logo

Truyện vừa

Suối chảy trong rừng

Thuở ấy, ở vùng rừng nọ có một ngôi nhà lưng tựa vào mái rừng săng lẻ, mặt ngoảnh về đằng đông. Nó được dựng theo kiểu nhà của tổ tiên người Ơ - Đu. Chủ nhà, ông lão May, kê sát cửa sổ một gốc dẻ làm ghế ngồi. Cỡ người ông, ngồi trên đó, ô cửa vừa ngang tầm mắt, nhìn thấy hết chín bậc cầu thang, thấy con đường ngoằn ngoèo giữa những bụi sim mua lúp xúp rồi chuồi xuống suối Thương và vô tận mái rừng lợp lên nhau tít về nơi mặt trời mọc.


Không biết tự thuở nào ông có thói quen cứ mờ sáng đến ngồi trên gốc cây dẻ nhìn ra rừng. Những lúc ấy, toàn thân ông như hóa đá, ngón chân quắp xuống sàn nhà, lưng gù lên tuồng như ông đang gồng mình gánh đỡ cái gì đó trong không khí. Đấy là ông xem mặt trời và sương mù đánh nhau. Đã hàng triệu triệu năm, lần nào sương mù cũng thua. Nhưng rồi cách đó một hôm, có dạo là một tuần, chúng tại từ gốc cây, hẽm đá ùa ra. Và lại đánh nhau.

Bây giờ, ông vừa ghé mắt vào ô cửa sổ đã gặp mặt trời tròn vo, đỏ như máu nhô khỏi đỉnh núi Gấu.

- Bắt đầu! - Ông nói, giọng hơi run run.

Bên ngoài, cái khối tròn vo như máu trên đỉnh núi Gấu đang tan dần thành những mũi tên vàng chói lọi bắn xuống khắp chốn. Sương mù dâng lên, xẹp xuống, nuốt chửng không biết bấy nhiêu là nắng. Rộ lên tiếng lắc rắc ngoài suối Thương, trong rừng già, rừng non, trên đồi trọc.

Lúc sau, không chỉ là những mũi tên nắng mà lớp lớp sáng lòa hừng hực lao xuống. Sương mù giãy giụa, ép sát vào mặt đất. Nhưng dưới chân cầu thang, dọc đường xuống suối Thương nó vẫn còn lởn vởn quanh đá, cây và cỏ.

- Ông trời sinh ra nó làm gì kia chứ - Ông May nói đầy vẻ tức tối và chán nản.

*

*   *

Đoạn đời của ông May là đoạn đời cô đơn. Bố mẹ May chết trong một trận đánh nhau giữa người Hoa từ Lào tràn sang với người Ơ - Đu ở Cửa Rào. Lúc ấy May tròn ba tuổi. Dân bản nuôi May như nuôi một con gấu con lạc từ rừng ra. Nay nhà này, mai nhà kia, ăn cái mặn, cái ngọt, uống cái cay, cái đắng; có cả. Lớn lên một chút, May đã biết làm việc như trai bản. Người giàu, kẻ nghèo cần gì là gọi May, từ cõng nước, bổ củi, trỉa ngô, cuốc cỏ đến làm thịt nai, thịt lợn. May có thể ngồi ôm gối, nhắm mắt mà đọc vanh vách số bậc cầu thang của mọi nhà trong bản, có thể lặn ngụp hết suối Thương mà không va phải đá sắc, đi bảy cánh rừng không hề đụng lá han... May là con của mọi nhà nhưng lại không là con của nhà nào cả. Người ta nhớ May, người ta quên May như nhớ và quên một mảnh mây trôi trên mái rừng. Lễ tháng giêng, tháng chạp, tiết vãi hạt, gặt mùa, không ai mời May lên cầu thang, không ai dành góc chiếu chờ May. Khi tiếng lợn éc và mùi xôi bốc thành sương khói, May theo lối mòn sau bản luồn sâu vào rừng. Chú xuống suối Thương bắt bống đất. Cái loài cá đần độn lờ đờ bên đá, không cả cựa quậy khi bị kẹp giữa những ngón tay đen đúa của May. Rồi May trèo lên vách núi đá tìm tổ chim sáo. Chú bắt những con chim mới mọc vài cái lông măng, bụng ỏng nước lận vào cạp quần. Chọn một bãi đất cao ráo, có bóng râm, May nhen lửa nướng cá và chim. Chú làm lễ một mình, lễ cho riêng mình. Rồi ăn; một mình. Cái bóng của May lửa ném chập chờn ra bốn phía chung quanh. May tưởng tượng đấy chính là bố, là mẹ từ cõi nào đó bay về với chú. Miếng ăn nghẹn nơi cổ. Nước trong mắt May nhỏ giọt xuống bếp than cháy xèo, bốc khói. Thứ khói màu vàng, khét lẹt. Lần đầu tiên May thấm thía nỗi đau của sự đơn côi. Chú đã sang tuổi mười ba. Khác bọn trẻ trong bản, May già trước tuổi, vẻ yếu ớt của cây đót thì ít, vẻ cứng cáp, nghiêm trang của cây lim thì nhiều.

Dạo ấy thực dân Pháp mở đường xuyên rừng lên miệt đại ngàn để khai thác thuốc phiện. Từ Cửa Rào đến Mường Xén, dọc theo hai bên bờ suối Thương, phu đường đông đặc. Bản Nà Lường của May buồn tẻ đi. Đàn ông như bị bão rừng cuốn cả ra mặt đường. Trên những bậc cầu thang chỉ nghe tiếng bước chân rón rén của đàn bà, con gái. Chẳng có mấy cánh cửa mở. Cứ vài nhà lại có một chùm lá kiêng rũ trước ngõ. Trên bãi đất hình mai rùa nơi trai gái bản chơi hội xuân mọc lên một ngôi nhà xây gạch, lợp ngói đỏ chóe. Thứ gạch, ngói ô tô ì ạch chở dưới xuôi lên. Lần đầu tiên dân Nà Lường nom thấy ngói. Họ đứng từ xa mà nhìn. Sự tò mò không thắng nổi nỗi sợ hãi. Hơn chục người ở trong ngôi nhà ấy là có hơn chục cái súng. Người dân Nà Lường đầu tiên chết vì súng là mụ Hứa. Tội nghiệp người đàn bà góa chồng không con, mông tròn, ngực vun mâm xôi. Không ai biết cớ sao mụ bị bắn. Dân bản tìm thấy mụ trong rừng, giữa một bãi cỏ lông chồn nhàu nát. Người mụ trần truồng, đầy máu me. Trai bản đặt mụ vào lòng đất rừng cùng với bao nhiêu là của nả mụ dành dụm, ky cóp được.

Rừng già, rừng non ngày liền đêm ồn ào như có bão muộn. Không khí đặc quánh lại. Vương vất mùi tử khí và đầy âu lo. Chốc chốc lại vang lên tiếng súng nổ, tiếng nổ dội âm âm trong rừng. Phu làm đường mặt tái mét, lầm lì cứ giật nẩy người lên.

May không bị bắt đi chặt cây, đào đá, mở đường. Bọn người có súng bắt May nộp mật ong. Để có mật May phải chui lủi cánh rừng này sang cánh rừng khác. Người May bị ong châm sưng mọng. Bữa không lấy được mật, May phải cởi quần ngồi trên đá giữa nắng. Chập tối, May bỏ trốn, lang thang trong rừng. Anh men theo bờ suối Thương ngược dòng nước chảy. May nghĩ, đến một nơi xa lăng lắc nào đó sẽ dừng lại, sẽ lập bản mới. Người già thường kể, bản Nà Lường đầu tiên chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà. Họ là kẻ lạc rừng, gặp nhau, chui vào hang đá nghỉ. Cái hang ấy vẫn còn đến giờ... Ngày thứ nhất, May đi rách ba ngón chân. Tối, anh trèo lên cây lim, chọn cái chạng ba làm giường ngủ. Sáng ra May nhận biết chỗ ngủ của mình chỉ có cách suối Thương dăm bảy sải. Bờ suối bên kia là bến nước người Thái. Một người con gái thả người trôi giữa suối, da trắng muốt, tóc xõa thành một vòng sóng tròn màu đen. May ngẩng mặt nhìn vu vơ lên trời qua kẽ hở của lá cây. Da thịt May tự nhiên nóng lên, rân rân lên. Và kỳ lạ hơn, cô gái xa lạ chưa nhìn rõ mặt ấy như dòng nước ấm áp chảy qua đầu May, chảy qua bụng May cuốn đi mất cái ý định lên ngọn nguồn suối Thương, lập bản mới. Tối đến May lại lên chạng ba cây lim. Có cái gì đó cựa quậy trong bụng dạ làm anh không ngủ nổi. Anh thức dậy trước cả lúc dẻ rừng kêu. Cây sung và lối mòn bờ suối bên kia lờ mờ trong sương mù, còn mặt suối thì như một cái mặt gương màu nõn chuối. Lại cô gái hôm qua nổi bồng bềnh trên nước. Đầu nhô cao, ngực ưỡn lên, cô bơi về phía May. Hai lườn nước chạy thẳng vào gốc sung có treo tấm váy thân xanh, chân đỏ. Bỗng một người đàn ông từ trong lòng suối nhô lên gồng cô gái vào bờ, đặt xuống bãi cỏ, cách gốc lim May nằm một bụi lồ ô. Cô gái giãy giụa, hai cánh tay trần khua khoắng vội vã, chới với. Nỗi sợ hãi đã nuốt hết tiếng nói của cô; chắc thế. Người đàn ông, bây giờ May đã nhận ra thằng ấn chỉ huy phu làm đường, có thói quen ăn sáp ong và hút thuốc lá cuộn bằng lá thuốc, nhảy chồm lên cô gái, hệt như một con hổ chồm mồi. Cô gái quằn quại. Đá kêu lạo xạo. Cành cây gãy răng rắc. Tiếng gầm gừ của thằng ấn. Tiếng kêu tắc nghẹn của cô gái. May nới lỏng tay, người trôi theo thân cây lim xù xì. Hai bước, hình như thế, anh đã đứng sát thằng ấn. Nắm đấm của May giáng thẳng vào cái gáy phẳng lỳ có một cái ngấn rõ như lưng lươn. ấn ặc lên một tiếng rồi rũ người chuồi khỏi ngực cô gái xuống bãi cỏ. Một bàn tay xòe ra trên ngực như bông hoa mọng ơ, một bàn tay chống xuống đám cỏ nhàu nát, cô gái ngơ ngác nhìn May. Đôi môi tái xám của cô run run. Rồi cô giơ hai cánh tay lên trời khóc hu hu.

- Đừng! Đừng khóc! - May lắp bắp và nắm chặt hai bàn tay cô gái. Lần thứ hai May chạm vào da thịt đàn bà. Lần thứ nhất là hôm khâm liệm mụ Hứa, da thịt mụ trơn mịn nhưng lạnh lẽo. Còn lần này, da cô gái nóng như than đỏ. May không nhúc nhích, đầu rỗng như ruột bầu khô. Mãi khi thằng ấn cựa quậy, rên hứ hứ, May mới vội vàng đỡ cô gái dậy. Cô gái như kẻ mất hồn mặc cho chàng thanh niên kéo đi, trong cái đầu mông lung của cô chỉ có một ý nghĩ rõ ràng; đấy là chàng trai đã cứu mình. Họ qua rừng săng lẻ đến rừng khộp, sang một bãi chuối. Vấp ngã, đứng dậy, chạy. Không ai nói một lời. Chỉ có tiếng gió ào ào và tiếng súng nổ phía sau lưng. Tiếng súng nghe nhỏ chừng nào, thì rừng trước mặt họ mịt mùng chừng ấy. chắc họ đã ở một nơi nào rất sâu, rất xa. May nghĩ thế, vì thấy bốn phía chung quanh ẩm lạnh và gió thổi dưới chân rền rĩ. Cô gái bước xiêu vẹo, mặt trắng nhợt. Khuôn ngực trần cả cái cổ cao đầy vết xước do gai góc và cành cây cũng trắng nhợt. May nhói đau trong ngực. Anh cúi xuống, mím môi, hất cô gái lên lưng mình.

- Không! - Cô gái oằn người, kêu yếu ớt.

May chạy. Ngoặt về phía phải, phía sương mù loãng hơn, chạy. Họ đã ra khỏi rừng cây, tức đã ở phía bên này rừng, phía bên kia là suối Thương, là bản Nà Lường. Trước mắt May hiện ra những dãy đồi thoai thoải. Thấy những ô rẫy hình vuông và thấy nắng. May đặt cô gái xuống cỏ và đổ người vào gốc cây. Tỉnh dậy May cởi áo mình đắp cho cô gái rồi đi vào cái bản nằm ở sườn đồi trước mặt. Anh xin được cái ăn cho hai người và xin được ngủ nhờ trong cái chòi canh rẫy.

Đêm ấy, rừng âm u rét.

Cô gái ấy tên là Nợi. Bố mẹ Nợi chết trong một trận lũ rừng. Một ông già Thái đưa Nợi về nuôi. Ông già lầm lì, khắc nghiệt, đối xử với Nợi như với một con chó. Có được chút thời giờ rảnh rỗi là Nợi ra suối Thương tắm. Trong ký ức của Nợi còn vẹn nguyên hình ảnh mẹ - người đàn bà đẹp, hồn hậu, trong đầu đầy chuyện cổ tích. Mẹ dặn Nợi: “Nước suối Thương là nước của ông trời. Tắm nước suối Thương sạch được cả tính xấu”.

- Tôi lặn ngụp trong nước suối Thương mà không biết chuyện ấy. - May thì thào.

- Gần đây có suối Thương không? - Nợi hỏi, mắt nhìn quanh, thắc thỏm.

- Sáng mai, tôi đi tìm suối Thương cho. Bây giờ thì ngủ đi, ngủ đi...

*

*   *

Từ chân cầu thang ra đến bờ suối Thương, ông May bốn lần ngoảnh lại. Con mắt không tinh tường của ông chỉ nhìn thấy bóng vợ nhập nhòa trong khoảng trống sâm sẫm tối nơi ô cửa ra vào trên cầu thang. Ông xoay cái cán cuốc trên vai, bước xuống suối. Hai bắp chân đen sạm của ông bỗng trắng lóa và rung rinh. Còn bàn chân thì mỏng dính, nở xòe ra như hai cái lá cọ. Những hòn cuội chung quanh cái lá cọ ấy lóng lánh, dập dờn rồi bất ngờ chúng vỡ vụn ra, bay túa lên. Ông cúi xuống, khum bàn tay vốc nước phả vào mặt. Nước ấm nóng, có vị ngọt. Có một lần, đôi môi ông nhận ra vị ngọt ấy. Xa lắc, xa lơ rồi, cái ngày ấy. Thế mà trong ký ức mịt mùng của ông hiện rõ lên cái ngày đó, hệt như những hòn cuội hiện lên dưới đáy suối ấy. Trên con đường trở về bản người Ơ - Đu, ông và cô gái Nợi, sau trở thành vợ ông, lội ào xuống suối Thương. Nợi vốc nước cho ông uống. Ông uống chậm rãi và rồi áp mãi đôi môi trong lòng bàn tay Nợi. “Ngọt như sữa ngô non ấy” - Ông nói. Nợi bảo: “Mẹ em bảo, siêng tắm nước suối Thương sẽ sạch cái xấu trong người”. Ông nói: “Thế thì tôi không còn cái xấu nữa vì từ sáu tuổi đã ngụp trong nước suối Thương”. Nợi cười, hai hàm răng trắng lấp lánh, còn đôi mắt nhìn ông đầy vẻ tin cậy.

- Lóc cóc! Lóc cóc!... - Tiếng vó ngựa ngắt dòng suy nghĩ của ông.

Một người đàn ông cưỡi trên con ngựa lông vàng chạy từ trong rừng ra. Đến bờ suối Thương, người đó nhảy xuống đất, vứt dây cương cho quấn tròn vào một gốc cây gần nhất, rồi ngụp đầu vào nước suối. Ông May đến bên người đàn ông, hỏi:

- Ốm hả?

Ông ta không trả lời, cứ ngửa mặt nhìn lên trời.

- Mày ốm thật rồi. Mí ạ - Ông May lo lắng đặt ngón tay trỏ lên vành tai khum khum của Chủ tịch xã.

- Ông May này, tôi thấy mỏi trong hai cái xương chân.

- Trong bụng thế nào? Nóng không?

- Cứ như lửa cháy ấy.

Chủ tịch Mí gượng cười. Rồi nắm tay ông May, kéo người bạn già hơn ông hai tuổi ngồi xuống cạnh mình. Lâu lắm rồi, nay họ mới lại ngồi với nhau. Ông Mí làm Chủ tịch xã, cái xã gồm nhiều cái bản rải ở nhiều cánh rừng, ở nhiều ngọn đồi nên bận bịu suốt ngày đêm.

- Lâu rồi, tôi không leo lên cầu thang nhà bác được - Ông Mí nói, giọng nói của kẻ có lỗi.

- Tôi cũng có leo lên cầu thang của ông đâu.

- Cứ quay vòng theo việc xã thế này, tôi sợ rồi mất hết bạn bè thì nguy lớn.

Ông May cười, mi mắt chớp chớp.

Ông Mí móc trong cái túi áo trước bụng, ngay chỗ rốn, lấy ra một điếu thuốc lá rúm ró như con sâu. Vuốt điếu thuốc thẳng thớm xong, ông đưa cho ông May:

- Bác hút đi!

Cái đất người Ơ - Đu trồng cây lấy quả thì quả ngon, trồng cây lấy củ thì củ lớn, chỉ có cây thuốc lá là tệ, khói đắng ghét. Được điếu thuốc Nhà nước, có chữ bò li ti trên giấy cuốn, người Ơ - Đu quý hơn thuốc phiện.

- Ông làm gì mà có thuốc này cho tôi? - Ông May hỏi, ngón tay vân vê điếu thuốc.

Ông Mí đặt bàn tay mở xòe lên vai bạn:

- Tôi họp ở huyện, người ta phát cho những hai điếu.

Ông May nhẹ nhàng đưa điếu thuốc lên mũi ngửi, thốt nhiên trút một tiếng thở dài buồn thiu. Rồi ông hỏi, giọng có vẻ vội vã, thắc thỏm.

- Có nghe tin về thằng Sán, con trai tôi không?

Chủ tịch Mí chống hai tay xuống đất, lặng một lúc, nói:

- Tôi... không... không thấy cái thư con trai ông.

- Hai năm, mười một tháng rồi. - Giọng ông May nhỏ, chảy qua kẽ răng, nghe như sắp khóc - Cái bụng tôi cứ nóng như chảo ngô bung. Còn vợ tôi nữa, tội nghiệp bà ấy - Bất ngờ ông tức tối - Mà người ta đánh nhau làm gì nhỉ?

Ông Mí khoát tay:

- Bác nói sai tư tưởng rồi. Bọn giặc đánh ta thì ta đánh trả để mà giữ đất, giữ bản.

Ông May không nghe lời ông Mí, hoặc giả ông nghe nhưng không nghĩ gì về lời ông Mí. Cái nhìn của ông chuyển nhanh từ khuôn mặt khắc khổ của ông Mí lên chóp núi phía trước, đằng sau chóp núi ấy bầu trời rỗng rênh, bạc trắng.

Bỗng ông nhoài người về phía ông Mí, hỏi:

- Cái túi đựng thư, báo của thằng Trín?

- Phải - Ông Mí đáp như hiểu được ý nghĩ bạn, rồi thêm - Xã cắt việc đưa thư của thằng Trín. Chuyện buồn. Hắn chồm cô cán bộ Liên ở trạm bưu điện Má - Coọc. Cô ấy viết thư gởi về xã. Hắn mang cái thư ấy mà không biết mang cái thư ấy. Hắn làm xấu làng, bản...

Ông May nghĩ đến thằng thanh niên có tên Trín ấy. Hắn trạc tuổi con trai ông. Hai ngày một lần, ông ngóng chờ cái bóng cao lêu đêu của hắn. Cái bóng ấy loăng quăng trên lá cây, lá cỏ dọc đường nhưng chưa một lần hắn dừng lại trước cầu thang nhà ông. Tức là không có cái thư thằng Sán nằm trong cái túi vải xanh nhảy bật bật bên hông hắn. Lâu, ông đâm ghét thằng Trín dù lý trí mách bảo ông rằng, không có thư con trai chẳng phải lỗi của hắn. Vậy nhưng cái nỗi ghét ấy cứ trở đi, trở lại trong bụng ông. Cẩn thận mà nghĩ, còn có một lý do khác nữa... Bữa ấy cũng cữ này, núi rừng, trời đất cũng hao hao thế này, cũng sương mù trắng trời, trắng đất lúc mờ sáng. Vợ chồng ông đưa thằng Sán vào bộ đội Cụ Hồ. Ông đi trước, giữa là con trai, sau rốt là vợ. Xuống hết chín bậc cầu thang, thằng Sán nói với mẹ:

“- Con sẽ mau về. Những bữa sương mù độc, bố mẹ không phải đi làm rẫy.

“Tiếng vợ ông, run lên:

“- Con lo tránh mũi tên, hòn đạn, đừng lo nhiều đến bố mẹ mà gầy đi.

“- Mẹ nhớ uống hết hũ cao gấu ngâm mật ong đấy!

“- Mẹ sẽ uống hết.

“- Mẹ bán con lợn hay chạy rông vào rừng đi, khỏi cực.

“- Mẹ sẽ bán.

“- Con về, con sẽ cưới cô Len làm con dâu bố mẹ.

Hai mẹ con cười, tiếng cười thật to, rung cả vai. Đến bờ suối Thương, thằng Sán bảo vợ chồng ông ngồi nghỉ, còn nó theo lối mòn đi về phía cây chò chỉ. Ngọn cây xanh mướt mềm như tấm vải. Dưới gốc cây những tảng đá nâu xếp kề nhau, thấp dần xuống lặn cả vào nước suối. Rất nhiều cỏ và hoa dại mọc trong kẽ hở của đá.

Ông biết và vợ ông cũng biết, con Len hẹn chờ con trai mình ở đó. Hai đứa đứng sát nhau lắm, sương mù không len được vào giữa chúng. Ông nghe rõ tiếng Len như tiếng hát trong ngày hội:

“- Em không múa được những điệu thật hay. Em không hát được những câu thật ấm. Vì vắng thiếu những điệu khèn của anh, anh Sán à.

Tiếng con ông:

“- Anh sẽ gói tiếng khèn vào lá cây bỏ vào bì thư gửi về cho em. Mong em có chờ thư anh...

Đúng lúc ấy, một bóng người lêu đêu hiện ra trong đụn sương mù phía sau lưng thằng Sán. Bóng người ấy kêu lên tiếng kêu rùng rợn của con chim lợn báo điềm dữ:

“E... éc!... E... éc!...

Kêu xong, hắn lẫn vào sương mù. Hắn là thằng Trín. Thằng Trín chơi trò người Ơ - Đu kiêng...

Thấy ông May im lặng, ông Mí hỏi:

- Ông nghĩ chuyện chi vậy?

Ông May ngẩng đầu, giọng buồn:

- Tôi nghĩ đến cái cây độc trong rừng. Bỗng ông đưa những ngón tay xoắn vào nhau chuầy trên đầu gối. Lát sau, ông quay mặt lại nhìn thẳng vào Chủ tịch xã:

- Ông cho tôi làm việc đưa thư nhé.

Ông Mí nhìn bạn im lặng.

- Thế nào? - ông May lại hỏi.

- Trong xã còn nhiều người khỏe mạnh.

- Ta hèn yếu rồi ư? - Ông May đứng dậy, xoãi chân ra. Thấy ông Mí không nhúc nhích, ông đổ người xuống chỗ cũ, nói tiếp - Chưa đến nỗi ta không mang nổi cái túi đựng thư trèo núi, lội suối đâu Mí ạ. - Ông thấy trong bụng nóng bừng, chân tóc trên đầu giật giật. Đôi môi ông run lên vì giận hờn, ông Mí coi khinh mình. Coi khinh sức khỏe của ông đã không được đằng này nó không hiểu cả lòng ông. Vậy thì tệ quá. Lại là chủ tịch xã cái tệ chồng thêm mấy bậc nữa. Nghĩ thế, nhưng ông May hạ giọng - Là cho tôi đi đưa thư để tôi đón thư thằng Sán, con tôi. Hiểu chứ, Mí.

Ông Mí nói:

- Là tôi lo đường đi lấy thư xa ngái. Chứ cái bụng bác thì tôi hiểu lắm.

- Tôi biết hòn núi nó cao, con suối nó sâu từ khi lên bốn tuổi. Rừng núi, nó chẳng nỡ bạc với tôi đâu.

- Quyết chứ? - Ông Mí hỏi.

- Người lớn với nhau, phải trẻ con đâu mà hỏi lại! - Ông May nói to.

Ông Mí đứng dậy phủi đít quần, đi về phía con ngựa gầy. Lát sau, người và ngựa lội qua suối Thương.

Ông May đỡ mấy cành sim bị chân người giẫm ngã rạp dậy, rồi không theo đường lên rẫy mà trở về nhà. Ông cần phải cho vợ hay cái quyết định mới của mình.

*

*   *

Bà May chuẩn bị cho chồng đi lấy thư chu đáo như ngày xưa bà soạn sửa cho anh chàng May khỏe mạnh vào rừng bẫy thú hay về xuôi bán mật ong. Lòng bà cứ nôn nao thắc thỏm... Hình như đã có nhiều lần bà gặp cái nôn nao, thắc thỏm ấy... Những lần ấy, lâu rồi... Cũng vào đêm cuối mùa đậu đầu mùa ngô, cũng có mùi nhựa thông thơm trong bếp lửa và tiếng hoẵng cô đơn ngoài rừng. Chỉ khác là hồi ấy cái lưng bà chưa còng, hai bàn tay cầm nắm vật gì không run lẩy bẩy. Và chồng bà cởi trần, vồng ngực nổi vồng lên như ngực con bò hai tuổi... Đêm ấy bà không ngủ, chất nhiều củi vào bếp, gói xôi vào lá chuối hong, xâu thịt nướng vào dây giang và rót rượu vào ống nứa... Ông ngồi đằng sau, quàng tay ôm ngang bụng bà, áp mặt vào cổ bà, thở hơi thở nóng hổi mùi rừng vào ngực bà... Rồi ông vuốt dọc bờ vai bà và nói: “Có phải bán hết của nả để chuộc thằng Sán về làm con, mình cũng bán”. Bà khóc trên vồng ngực ông. Khóc vì vui, vì buồn. Bà không đẻ được cho ông một đứa con, vậy mà ông không hề trách cứ, không chửi mắng đánh đập... Mờ sáng, bà nhớ rõ là không có sương mù, bà xách túi đựng tiền, vòng bạc theo ông xuống hết bảy bậc cầu thang. Suốt ngày hôm đó, bà cứ bồn chồn, vơ vẩn vào nhà, ra cửa ngóng chồng đưa đứa bé sẽ là con bà về...

Bất giác bà ngoảnh nhìn vào buồng. Cạnh giường nằm của vợ chồng bà có bộ quần áo thằng Sán bặn trên con dây mây chăng ngang. Đấy là bộ áo quần Sán mặc hôm đi bộ đội. Xuống đến huyện nó nhận quần áo mới và gởi bộ ấy về, bảo để cho bố mặc đi làm rẫy. Nhưng chồng bà không mặc. Ông bặn nó lên dây mây. Thỉnh thoảng lại đưa ra rũ bụi, phơi nắng. Có nó, cái bộ quần áo ấy, vợ chồng bà lúc nào cũng nhớ con, lúc nào cũng thấy nó đang ở cạnh mình... Bây giờ, ánh sáng lờ nhờ trong buồng đủ cho bà thấy chồng đang nhìn bộ quần áo của con. Một cái gì đó dâng lên trong ngực, mắc nghẹn nơi cổ bà. Nén một tiếng thở dài, bà nói vọng vào buồng.

- Sáng rồi, ông ạ.

- ừ, sáng rồi! - Ông May trở mình nhắc lại lời vợ.

- Ông nhớ mang theo ống điếu và thuốc lào.

- Tôi nhớ.

Bà May băn khoăn:

- Con ngựa chủ tịch Mí... có hiền không?

Ông May đi về phía vợ, vừa đi vừa vươn vai.

- ồ, con ngựa ấy ốm o, nhưng lặng tính lắm. - Ông im bặt, nhìn cái vòng bạc lỏng lẻo nơi cổ tay gầy, nhỏ của vợ, nuốt nước bọt nói tiếp, giọng khác hẳn. - Bà ở nhà đừng đi làm nương gặp sương mù, độc. Có thư thằng Sán tôi sẽ chạy ngựa về thật nhanh.

Bà trao túi đựng cái ăn, cho chồng:

- Cầu ông giời là thế.

Ông May gật đầu, đôi môi mấp máy nhưng không nói. Bỗng ông thấy mắt bà loáng lên ánh lửa. Cạnh chỗ bà đứng, trên cái khuôn bếp hình vuông toàn than đỏ. Những hòn than óng ánh tròn như những con mắt... Những con mắt không chớp, tròn, đỏ óng... Trong ông hiện lên ký ức lơ mơ về một đôi mắt... Rồi nó rõ dần... Không! Bắt đầu là một đêm trăng. Trăng biến rừng thành những khối vàng rung rinh. Trong những khối vàng ấy vang lên nhiều tiếng động khác lạ, vội vã và hốt hoảng tựa như tiếng bước chân loài thú bị săn đuổi. Mùi khen khét như hổ thở vào liếp cửa. Ông vục dậy khỏi giường. Bà mở mắt. Trong bóng đêm chỉ thấy hai giọt sáng như hai hòn than hồng trên khuôn mặt lờ mờ của bà hướng về phía ông. Giọng bà hổn hển: “- Gì vậy, ông? “Rừng khác lắm. Tôi phải lên thăm rẫy ngô. Thằng Sán nhoài sang ông. “- Bố! Bố đừng đi?”. Ông lùa những ngón tay vào tóc con, cọ cái cằm râu vào mũi nó. “- Con ngủ đi. Ngủ với mẹ. Bố phải lên rẫy không thì thú nó phá ngô. Bắp ngô làm sữa rồi, ngọt, con thú nó thích ăn”.

Đêm ấy, ông ngủ ở chòi canh rẫy. Suốt đêm không xảy ra chuyện gì lạ ngoài tiếng chó sói hú dài phía thượng nguồn suối Thương. Chưa sáng ông đã vội vã theo đường xuôi về bản. Trăng nhạt màu, bềnh bệch. Con đường gập ghềnh ướt át cũng bềnh bệch. Bụng dạ ông tự nhiên nóng lên nỗi lo lắng mơ hồ. Nỗi lo lắng ấy mỗi lúc một mạnh dần, như hàng chục, hàng trăm sợi dây tơ quấn thít vào tim. Ông căng mắt nhìn về phía trăng lặn, thấy những mái nhà đen thẫm nổi lên như nhà che mộ. Bất giác ông đưa tay lên ngực mình. Ông nhớ đến vợ và con trai. Những sợi tơ thít mạnh hơn trong tim. Ông co chân chạy. Con đường loang loáng, chập chờn. Núi lô xô, lù lù bốn phía chung quanh... Ông nhảy lên cầu thang - một bước hai bậc. Sàn nhà chao đảo. Bếp lửa đỏ rực, sáng trắng, sáng xanh. Vợ ông bồng thằng Sán ngồi bếp cũng sáng trắng, sáng xanh lên.

Ông quỳ gối xuống sàn nhà, đổ oạp người về phía con trai. Thằng Sán nóng hừng hực. “- Con... ơi!” - Ông kêu lên hốt hoảng. Thằng Sán mở mắt. Đôi mắt tròn đỏ óng, như những hòn than. Ba ngày sau con ông trở lại bình thường. Vợ chồng ông đến lúc ấy mới nhìn vào mặt nhau. Cả hai người đều gầy sọp, mắt viền quầng thâm. Sàn nhà thì đầy những lá cây tươi, lá cây khô - những lá thuốc hái ở hàng chục cánh rừng...

- Ờ sao lúc ấy cái bụng mình lại nóng sôi lên xui mình chạy quáng chạy quàng về nhà được nhỉ?

Bà May ngơ ngác hỏi:

- Ông nói gì vậy?

Ông cười không trả lời.

Bà không hỏi thêm mà nói:

- Đội mũ vào, ông!

Ông rời mắt khỏi khuôn bếp nơi những hòn than vẫn đỏ óng.

... Bây giờ thì ông đang đi trong rừng. Trên đầu những tán lá cây đan cài vào nhau tạo thành những vòm xanh ngăn cái nhìn ông tới bầu trời. Còn mặt đất thì sạch sẽ chỗ nâu, chỗ xanh. Tiếng vó ngựa lóc cóc, lóc cóc như tiếng gõ từ trong lòng đất vọng lên. Cây hai bên đường thưa dần, vòm xanh trên đầu thủng lỗ chỗ. Đột ngột mở ra trước mắt ông một khoảng không loang loáng nắng: Ông đã ra khỏi rừng dày. Thấy được con đường màu mỡ gà bắt đầu từ dưới mõm ngựa đổ xuôi xuống ngã ba suối Thương. Con ngựa hí lên một tiếng ngắn vui vẻ rồi rùng mình và vùng chạy. Loáng cái ông đã ở giữa một bãi đất bằng phẳng vuông chằn chặn như cái sàn nhà. Cuối bãi đất có tảng đá giống con gấu đang phủ phục uống nước suối. Bốn chân và mõm nó ngập dưới nước, một tai cụp xuống, một tai vểnh ngược lên như đang nghe ngóng... Hôm tiễn thằng Sán đi bộ đội, hai bố con ông dừng nghỉ ở đó. Thằng Sán nằm gác đầu lên cái tai vểnh của con gấu đá, hai tay nhúng trong nước. Và nó cứ nằm thế, vung hai tay lên cao. Nước từng giọt kế tiếp nhau bay thành từng vòng tròn lóng lánh trong nắng. Thằng Sán bảo, đấy là những cái vòng bạc trên cổ tay mẹ nó. Cái thằng! Nó nghĩ được những điều thật thích thú, nói ra được những lời thật ngọt ngào. Nó nói:

“- Một tuần trăng con sẽ gởi cho bố mẹ một lá thư. Chữ Ơ - Đu bố dạy con sẽ không đủ để kể hết chuyện lạ đâu. Nước mình rộng lớn, giàu đẹp lắm mà. Con sẽ viết bằng cái chữ con học ở nhà trường. Bố nhờ cô Len đọc cho...

Con Len đi lấy chồng rồi Sán ạ. Nhà ta chưa khiêng con lợn, chưa bưng vò rượu đến dâng lên cầu thang nhà nó mà. Mà sao từ ấy đến nay con không gửi về cho nó cái thư hở Sán?...

Ông May lầm rầm trò chuyện với con trai, cứ như cạnh ông thằng Sán còn nằm gác đầu lên tai con gấu đá, khua khắng hai bàn tay to lớn trong nước suối Thương. Tiếng ông lăn tăn trên sóng rồi tắt lặng. Chung quanh ông, bãi cỏ, ngọn đồi, núi rừng như đang thiu thiu ngủ, chỉ có tiếng chim bắt - cô - trói - cột khắc khoải vọng từ rất xa đến và tiếng ngựa gõ móng bồn chồn...

Ông uốn khum hai bàn tay vốc nước phả lên mặt, rồi rời khỏi con gấu trèo lên bờ suối.

Con đường từ bãi đất vắt ngược lên một ngọn đồi trọc. Ông May đi trước, con ngựa trắng đi sau, cả hai chậm chạp leo dốc. Nắng nổ tanh tách nơi cái mũ lá trên đầu ông, còn dưới đất gió cuốn những cuộn bụi hình đuôi chồn theo chân ngựa. Đến đỉnh đồi ông ngồi nghỉ, rút ống điếu thuốc lào ra thong thả hút. ở đây, ông thấy rõ con đường đất đỏ au ngoằn ngoèo theo chân những ngọn đồi lô xô. Bên kia đường có một ngôi nhà mái tranh trắng phếch đứng chơ vơ như đính vào sườn núi. Ông kéo cái mũ lá xuống sát đường lông mày, tán mũ đổ một vệt bóng râm xuống đôi mắt nheo nheo và hai gò má nhô cao như hai nửa quả bưởi. Những giọt nắng vỡ tung tóe khắp nơi biến mất nhờ cái bóng râm ấy. Và ngôi nhà lá như xích lại gần ông hơn. Nhà có hai cửa sổ và một cửa chính. Cả mấy cánh cửa đều mở rộng. Dọc thềm nổi rõ những vệt xanh; chắc là cỏ. Mấy con chim như những cục vôi nhảy loi choi trên những vệt xanh ấy. Tịnh không nghe tiếng động.

- Trạm Má - Coọc mà thế à? - Ông May băn khoăn - Cứ như cái chòi canh rẫy của người Ơ - Đu ta. Chòi canh rẫy còn có chó, có lửa, có khói, có cả tiếng lào xào của lá ngô, lá lúa đùa nghịch. Còn nó, cái nhà ấy, như một tảng đá chết.

Theo ông thì có đá sống, đá chết. Con người làm sao thì núi rừng ra vậy. Đá sống là thứ đá màu tươi nhìn kỹ thấy cái màu ấy động đậy và đường vân nổi lên như mạch máu dưới làn da người. Đá chết là thứ đá để rêu, cỏ mọc đầy lên mình, màu đá thành ra màu rêu, màu cỏ...

Từ trong nhà, một bóng người nhỏ nhắn bước ra thềm. Con người ấy đứng lặng phắt.

Ông ngoắt nhanh cái ống điếu vào dây lưng, rồi nhảy lên ngựa, thúc ngựa chạy xuống dốc.

Con người kia đã ở ngay trước mặt ông. Đấy là một cô gái còn trẻ lắm. Nhưng khuôn mặt cô ta chẳng khác cái lá buôi rụng là mấy. Trời ơi! Ông chưa hề gặp một khuôn mặt người nào rầu rĩ như thế.

Ông hỏi:

- Mày là cán bộ phát thư à?

- Dạ, phải? - Giọng cô gái nhẹ như cái lông chim bay về phía ông rồi rơi mắc vào cành cây nào đó cạnh chân ông.

- Sao mày cứ chôn hai chân lâu trên thềm vậy?

- Cháu chờ cái ô tô... sẽ có người trên ô tô.

- Mày thèm nhìn người à? - Ông May ngạc nhiên.

- Phải! Cô gái đáp, đôi mắt tròn như mắt chim của cô ta lộ vẻ sợ hãi lẫn tò mò.

- Ta thay thằng Trín đi lấy thư cho xã... Ta có giấy của ông Chủ tịch - Ông May nói vội vã - Ta là người tốt. Đừng sợ ta.

Cô gái mỉm cười. Cái nét buồn vẫn nặng trĩu nơi khóe miệng.

*

*   *

Ông già về rồi, ngôi nhà trở nên yên ắng. Liên uể oải đẩy đống thư, báo vào góc bàn và đi ra sân. Cô đứng lại, nhìn cái bóng của mình. Rồi cô bước tiếp, mắt dõi theo cái bóng chuyển động một cách chậm chạp, ưỡn lên, chùn xuống theo từng chỗ gồ ghề của đất, đá. Thỉnh thoảng những hòn sỏi vụn cộm lên dưới đế chiếc dép nhựa trắng, chỗ gan bàn chân và lúc đó Liên xoay bàn chân một chút để đoán xem, hòn sỏi tròn hay vuông. Tâm trí cô tập trung vào cái bóng với những hòn sỏi không thấy mặt, nhưng một chỗ nào đó trong cô vẫn cựa quậy một ý nghĩ về sự đơn côi của mình. ý nghĩ đó xuất hiện trong Liên từ lúc cô bước qua rãnh thoát nước bên dệ đường số bảy để theo dốc lên trạm Má - Coọc? Nó sống trong cô như một cái bào thai, ngày mỗi lớn dần. Không! Nó xuất hiện trước đó. Vào cái đêm, Nụ - người chị gái của Liên - bỏ ông Kỳ đi theo anh lái xe to, cao như diễn viên điện ảnh. Đêm đó, trong ngôi nhà âm thầm, vắng vẻ của ông Kỳ, Trưởng phòng bưu điện, Liên để mắt vào đâu cũng thấy dáng chị mình, cô đã khóc. Liên khóc vì sự tan vỡ tình yêu của những người thân thích hay vì nỗi buồn đến tàn nhẫn của ông Kỳ đổ ụp lên đầu cô, cô cũng không biết nữa. Cũng có thể những giọt nước mắt mặn chát, chảy tràn xuống môi cô không liên quan đến ông Kỳ, đến Nụ mà vì một cái gì đó trong thẳm sâu tâm hồn. Mấy ngày sau, để trả thù Nụ, ông Kỳ ném Liên lên trạm Má - Coọc này...

Nếu chị Nụ không bỏ ông Kỳ thì Liên đâu đến nỗi. Hai chị em vẫn làm việc ở Bưu điện Con Cuông giữa cái  thị trấn vùng rừng sầm uất và xinh đẹp. Là nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại Liên thấy thương chị Nụ đến nhói thắt trong ngực. Mãi đến giờ Liên cũng không biết vì sao chị Nụ làm vợ ông Kỳ. Một lần nào đấy, chị nói với Liên: “Nếu chị khôn ngoan hơn một chút thì đã không mắc bẫy ông Kỳ. Người ta bẫy thú, bẫy chim, bẫy cá còn ông Kỳ thì bẫy tình yêu. Chị em mình tốt quá, biết sao tận tường ngóc ngách cái ác trong lòng người”. Rồi dặn Liên: “Biết khu rừng ấy có chó sói tốt nhất em đừng đến gần. Chó sói nó rình chộp mình, chứ mình không rình được nó đâu. Chị đã ra khỏi khu rừng có chó sói sau khi đã phải trả giá. Dẫu sau thì chị cũng đã ra khỏi. Còn em vẫn mắc nghẹt trong ấy...”.

Liên xuôi dốc xuống đường. ở đây, ngược lên phía đại ngàn vài cây số có trạm sửa chữa đường dây và xuôi sáu cây số là thị trấn. Trước mắt Liên bỗng hiện lên rõ mồn một hình ảnh những mái nhà san sát, những cánh cửa mở rộng, những con người vận váy áo sặc sỡ đi lại hối hả. Họ nắm tay nhau, vịn vào vai nhau mà cười, mà hát. Còn cô đang đứng một mình với cái bóng của chính mình. Hình như ở một chỗ nào đó, đâu như trên mào núi khập khễnh phía trước mặt kia, ánh nắng mặt trời đang tách làm hai thứ: Thứ rực rỡ ở bên kia - phía thị trấn. Thứ ảm đạm ở bên này - phía Liên đang sống... Một ý nghĩ khác sâu thẳm trong tâm hồn cô cưỡng lại ý nghĩ ấy: Nắng vẫn thế, gió vẫn thế chung cho mọi người, cho cả vùng rừng này. Chỉ nỗi buồn là của riêng mình cô... Lần lượt hiện lên trong đầu cô cái thị trấn nhỏ bé xanh biêng biếc...

Bây giờ trước mặt Liên, nắng rực lên và làn không khí trên các mái rừng phơn phớt xanh đang bốc cao. Bầu trời thì như một bè cỏ xanh đang trôi nhanh về phía bếp lửa mặt trời. Ngay trên đỉnh đầu một mảng mây màu chì hình một con người đang cúi nhìn xuống rừng... Liên chớp mắt. Hình như cô nhón gót chân và đầu gối rung lên... Mảng mây hình con người xoài ra như mỏi mệt rồi luộm thuộm đổ nhào xuống bè cỏ. Chỉ còn cái đầu. Rồi cái đầu cũng biến dạng, méo mó... Liên nhắm nghiền mắt. Vẫn thấy có cái đầu ấy. Cô chạy vào nhà. Khuôn mặt ấy đuổi theo cô... Cái khuôn mặt ấy...

Một buổi sáng lơ mơ. Liên đang nửa tỉnh, nửa mê bất ngờ bật dậy khỏi giường vì tiếng giật cửa, cô đưa tay lên giữ khuy áo ngực và toàn thân như hóa đá... Cánh cửa bật ra. Sương mù ùa vào phòng. Cùng với sương mù một bóng đen - cái khuôn mặt ấy - trùm lên Liên.

“- Tôi là Trín... Tôi xuống nhận thư, báo cho xã...

Liên nghe mùi đàn ông khen khét. Và cái nhìn hau háu... Liên vung tay... Đấy là lần đầu tiên cô đánh người.

Rồi Liên viết thư cho Chủ tịch xã Nà Lường. Ông Mí phải đích thân đi lấy thư. Liên thương ông ấy lắm. Và, bây giờ là một ông lão còn già cả hơn ông Mí.

*

*   *

Năm ấy sương mù đến sớm. Những đêm không có gió Lào không khí mát dịu, khoảng gần sáng nghe se se lạnh. Mở mắt đã thấy sương mù phủ kín cầu thang, cuồn cuộn ùn lên rừng, xuống suối. Nghe rõ tiếng giọt tranh nhỏ ti tách bên ngoài bức phên nứa. Ông May cạch diêm nhen lên một bếp lửa giữa sàn. Trong ánh sáng chập chờn ông đi ủng, cài khuy áo, thay cái quai mũ vải đã sờn bằng sợi dây gai. Ông làm mọi việc nhẹ nhàng, chốc chốc lại ngoảnh nhìn lên buồng. Trong đó bà May đang ngủ. Bà đã lành bệnh đau lưng, ăn bận được hai lưng bát cơm, đêm nằm không giật mình nữa. Ông cũng thôi đau nơi đầu gối. Cái niềm vui tốt hơn mật ong, hơn cao hổ.

Còn mỗi việc đeo cái bầu dao vào hông mà ông làm mãi. Những ngón tay cứ hết thắt rồi lại mở cái nút dây mây: Nửa ông muốn yên tĩnh cho vợ ngủ, nửa lại muốn gây thêm một tiếng động để bà thức dậy. Đã hàng chục năm nay, trước mỗi chuyến đi, kể cả những lần lên rẫy cái nhìn của bà cứ dõi theo ông cho đến khi ông qua suối Thương khuất vào rừng. Ông lấy thế làm an tâm và tin là nhờ nó, cái nhìn của vợ ấy, ông sẽ không gặp rủi ro. Có bận nghĩ khôn thì ít, nghĩ dại thì nhiều; ông nghĩ, đôi mắt của bà đã nhắm hẳn, chẳng bao giờ dõi nhìn theo ông nữa để rồi sau đó cứ lo lắng cứ như ý nghĩ dại dột ấy là sự thật. Bây giờ ông cũng  đang nghĩ vơ vẩn. Ông buông tay cho cái dao rơi xuống sàn và vội vã quay nhìn vào buồng. Tiếng động đã đánh thức bà May dậy. Ông sung sướng cúi xuống nhặt cái bầu dao lên, ngay đó ông lại bối rối một cách khổ sở như người có lỗi.

- Bà cứ ngủ đi? - Ông nói.

Bà ra khỏi buồng; vừa đi vừa vấn tóc. Đến bên khung bếp bà ngồi xuống, bỏ thêm củi cho ngọn lửa bùng lên, rồi chăm chăm nhìn ông.

- Thuốc lào có đó chưa? - Bà hỏi.

- Rồi?

- Bật lửa?

- Rồi!

Bà cười, cái miệng móm mém mở rộng, mấy cái răng vàng sỉn bắt ánh lửa sáng lên. Quay nhìn ra ngoài cửa dày đặc sương mù, khuôn mặt bà bỗng thẫm tối.

- Còn chai mật ong lâu năm... - Bà nói, ngập ngừng - Ông mang đi làm quà.

Ông cười hồn hậu.

- Để tôi gặp nó trước. Nếu nó cần thì khất nó bữa sau ta mang xuống cho nó. - Ông quàng cái quai túi đựng thư, báo lên vai, nói tiếp - Hôm nay tôi chắc là về tối, vì đến phòng bưu điện còn xa hơn đến trạm Má - Coọc dăm, bảy quả đồi. Bà ở nhà đừng nóng cái bụng.

Vẻ dứt khoát ông đi về phía cửa. Đến múi cầu thang ông dừng lại. Luồn tay vào túi áo ngực, ông móc bức thư con trai ra trao cho bà và dặn:

- Bà cất thư thằng Sán vào hũ gạo. Tôi mang nó theo sương mù dày thế kia sợ nó ướt nhòe mất con chữ.

Bà May băn khoăn:

- Thế rồi lấy gì mà khoe, mà nói với mấy ông lãnh đạo Bưu điện huyện.

- ồ không có thư người ta cũng tin tôi nói chứ sao. Con Liên nó tin tôi, tốt với vợ chồng ta thế mà người tôi sắp gặp còn là thủ trưởng của con Liên nữa cơ.

Hai bậc cầu thang một, ông May lao xuống nhanh nhẹn gọn gàng như một chàng thanh niên. Con ngựa trắng ông mượn của xã dắt về từ tối hôm trước đang chờ ông dưới chòi chứa lúa bông. Thấy ông, nó ngước mõm, vẫy tai, giẫm giẫm hai chân trước. Kể từ bữa nhận việc đưa thư báo đến nay đã tám tháng, tính có trăm lần ông xuống trạm Má - Coọc, ở trạm Má - Coọc về nhà. Những lần ấy chỉ có ông với nó, với rừng. Ông đã kể cho nó nghe bao nhiêu là chuyện. Chuyện đời ông, chuyện thằng Sán, chuyện tộc người Ơ - Đu. Có những chuyện ông chưa hề kể cho ai, ngoài nó và rừng. Con người gần gũi ông nhất, đáng ra ông phải kể là vợ, nhưng ông sợ bà buồn. Chuyện ấy xẩy ra lâu rồi, sau đám cưới vợ chồng ông một lần trăng tròn... Bữa ấy, bố thằng Trín thuê ta mang thuốc phiện xuống Cửa Rào giao cho một người Kinh. Ta nghèo, vợ ta đang cần cái áo, thằng Sán con ta đang cần cái ăn, cái chân ta thì khỏe, mang vác đi rừng với sức ta thấm tháp gì. Ta đi trước, bố thằng Trín đi sau. Đến bến nước người Thái, ta thấy có một người đàn bà đang cởi trần tắm. Ta để cái mắt xuống đất mà bước. Được một quãng ta ngoảnh lại. Sau lưng ta không thấy bố thằng Trín đâu. Ta đành giấu thuốc phiện vào bụi cây bên đường rồi tráo trở lại tìm nó. Ra nó đang cùng người đàn bà tắm nơi bến nước người Thái lúc nãy quấn nhau dưới gốc cây. Ta bỗng biến thành một gốc cây, đứng im không biết nên làm gì. Vừa lúc đó ta thấy đuốc cháy đỏ lên ba phía. Người ào ra bến. Bố thằng Trín nhanh hơn kẻ cầm đuốc. Nó lặn qua suối, mất tăm. Ta thì bị bắt. Bọn họ đưa ta về bản. Trong bản nhiều người biết ta, nên họ tiếp ta như khách vậy. Xong chầu rượu, thằng Nứa trạc tuổi ta, chồng người đàn bà đi tắm đêm ấy, mới hỏi ta:

“- May này, mày là người tốt của bản Ơ - Đu, mày nói cho ta biết, cái thằng lặn xuống suối như con cá ấy là ai?

“Nói ra, bố thằng Trín sẽ không yên”. - Ta nghĩ, rượu biến thành đá chẹt ngang cuống họng ta.

- Mày không nói thì mày là người xấu, vì mày bênh cho người xấu.

“Nó nói đúng”. Ta nghĩ. Và rồi ta nói cho họ biết.

Hôm sau, trời chưa tan sương mù mấy người đàn  ông lặng lẽ ập vào nhà bố thằng Trín bắt bố thằng Trín đưa đi xử tội. Bố thằng Trín bị xẻo tai và chắc  bị đánh đòn hiểm nữa. Về nhà là đổ ốm. Một năm sau, nó chết. Ta bị dằn vặt mãi, năm này sang năm khác. Việc ta mách với người Thái ấy là tốt hay xấu. Cả tốt, cả xấu. Ta khổ vì cái tốt lẫn cái xấu ấy. Dần dà ta cũng quên được. Đá cũng mòn vì mưa nắng nữa là. Thằng Trín lớn lên giống hệt bố nó. Một hôm nó đón đường ta, hỏi:

“- Ông May này, có phải hồi xưa ông mách với bọn Thái đen để chúng bắt bố tôi không?

Bấy giờ thằng Trín đã mười sáu tuổi cùng tuổi thằng Sán. Nó to khỏe lắm. Ta sợ nó đánh ta khi không có thằng Sán thì ta gãy xương. Cái sợ cũng có quyền ghê gớm trong cái bụng ta. Ta bảo với nó là ta không mách. Nó nửa tin, nửa không. Ta thấy nó lắc đầu, nhổ nước bọt xuống đất phía trước mặt ta. Rồi nói lấp lửng.

“- Để xem!

Sau đó không xảy ra chuyện gì. Vì thằng con trai ta nổi tiếng khỏe mạnh cả vùng rừng này, nó từng đấm chết một chú gấu, khiến thằng Trín phải sợ...

Con ngựa vẫy vẫy tai. Đấy là nó đang nghe ông kể. Nó quen giọng nói của ông, nghe ra cái tính của ông. Như lúc này nó biết ông đang vui, nên nó cứ dụi mõm mãi vào bụng ông. Và khi ông ngồi lên lưng nó, nó còn ngoảnh lại hất ngược mắt nhìn ông, rồi mới cất vó. Bầy lợn thả rông có đến chục con lấm láp chạy toán loạn vào dưới sàn nhà.

Suốt chặng đường xuống phòng Bưu điện huyện ông và ngựa đi trong sương mù dày đặc, trắng như sữa. Hôm nay có phiên chợ Huyện, dân vùng cao theo nhiều ngả đường đổ về thị trấn. Người Thái đầu chít khăn sọc ba màu, người H’mông mang túi thổ cẩm sặc sỡ, người Khơ Mú địu gùi mây có kết hình mặt trời. Điệu dân ca a vơng của người Thái, điệu xường của người Mường, điệu lù chạ của người H’mông, điệu tếch của người Chàm... trộn vào nhau vút lên, rồi dường như đọng lại ở một chỗ nào đó trên không trung và bất ngờ vỡ òa ra. Sương mù run lên... Ông May dắt ngựa lách đám đông đang lộn xộn bán mua, đổi chác dọc đường tìm đến phòng Bưu điện. ở đây vắng vẻ lạ lùng. Hai dãy nhà mái ngói ngoi ngóp trong sương mù. Ông May đi vào sân. Ông hỏi một người đàn ông đứng trên thềm nhìn ra đường:

- Ta muốn gặp thủ trưởng Kỳ.

- Tôi là thủ trưởng Kỳ - người đàn ông đáp, mắt vẫn nhìn theo hướng cũ chỉ có đôi lông mày đọng sương trắng khẽ rung động - Việc gì, nói đi.

- Chuyện tôi nói, dài lắm. Đứng giữa sương mù không nghe hết được đâu.

- Vậy thì vào phòng.

Ông May nhìn con ngựa, bàn tay phải vày vò sợi dây cương.

- Buộc ngựa ở đâu? - Ông hỏi.

- Buộc đằng kia. Thật chặt vào. Không được để nó đi lung tung, ỉa đái bừa bãi - Tiếng nói phát ra từ khuôn mặt bất động.

- Bắt ngựa đứng giữa sương mù vậy à? - Ông May băn khoăn.

- Hàng chục năm trời tôi ở trong sương mù có chết đâu!

- Rồi thủ trưởng sẽ ốm đấy. - Ông May thật thà.

- Thôi đi! - Người đàn ông nói, giọng bực bội - Con ngựa nhóc của ông quý lắm đấy! Nó mà chết vứt vào rừng cho con hổ no bụng.

Ông May đang vui nên lời nói ác của thủ trưởng chỉ làm ông thoáng buồn. Ông theo người đàn ông bước vào một gian nhà rộng, lành lạnh. Họ ngồi đối diện với nhau qua một cái bàn gỗ sơn xanh. Trên bàn đặt mỗi cái máy điện thoại. Rải rác khắp chung quanh là mẩu thuốc lá, cái trắng, cái vàng sỉn, cái nâu đen.

Ông May duỗi dài hai cánh tay theo thành ghế, khuôn mặt nở ra cười.

- Tôi vừa nhận được thư thằng Sán, con trai.

- Ông bảo cần gặp thủ trưởng. Có việc gì nói nhanh đi.

- Tôi vừa nhận được thư con trai. - Ông May nhắc lại.

- Thế thì sao?

Ông May mở to đôi mắt. Câu hỏi của chủ nhà làm ông lúng túng. Rồi ngạc nhiên. Nó không chúc mừng à? Nó không biết thằng Sán. Rõ là thế. Nhưng cái mừng của ta ở ngay trước mũi nó mà nó không nhận biết à?

- Thằng Sán tôi đi bộ đội, hàng năm không có thư về, hôm trước vợ chồng tôi nhận được thư nó. - Ông May nói chậm rãi. Ông sợ nói nhanh vị thủ trưởng không nghe ra.

- Thằng con của ông nó thế nào? - Giọng Kỳ lộ rõ vẻ tò mò - Nói rõ ra.

Cha mẹ nó chết khi nó bảy tuổi. Cái tuổi nhởi, vậy mà nó phải đi ở canh rẫy cho gia đình người Thái. Một bữa tôi đi săn gặp nó ngồi khóc giữa nương ngô. Hỏi, làm sao con khóc. Nó nói, nó bị chủ đánh đòn, ngày nào cũng bị đánh. Tôi tìm đến nhà người Thái xin nó về làm con. Chủ nó bắt tôi trả tiền. Tôi cần đứa con có tiếc chi tiền với vàng với bạc. Vậy là nó thành con tôi. Mười chín tuổi, nó đi bộ đội... Thế đấy. Hôm nay tôi xuống gặp thủ trưởng để nói với thủ trưởng cái lời cảm ơn của vợ chồng tôi. Thủ trưởng đã giúp tôi vì thủ trưởng cho cô cán bộ Liên của thủ trưởng lên trạm Má - Coọc.

Ông Kỳ tròn xoe mắt, đôi đồng tử đảo qua, đảo lại.

- Tôi không hiểu... không hiểu!

- Vậy ra thủ trưởng vẫn chưa hiểu. Để tôi kể gốc, ngọn cho mà nghe...

Tôi kể chuyện đi đưa thư... Bữa đầu tôi đến trạm Má - Coọc, con Liên ngồi bên cái bàn nhỏ, trên bàn đầy thư và báo. Còn tôi thì ngồi trên cái ghế làm bằng nửa cây gỗ dỗi kê bên phên nứa. cạnh cửa ra vào. Trời thì bức bối lắm thôi. Nó trao thư và báo cho tôi mà con mắt như mắt con chim mất tổ của nó thì nhìn sướt qua đầu tôi qua cửa sổ ra ngoài đường số Bảy. Tôi đưa từng cái thư lên đọc từng cái địa chỉ nơi phong bì. Xong, tôi hỏi - “Hết rồi à? Nó đáp: “Hết rồi! - Mắt nó vẫn nhìn đẩu đâu. Tôi bực, nhét thư báo vào túi khoác túi lên vai ra về.

Hai bữa sau, tôi lại đến. Con Liên ngồi đúng chỗ hôm trước nó ngồi. Mắt nó nhìn mưa, nhìn gió ngoài trời, tay nó trao thư, báo cho tôi. Tôi đếm từng cái một, đọc từng cái tên trên phong bì. Xong, tôi bỏ tất cả vào túi, thắt nút, lòng tôi buồn như cái áo ướt. Tôi thần thừ ngồi xuống ghế. “- Hết rồi à?”. Lâu sau, tôi mới có tiếng nói.

Nó nhìn tôi. Mắt nó không chớp như mắt con chồn gặp đèn săn. Mặt nó đang xịu như cái lá buôi rụng bỗng hiền giống mặt con nai. “- Bác chờ thư ai phải không?” - Nó hỏi. Vậy mà có con quỷ nào ám, làm đầu tôi nóng phừng lên. Vừa lật đật đứng dậy, tôi quát: “Ta chờ thư con ta. Vậy mà không biết hả?”. Tôi tưởng nó sẽ quay lưng lại với tôi. Nhưng nó không giận. Nó nói giọng nhẹ lắm, ngọt lắm: “- Chắc là cô ấy bận việc cơ quan đoàn thể nên không viết được thư đấy bác ạ”. Tôi nói: “- Không phải cô, mà là thằng. Thằng Sán con trai ta”. Chỉ một lúc trò chuyện mà bọn tôi trở nên gần gũi nhau. Tôi kể cho nó nghe vợ chồng tôi chuộc thằng Sán về làm con như thế nào. Tôi nuôi nó ra sao? Rồi vợ chồng tôi tiễn nó đi bộ đội. Con tôi hẹn một tuần trăng gởi về cho vợ chồng già tôi một lá thư. Vậy mà một trăm tuần trăng rồi, không thấy tin tức gì. Kể xong, tôi nhìn con Liên xem mặt nó thế nào để hiểu tim gan nó. Nó mấp máy đôi môi đẹp nhưng không nói năng chi. Còn con mắt nó nhìn tôi thì mát như lá chuối mới xòe. Nó đưa thanh nứa cho tôi làm đóm hút thuốc mà những ngón tay như mầm ngô của nó run run.

Bữa đó tôi về, leo núi, lội suối cũng thấy con mắt nhìn của nó. Tôi chưa thấy ai, ngoài vợ và con trai, nhìn tôi như thế. Tôi biết nó thương tôi rồi. Nhưng bụng nó còn ghét rừng, núi. Thấy nó đón ô tô lên hàng ngày, cái mặt nó, con mắt vui đó, rồi buồn đó, tôi đoán nó muốn về xuôi. Nghe nó kể, nó chỉ còn mỗi người mẹ. Mùa này mưa nhiều, cái nhà dột quá không có tiền mua tranh lợp lại. Trên cái giường mẹ nó phải căng một tấm ni-lông. Nó ước chuyển được cả đồi cỏ gianh bên trạm Má - Coọc về nhà. Rồi nó thở dài. Cái tiếng thở ấy tôi chỉ mới nghe ở người già. Tôi vốn ghét tiếng thở dài, nhưng bụng tôi không ghét nó. Nó còn trẻ tuổi, lại là con gái, ở rừng một mình chẳng có bạn bè, chẳng có người thân thích, muốn về xuôi cũng đúng thôi. Tôi đã gần bảy chục năm ở rừng chưa lần nào ra khỏi rừng quá hai ngày, vậy mà nghe tiếng con chim lợn kêu còn giật mình nữa là nó...

Tôi đang nói chuyện nhận thư... Vậy là tôi đi được sáu chuyến. Mồ hôi tôi nhuộm bầm lưng con ngựa trắng, vậy mà không nhận được thư con trai. Có lúc chán, tôi tính, trả quách cái việc lấy thư cho ông Mí. Nhưng lại nghĩ sẽ có thư con trai thế là tôi lại đi. Chuyến thứ bảy, rồi chuyến thứ tám.

Chuyến thứ chín con Liên kéo ghế cho tôi ngồi, bưng nước chè đặc quèo cho tôi uống. Rõ là nó làm riêng nước chè cho tôi, vì nó chỉ uống thứ nước trắng đựng trong chai.

Tôi hỏi: “- Có thư thằng Sán không? Nó ngoảnh mặt trả lời: “Không ạ”.

Tôi buồn, xách cái túi ra sân.

Nó đi theo tôi đến tận chỗ buộc ngựa. Ngồi lên lưng ngựa rồi, tôi cúi nhìn nó. Tôi lại gặp cái nhìn như lá chuối mới xòe. Hai chúng tôi cứ yên thế và im lặng thế, thật lâu. Cuối cùng tôi nói: “- Ta về nhé. Liên! “Bác sẽ nhận được thư anh Sán đấy ạ”. - Bỗng nó nói thế. Tôi vội hỏi: “Thật không? Nó trả lời: “Thật ạ”.

Lời nó nói như gió thổi hoa bông gòn, nhưng bụng tôi lấy thế làm vui. Trên đường về nhà, tôi không buồn như mọi bữa. Nhiều lúc đang đi tôi giật mạnh cương ngựa, ấy là tôi tưởng thư con trai trong túi áo thật. Rồi cũng biết chẳng có cái thư trong túi áo. Nhưng tôi tin. Tin có cái thư, cái thư nó lờ mờ đâu đó. Bọn tôi đi săn, nhiều bữa về không, thì tin có bữa xách, mang không hết. Vậy là tôi nóng bụng chờ đợi ngày đến trạm Má - Coọc gặp con Liên. Đêm, mắt tôi mở chong mong trời sáng, khấn trời đừng có sương mù. Chim Súy mới kêu một lần ngoài rừng nứa tôi đã dậy sửa soạn ra đi.

Hôm ấy tôi vừa qua đường số Bảy đang sắp sửa leo dốc thì con Liên từ trong nhà đã xô cửa chạy ra sân. Tiếng kêu của nó vang đến tận mấy cánh rừng. “- Có thư anh Sán rồi!” Tôi vứt dây cương, chân như bay trên lối dốc. Con Liên chộp lấy tay tôi mà lôi, mà kéo tôi vào nhà. Cái thư thằng Sán con Liên đã để sẵn trên cái gối trắng đầu giường. Nó áp bức thư lên ngực nó, như là giữ riêng cho mình và mắt miệng nó cứ nở ra cười. Chắc ngắm cái vui hiện trên mặt tôi đủ rồi, con Liên đưa cái thư cho tôi. Tôi chộp lấy đọc ngấu, đọc nghiến từng chữ. Cái mắt tôi thì còn tinh nhưng cái đầu tôi thì chạng vạng rồi, thật lâu tôi mới đọc đến cái chữ cuối cùng. Thằng Sán cho tôi hay rằng, lâu nay nó phải đi làm một nhiệm vụ quan trọng và bí mật của cấp trên giao phó mà không gửi thư về được... Tôi từng nghĩ, trên mặt đất này kẻ xấu chưa hết, nhưng mà chỗ nào cũng có người tốt, nhiều người tốt...

Hôm ấy, quá chiều tôi mới về. Con ngựa cũng như vì tôi mà khỏe mạnh hơn, nó chạy một mạch không đổ mồ hôi. Tối, tin tôi nhận được thư con trai bay khắp bản. Đuốc đỏ rực các lối đường dẫn đến cầu thang nhà tôi. Sân nhà tôi chật ních người. Bao nhiêu vò rượu, xếp dãy dọc, dãy ngang. Uống rượu, ca hát. Đến như vợ tôi cũng hát bài “Mừng ngô ra hoa” theo điệu Tơm bằng thứ giọng còn trong như nước suối Thương.

Tôi đã kể cho thủ trưởng nghe rõ như cái nắng, thật như hòn đá ấy. Tôi đang nghĩ, khi thằng Sán về, tôi sẽ hỏi con Liên làm con dâu... Thủ trưởng có nhận lời mời của vợ chồng già tôi không?

- Cái gì? - Ông Kỳ cau mày, ngơ ngác hỏi.

- Không tốt cái tai à? Tôi mời thủ trưởng lên nhà dự buổi vui với vợ chồng tôi.

Kỳ hiểu ra. Bỗng nhiên y có cảm giác, ông già Ơ - Đu đang giễu cợt mình. Y xô ghế, đứng dậy:

- Không! Không!... Ta bận.

Ông May chớp mắt, lắc đầu. Ông lặng lẽ ra khỏi phòng, Kỳ ngồi ôm đầu. Rồi bất ngờ ông ta bật khóc. Tiếng khóc của người đàn ông gần năm chục tuổi, nghe rờn rợn.

*

*   *

Nhà Kỳ ngoảnh lưng vào một vách núi đá. Hơi núi bao giờ cũng lạnh ùa qua phên nứa ngập khắp gian phòng chật chội. Kỳ ngồi dậy trên giường đưa tay đẩy mạnh cánh cửa sổ. Qua những làn sương mù bàng bạc Kỳ nom rõ ánh lân tinh lóe lên ở những con sóng vỗ vào bậc đá cuối cùng nơi bến nước trước ngõ nhà Kỳ. Cạnh đó con thuyền độc mộc đang chòng chành. Nhận ra nó nhờ một cái gì đó trong đầu, chứ mắt nhìn chỉ thấy một khối đen và hai cái gọng te chênh chếch, một đầu mờ vào sương mù, một đầu mất hút vào lòng sông... ánh lân tinh thôi không lóe lên nữa. Nghĩa là thủy triều đã rút, Kỳ mở cửa chính theo lối dốc đi xuống sông. Trong mui thuyền, trên cái sạp gỗ, ông bố đang nằm gác đầu lên đống lưới. Thấy Kỳ vào ông rên rẫm: “Tao chết thôi, Kỳ ạ” - giọng ông phều phào và mềm nhão. Kỳ nói: “Bố chưa chết đâu”. Rồi Kỳ chống thuyền ra xa.

Đã sáu năm nay, sau khi bà mẹ qua đời, hai bố con Kỳ sống trong sự quạnh hiu. Thi trật đại học, Kỳ về theo nghề te lưới. Hàng ngày, nhất là mùa gió nồm tháng tư và mùa mưa rươi tháng bảy, bố con Kỳ thu cá về kha khá. Mang cái giỏ tre đựng cá sau lưng, ông bố cuốc bộ lên chợ Vinh. Và bao giờ cũng vậy, mang về được một hay hai cân gạo, còn thừa tiền ông ăn hết, uống hết. Vừa chuệnh choạng bước vào sân, ông vừa nói với thằng con trai lầm lì: “Bữa nay cả làng cả nước người ta đánh bắt được ối cá Kỳ ạ. Chợ toàn cá là cá. Rẻ như bèo”... Ông rào đón vậy rồi mà thằng con ông vẫn cau có văng tục, đập rá đá kiềng... Nhiều đêm, không chịu nổi hơi lạnh từ vách núi đá phả vào nhà, Kỳ choàng tỉnh. Ngồi xổm trên giường, Kỳ nhìn khuôn mặt bố hiện lờ mờ trong bóng đêm - một khuôn mặt âm u. Anh ta bỗng thấy gai lạnh trong người... Nếu không vì ông ta? Ông ta đã cột Kỳ vào ngôi nhà này và sẽ còn cột Kỳ nữa, chừng nào lão còn thở, còn nốc rượu, còn ăn lần ba bát sắt cơm với cá chép, cá đối...

Ông bố Kỳ không mảy may biết ý nghĩ độc địa trong bụng dạ thằng con trai. Một hôm, ông nói:

“- Ông Trưởng ty Bưu điện quý mày, muốn đưa mày ra thành phố. Nhưng tao đẻ ra mày, tao lại muốn ngày nào cũng có mày ở cạnh, con ạ. Bố con ta là tình ruột rà máu mủ, còn ông ấy với mày là người dưng. Một giọt máu đào bằng ao nước lã, con ơi... Ông ấy có tốt vạn mươi với con thì cũng không bằng bố được. Chỉ là vì mày cứu ông ấy thoát chết hồi thằng Mỹ ném bom xuống bến phà. Mày cứu ông ấy, giờ ông ấy trả ơn mày bằng cái việc đưa mày đi làm cán bộ. Tao đã dứt khoát với ông ấy là tao không cho mày đi. Mẹ mày thì đã bỏ đi rồi.

Rồi ông bố Kỳ khóc, khóc rưng rức như con trẻ. Có một lần ông Trưởng ty về thăm, bố Kỳ cũng khóc như thế. Ông trưởng ty không quyết viết cái giấy điều Kỳ đi là vì vậy.

Ông bố Kỳ nhìn Kỳ không chớp. Con thuyền đã ra khỏi chỗ cạn tiếp tục chòng chành khiến cho đôi mắt người bố lúc xa, lúc gần.

- Mày sắp được ra thành phố, sắp lên tỉnh làm cán bộ rồi - Ông bố Kỳ nói. Trong hốc mắt của ông bỗng lóe lên những tia sáng kỳ lạ. Những tia sáng ấy rọi tận mọi ngõ ngách bụng dạ thằng con trai.

- Mày mừng phải không, con? - Giọng ông run lên một cách đau đớn, tội nghiệp - Tao chết, mày sướng phải không, con. Đừng dối. Thật thế... Sư tổ mày - thằng con bất hiếu. Rồi ta chết sớm...

Ông đập cái đầu lơ thơ tóc xuống sạp thuyền cồm cộp làm những con cá mương nẫy đành đạch như thể chúng còn sống.

- Bố vớ vẩn gì vậy? - Giọng Kỳ bỗng khàn đặc. Trong đầu Kỳ ý nghĩ ngổn ngang như tấm lưới trôi vào nước xoáy. Anh thụp xuống đỡ người bố dậy, cõng lên nhà.

Trưa hôm ấy, thực lạ lùng, đúng giờ Ngọ rồi mà dưới bến sông vẫn còn vương sương mù. Ông bố Kỳ nhắm mắt.

Kỳ bán nhà cửa, nương vườn, thuyền, te lưới cho một người ở bên kia sông. Người ấy cho Kỳ ứng trước một số tiền lo ma chay cho bố. Đám ma của bố Kỳ nổi tiếng một vùng dọc tả ngạn sông Lam: có cờ phướn, nhà mái cong, đòn gánh con rồng, một đoàn nhạc kèn, trống nhị, thuê tận trong Thủy Lộc ra...

Sau đám ma, Kỳ nhận quyết định công tác ở phòng Bưu điện ý Thành. Ông Trưởng ty là một người tốt bụng, thương người. Kỳ đã lợi dụng ông như lợi dụng con nước để chăng te bắt cá. Hai năm sau, học xong một khóa nghiệp vụ bưu chính ngắn ngày, Kỳ lên làm trưởng phòng. Có quyền lực trong tay, anh thanh niên làng chài bắt đầu chơi bời, đúng hơn là học chơi bời... Ông Trưởng ty, đến tuổi nghỉ hưu người ta chuyển Kỳ lên miền rừng...

*

*   *

Ngọn đèn tọa đăng cô Len đưa đến treo giữa nhà chưa đủ sáng, ông May thắp thêm hai ngọn đuốc, một ở cạnh cửa ra vào, một ở cửa buồng và một bếp lửa không bao giờ lụi giữa sàn. ánh lửa như bốc được. Tiếng củi nổ lép bép, tiếng đuốc cháy phần phật. Bóng người đổ vào nhau, nằm bẹp lên nhau, xô đẩy nhau. Người và người và bóng lộn xộn, chen chúc vậy mà công việc vẫn đâu vào đấy, răm rắp. Như thể chỉ có mỗi tiếng cười. Tiếng cười người già trầm tư như tiếng gấu đùa chơi con nhỏ. Tiếng cười người trẻ như tiếng nước suối mơn trên ghềnh đá.

Ba năm, kể từ cái đêm con trai, con gái trong bản múa hát tiễn thằng Sán đi bộ đội, nay sàn nhà ông May mới lại đông vui như thế.

Dưới sân cũng có lửa. Một bếp lửa to, ngọn lửa dựng cao đến mức đổ bóng người chung quanh ra tận bờ suối và ánh loang loáng của nó thì chạy tít ra mãi ngoài cánh rừng săng lẻ. Đêm loãng ra, nhẹ tênh khi tiếng sáo bỗng vang lên dìu dặt ngoài bờ suối Thương. Lại một cuộc hẹn hò. Đời nhiều cuộc hẹn hò, sướng thật. Đời có chuyện chia ly, buồn thật? - Ông May xách gùi thịt hoẵng vừa leo lên cầu thang vừa nghĩ. Rồi ông lại nghĩ sang những người trong bản đêm nay ở với vợ chồng ông và mai sẽ đến dự tiệc vui... mỗi gương mặt dừng lại trước mắt ông một lúc, đủ cho ông nhận rõ ràng những nét vẻ thân thuộc, gần gũi. Người già, con trẻ, đàn ông, đàn bà... - Tất cả như cùng sinh một lúc với ông, ngày nào cũng ở cạnh ông và sẽ ở mãi mãi cho đến khi thần chết mặc áo đen tìm đến... Chỉ có một khuôn mặt... nó cũng mặt người Ơ - Đu, cũng ở trong bản - cứ nhòe ra, bèn bẹt, tối ngoặm. Hình như ánh mắt ông không chịu nhận, cái bụng ông không muốn ghi nhớ khuôn mặt ấy. Đấy là khuôn mặt thằng Trín... Ông thấy mình như vậy thực không được. Dưới tán cây rừng, trên mặt đất của ông bà tổ tiên, mọi người phải là bạn bè của nhau. Không phải là bạn bè... thì phải sửa mình, giúp người khác sửa mình để thành bạn bè... Ông May đứng lại. Ông cố hình dung, ghi nhớ khuôn mặt thằng Trín.

Nhưng mọi cố gắng của ông đều vô ích. Nó cứ nhòe ra, bèn bẹt, tối ngoặm... Thế mới lạ lùng!... Chà! Cái con người? Như ông trưởng phòng Bưu điện ông gặp chiều nay. Ông không hiểu nổi ông ta. Có thể dò tìm, chặn bẫy được những con thú khôn ngoan, nhưng con người ấy thì không thể dò tìm được nó đang nghĩ gì, định làm gì. Ông cứ thấy áy náy, thấp thỏm; thậm chí lo sợ... Rồi ông May nghĩ về mình. Người ta bảo, ông là kẻ cô đơn. Không! Ông chỉ cô đơn ba năm nay. Chưa chắc đã phải cô đơn... Cô đơn là không có ai để thân thương, không có ai thân thương mình... nếu ông còn có sức khỏe, ông sẽ chạy từ bản này sang bản khác, đến mọi hẻm núi, mọi hốc đá, mọi bờ suối khắp quả đất, để thét vào tai con người, rủ rỉ vào tai con người rằng: hãy thương nhau!...

“Em về đi, tiếng sáo anh sẽ theo tận chân cầu thang

Thương anh, em đừng sập cửa

Để anh vào nhà kẻo sương mù đã bén gót anh...”

Tiếng hát vang lên ngoài bờ suối vọng vào tai ông May ấm nóng như hơi thở.

Vậy là trời sắp sáng. Lời hát ấy là của lúc trời sắp sáng. Ông May đặt gùi thịt hoẵng xuống cái nống tròn xoe giữa sàn nhà, rồi quay ra đứng ngay chỗ múi cầu thang. Trời như một cái ô xanh khổng lồ đang giương rộng dần, cao dần. Nó rộng đến đâu, cao đến đâu thì tiếng chim và hương thơm sà đến đó. Không có sương mù nên thấy rõ màu xanh sáng chảy tràn lan khắp nơi đậm đặc lại ở những chỗ thấp. Rồi mặt trời tròn vo, hồng hào nhô khỏi đỉnh núi Gấu, gần đến nỗi, ông May tưởng như đưa tay ra là chạm phải bếp lửa rừng rực ấy và có cảm giác những tia nắng đang đùa nghịch trên da mặt nhồn nhột.

Khách bắt đầu đến.

Ông May bước hết chín bậc cầu thang xuống đất. Ông bước sang phải ba bước, hai tay bắt chéo trước ngực, ngón tay trỏ bấm vào xương quai xanh. Nét mặt ông rạng rỡ. Bộ áo quần nhuộm nước củ nâu có đường hoa văn viền nơi cổ và nơi gấu, làm ông trẻ lại chục tuổi. Ông mỉm cười, cúi đầu một chút, khi có một người già đặt chân lên bậc cầu thang thứ nhất. Ông tung lên bầu trời một hạt ngô, lúc có một đứa trẻ đặt chân lên bậc cầu thang thứ nhất.

Khi dọc đường ra suối Thương, suốt ngả sang bản Nà Doi, xuống bản Thậm Thình vắng bóng người, ông May mới leo lên cầu thang, trở vào nhà.

Người già ngồi giữa hai chiếc chiếu trải trên ván dổi. Trẻ nhỏ quây tròn ngồi bệt giữa sàn nhà. Đàn bà con gái xúm xít bên bếp.

Trín đến sau cùng. Nó mặc bộ áo quần màu đen, ống quần quét lê trên sàn nhà. Cái mũ vải nó đội trên đầu cũng màu đen, tùm hụp xuống tận hai đường lông mày rậm làm cho đôi mắt vốn nhiều màu trắng càng thêm trắng dã. Láo liên nhìn mọi người, nó hỏi ông May:

- Ông bảo, có trưởng phòng Bưu điện Kỳ đến đâu?

Ông May uống cạn bát rượu, thong thả đưa lòng bàn tay lau qua đôi môi ướt. Bấy giờ, ông mới quay lại phía Trín:

- Sao mày chưa hỏi người già trong bản còn thiếu ai, trẻ nhỏ trong bản còn thiếu ai, đã vội hỏi thủ trưởng ở cách dân Ơ - Đu ta một buổi đường?

- ờ... là vì cái bụng tôi nó thẳng như cây tre, cây mía.

Ông May không nghe Trín nói mà quay về với bà con dân bản. Giọng ông dồn lên:

- Bà con đến uống chén rượu, ăn miếng thịt, vắt xôi để chia vui với vợ chồng tôi là tôi mừng lắm. Tôi nói thay lời vợ tôi, thay lời con trai tôi, chúc bà con mạnh cứng như cây lim, cây sến, nhà cửa kín, bão thổi không nghiêng, sương mù không lọt. Dưới sàn đầy lợn, đầy bò, ngoài rẫy đầy ngô, đầy lúa.

Tách, tách, canh, canh! Tiếng chạm cốc khắp các chiếu ăn. Tiếng cười vang giữa sàn, vang nơi khuôn bếp, vang trong buồng, vang ngoài cửa.

- Tôi có mời những người giúp đưa cái thư thằng Sán về. Người thứ một là ông Kỳ, trưởng phòng Bưu điện huyện ta, nhưng ông ấy không đến. Người thứ hai là cô Liên ở trạm phát như báo Má - Coọc. Cô ấy cũng không đến. Nhưng mà tôi tin không phải nó chê cầu thang nhà tôi, chê bến nước suối Thương. Vì tôi biết nó tốt lắm mà. Tôi đã tính, chờ thằng Sán về, tôi sẽ hỏi nó làm con dâu, làm bà con với bà con Ơ - Đu ta.

Trín đang uống rượu bỗng bị sặc. Nó gục đầu ho rũ rượi.

- Những ai tốt bụng với vợ chồng ta hãy uống cho cạn để con cháu ta có chỗ mà rót rượu vào. - Tiếng ông May sang sảng.

- Uống đi!

- Nào! Uống đi bà con!

“Con Liên ấy. Cái khuôn mặt nó cứ như hoa... Cái vồng ngực nó phập phồng, phập phồng... Cái đôi mắt như mắt nai... Cái cổ nõn nà như lõi chuối. Cái bàn tay nữa... Cái bàn tay vập mạnh vào má mình... Mẹ nó”. - Trín lẩm bẩm, đầu nóng phừng, còn trong bụng thì lạnh như sương mù mùa đông.

- Uống đi bà con ơi!

Tiếng cười nói ào lên, tiếng cốc, bát chạm nhau liên tiếp, tiếng nhai xương rau ráu, tiếng dao thái thịt sắc lẽm. Và mùi thơm. Hình như mùi thịt gà trộn lá chanh... và mùi gì nữa... cứ thúc vào mũi. Một cái gì đó ngứa ngáy làm Trín bật ho, tiếng ho không kìm được kéo dài thành chuỗi.

Ông May đi đến trước mặt Trín. Bát rượu trong tay ông chao đảo. Rượu nhỏ từng giọt xuống sàn nhà, vỡ ra thành những vòng tròn nhỏ như những bông hoa chữ tiền. Còn cách Trín một tầm tay với, ông đứng lại. Đây là lần thứ hai họ đối mặt im lặng nhìn vào mắt nhau. Lần thứ nhất, thằng bé mười bốn tuổi nhìn người đàn ông năm mươi tuổi, bằng cái nhìn căm giận của trẻ thơ, còn người đàn ông nhìn thằng bé bằng cái nhìn cảm thông và nghiêm khắc.

Lần ấy, bố Trín vừa chết được một tuần trăng. Kẻ xấu bụng đã rót nước độc vào tai nó. Kẻ xấu bụng bảo thằng bé rằng, bố mày chết là vì ông May, ông ấy mà không mách với người Thái thì đâu đến nỗi. Cứ hỏi trời, hỏi đất, hỏi cây rừng, việc ông chỉ cho người đời chỗ nấp của con thú ác nên hay không? Cái tội nghiệp, cái day dứt ông gánh chịu lại là chỗ đó. Thì ra cái ác chết rồi mà cũng chưa buông tha con người làm ra điều đúng. Con trai nó đến bắt đền ông.

Ông thương thằng bé quá. Thương đến mức ôm lấy thằng bé với cả con dao sáng loáng trong cánh tay nhỏ nhắn của nó. Ông nói với thằng bé: “Con về đi? Lớn lên chút nữa con sẽ hiểu mà”. Thằng Trín đã lớn lên. Nhưng nó không chịu hiểu lẽ đúng, sai. Lần này tay nó không cầm dao. Nhưng cái con dao giấu trong bụng còn ác hơn con dao sắt cầm tay hay dắt cạp quần.

- Mày không chịu chung uống, chung ăn với bà con dân bản hả Trín?

Trín không đáp, ưỡn ngực đi ra cầu thang.

Lát sau, tiếng vó ngựa vang lên rồi nhỏ dần về phía bến nước suối Thương, Ông May đến bên ô cửa nơi góc nhà, chỗ những ngày thường ông ngồi trên gốc dẻ xem mặt trời và sương mù đánh nhau - nhìn theo cái bóng đen cưỡi trên con ngựa trắng lúc ẩn, lúc hiện giữa các bụi cây rồi mất biến vào rừng.

*

*   *

Trín và Kỳ gặp nhau lâu rồi.

Bữa ấy Kỳ đi chợ để tìm mua cho Nụ cái nhẫn vàng. Vàng ở vùng rừng bao giờ cũng rẻ hơn miền xuôi vài giá; thậm chí ở những bản xa xôi giữa lòng đại ngàn, người ta quý bạc hơn vàng. Chợ gần vãn, Kỳ vẫn chưa chọn mua được cái nhẫn nào vừa giá. Về cái tính kiên nhẫn đến lỳ lợm để thỏa mãn lòng ham muốn thì không ai ở vùng Con Cuông này địch nổi Kỳ. Những cái lều chợ trống vắng, nền đất vương vãi lá bánh, vỏ chuối. Không khí vo vo tiếng ruồi bay. Lối mòn từ cổng chợ ra đường chỉ còn mấy con chó cụp đuôi bước chăm chỉ. Cuối cùng chúng chạy vào chợ tản ra mỗi con chiếm một vùng đất với sự giàu có hoặc nghèo nàn lá bánh, xương xẩu. Sự cạnh tranh xảy ra ngay sau đó. Chúng lao vào nhau, sủa ầm ĩ... Ngồi trong cái quán nước bên kia đường, Kỳ nhìn những con chó cắn nhau một cách thích thú. Cạnh Kỳ có một thanh niên cứ nhấp nhổm trên ghế. Đôi mắt y láo liêng hết nhìn xuôi rồi nhìn ngược. Y đang quan tâm đến một cái gì khác hoàn toàn không liên quan đến chợ vãn, không để ý đến Kỳ. Khi trên con đường từ rừng ra, hai người mặc áo vàng cưỡi xe đạp xuất hiện, y đứng phắt dậy: - “Giữ cho ta cái này...” - Y nói và dúi vào tay Kỳ một cái gói bọc ni lông, chằng buộc rất cẩn thận. Phải một lúc khá lâu, cái đầu chậm chạp của Kỳ mới dứt khỏi vụ xô xát của những con chó trở về với cái gói ni lông nằm nặng trĩu trên bắp đùi và hiểu dần ra là người thanh niên kia mang thuốc phiện đang bị công an đuổi bắt, anh ta chuyển sang cho Kỳ phó mặc sự may rủi. Hai tay không vung vẩy, y nghênh ngang bước trên con đường leo lên dốc sang lâm trường khai thác gỗ, nơi chấm dứt địa giới thị trấn.

Kỳ vội vã về phòng bưu điện. Anh bỏ gói thuốc phiện vào tủ đựng tài liệu lẫn giữa báo, tạp chí, phụ tùng máy vô tuyến, dây rợ, pin đèn... Nó trở lại? Không trở lại? Có? Không?... Đầu Kỳ chan chát những câu hỏi, câu trả lời. Và bụng Kỳ thì thắc thỏm, hồi hộp lẫn lo lắng. Kỳ hết ra cửa lại vào phòng, mắt đăm đăm vào gói thuốc phiện đằng sau tấm ván dổi dày có đến ba xăng ti mét, miệng lẩm bẩm những bài tính lẫn lộn. Vừa mong người thanh niên trở lại, vừa mong anh ta không trở lại và không bao giờ trở lại, Kỳ trăn trở trên giường đến tận nửa đêm mới ngủ được. Một giấc ngủ nặng nề đầy mộng mị. Gần sáng, Kỳ bị dựng dậy. Vật đầu tiên Kỳ nhìn thấy là một bóng đen che kín khung cửa. “- Ta là Trín ở bản Nà Lường - Tiếng nói phát ra từ bóng đen - Ta gửi cho mày gói thuốc phiện, giờ ta đến lấy”.

Kỳ dụi mắt, nói: “Đóng cửa lại và ngồi xuống đây”.

Mấy tháng sau, Kỳ nói với chủ tịch Mí cho Trín làm việc đưa thư. Tháng vài lần họ gặp nhau, gặp lần nào cũng vui, cũng say. Hôm nay, bụng dạ Trín không vui như những lần trước. Hắn lẽo đẽo theo sau Kỳ. Nắng liền tuần lễ, con đường về nhà Kỳ trắng phếch, hai bên dệ đường cỏ héo lá, vàng suộm. Càng gần đến nhà Kỳ, màu vàng càng đậm hơn. ở đây, nước như không có trong lòng đất. Đất khó nhọc thở ra hơi oi nồng.

Ngôi nhà của Kỳ nằm một mình cách nơi làm việc nửa cây số. Sau khi Nụ bỏ đi, nó như một ngôi nhà hoang. Cỏ mọc dưới đố cửa. Gió kêu trong kẽ hở những tấm ván gỗ mốc lấm tấm như bị rảy mực. Lá vàng rụng nằm nghiêng ngửa trên mái nhà, thỉnh thoảng gió lại xô đuổi chúng lào xào.

Kỳ vừa mở cúc áo vừa mở khóa cửa. Vào nhà, mặt Kỳ tự nhiên sập xuống. Lông mày nhíu lại, vầng trán hơi dô, đen xám hằn ba bốn đường nhăn sâu.

Không nói một lời, Trín kéo trong cái túi đen bên hông ra một can nhựa đựng rượu và một khúc thịt nướng. Kỳ nhanh nhẹn rút con dao nơi vách trao cho Trín. Trín mài mài lưỡi dao vào lòng bàn tay mình lâu đến nỗi, lưỡi dao đã liên tiếp cắt ngọt khúc thịt nướng mà Kỳ còn nghe tiếng sạt sạt của nó xát vào da tay Trín.

Can đựng rượu rỗng ruột, nằm nghiêng trên bàn. Bấy giờ Kỳ mới nghiêm nét mặt nói với Trín:

- Tôi biết chuyện chú không được đi đưa thư cách đây hai ngày rồi. Chú làm mất uy tín chú và ảnh hưởng đến cả tôi nữa. Tôi bảo xã cử chú làm việc ấy, là để dần dà đưa chú vào làm cán bộ Nhà nước.

Trín uôm người lên mặt bàn:

- Có phải lão già May nói với thủ trưởng?

- Chú đoán trúng.

- Lão ta còn kể chuyện gì về ta nữa không? Cái lão già ấy... ta ghét như ghét cây lá han.

- Lão ấy cho ta biết việc chú xằng bậy ở trạm Má - Coọc.

- Không!... - Trín phân bua - Không phải đâu? Ta đang tức như vấp ngực vào gốc cây. Trước kia ta đi đâu thì bị thằng con lão ngáng chân. Nay, thằng con lão chết rấp đâu rồi, thì lão ngáng chân ta.

Đưa Liên lên trạm Má - Coọc, Kỳ vẫn tưởng Liên phải thay chị gánh chịu sự đày đọa của mình. Điều đó làm Kỳ thỏa mãn; thậm chí Kỳ lấy nó làm niềm an ủi. Nhưng Liên không mòn mỏi như Kỳ muốn. Theo như lời kể của ông già thì Liên đang vui vẻ, đang hạnh phúc. Người ta tìm ra sự hạnh phúc trong những cảnh ngộ thật lạ lùng và thật khác xa nhau... Tách ông già và con Liên ra!

Kỳ nhìn Trín. Trín nhìn Kỳ. Và cả hai cùng lúc cất tiếng cười.

*

*   *

Chân trời đằng đông đỏ rực lên một chốc rồi dịu đi. Chỗ mặt trời vừa lặn dựng lên một cột mây đen hình nấm.

Ông May mặt đỏ phừng, nhễ nhãi mồ hôi mệt nhọc leo dốc lên trạm Má - Coọc. Chẳng biết sao bụng dạ ông cứ xốn xang không yên. Nhìn cánh cửa mở rộng của ngôi nhà, ông lẩm bẩm một mình:

- Sao hôm kia không về, Liên? Ta chờ, vợ ta chờ, cả bản Nà Lường chờ con. Ta định xuống với con ngay hôm ấy, khi chõ xôi còn bốc hơi nóng, miếng thịt còn thở ra mùi thơm, chén rượu còn nồng đượm nhưng cái chân ta đau, chắc sắp trở trời, mà ngựa thì không có. Đêm ấy ta treo cái da hổ lên nóc nhà để dọa con ma rừng. Lâu rồi ta không làm thế, nhưng vì chập tối, ta nghe thấy tiếng chim lợn kêu ba tiếng sau nhà. Vợ ta lại kể, bà ấy nằm mơ thấy rẫy ngô cháy, hạt ngô biến thành những giọt máu. Vậy là cái đầu ta cứ nghĩ ngợi lung tung.

Bất giác ông đưa tay sờ cái túi vải đeo bên hông. Trong túi có nắm xôi, miếng thịt vợ ông gói dành cho Liên. Còn thêm một chai mật ong rừng đã ủ kín ba tháng chín ngày. Thứ mật đặc như bột sắn sôi hai trào, óng ánh và thơm phức. Buổi sáng uống vài thìa thứ mật ấy chết con giun, con sán, tỉnh táo cái đầu.

Ông bước lên thềm và gọi:

- Liên ơi! Liên à!

Không nghe tiếng bước chân, không nghe tiếng cười của Liên. Ông lo lắng đưa mắt nhìn quanh. Cái bàn để thư báo chỉ có mỗi chiếc máy điện thoại như đầu chú thỏ trắng, ngơ ngác. Cái ghế làm bằng nửa cây dổi dặt dọc bên bức phên nứa... cái bếp nơi góc nhà củi cành khô nỏ chất chật một góc... Cái giường trải chiếu hoa... Nhưng ở đầu giường không còn cái gối trắng, cái cốc thủy tinh cắm hoa rừng.

- Đâu rồi! - Ông kêu lên - Liên ơi? Liên à?

Tiếng ông chuồi xuống dốc gặp đường số Bảy, dội lên; tiếng ông bay trong gió gặp rừng, dội lại; tiếng ông lượn quanh ngôi nhà.

- Liên... ơi! Liên... à!

Giọng ông ngắt ra, nhỏ dần, hốt hoảng và khẩn thiết.

Một người đàn ông từ sau những bụi cây bước ra, nhìn ông May bằng cái nhìn tò mò của một đôi mắt nhỏ, mi mắt hum húp:

- Ông hỏi cô Liên?

- Phải! Con Liên đâu?

- Cô ấy đi rồi!

Ông May chộp hai bàn tay cứng như gỗ lim lên vai anh thanh niên:

- Đi đâu hả?

- Phòng... phòng Bưu điện gọi cô ấy...

- Vì sao? - Giọng ông May nhỏ xuống.

- Không biết. Ông Kỳ viết lệnh gọi cô Liên về. Chính tay tôi đưa cái tờ lệnh ấy cho cô Liên.

- Ta biết - Ông May thốt lên - Ta biết cái bụng họ.

Lâu nay ông lấy cái tình của ông làm lá dịt vết thương buồn cho con Liên, còn con Liên đưa cái tình của nó làm nắm đất màu đắp chỗ trống trong con người ông. Hắn và cả thằng Trín nữa, đã xé cái lá, vứt nắm đất...

Ông uể oải đứng dậy, cơ thể rã rời. Chậm chạp ông lần theo lối dốc xuống đường số Bảy. Cái bóng của ông vật vờ trên những bụi cây lúp xúp. Ông nhìn cái bóng của mình rồi ngửa mặt nhìn mặt trời. Chắc đã đúng trưa, cũng có thể đã quá trưa. Ông chỉ quen đứng chân ở cầu thang nhìn mặt trời để đoán buổi thôi. Mà nền trời hôm nay nó khang khác thế nào đấy. Mây đen chen lấn mây trắng, nhào trộn vào nhau.

Ruột gan ông nóng như có lửa đốt. Con đường xuống bưu điện huyện xa tít quá mà cái chân ông bước thế nào cũng thấy chậm chạp. Con Liên có còn ở dưới ấy không? Có việc gì xẩy ra với nó không?

Con đường trước mắt ông thì cứ trải không có chỗ tận cùng. Trên trời mây đen từ bốn phía núi đang dâng lên, lan ra. Những mảng trời xanh bị thu nhỏ lại một cách nhanh chóng. Chỉ còn vài tia nắng lóe lên ở chỗ giáp ranh giữa màu xanh và mây đen. Cuối cùng những tia nắng ấy cũng tắt ngấm nốt. Không gian tối sầm, chật chội mây đen lươm nươm.

- Mưa to! Ông May nói một mình, giọng lạc đi.

Sấm nổ ầm ầm. Tiếng nổ nát vụn ra thành hạt, thành mảnh rơi rào rào xuống mặt đường. Và chớp. Chớp sáng lòa quét ngang dọc khắp bầu trời, cắm chân xuống mái rừng. Rừng rung lên, chao đảo. Bỗng nhiên bốn phía chung quanh yên ắng hẳn. Sự yên ắng làm ông rợn người. Ông đứng lại, cắm hai chân vào mặt đường, nghiêng tai về phía đại ngàn. Phía ấy nổi lên tiếng âm âm, u u như tiếng dội của lòng đất. Tiếng âm âm, u u lớn dần. Ông tưởng như có một đoàn thú vật kỳ lạ đang giẫm chân trên núi rừng tiến về phía ông.

- Lũ rừng? - Ông kêu lên. Tiếng kêu nhỏ, gọn và rắn như tiếng hòn đá tròn vo rơi.

Ông biết lũ đang đi về phía mình, gần lắm rồi.

Ông nhìn chung quanh với một sự chăm chú đặc biệt. Những phỏng đoán, tính liệu trước tai họa đang đuổi theo không chỉ còn là linh cảm nữa mà nó diễn ra trong ông căng thẳng.

Phía cuối con đường nơi ông vừa đi qua những con sóng nước như lưng hổ nhảy chồm chồm nuốt dần mặt đất đỏ au. Ông run lên. Một cơn gió lạnh ngắt thổi dọc sống lưng, ùa vào những khoảng trống trong vồng ngực. Quăng cái mũ đang cầm nơi tay, ông lao về phía phải: Vách đá dựng đứng.Ông lao xiên mặt đường về phía trái: Vách đá dựng đứng. Ông bật người trở lại co chân chạy. Mặt đất trôi dưới chân ông một cách chậm chạp.

Phía sau lưng ông, sóng xô vào nhau ầm ào.

Sấm chớp dừng lại trên trời. Mưa ngưng đọng trong mây. Rừng nhô cao đầu. Và tít tắp mãi đằng xa, chỗ mỗi buổi sáng sương mù, mặt trời tròn vo đỏ như máu nhô lên, lừng lững xuất hiện một cái cầu vồng nho nhỏ. Và nó, cái cầu vồng ấy, cứ chao đảo lóe sáng.

Ông đã thoát khỏi khúc đường chạy giữa hai vách đá, ông rẽ quặt vào dệ đường. Đoạn này, đường chạy giữa đồi cây lưa thưa, sườn đồi khá dốc. Ông bíu tay vào một bụi cây đu người lên. Rễ cây bật khỏi đất kéo theo lá khô, đất và sỏi vụn đổ rào rào lên đầu ông. Đúng lúc ấy, cơn sóng lũ đầu tiên đập vào chân ông. Ông chới với mất một lúc rồi mới vươn được hai tay lên bíu vào một gốc cây khác và dán bụng vào sườn đồi. Ông nằm thế, mặc cho lũ ném đôi chân rã rời rớm máu từ cơn sóng này sang cơn sóng khác... Sóng đập vào bàn chân... Hình như vậy... Sóng đập vào đầu gối... Hình như vậy... Sóng đập vào hông... Hình như vậy... Và nước ném từng giọt, từng chùm giọt vào mặt... Trong cái đầu nặng nề của ông căng chặt vô vàn âm thanh lộn xộn của núi rừng. Ông dồn hết sức lực còn lại vào đôi tay, bám lấy cây cối, cào cấu đất đá, kéo tấm thân nặng nề nhích dần, nhích dần lên.

- Hãy cho con lên cao?... Hỡi trời! - Ông nói - Không phải - Ông nghĩ trong đầu. Lý trí cho ông hay rằng, chỉ cần mười đầu ngón tay mềm đi là ông sẽ chết, chết hẳn, chết trong lòng nước đục ngầu. Ông thở một hơi sâu rồi trườn lên một nấc. Há miệng thở rồi trườn thêm một nấc nữa... nấc nữa... Cứ thế ông lên cao dần... Phía dưới chân ông, lũ vẫn ào ạt chảy qua. Đâu đó hiện lên những xoáy nước sâu hoắm, ngầu bọt đỏ. Những xoáy nước biến mất chỗ này, hiện lên chỗ kia như nôn nóng đón đợi con người vẫn đang gắn vào sườn đồi. Con người vẫn không rơi xuống. Và nó, những xoáy nước ấy cứ kiên trì biến mất chỗ này, hiện lên chỗ kia, giận dữ xoay tròn.

Còn phía trên nó, con người vẫn nằm xoãi dài chân, tay, đầu gác lên một bụi cỏ trơ trọi. Mười đầu ngón tay ông May đau buốt như bị bật móng. Cơn đau chạy vào ngực, lan lên đầu, nhói khắp cơ thể. Ông nhắm mắt lại, cảm thấy mình đang rơi vào một khoảng không vô tận. Người ông chơi vơi chơi vơi... Những đốm lửa tung tóe... như sao... rồi tắt ngấm... khoảng tối đông đặc lại... Một lưỡi dao, nhiều lưỡi dao đủ màu xén nó, khoảng tối ấy, ra từng khoanh... Những khoanh đen như khoai deo... những khoanh trắng như sắn khô... bồng bềnh... Rét tê tái... Ông co tay lại... Ông rơi... Người ông trượt xuống dốc, từ từ chậm chạp, nặng nề... Không! Ông đang xuống cầu thang nhà ông đấy chứ! Cái cầu thang bằng gỗ táu đen bóng hun hút vào sương mù... Cái thứ sương mù đáng nguyền rủa? Ông trời sinh ra đó để làm gì cơ chứ?... Nó vẫn lùng nhùng dưới kia, dưới chân cầu thang ấy... Chẳng thấy gì hết! Không! Một đốm sáng lóe lên, đâu như cuối con đường ra suối Thương, đâu như trên ngọn cây chò chỉ. ở đó... có cái ô tô... Mấy cái đầu lố nhố trong sương mù... một... hai... Thằng Kỳ... thằng Trín... Họ đang kéo con Liên về phía cái ô tô... Ông Mí, ông Thưng, con Len... bà May nữa... đâu rồi? Không ai ở đó cả. Con Liên đang khóc. Mặt nó ngoảnh về phía ông... Đôi môi nó mấp máy... Chắc nó gọi ông, nhưng sương mù nuốt hết lời nó... Những giọt nước mắt của nó rơi xuống... To quá, những giọt nước mắt ấy. Nó biến thành lửa... cháy xèo xèo. Mặt trời tròn vo, đỏ như máu nhô khỏi dãy núi Gấu. Sương mù rách toang... Cái cầu thang nhà ông nằm ngang từ đầu nhà ra tận suối Thương... Đầu cầu thang đằng kia... thằng Sán... con Liên... Hai đứa dắt tay nhau đang đi về phía ông... Kìa? Chúng đang cười với ông.

- Hê!

Ông May kêu thét lên và vội vàng dang rộng hai cánh tay lên trời. Người ông lập tức trượt nhanh qua  bãi cỏ nhàu nát.

Ông mở mắt... Thằng Sán... con Liên... mặt trời... đốm lửa... cái cầu thang... Không còn nữa! Trên đầu ông, mây đen và mưa. Bốn phía chung quanh ông gió và mưa. Dưới chân ông là nước lũ, cách ông một quãng, một quãng gang tấc... Nỗi sợ hãi làm ông tỉnh táo hẳn... Ta quên dặn vợ, nếu thằng Sán về bảo nó đi tìm con Liên. Hãy đưa thằng Kỳ, thằng Trín xuống tắm nước suối Thương... ờ.. nhưng mà ta đâu biết cái nỗi này.

Người ông trượt xuống dốc, nhanh hơn. Nước... nước đỏ quá... như máu... Không phải nước suối Thương... Nước suối Thương là nước của trời. Bỗng bàn chân ông chạm vào một vật cứng, như là một tảng đá, như là một nhành cây, cũng có thể không phải tảng đá, không phải nhành cây. Ông rướn người lên cao... Nước lũ đục ngầu, sủi bọt đổ ập xuống phía Con Cuông. Hôm qua ông ở dưới ấy. Hôm qua ông nhìn thấy một khuôn mặt cau có, dưng dưng...

Ông rướn người lên cao.

1995


Bình luận