theo bao sự đổi thay đến chóng mặt  là biểu tượng cho sự đổ vỡ những giá trị đạo đức, sự chi phối của tiền bạc và quyền lực, sự lẫn lộn của đúng sai, thật giả... Hai biểu tượng trên được xâu chuỗi trong một mối liên kết đa nghĩa đã tạo nên tình huống truyện đầy dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nó là một tình huống mở, gợi nhiều trăn trở cho người đọc, buộc ta phải giả định nó có thật trước khi khám phá các tầng ý nghĩa của tác phẩm. Tuy kiểu tình huống này còn chưa giấu kín được ý đồ của tác giả đến cùng song nét hấp dẫn của nó là hiện thực cuộc sống được bao bọc bởi lớp sương mờ huyền ảo mang màu sắc liêu trai từ những hình ảnh biểu tượng lan tỏa ra toàn bộ tác phẩm.

Trong “Chốn xưa”, Đức Ban đã tạo nên tình huống gặp gỡ bất ngờ trong một chuyến trở về làng cũ Hòa Nghĩa của một bà lão và Võ My - vị tiến sĩ trẻ tuổi.  Bà lão tìm về hương khói cho những người làng hy sinh trong một “cuộc bể dâu” làm ăn, khai khẩn hiện đại. Tiến sĩ trẻ trở về theo di chúc của người cha để tìm  lại một vùng đất rộng lớn mà ông một thời làm quan trên tỉnh chiếm đoạt được. Tình huống truyện đã tạo nên những sự bất ngờ về mục đích trở về của hai con người và bao vấn đề về hiện thực, về tốt – xấu, thiện – ác, quá khứ - hiện tại... được lộ diện gây cho người đọc nhiều suy ngẫm khi đánh giá về con người, về cuộc đời. 

“Lối trong rừng” xoay quanh một tình huống đi tìm sự thật thông qua cuộc hành trình của một giáo đi tìm hiểu tin đồn về báu vật của Vua để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu. Bằng quyết tâm giáo sư đã gặp được Cố đạo - người coi giữ báu vật của vua, và với sự thông minh, khôn khéo, cuối cùng giáo sư cũng được xem. Nhưng thật bất ngờ khi chiếc rương đựng báu vật được truyền mãi bao đời với bao sự linh thiêng, huyền bí được mở ra lại hoàn toàn trống rỗng! Tình huống truyện hàm ẩn nhiều ngụ ý sâu xa: vừa mang cảm hứng phê phán sự lợi dụng của những kẻ hư truyền để trục lợi, vừa mang cảm hứng thương cảm, thức tỉnh những  người dân lạc vào mê cung của sự tối tăm, mê tín.

“Thăm thẳm rừng xanh”  lại ám ảnh người đọc bởi tình huống có mà lại không, sống mà như chết. Đó là câu chuyện về Hân - cán bộ văn hóa làm công tác tuyên truyền quyết không làm thân phận “ đũa mốc” để có mọi thứ trên đời nhưng cuối cùng lại thiếu thứ mình cần. Gần cuối đời anh ta bị tàn tật, trở thành một người thừa, có vợ mà như không có, đang sống mà như đã chết. Anh ta đã gục chết một cách tủi nhục, bi thảm trong tiếng vỗ tay, uống rượu bia tung hô của bọn đàn ông háo sắc dành cho Ngọc Diệu - vợ anh. Những mối quan hệ đầy toan tính, cơn lốc xoáy của đồng tiền đã trói chặt số phận của con người, biến họ thành nạn nhân, và cũng là nguyên nhân gây ra mọi tội lỗi, đau khổ và bi kịch. Trước sự đảo lộn gay gắt của các thang bậc giá trị, sự áp đảo kinh hoàng của cái xấu, cái ác cũng như sự “lép vế” của những giá trị tinh thần – đạo đức giữa một xã hội thực dụng, cằn cỗi nhân tính; nhà văn đồng thời cũng muốn hướng được người đọc vào chủ đích cuối cùng của mình: cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến những mối quan hệ giữa con người với con người và cách sống, cách đối xử với nhau để cuộc sống ngày một tươi sáng hơn.

 Tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” cho thấy rằng Đức Ban rất linh hoạt trong việc tạo dựng các tình huống. Bên cạnh số ít tình huống còn đi theo lối mòn thì nhà văn đã điểm huyệt được nhiều tình huống có sức gợi mở lớn. Cách triển khai câu chuyện từ những tình huống đó cho chúng ta nhận ra một Đức Ban sắc sảo, nhạy bén nhưng cũng rất đôn hậu. Mặc dù không có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng để lại ấn tượng cho người đọc về diện mạo của một nhà văn không né tránh, ngần ngại lên án, phanh phui hiện thực, dám nhìn trực diện vào những mặt trái của nó và diện mạo một nhà văn đằm sâu trái tim giàu yêu thương, đầy tinh thần trách nhiệm với con người, với cuộc đời

                                                                              H.T.N

       

        “SỨC TẢI” TRONG TRUYỆN NGẮN ĐỨC BAN

                            NGUYỄN THỊ NGUYỆT

Tiếp tục hướng sự quan tâm vào những vấn đề của hiện thực xã hội và đời sống con người đang diễn ra, Đức Ban vẫn lựa chọn truyện ngắn, vừa như là sở trường, vừa như là một thể loại có yếu tố năng động và khả năng nhạy bén trước những thay đổi của cuộc sống. 9 truyện ngắn: Trong mưa, Chốn xưa, Giọt nước mắt màu đất, Nước chảy, Bến sông Duềnh, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh, Người đàn bà bên Cầu Giằng, Lối trong rừng trong tập truyện "Giọt nước mắt màu đất" (NXB Hội nhà văn, 2014) được viết trong khoảng vài ba năm trở lại đây là nỗ lực tìm kiếm một cách viết mới hơn, kết cấu có độ nén cao hơn, một cách kể chuyện ấn tượng hơn để tiếp cận sâu sắc và trực diện các vấn đề hiện thực.

Kể từ những truyện ngắn đầu tiên, mạch văn của Đức Ban khá thống nhất trong một cái nhìn, cách khai thác, tiếp cận những vấn đề có tính xã hội đã, đang và có nguy cơ nảy sinh, trực tiếp liên quan đến số phận con người, dẫn đến những hệ lụy trong các mối quan hệ người. Dưới hình thức và dung lượng cho phép của thể loại truyện ngắn, hiện thực không được nhìn bao quát như những bức tranh xã hội rộng lớn nhưng rõ nét, sắc cạnh thông qua những sự kiện, tình huống, số phận, tính cách, những "lát cắt" của cuộc sống… Mỗi thời có những vấn đề khác nhau, những hệ lụy mà nó tạo ra cho con người cũng khác nhau, và vì thế số phận, tính cách, kiểu nhân vật khác nhau nhưng chung quy không đi ra ngoài những trăn trở về một hiện thực chưa được như mong đợi, cuộc sống còn quá nhiều những bất ổn mà nhà văn muốn chỉ ra, muốn "chất vấn".

Cuộc sống hiện tại cùng với guồng quay của nó đang tạo ra những lỗ hổng, những vòng xoáy và kéo theo nó rất nhiều mất mát. Toàn bộ những truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" đều mang một tâm trạng nặng nề về những mất mát ấy, mất quá khứ, văn hóa, đất đai, làng mạc, những giá trị làm người như đạo đức, nhân phẩm, khả năng được sống một cuộc sống bình thường, được sống với những giá trị thực của mình (Chốn xưa, Trong mưa, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh…). Chúng ta dường như đang phải đánh đổi và trả giá quá nhiều trong vòng quay của đời sống hiện tại. Tất cả những nhân vật, số phận, tính cách mà Đức Ban đã đề cập trong tập truyện ngắn, đều là “mảnh văng” khác nhau từ vòng quay đó và gieo vào lòng người đọc cảm giác bất an, lo lắng… Tiếng nói phản biện một cách có trách nhiệm trước cuộc sống xã hội, con người tiếp tục thôi thúc ngòi bút của tác giả viết tiếp những câu chuyện của cuộc sống đang xảy ra.

Truyện của Đức Ban thường khai thác các vấn đề lớn của hiện thực xã hội thông qua các mối liên hệ, tác động cụ thể, trực tiếp của nó đến số phận cá nhân. Ý tưởng hình thành kết cấu của mỗi truyện ngắn đều dựa trên mối liên hệ này. 9 truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" thực sự là những câu chuyện do cuộc sống viết ra, không xa lạ với những "hiểu biết về thời sự xã hội" của người đọc. Có thể khái quát thành những vấn đề cơ bản: chuyện đất đai, dự án, chuyện thay cũ đổi mới, sự cám dỗ và quyền lực của đồng tiền, chức tước, cơ hội v.v. Việc lẫy ra những vấn đề lớn, lại không phải mới mẻ ấy cho mỗi truyện ngắn thực sự đòi hỏi người viết phải công phu trong việc lựa chọn kiểu nhân vật, tình huống, kết cấu truyện và ngôn ngữ trần thuật.  Sức mạnh của hiện thực nằm sau những cuộc đời, cảnh ngộ, tính cách nhân vật và tâm trạng của người viết - mặc dù đã được ẩn kín để bình thản, khách quan thuật chuyện nhưng vẫn len lõi trong từng câu chữ.    

Hướng đến hiện thực với một ý thức phản tỉnh quyết liệt và khá thẳng thắn, trực diện, các truyện ngắn của Đức Ban hướng được người đọc tập trung vào trung tâm của tình huống, cốt chuyện mà tác giả dẫn giắt, buộc người đọc phải cảm xúc, tư duy cùng nhân vật và vô tình cùng bị "lây nhiễm" tư tưởng và thái độ của tác giả. Có sự can thiệp vô hình nhưng rất mạnh mẽ của ý thức người kể chuyện trong truyện ngắn Đức Ban. Cùng với đó là sự lược bỏ tối đa chi tiết, câu chữ, lời thoại tránh cho câu chuyện không bị loãng đi và người đọc chỉ có thể chăm chú vào diễn biến của sự việc, hành động, lời nói của nhân vật. Thành công của truyện ngắn Đức Ban chính là ở điểm này - lôi kéo được người đọc vào câu chuyện mà tác giả kể, buộc họ phải "ở đó" để chứng kiến, suy nghĩ, bộc lộ chính kiến cùng tác giả. Câu chuyện trong truyện ngắn  "Trong mưa" có vẻ không có gì đáng nghe, đáng xem. Một ông họa sĩ với vẻ mặt cáu kỉnh, đầu tóc âm u và lặng lẽ, hàng buổi chiều vẫn ngồi đúng một chỗ trong quán cà phê quen thuộc, và những đối thoại nhát gừng, vu vơ với người khách mới quen… Nhưng người đọc vẫn theo dõi hết được cái sự vu vơ đầy ẩn ý trong mỗi lời nói, cử chỉ của người đàn ông trong buổi chiều mưa và rồi hình dung, cảm nhận ra một bi kịch mơ hồ nào đó về sự lạc lõng, về sự bị bỏ rơi, bỏ quên của con người giữa thời cuộc này. Truyện ngắn "Chốn xưa" kể câu chuyện về một bà lão năm nào cũng ngược sông vào dịp rằm tháng 7 để về lại ngôi làng Hòa Nghĩa của bà, ngôi làng đã từng rất trù phú, dân cư quần tụ bao đời "Rừng ở sau lưng, sông chảy trước mặt, thế làng vượng lắm, đẹp lắm. Đền, chùa, miếu mạo đủ cả. Lễ hội tháng nào cũng có. Đất lành chim đậu…". Nhưng làng Hòa Nghĩa đã biến mất chỉ còn là bãi đất hoang vì một dự án trời ơi nào đó người ta vẽ ra để trục lợi. Về lại chốn xưa, thắp hương khấn vái để gặp lại trong tâm linh, tưởng tượng, trong hoài vọng và đau xót cảnh cũ, người xưa đã biến mất vĩnh viễn trong những ô, thửa quy hoạch chỉ có cỏ dại trùm lên… Truyện mang tính luận đề. Tình huống truyện đơn giản, lộ sự sắp đặt và giả định rất rõ nhưng người đọc vẫn mặc nhiên bỏ qua yếu tố đó để quan tâm thực sự đến bản chất của vấn đề được đề cập, để hiểu rằng câu chuyện mất mát những gía trị lớn lao, (thậm chí sinh mệnh của cả một ngôi làng),  một cách trớ trêu chỉ vì lợi ích cá nhân, cụ thể, trước mắt của một vài, hoặc nhóm người nào đó có quyền lực trong xã hội là câu chuyện rất thật và thực sự cần phải nói ra như thế, rõ ràng và cả quyết. Ở truyện ngắn "Chốn xưa" , ngoài khả năng kể chuyện còn có sự hỗ trợ tối đa của hệ thống lời thoại nhân vật được lược bỏ quan hệ từ, phụ từ, đại từ nhân xưng, khiến cho người đọc gần như tập trung một cách hoàn toàn vào tình tiết chính, lĩnh hội được ý đồ nghệ thuật mà tác giả đã triển khai một cách rõ ràng trong toàn bộ tình huống truyện. Khai thác cùng chủ đề này, truyện ngắn "Giọt nước mắt màu đất" gây ám ảnh hơn khi sử dụng cả yếu tố thần linh tham gia vào cốt truyện. Câu chuyện của hai cha con người làng Yên Linh (tên làng có nghĩa là yên bình và linh thiêng?), nơi có đền thờ Thánh Mẫu, vốn sống trong bình yên và cam phận rồi biến cố xẩy ra khi "khu công nghiệp" xuất hiện nuốt chửng dải đất đai ven biển, nuốt chửng thành lũy rừng phi lao chắn sóng được dân làng tạo dựng bao nhiêu năm, nuốt chửng vùng biển ra khơi vào lộng của những dân chài. Đứa con gái xinh đẹp bỏ đi làm công nhân và ra nước ngoài với ông chủ người Tàu. Người cha chết trong đợt bão lớn sóng biển cuốn trôi cả làng Yên Linh. Với việc lồng ghép nội dung câu chuyện thực đó với câu chuyện thần linh kỳ bí về Nàng Len - Đức Thánh Mẫu, tác giả đã tạo nên màn sương huyền hoặc, khiến người đọc bị ám ảnh bởi câu chuyện, tin vào những điều mà tác giả đã kể và bị thuyết phục bởi ngụ ý của nhà văn, rằng con người cần có những giới hạn cho những hành vi của mình, nhất là trong việc đối xử với quá khứ, với lịch sử, đất đai, tổ tiên và môi trường sống của mình; rằng những giá trị trường tồn không thể bị đem ra đánh đổi với lợi ích trước mắt. Ở hai truyện ngắn "Chốn xưa" và "Giọt nước mắt màu đất", Đức Ban đã thành công trong việc xử lý cốt truyện, tạo dựng tình huống khiến cho câu chuyện vượt qua được tính thời sự của nó đạt đến chiều sâu của sự tác động nghệ thuật.

Những truyện khác trong tập, ngoài việc lựa chọn được những tình huống “đắc địa” thuận lợi cho việc triển khai tư tưởng, nghệ thuật dẫn chuyện - trong đó tập trung tối đa vào diễn biến chính của cốt truyện - góp phần đắc lực cho câu chuyện khắc chạm được vào tâm trí của người đọc. Thông qua hai nhân vật phụ nữ và một tình huống gặp gỡ trớ trêu, truyện ngắn “Nước chảy” nói được đến tận cùng nghịch cảnh trớ trêu và sự băng hoại của nhân tính trong thời buổi hôm nay, khi mà mối quan hệ, phép tắc ứng xử giữa con người cũng trở nên lạnh lùng, đơn giản như sự mua bán. “Người đàn bà bên cầu Giằng” đúng như tên gọi của truyện, kể về cuộc đời hèn mọn của người đàn bà bên chân cầu và những câu chuyện về nó chỉ có những người như bà có thể “biết” và chứng kiến. Cuộc đời người đàn bà đó bị lãng quên, và cây cầu cũng được thay thế... Thay cũ đổi mới là câu chuyện thường tình, nhưng sự phủ nhận quá khứ lại là vấn đề trách nhiệm, đạo đức của con người. Câu chuyện kể về một số phận khá dị biệt nhưng vấn đề mà nó đặt ra là của nhiều người... Có ý kiến đã nhận xét về “phép nén bút” của Đức Ban trong các truyện ngắn gần đây của ông. Phép nén bút ấy chính là sự tiết chế trong ngôn ngữ trần thuật và biến hoá trong giọng điệu trần thuật. Tác giả đã tiết chế đến mức tối đa các chi tiết hành động, ngoại cảnh, ngôn ngữ tâm trạng. Đặc biệt, toàn bộ lời thoại của nhân vật trong các truyện không đơn thuần chỉ là đối thoại của các nhân vật trong những tình huống giao tiếp cụ thể mà còn là những "mảnh tâm trạng", "nỗi niềm" nào đấy rứt ra từ cảnh ngộ và chiêm nghiệm thế thái nhân tình. Lời thoại được nhà văn vận dụng triệt để như một hình thức "phát ngôn" tư tưởng cho tác phẩm, như một sự phân hóa của giọng điệu và điểm nhìn trần thuật. Đây cũng là đặc điểm khá đặc trưng trong văn xuôi Đức Ban, nó tạo ra "độ nén", "độ văng" cho các truyện ngắn của ông, nhưng cũng không khỏi tạo ra sự nặng nề, ngột ngạt, hơi khô cứng trong cảm giác của người đọc. 

Sự sáng tạo, đổi mới trên mọi hình thức và phương tiện biểu đạt là cách để phát huy hết "sức tải" của truyện ngắn. Các truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" của Đức Ban đã được viết rất kỹ lưỡng, tác giả đã rất dụng công, kỹ lưỡng trong việc xây dựng kết cấu, lựa chọn tình huống, chi tiết, chắt lọc ngôn từ, (kể cả đặt tên cho nhân vật)… để cùng hỗ trợ nhau dẫn dắt câu chuyện đến đích cần phải đến, giúp người đọc nhận thức rõ ràng và thấm thía hơn về những vấn đề cuộc sống.

                                                              N.T.N

SỰ “TRỞ VỀ” TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN

“GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT”

                       NGUYỄN NGỌC PHÚ

“Giọt nước mắt của đất” gồm 9 truyện ngắn của nhà văn Đức Ban chủ yếu được viết trong 3 năm (từ năm 2012 đến 2014). Có lẽ khi viết truyện “Chốn xưa” nhà văn đã có ý định hoàn thành tập truyện ngắn, với những ý tưởng đã được định hình. Công việc sáng tạo là ngẫu hứng. Nhưng có hai cách để hoàn thành một tập truyện ngắn. Hoặc là nhà văn tập hợp tất cả những truyện đã viết, hoặc nhà văn có ý ngay từ đầu để viết một loạt truyện theo một dự định từ trước. Tôi cho rằng với tập truyện ngắn này nhà văn Đức Ban đã có một đường biên cho mình trong cái giới hạn khoanh vùng, nhưng thực tế ông đã trải qua những mẫu người ông đã gặp, những kí ức lịch sử và kí ức văn hóa mà ông có điều kiện được tiếp cận và trải nghiệm sâu sắc.

Đọc xong 9 truyện ngắn ta thấy rõ nhiều sự kiện, địa bàn, nhân vật được xảy ra trên vùng đất địa phương mà ông đang sống. Điều đó để khẳng định nhà văn đã trực diện với một thực tế xã hội với nhiều vấn đề nhạy cảm. Có một “típ” nhân vật văn nghệ sĩ trí thức khá quen thuộc với ông như: họa sĩ (Trong mưa), chú Huyên (Bên đường phố), Hân (Thăm thẳm rừng xanh), tiến sĩ (Chốn xưa), giáo sư (Lối trong rừng). Hay lai lịch và lối sống tha hóa của một số quan chức như: nhân vật Ông (Sóng bến Duềnh) hay Bố tiến sĩ (Bến xưa)… Tất thảy các nhân vật trong tập truyện ngắn này không rõ rệt cả tính cách và ngôn ngữ đối thoại, tất cả cứ chập chờn ẩn hiện, như một đường viền cho việc chuyển tải những ý tưởng.

 Một vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay là đất đai. Bao tiêu cực xảy ra từ bán đất làm dự án, phá hoại môi trường sinh thái và cả môi trường văn hóa. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn “Giọt nước mắt của đất” – “ Giọt nước mắt của tâm linh, thăm thẳm nguồn cội lấy tên chung cho cả tập. Từ đất, trong lòng đất con người cõi âm và dương, sáng và tối, thiện và ác – Mối liên hệ bí ẩn ấy được lặp lại với tần số cao từ nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, thân phận khác nhau tạo nên một dư ba day dứt trong tâm tưởng – nhất là với người Á Đông.

Trong truyện ngắn của ông có rất nhiều sự trở về. Họa sĩ (Trong mưa) trở về trong sự cô đơn bản thể của mình chấp nhận: “Không chịu được!”. Bà lão trở về (Chốn xưa) hay trở lại chốn tâm linh ký ức xưa của mình. Cô gái (Giọt nước mắt của đất) trở về để gặp bố sau trận bão của thiên nhiên thay cơn bão cuồng phong cuốn theo số phận mình. Nhân vật chị (Nước chảy) trở về với ngôi nhà của mình khi nhận ra một sự thật phủ phàng tai nạn xe máy vì con Pin. Và tôi trở về thành phố với bao cám dỗ cuộc sống đời thường để tự tin hơn khi biết sau lưng mình có một con người đáng thương đang sống tật nguyền trả giá cho những đam mê buông thả (Thăm thẳm rừng xanh). Và vị giáo sư cũng phải trở về cho kịp tìm (Lối trong rừng) khi không xem được báu vật vua Hàm nghi do “Ăn nói hàm hồ với đứng bề trên”. Tất cả đó là những lần trở về trong đời người: Trở về với mình và trở về với đất. Ở đây tất cả họ cũng đang được trở về trong những trang văn thấm đậm xa xót của nhà văn mà cái khao khát nhất của ông là được trở về với dân.

Có hai truyện ngắn nhà văn thay đổi cách viết, giọng điệu vốn cổ điển và truyền thống lâu nay của ông. Ở “Trong mưa” viết về nỗi cô đơn, nỗi buồn tỉnh lẻ của một họa sĩ nhưng âm hưởng không khí truyện lại như một bản nhạc không lời với giai điệu trầm gam thứ, độ nhòe mờ của tâm trạng, vu vơ thảng thốt của ngôn ngữ theo âm điệu của mưa. Ở“Người đàn bà bến cầu Giằng” lại là một bức tranh lập thể với các mảng màu đen, trắng đan xen nhau cộng với thủ pháp cắt dán “Mông- ta-giơ” của điện ảnh tạo ra sự “khó đọc” của hồi ức chập chờn khó nắm bắt xâu chuỗi sự kiện. Chính cách viết này gần với thi pháp truyện ngắn hiện đại. Đọc ông, tôi hay chú ý đến câu mở đầu và câu kết thúc truyện. Thường, những truyện mênh mang có lớp lang hẳn hoi thì câu mở đầu bao giờ cũng mở ra một không gian địa văn hóa, dù là trong tâm tưởng, hay là tự sự giới thiệu: “Chú Huyên người cùng làng với tôi” ( Bên đường phố). “Tôi và Hân học xong trường văn hóa nghệ thuật tỉnh” (Thăm thẳm rừng xanh) hoặc: “Sách cũ chép, ngày xưa có con đường thiên lý...” (Người đàn bà bên cầu Giằng). “Năm…giáo sư Lê Vân đến công tác tại tỉnh Hát…” (Lối trong rừng), ít có cái không khí như “Trong mưa”, cuốn hút từ đầu đến cuối truyện, trong một không khí trễ nãi nhưng thật sinh động. Tôi thích các kết truyện mở của nhà văn Đức Ban, kiểu như: “Phòng khách đang ồn ào” (Thăm thẳm rừng xanh) hay “Dường như ngài không đoái hoài đến sự việc đang xảy ra trước mắt” (Lối trong rừng), “Hôm trước gặp tôi Ông như nhắc đi nhắc lại Bến Duềnh cứ như tâm trí của ông để cả vào đấy” (Sóng bến Duềnh) hay: “Không chịu được. Tôi lẩm bẩm và lắc đầu như một phản xạ”. Kiểu kết thúc truyện này có dư ba bắt người đọc cùng nhập cuộc suy luận.

Văn Đức Ban đẹp và truyện Đức Ban rất có văn, cả chất thơ nữa. Trong tập truyện ngắn này chất thơ cứ bảng lảng điểm xuyết như tranh thủy mạc, chỉ vài nét chấm phá tả cảnh thiên nhiên mà nhuộm xuống phận người bao éo le, đắng đót. Ông cũng làm mới chữ như: “Sau đó là tiếng rượu chảy riu riu, riu riu” (trang 77- truyện Sóng bến Duềnh). Tôi chưa thấy ai như thế cả. Một điều lạ là vài địa danh trúc trắc khó đọc như “Cầu Giằng”, “Sông Duyềnh” gợi lên sự giằng co, với âm hưởng khó nhọc vật vã như cuộc đời con người hay nhiều nhân vật không có tên như  cái bóng vô hình lởn vởn bên ta như cả một thế lực siêu hình nào đó. Nhiều lần ông nói đến sông đến bến, đến thuyền như thân phận nhỏ nhoi, trắc trở, ghép nối, lở bồi gần với nhiều mô típ thường thấy trong so sánh trong tâm thức của dân gian.

Ở nhà văn Đức Ban hội tụ nhiều năng khiếu bẩm sinh ngoài văn chương như khiếu thẩm mỹ về: mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu và cả hoạt ngôn trong giao tiếp cuộc sống đời thường nữa. Ông đã phát huy được các thế mạnh “trời cho” và biết tiết chế có độ dừng cần thiết, không cần phải “đao to, búa lớn”. Thời đại thông tin hiện nay khi báo chí và các mạng xã hội lan tràn có được tập truyện ngắn giàu tính nhân văn và lay thức như “Giọt nước mắt của đất” thật hiếm hoi khi khám phá tầng sâu của căn cốt con người, căn cốt văn hóa và căn cốt của đất. Giá như phần viết về truyền thuyết Nàng Len cô đọng hơn hay những câu khấn của bà cụ trong sách “Văn cúng gia tiên” giản lược thì không khí truyện bớt pha loảng mà sánh lại, “độ nén” sẽ hiệu quả hơn. Nếu sắp xếp lại các tên của 9 truyện tôi sẽ có một câu văn trần thuật tặng nhà văn Đức Ban: Từ ngôi nhà  “Bên đường phố” Nguyễn Du, nhà văn Đức Ban về lại “Chốn xưa” với “Người đàn bà bên cầu Giằng” tìm “Lối trong rừng” qua “Thăm thẳm rừng xanh” đến “sống bến Duyềnh” gặp “Giọt nước mắt của đất” “trong mưa” và “nước chảy”….

                            Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 11 năm 2014

                                              N.N.P

CÕI THIÊNG VÀ ĐIỂM TỰA NIỀM TIN TRONG TẬP TRUYỆN “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT” CỦA NHÀ VĂN ĐỨC BAN

                                     NGUYỄN DIỆU THUÝ                                    

Những năm gần đây, yếu tố kì ảo xuất  hiện trong nhiều sáng tác của các nhà văn đương đại. Ngoài vai trò lạ hóa, yếu tố kì ảo còn là phương tiện giúp nhà văn khám phá hiện thực, bộc lộ quan niệm mới mẻ về cuộc sống và con người. Bút pháp hiện đại này đã được biểu tả thành công trong  tập truyên “Giọt nước mắt màu đất” của nhà văn Đức Ban.

Không lạm dụng yếu tố kỳ ảo để rồi dẫn dụ người đọc phiêu diêu trong mộng mị, Đức Ban tiết chế phương tiện nghệ thuật này đủ để tạo dựng không gian một cõi thiêng nhuốm màu khói sương, hư ảo nhưng yên bình tương phản gay gắt với  cõi phàm trần xô bồ, nhốn nháo, đua tranh.  Lạ thay, không gian đầy sắc màu liêu trai ấy lại không phải ở đâu xa lạ mà nó tồn tại ngay cạnh cõi thực, thậm chí trong lòng cõi thực. Rất gần nhưng lại rất xa, bởi đấy là cõi thiêng mà người phàm trần không dễ gì thâm nhập được. Cõi thiêng ấy có thể là một ngôi đền thiêng, một doi đất nhỏ của ngôi làng bị bão xoá tên, một chiếc cầu với bao huyền thoại, hay là những báu vật của triều đại xưa còn được lưu giữ trong dân gian.

Hình ảnh cõi thiêng, trước hết là chốn đền chùa  linh thiêng,  nơi trú ngụ của thần  linh, giúp con người hoá giải những giấc mơ trong cuộc sống thực tại, đem đến sự tĩnh tâm cho mỗi người. Đó là vùng đất thiêng của làng Yên Linh nơi có ngôi Đền Thánh Mẫu “toạ giữa đám cây si già thân mốc mác nhưng lá xanh mướt mát. Phía trước là rừng cây dày sít kéo dài ra tận biển.”. Ngôi đền ấy đã gắn liền với lịch sử của làng, vững chãi trước bao biến cố, mang trong mình huyền thoại của những vương triều với những bi hùng trong quá khứ và những câu chuyện linh thiêng được người đời nay truyền khẩu. Ngay cả khi cơn bão của công nghiệp hoá với những bê tông cốt thép, tàu lớn tàu bé đã cuốn cả làng Yên linh vào vòng xoáy, nhổ bật cả rặng phi lao chắn sóng dày sít, vững chãi của làng thì cái doi đất nhỏ nhoi, nơi có ngôi đền vẫn là chốn yên bình.

Hay trong “Sóng bến Duyềnh”, hình ảnh cõi thiêng là đền thờ Đào Thinh thờ vị tổ họ Đào làm đến chức án sát triều Lê có công giúp vua đánh giặc giữ nước. Ngôi đền ấy gắn với  biến cố của bao triều đại, của dòng họ Đào, có cả những khi phải hứng chịu sự cuồng nộ của đám đông” phá miếu thành hoàng, phá chùa trên núi đá, phá cả thượng điện trên nhà thờ họ Đào”. Cõi thiêng tuy không có những phép nhiệm màu giúp hóa giải vận hạn cho những  kẻ sa cơ lỡ vận như nhân vật Ông (vốn là một kẻ có chức sắc) nhưng vẫn là nơi tĩnh tâm sau những bon chen, mưu lợi hiểm độc  chốn quan trường.

Có khi, cõi thiêng lại là một vùng đất hoang ven sông, dấu tích còn lại của  ngôi làng từng một thời hưng thịnh, vậy mà nay ngay cả cái tên cũng chìm vào quên lãng. Cuộc gặp gỡ giữa Võ My với bà lão kì bí trong “Cõi xưa”, là một cuộc gặp gỡ nhuốm màu sắc hoang đương kì ảo.  Cả hai cùng lên bến Sơn Lĩnh để tìm về một cái làng nhưng với hai tâm thế hoàn toàn khác nhau: một đi về với cõi xưa với tấm lòng thành kính, tiếc nuối, một đến từ chốn phàm trần với những toan tính vụ lợi. Thế rồi, những gì Võ My chứng kiến  từ cuộc  chuyện trò giữa bà lão với những lớp người thiên cổ đã giúp anh đốn ngộ ra nhiều điều. Không còn cái hăm hở khi bước chân xuống thuyền đi tìm thửa đất số 13 của vùng đất có tên làng Kẻ Xá mà cha anh đã “giành giật với người sống và giành giật với cả người chết” làm sản nghiệp cho con trai  trước lúc chết, thay vào đó là sự tĩnh tâm, thanh thản.

Cõi thiêng ấy cũng có khi rất gần với đời thực, ấy vậy mà người phàm trần không dễ gì chạm tay tới được. Trong truyện “Lối trong rừng”, cõi thiêng lại chính là ngôi nhà của Cố đạo, nơi cất giữ báu vật của vua Hàm Nghi. Ngôi nhà ấy trở thành một ngôi đền thiêng không chỉ vì những báu vật  mà chủ nhân của dòng họ sở hữu mà còn ở những huyền thoại về báu vật, ở sự thành tâm tôn kính của người cất giữ chúng. ”Báu vật ở đền Trầm Lâm giữa làng tôi hơn một trăm năm. Khi về trong nhà ông tôi, cha tôi rồi đến tôi tính ra ngót bảy chục năm, báu vật vẫn toàn vẹn cho dù đã có bao nhiêu sự thăng trầm xẩy ra. Kẻ tham lam, ngu đần,ác độc mà loại ấy thời nào cũng có, không chạm được vào báu vật…”. Câu chuyện về những báu vật triều Nguyễn đã thôi thúc một vị giáo sư nọ vượt chặng đường dài, lặn lội tìm đến làng Gia Ninh để thực mục sở thị vật thiêng. Âý vậy, mà một nghịch lý đã xảy ra, vị giáo sư có học vấn uyên thâm kia đã không thể nào nhìn được được vật thiêng, chỉ vì ông đã có những lời báng bổ tiền nhân, phạm vào cõi thiêng - niềm tin, sự thành tâm của người dân nơi đây, chạm vào nỗi lo thường trực của người trưởng họ:  “- Anh biết tôi sợ nhất điều gì không. Sợ nhất sự lú lẫn . Rồi phạm vào vật thiêng, cõi thiêng thì…”.

Trong “cõi thiêng”, Đức Ban tập trung khắc họa kiểu nhân vật độc hành. Đấy là bà lão kì bí trong “Chốn xưa”, lẻ loi đơn độc với hành trình tìm về quá khứ, là ông lão làng chài trong “Giọt nước mắt màu đất” đơn độc trước “cơn bão kinh tế thị trường” quét qua làng, là người đàn bà  chung tình đến lạ kì trong” người đàn bà bên cầu Giằng”, hay ông trưởng họ (lối trong rừng,) thường trực nỗi lo không tìm được người thay mình giữ báu vật. Họ đều là những người nặng lòng với quá khứ, đầy những dự cảm bất an, lạc lõng trong cõi đời và vì vậy, họ tìm đến với cõi thiêng như là một điểm tựa tinh thần.

Thực chất, cõi thiêng là biểu tượng nghệ thuật về những giá trị tinh thần trong đời sống văn hóa của cộng đồng, những giá trị ấy  đứng  trước nguy cơ đổ vỡ bởi nền kinh tế thị trường, bởi lối sống thực dụng, giả dối, tầm thường. Và “cõi thiêng” thực sự là một "hình thức khác của cuộc sống" thể hiện tâm lý đau buồn, bất an, lo lắng về thân phận con người của nhà văn.

                                                    D.T

                                                         

“GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT”  VÀ  NHỮNG

NỖI NIỀM TRẮC ẨN VỀ CON NGƯỜI, LẼ ĐỜI

                                                                 ANH THƯ

Hòa chung vào dòng chảy đổi mới của văn xuôi hiện đại, Đức Ban là một trong những nhà văn có bản lĩnh, luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để tạo dựng diện mạo mới cho thể loại truyện ngắn. Ông đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng bạn đọc với nghệ thuật đặc sắc, văn chương sắc sảo, cốt truyện độc đáo, ngôn ngữ giàu sức biểu hiện. Tập truyện ngắn mới xuất bản Giọt nước mắt màu đất càng khẳng định hơn nữa phong cách truyện ngắn của ông. Xuyên suốt các trang văn, các câu chuyện của ông đều đau đáu một nỗi niềm trắc ẩn về con người, về cuộc đời.

Giọt nước mắt màu đất là tên một truyện ngắn đặc sắc, vừa là tiêu đề của cả tập truyện. Nhan đề của truyện mang ý nghĩa triết lý, gợi lên nhiều sự liên tưởng cho người đọc. Hình ảnh “giọt nước mắt màu đất” trong truyện gắn với số phận bi kịch của nhân vật Ông, xuất hiện cuối tác phẩm ám ảnh tâm trí người đọc. Phải chăng đó là giọt nước mắt của niềm vui, sự thỏa nguyện mong ước cuối cùng của người gần đất xa trời. Hay là giọt nước mắt thương cho cuộc đời cơ cực, gian truân của cha và con - trong sự giao hòa của niềm an ủi. Hay là giọt nước mắt mang dáng hình, màu sắc, hương vị của Đất, nơi trú ngụ vĩnh hằng của Ông… Ngoài việc lấy tên truyện ngắn đặc sắc đặt tên cho cả tập truyện, nó còn bao hàm ý nghĩa về nội dung nghệ thuật, giá trị nhân văn của tác phẩm. Nếu cảm nhận cuộc sống và con người bằng nước mắt, bằng tình yêu thương ta có thể đi sâu phát hiện bản chất đích thực của con người và cuộc đời. Bởi vậy, giọt nước mắt ở đây là giọt nước mắt của tình thương, của lòng thương cảm, của sự trắc ẩn cho tình người, tình đời, cho những thân phận con người.

Đó là thân phận của người đàn bà trong Nước chảy; Người đàn bà trên Cầu Giằng; người đàn ông trong thời kì mở cửa ở Giọt nước mắt màu đất; Kẻ chạy theo dục vọng, đồng tiền trong Sóng Bến Duềnh, Thăm thẳm rừng xanh; kẻ không bình thường nhìn đời bằng cái lắc đầu, cáu kỉnh ở Trong mưa; vị giáo sư đi tìm báu vật ở Lối trong rừng… Bằng con mắt nhìn sắc sảo, tư duy nhạy bén, sự trải đời của người đam mê nghề nghiệp, nhà văn Đức Ban đã miêu tả các nhân vật không theo một sơ đồ giản lược, định sẵn mà thể hiện tâm lý nhân vật trong mối tổng hòa đa dạng, có chiều sâu với các góc khuất thầm kín, có sự phát triển nhân vật một cách sinh động, phức tạp như vốn có ở ngoài cuộc đời vậy. Con người hiện lên với các mặt sáng, tối, tốt, xấu, thiện, ác…. như lời nhân vật chính trong truyện Nước chảy “Nhưng suy cho cùng thì con người ta, tôi và ông và nhiều người khác đều là những cái thùng sắt, trong đó nhốt đủ thứ  tốt đẹp, xấu xa…lẫn vào nhau, chèn lên nhau”. ( tr 9)

Con người trong truyện của Đức Ban thường thấy cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng, ngang trái và bất lực với số phận. Con người ấy dường như lúc nào cũng mang nặng trong tâm hồn một nỗi bấn loạn vì luôn cảm thấy bơ vơ trước mênh mông cõi đời và tấp nập cõi người. Nhân vật hắn trong truyện ngắn Trong mưa, luôn lắc đầu, cáu kỉnh với câu nói cửa miệng “ không chịu nổi”.  Hắn không muốn giao tiếp, chia sẻ, quan tâm điều gì. Hắn cô đơn giữa đồng loại, hắn không tìm thấy sự hòa hợp với thế giới mà mình đang tồn tại để rồi trở nên xa lạ với tất cả, xa lạ ngay với chính bản thân mình. Ẩn dấu đằng sau vẻ bề ngoài gàn dở đó là cả một nỗi niềm ưu tư, trăn trở. Hắn chán ngán vì bao thất vọng về cuộc đời: bị thủ trưởng bỏ rơi, vợ chạy theo đồng tiền bỏ gia đình, hắn sống bế tắc, chán nản, lầm lũi. Người đàn bà trong Nước chảy rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, chồng bị tai nạn sau đám cưới một tuần trăng, chị trải qua bao năm tháng đằng đẵng chăm sóc người chồng bán thân bất toại, như dòng nước chảy róc rách đều đều, miệt mài, rồi một ngày mưa gió sụt sùi chồng chị đã ra đi. Chị sống mòn mỏi, cô đơn trong căn nhà nhỏ dưới chân núi như thách thức với thời gian. Số phận trớ trêu không buông tha chị, đun đẩy thế nào chị phải nuôi kẻ đã gây ra tai nạn cho chồng mình. Trong cơn cuồng phong dữ dội, khi nhận ra kẻ đó, lòng chị sôi sục, quá khứ dâng trào thúc bách chị trả thù cho chồng, cho số phận, cho cuộc đời. Nhưng rồi tia sáng của lương tri, của tình người đã ngăn bước chân chị. Dòng nước trắng xóa nơi bãi đá cuội sau làng như rửa sạch vết đen trong lòng chị.                                         

Không gian tự nhiên trong tác phẩm của Đức Ban rất rõ ràng về mặt địa lý: thác nước, chốn xưa,  nước chả, sSóng Bến Duềnh, thăm thẳm rừng xanh.. nhưng lại không được xác định cụ thể. Nhiều truyện được phủ lên màu sắc huyền bí, linh thiêng. Vì vậy nó mang tính chất kỳ lạ, khác thường, không hẳn là hiện thực nhưng cũng không phải là không gian siêu nhiên. Cái tài của nhà văn muốn gợi lên không gian huyền bí, ma mị để khám phá chiều sâu của hiện thực. Chúng ta càng thấm thía hơn nhận định của tác giả Trăm năm cô đơn  “Vấn đề của mọi nhà văn là viết ra những câu chuyện có thể tin được” (G.G. Marquéz). Hiện thực cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của ông không chỉ dừng laị ở phản ánh, mà còn là phương tiện ông thể hiện triết lý nhân sinh, cách nhìn con người, cuộc đời của mình. Đức Ban thường nhìn con người trong bi kịch của chính họ. Con người trong truyện ngắn của ông không mấy khi có số phận êm đềm, phải đối mặt với những sóng gió, với sự thực bẽ bàng, khát vọng đấy nhưng cũng thất bại đấy. Nhà văn trong những truyện ngắn của mình đã không để nhân vật sống mãi trong ảo tưởng, hiện thực đã đập vỡ niềm tin ngây thơ của con người. Bởi theo ông, cuộc đời đầy rẫy những biến ảo, không đẹp như trang thơ, như những giấc mơ. Đức Ban thường từ chối những kết thúc có hậu, không muốn con người ngộ nhận, sống mãi trong ảo tưởng. Giọt nước mắt màu nâu  nổi rõ không khí linh thiêng của đền thờ Thánh mẫu, đồng thời phản ánh hiện thực cuộc sống thời kinh tế mở cửa, một tổ chức kinh tế vào đầu tư trồng rừng chắn sóng cho vùng quê Yên Linh. Ông và dân làng đảm đương công việc một cách đày trách nhiệm, vì nó thể hiện lòng mong mỏi, bình yên và ý thức làm chủ làng xã. Khu công nghiệp ra đời, kéo theo mọi sự thay đổi, vợ ông mất, con gái bỏ Ông theo gã Phó tổng giám đốc, dân làng xơ xác hoang mang, cây cối oằn cong trước gió. Con người bám trụ với đất với làng, đánh vật với bao cát biển, sóng biển như ông không khỏi đau lòng. Nỗi đau gặm nhấm thân xác, tinh thần làm ông cạn kiệt nguồn sống:“ Trên mặt đất nhốn nháo này vẫn còn chỗ cho đứa con gái của ông đổi đời ư ?Mà đời nó yên lặng thế còn đổi với thay cái gì kia chứ. Ông lầm rầm cắm chân vào cát, nhìn mênh mông ra biển, ngực bỗng đau thắt từng cơn”(Tr46). Truyện Chốn xưa đưa ta về với không khí linh thiêng, mờ ảo, nhập nhằng giữa linh hồn người chết và người sống. Câu chuyện xoáy vào hai nhân vật Võ My và bà Lão, họ cùng về một miền quê nhưng hai mục đích khác nhau. Võ My tìm về theo di chúc của người cha, còn bà Lão tìm về “chốn xưa” hương khói cho những người làng đã hy sinh. Chốn xưa nay đã hoang tàn, đổ nát, những mảnh vườn bị đào xới ngổn ngang… Kì thú nhất, họ đã gặp những vong hồn phiêu dạt “Võ My nhìn thấy rất nhiều bóng dáng trắng nhợt và méo mó, đang chuyển động trong không gian loáng nắng và nồng nàn mùi đất…”. Có lẽ khi mang nặng nỗi day dứt trong nội tâm của mình, con người thường tìm về chốn xưa. Bởi lẽ, chốn xưa là nơi nương náu cuối cùng của những tâm hồn không tìm được sự bình yên trong cuộc sống, nhưng tìm được sự giao cảm với những linh hồn phiêu dạt.

Cuộc sống trôi qua, cuốn băng con người vào guồng xoáy của xã hội, biến tình yêu, cảm giác sự sống thành những chiếc mặt nạ để che đậy con người thực của mình. Nhưng đôi khi lòng ta lắng lại, đối diện với văn chương, trăn trở với Giọt nước mắt màu đất để biết thêm nhiều cảnh đời, nhiều lẽ sống, để biết nhiều “miếng kính biến hình vũ trụ”. "Nhờ văn thơ người ta sống thêm một lần nữa với cuộc đời; sống đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, vô tư hơn và mơ mộng hơn. Mỗi lần đọc hay bình luận một bài thơ hay, bài văn hay là một lần sống như vậy”( Lê Ngọc Trà trong Tiếng nói tri âm). Quả thực, truyện ngắn của Đức Ban luôn có sức hấp dẫn riêng! Mỗi lần đọc truyện ngắn của ông, ta như sống đầy đủ hơn, sâu sắc hơn với cuộc đời.

                                                             Tháng 10/2014

                                                                    A.T                                                                            

   CHỐN XƯA - MỘT TRUYỆN NGẮN HAY

                             NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

... Xin nói ngay rằng, đọc tập truyện Giọt nước mắt màu đất của Đức Ban, với tôi truyện Chốn xưa là một truyện ngắn hay. Nội dung truyện có thể nói là đơn giản, gần như tình cờ. Các nhân vật không gắn gì với nhau, gặp nhau ngẫu nhiên trong một chuyến đò dọc ngược nguồn lên một vùng đất có tên là bến Sơn Lĩnh nào đấy, một địa danh có tên là Kẻ Xá nào đấy. Tác giả giữ được sự khách quan cũng không biết đấy là đâu! Trong chuyến đò ngược này, sau khi những người làm ăn buôn bán đã xuống hết các bến, thuyền chỉ còn lại một "bà lão nhỏ bé, hai tay ôm chặt túi xách da đã nhàu. Bà mặc bộ quần áo màu nâu, ngang bụng thắt một dải lụa đỏ, múi thắt vẹn vẹo một cách cẩu thả. Cái mũ vải tùm hụp xuống tận đường lông mày khiến khuôn mặt trắng nhợt của bà toát ra vẻ nghiêm nhặt, khắc khổ." và một người đàn ông trí thức tên là Võ My, đi biệt xứ đã lâu, từ năm lên mười khi mẹ Võ My mất. Khi ấy cha Võ My đang là một quan chức cỡ bự của tỉnh đã đưa Võ My ra thành phố ăn học. Rồi Võ My ra nước ngoài học đại học, rồi làm tiên sỹ. Học xong Võ My lại về tỉnh, nhưng chỉ quanh quẩn trong trung tâm giống cây trồng. Lần này Võ My về cái nơi có tên là Kẻ Xá. Về không phải là tìm lại kỷ niệm xưa, không thăm ai, mà để xem thửa đất 13 nào đấy ở Kẻ Xá người cha để lại. Cha Võ My vốn là kẻ có quyền và ham tiền với triết lý sống "có nghị lực, có tham vọng cần thứ gì có thứ ấy". Ông từng đạy Võ My "Phải giành giật, giành giật với người sống và cả với người đã chết!" Và ông đã giành giật đất đai ở Kẻ Xá để triển khai một dự án kinh tế nào đấy, không phải để làm giàu cho quê hương, mà để thu được lợi lộc cho mình nhiều hơn nữa. Nhưng đang làm dở thì ông chết. Võ My muốn về để nhìn lại mảnh đất ấy, nơi luôn luôn khiến mình có cảm giác bất an. Biết cũng chẳng để làm gì, vu vơ thế thôi! Nhưng đấy là tâm trạng của người lương thiện, cả nghĩ. Còn bà lão hàng năm về Sơn Lĩnh, về Hoà Xá có làng Hoàn Nghĩa để thăm lại chốn xưa, nơi ông nội của bà là người khai thiên lập địa thành làng ở đây. Khi cụ mất, làng đã lấy tên cụ làm tên làng. Cụ là thành hoàng làng. Rồi nhiều người trong họ mạc của bà cũng nằm lại ở đây. Bây giờ dân làng đã rời đi hết, để nhường đất cho một dự án kinh tế nào đấy. Bà lão nhìn chiếc giàn khoan chìm trong cỏ dại, nghe Võ My  nói mũi khoan của nó khoan xuống 15, 20 mét, bà lão có cảm giác rờn rợn như mũi khoan đang xoáy vào da thịt người nào đó! Bởi nơi đây nhiều người trong họ mạc của bà đã nằm lại, hoà vào mảnh đất này. Bây giờ bà về thăm, là thăm một thế giới người âm ở đó, cũng vu vơ thế thôi! Mỗi lần về bà sắm lễ bày ra nơi Chốn Xưa, rồi thắp nến, đốt nhang, đọc bài khấn, thế là tất cả hiển hiện quanh bà, khiến Võ My là người ngoài họ mạc cũng "nhìn thấy rất nhiều bóng dáng trắng nhợt và méo mó, đang chuyển động trong một không gian loang loáng nắng và nồng nàn mùi đất, rồi họ bám vào nhau ríu rít quanh bà lão, từng vòng, từng vòng như vô cùng... Và Võ My  lờ mờ thấy ra một cuộc gặp gỡ giữa bà lão và những vong hồn.

- Bà nói gì với các vong và các vong nói gì với bà vậy? - Võ My  dè dặt hỏi, cảm giác bất an nhói lên trong lòng.

- Nhiều chuyện, xưa, nay - Bà lão nói - Nhưng anh không nghe được, chưa nghe để biết được đâu."

Một không khí mờ mờ nhân ảnh của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ với những yếu tố âm dương hoà quyện. Một không gian hiện thực huyền ảo của Á Đông, huyền thoại của tư duy đạo Phật. Đức Ban đã luyện cho mình có một giác quan, một giọng văn hư ảo để dẫn truyện. Chỉ viết theo lối kể chuyện mà không dựng, nhưng nhân vật vẫn hiện lên rất rõ. Truyện vẫn có sức ám ảnh khiến người đọc bâng khuâng như vừa chia tay với một vùng đất đã từng lưu giữ những kỷ niệm đẹp, những quá khứ giàu truyền thống nhưng đang bị xâm phạm bởi quyền lợi thực dụng của con người.

Văn trong Giọt nước mắt màu đất là văn dung dị, kiệm lời nhiều sức gợi. Viết bằng giọng kể là chính, nhưng quan trọng là đã chọn được đúng giọng cho nội dung ấy, cho câu chuyện ấy.

Hình như đến một tuổi nào đấy, người viết quay về với phương pháp kể chuyện, nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại cả trong hành văn và dẫn dắt câu chuyện. Xin dẫn nhà văn Nguyễn Khải là một thí dụ. Sau tập truyện Mùa lạc và một số truyện vừa viết về nông thôn, thể hiện bằng phương pháp dựng truyện, công phu và kỹ lưỡng, nhưng về sau, quãng mươi năm cuối đời, Nguyễn Khải viết một loạt truyện ngắn, lại viết bằng giọng kể là chính. Ông nói với tôi rằng viết bằng phương pháp dựng tốn rất nhiều chi tiết, và tự thấy không đủ lực như thời trai trẻ nữa, nên quay sang viết bằng giọng kể. Điều quan trọng là phải tìm được một giọng kể sao cho thích hợp nhất và ông tiết lộ rằng đã nghiên cứu qua giọng kể của nhà văn Trung Quốc Ngô Kính Tử tác giả bộ tiểu thuyết ngàn trang Chuyện Làng Nho mà chỉ kể chứ không dựng mà vẫn hấp dẫn, vẫn lôi cuốn từ đầu đến cuối. Điều cốt tử là phải tìm ra "bí kíp" cách kể chuyện ở đấy là thế nào.

Với Đức Ban, anh đã nghiền ngẫm ra sao để tìm ra một giọng kể hữu hiệu cho mình và cho tập Giọt nước mắt màu đất? Trong tập này, riêng hai truyện Thăm thẳm rừng xanh và Người đàn bà bên cầu Giằng có đầy đủ cơ sở để phát triển thành truyện vừa, thành tiểu thuyết. Nhưng có lẽ đến lúc ấy tác giả lại phải dùng một giọng văn khác.

                                                  N.K.T

      TẬP TRUYỆN NGẮN “GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT”

CỦA NHÀ VĂN ĐỨC BAN

NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CỦA MỘT NGƯỜI VIẾT TRẺ

                                                         TRẦN HẢI VÂN

Nhà văn Đức Ban là người có nhiều đóng góp nổi bật cho văn xuôi Hà Tĩnh. Sở trường của ông lâu nay vẫn là truyện ngắn, một thể loại đắc địa giúp nhà văn khám phá và chiếm lĩnh hiện thực. Tiếp nối những mạch truyện trước đây, Giọt nước nước mắt màu đất - tập truyện ngắn mới xuất bản của Đức Ban đã đánh dấu những nỗ lực sáng tạo không ngừng của nhà văn.

Được xem là những người viết trẻ nhưng những hạn chế về vốn sống và năng lực sáng tạo khiến chúng tôi chưa có được những tác phẩm thật sự có chất lượng. Ngoài việc tự trau dồi cho những trang viết của mình thì những tác phẩm, hay nói cách khác là những thành công của các tác giả đã định hình được cách viết, đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học trong đó có nhà văn Đức Ban và những truyện ngắn của ông là một sự dẫn dắt, một sự gợi hướng cho quá trình sáng tác của những người mới bắt đầu bước chân vào nghiệp viết như chúng tôi. Những gì mà một người viết trẻ học được từ những truyện ngắn của nhà văn Đức Ban nói chung và tập truyện “Giọt nước mắt màu đất” của ông nói riêng sẽ góp phần làm “dày” thêm cho những trang văn của mình.

1. Điều đầu tiên mà chúng tôi học được ở nhà văn Đức Ban và tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” của ông chính là một vốn sống phong phú, sự trải nghiệm cuộc đời ở những vĩa tầng sâu thẳm của nó.

Có lẽ để bắt đầu viết văn và gắn bó với nghiệp viết dài lâu thì điều cần nhất với một người cầm bút chính là vốn sống. Vốn sống hay là sự trải nghiệm cuộc đời làm nên bề rộng cũng như chiều sâu của một tác phẩm văn học. Vốn sống có lẽ là thứ mà những người viết trẻ như chúng tôi còn thiếu để những trang viết của mình có thể bắt mạch được vào dòng chảy của hiện thực. Thiếu vốn sống và những trải nghiệm cuộc đời khiến cho văn chương của hầu hết các cây bút trẻ thường “mỏng” và “nhẹ”, không đọng lại được sâu trong trí nhớ của người đọc.

Tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất của nhà văn Đức Ban được viết ra từ những trải nghiệm cuộc đời của nhà văn. Vốn sống, vốn văn hóa phong phú dày dặn, sự am hiểu sâu sắc về thời cuộc, về hiện thực đã làm nên những vỉa tầng sâu thẳm trong những trang văn của Đức Ban. Ông đã sống, đã trải qua nhiều biến động của lịch sử, của đất nước, qua những đổi thay của thời cuộc gần hết một đời người. Những thăng trầm của cuộc đời, những kinh nghiệm sống quý báu được chắt ra từ hiện thực đã trở thành máu thịt, và đến lúc chúng được tinh lọc và dồn chứa trong tác phẩm của nhà văn. Điều mà mỗi người viết trẻ như chúng tôi lĩnh hội được từ truyện ngắn của Đức Ban chính là cái vốn sống phong phú ấy, sự trải nghiệm cuộc sống bằng tất cả tâm hồn và trí tuệ mới có thể làm nên những trang viết có sức ám ảnh với người đọc.

       2. Với một vốn sống dày dặn và phong phú như vậy, truyện ngắn của Đức Ban có khả năng bao quát hiện thực ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, sắc sảo và bén nhạy trong khai thác và chuyển tải các vấn đề xã hội liên quan đến số phận con người.

Nhà văn Đức Ban thường nói với chúng tôi về cái gọi là văn chương “không tải” vẫn thường xuyên hiện hữu trong các tác phẩm của những cây bút trẻ. Đó là thứ văn chương thiếu tính tư tưởng, hời hợt và dễ dãi cho thấy sự non yếu trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực. Truyện ngắn của nhiều cây bút trẻ hiện nay thực sự chưa bám sát vào hiện thực cuộc sống, chưa chuyển tải được những vấn đề có tính chất cấp bách của đời sống xã hội đang đòi hỏi tiếng nói và sự phân tích phản biện của nhà văn. Có phải vậy chăng mà với tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất, các vấn đề của đời sống hiện thực đặc biệt là hiện thực xã  hội thời hậu chiến rồi đến thời mở cửa với cơ chế thị trường đã được nhà văn Đức Ban đề cập một cách trực diện bằng cái nhìn sắc sảo, sự phân tích rốt ráo đến từng cảnh ngộ, từng kiếp người, phận người trong cái xã hội ấy. Bằng khả năng dồn nén và bùng nổ của thể loại truyện ngắn, từ những “lát cắt” của cuộc sống nhà văn đi sâu vào khám phá và phản ánh hiện thực với những mảng màu sáng tối, những phận người với những bi kịch chua xót, sức mạnh nghiệt ngã của đồng tiền, những xung đột ngấm ngầm nhưng dữ dội của bản năng thấp hèn và thiên lương cao đẹp, của đức tin vĩnh cữu và sự đỗ vỡ lòng tin của con người trong xã hội hiện đại, hay đơn giản chỉ là cảm giác giác cô độc, lạc lõng không chia sẻ nỗi đang tồn tại trong mỗi con người. Bức tranh hiện thực được kéo lại gần hơn bằng những vấn đề mang tính thời sự đang gây ra những phẫn uất, bức bối trong đời sống xã hội. Đó là sự băng hoại về đạo đức của những quan chức thời hiện đại tiến thân bằng tham vọng chức tước và địa vị, bằng sự giả dối và bội bạc với quá khứ (Sóng bến Duềnh, Người đàn bà bên cầu Giằng), đó là sự tàn nhẫn của những con người lợi dụng sức mạnh vô biên và nghiệt ngã của đồng tiền để sai khiến và chà đạp lên nỗi đau của người khác (Nước chảy). Và tham vọng thấp hèn nào rồi cũng không vượt qua nổi cái giới hạn cuối cùng, con người chết trong dằn vặt, cô đơn và tuyệt vọng (Sóng bến Duềnh, Rừng xanh núi thẳm). Đó là một sự trả giá nghiệt ngã và đau đớn như một thứ quy luật nhân quả tất yếu khi con người vẫn còn tôn thờ đồng tiền và quyền lực xã hội. Thời đại nào, xã hội nào cũng có những vấn đề cốt tử của nó, cũng có những nhân vật tiêu biểu của nó và cũng có những nỗi đau, những bi kịch của nó. Nhà văn nói lên tiếng nói của những người dân mất đất vì những dự án vô nghĩa, khắc khoải tìm lại một “Chốn xưa” giờ chỉ còn cỏ dại và những vong hồn lẫn khuất. Nhà văn cảm thương cho những phận đàn bà bị bỏ quên trong bóng tối ầm thầm hi sinh rồi âm thầm chịu đựng nỗi đau của sự phụ bạc và nhẫn tâm của con người (Sóng bến Duềnh, Nước chảy, Người đàn bà bên cầu giằng). Khi khắc họa những phận người dưới đáy ấy, văn chương Đức Ban lại nhuốm đẫm một niềm cảm thương vô cùng như vẫn thường thấy trong rất nhiều những tập truyện ngắn trước đây của ông. Những vấn đề của cuộc sống, của xã hội được đề cập trong truyện ngắn của nhà văn không chỉ mang tính thời sự nữa mà đã chạm đến những vấn đề nhân sinh muôn thưở của con người.

        3. Tập truyện ngắn “Giọt nước mắt màu đất” của Đức Ban đánh dấu những nỗ lực không ngừng của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong việc làm mới thể loại  truyện ngắn. 

Đức Ban người luôn có ý thức, luôn trăn trở với việc đi tìm một cách viết mới nhằm mang lại một hiệu ứng thẩm mỹ mới mẻ cho người đọc. Đây cũng là một trong những điều mà những cây bút trẻ như chúng tôi cần học tập ở nhà văn. Trong quá trình hình thành giọng điệu cũng như hướng đi riêng của mình, những cây bút viết văn xuôi trẻ như chúng tôi là những người dễ tiếp cận với cái mới, nhạy bén với những đổi mới trong bút pháp truyện ngắn để từ đó có được những cách viết mới phù hợp với xu hướng truyện hiện đại. Nhưng với một năng lực sáng tạo còn nhiều hạn chế thì thì việc tìm kiếm một cách viết mới mang lại hiệu quả nghệ thuật đối với những người mới bắt đầu bước chân vào nghiệp viết thì cũng không phải là điều dễ dàng.

      Tập truyện Giọt nước mắt màu đất thể hiện sự tìm kiếm một cách viết mới của Đức Ban không chỉ là những vấn đề tư tưởng được đề cập trong các tác phẩm mà còn mới trong nghệ thuật viết truyện, bao gồm cả ngôn ngữ, tình huống, kết cấu truyện, cách xây dựng nhân vật… Những truyện ngắn trong tập Giọt nước mắt màu đất mang một hơi thở mới, một không khí mới của văn chương thời mở cửa. Sắc sảo, linh hoạt hơn trong ngôn ngữ (bao gồm cả ngôn ngữ dẫn chuyện và ngôn ngữ nhân vật), chặt chẽ trong kết cấu và cá tính nhân vật được khắc họa rõ nét. Đặc biệt nhà văn chọn được những tình huống truyện có sức dồn nén cao độ trong một kết cấu truyện gọn ghẽ tạo được dư vang trong người đọc như ở các truyện Nước chảy, lối trong rừng… Tuy nhiên, dù làm mới thể loại truyện ngắn để mang lại những hiệu ứng thẩm mỹ bắt kịp với xu hướng truyện hiện đại, Đức Ban vẫn giữ được chất giọng riêng trong truyện ngắn của mình, chất giọng buồn thương pha lẫn sự chua xót day dứt vẫn thấm đẫm trong từng trang viết khiến người ta không thể đọc nhanh, đọc vội truyện ngắn của ông.

               Trên đây là những điều mà những người viết trẻ như chúng tôi học được từ văn xuôi của Đức Ban nói chung và tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất của ông nói riêng. Để có thể định hình cho mình một cách viết, một giọng điệu riêng và điều quan trọng là tạo được giá trị thẩm mỹ cho những trang văn của mình, mỗi người viết trẻ cần có ý thức trau dồi mỹ cảm, bồi đắp vốn sống, vốn văn hóa và khả năng tiếp cận cái mới cùng những xu hướng viết mới hiện nay.

                                                                             T.H.V


Bình luận