Mùa thu năm 1973. Bấy giờ tôi tròn 24 tuổi, đầy máu say mê văn chương, cuốc bộ gần hai chục cây số từ đơn vị TNXP ở trên rừng về Thị xã Hà Tĩnh để xem vở kịch Cô Tám của Phan Lương Hảo. Tôi đã len lách vào tận bậc tam cấp nhà hát rướn mắt nhìn lên sân khấu hy vọng thấy ông. Mãi sau này khi tôi chuyển về Hội văn nghệ tỉnh, gặp ông hàng ngày, ngồi uống chè với ông, nghe ông nói chuyện, nghe ông đọc những trang bản thảo chưa khô mực, chẳng biết sao tôi không kể với ông chuyện ấy. Ông có biết những vở kịch dân ca của ông đã khiến bao người ngưỡng mộ ông và ông đã từng là thần tượng của những người trẻ tuổi như tôi. Điều này tôi không nói với ông, cả những lúc nghĩ tới sự cô đơn của giới cầm bút và sự dửng dưng của thiên hạ, tôi cũng không nói với ông. Bởi tôi biết trước có nói thì ông cũng chăm chú nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện; rồi khi nghe xong lời tôi nói thì ánh mắt ấy bỗng trở nên ngơ ngác. Tôi sẽ lại phải lắc đầu và thầm hỏi, bao giờ thì ông ra khỏi những nhân vật của ông?
... Phan Lương Hảo tuổi Mậu Thìn, sinh năm 1928 tháng giêng, ngày 18 tại xã Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh- vùng đất sản sinh nhiều văn nhân chí sĩ. 18 tuổi, ông vào bộ đội. Và đời binh nghiệp của ông dài trọn chín năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Xuất ngũ, ông về công tác ở Bộ văn hóa. Đến năm 1962 trở về quê, làm cán bộ nghiệp vụ Sở Văn hóa Hà Tĩnh. Tính đến nay ông trọn 42 năm hoạt động văn hóa văn nghệ. Chức vụ cao nhất của ông là Hội viên Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh liên tục từ khóa I đến khóa IV. Ông đã nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá, vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có ai đó bảo, nếu ông có cái Phó Giám đốc, Giám đốc Sở văn hóa hay Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội văn nghệ thì sẽ không có bao nhiêu là vở kịch dài, ngắn. Cũng có thể như vậy, cũng có thể không như vậy. Chỉ biết, người đời nhớ ông, trọng ông ở những tác phẩm ông đã viết, đã được dàn dựng, trình diễn: Nối lại đường tơ (1960), Cô thủ kho (1966), Bóng đa đầu làng (1967), Bên công sự (1975), Gói quà (1979), Chuông đồng hồ báo thức (1984), Mai Thúc Loan (1985), Khúc hát rừng thông (1986), Xôn xao rừng quế (1990), Huyền thoại núi Hồng. Ông là người chung thủy với thể loại kịch, và gặt hái nhiều thành công. Giải thưởng kịch bản văn học miền Bắc (vở Nối lại đường tơ); Huy chương Vàng và giải thưởng VHNT Nguyễn Du (vở Mai Thúc Loan và vở Khúc hát rừng thông). Loại A Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (vở Xôn xao rừng quế). (Sau này, năm 2014, bộ ba tác phẩm “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan”, “Xôn xao rừng quế” đã được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT, đưa ông vào vị trí tác giả kịch bản tiêu biểu của cả nước).
Phần nhiều tác phẩm của ông phản ánh sự kiện lịch sử và khắc họa hình ảnh nhân vật lịch sử. Từ cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường năm 722 của Mai Hắc Đế, Ngự sử trung thừa Bùi Cầm hổ thời Lê sơ đến cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng năm 1885 – 1895 ... Tác phẩm của ông “có sự hòa trộn giữa chất hoành tráng bi hùng của sử thi và chất trữ tình ngọt ngào, đằm thắm. Mai Thúc Loan có thể nói là sự khởi đầu của một công trình sân khấu hóa dân ca của một vùng đất được gìn giữ phát triển” (Nguyễn Đức Lộc). Loại hình kịch hát dân ca ông khai sinh có một sức hấp dẫn mới mẻ đối với công chúng vào những thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước cho mãi đến sau này. Phải miệt mài kiên nhẫn và giàu nghị lực lắm, Phan Lương Hảo mới liên tục và vững vàng suốt nửa thế kỷ đi được trên con đường sân khấu đầy gập ghềnh, khúc khuỷu và không ít mưa bão, nóng lạnh của tính khí người đọc, của khán giả và cả đạo diễn, diễn viên.
Mà không chỉ trải gập ghềnh, khúc khủy, nóng lạnh của cuộc đời sân khấu mà cả trải thăng trầm của thời cuộc. Với phẩm chất của một nghệ sỹ, Phan Lương Hảo cứ thanh thản đi về phía các nhân vật của mình: “Ví dù chút phận mỏng manh/ Cũng nhường lá rụng, cành xanh đại ngàn” (Cô Tám), đi về phía “Hạt gạo, hạt muối quê hương mặn mòi xứ sở/ Đó là nguồn sống đời ta còn nặng nợ”. (Mai Thúc Loan hay là Khúc ca rừng vải”. Những anh hùng chí sỹ, quan lại, nhà Nho, dân lành... thành nhân vật của ông, còn ông thì thành nhân vật trung tâm của nghệ thuật sân khấu Xứ Nghệ, thành thần tượng của thế hệ trẻ và đương nhiên của con, cháu trong dòng họ Phan. Gần như cả gia đình ông, không phải số mệnh mà là một sự chọn lựa có ý thức và cả vô thức, đi theo nghiệp văn hóa, văn nghệ. Người con gái đầu của ông là Phan Thư Hạnh - nguyên Trưởng khoa Âm nhạc của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định là một nhà thơ với 3 tập thơ đã xuất bản. Người con gái thứ hai là Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở VH,TT & DL, Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu, Chi hội trưởng Chi hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh. Chị đã xuất bản trên 10 đầu sách sưu tầm, khảo cứu về di sản Văn hóa phi vật thể ở Hà Tĩnh. Người con trai duy nhất của ông là Phan Trung Hiếu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hàng chục năm làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, tác giả của 11 tập sách văn và thơ. Vợ ông làm nghề Y, gầy yếu trước tuổi. Ông bảo, vì ông mải chơi với kịch, không giúp được việc gì cho vợ; thậm chí còn chất thêm những lo lắng lên cái gánh gia đình vốn đã nặng trên vai bà.
Hôm chúng tôi tiễn ông về hưu, ông ngửa hai lòng bàn tay ra hất nhẹ trong không khí, cười hóm hỉnh. Ông cười mà chúng tôi rưng rưng. Chúng tôi thương ông, thương những người suốt đời cầm bút vất vả và thương cho chính mình. Ôi, ngửa hai bàn tay trắng vậy, chứ trong cái hòm gỗ ông mang theo, trong cái túi sách ông mang theo có bao nhiêu trang viết chi chít chữ. Thế là sang, là giàu nhất nhì thiên hạ rồi. Năm trước, ông mổ sỏi bàng quang. Chúng tôi ra thăm, ông bảo: “Tiếc cái vở “Huyền thoại núi Hồng” chưa xong. Tôi nói: “Mai kia về viết tiếp”. Ông nói; “Nếu đừng chết”. Ông lại cầm bút, cả khi vết mổ còn chưa kín miệng để viết xong và in được tập diễn ca “Huyền thoại núi Hồng”. Sách chưa khô mực thì lại phải lên bàn mổ. Lần này mổ ruột thừa. Chúng tôi lại ra thăm ông. Ông ngồi tựa lưng vào tường, nói: “Chẳng sao cả. Cắt ruột thừa như chúng ta cắt những từ thừa, câu văn thừa, đoạn văn thừa trong tác phẩm. Đau, nhưng sẽ đẹp hơn. Chúng tôi đỡ ông nằm xuống, nhưng ông không chịu, ông bảo “Nằm nó quen đi, lười đi”. Sau cơn mổ lần thứ ba, ông ngồi vào bàn và làm xong “Trăng soi nỗi oán” dày gần trăm trang chữ vi tính cỡ 12 trên giấy A4. Ông gửi tôi đọc, đọc xong tôi đến gặp ông định nói với ông về kế hoạch đưa Trăng soi nỗi oán - lên sân khấu cho công chúng được thưởng thức. Ông nói, được thế thì hay lắm chứ in ra giấy người đọc kịch tính đầu ngón tay, phí lắm, tiếc lắm, xót lắm. Nhưng không ngờ, ông lại lên bàn mổ, cú mổ thứ tư. Lần mổ này, khiến sức lực ông cạn kiệt. Tất cả trong con người ông như ngọn đèn dầu lạc, mà dầu trong đĩa thì không còn bao nhiêu nữa. Bất chợt tôi nhớ hai câu thơ như một dự báo trong vở kịch dân ca Mai thúc Loan ông viết trên giường bệnh: “Gốc quế ven khe, hoa già đã rụng/ Dồn mật ở đài hoa lắng xuống vỏ cây” .
Những ngày ông sắp đi xa, bạn bè văn nghệ xúm xít quanh ông, nhìn con người một thời bươn bã “viết rách giấy” đang thiêm thiếp, hơi thở khẽ khàng dứt quãng thoát ra khỏi khuôn ngực gầy gò đến mức không nỡ nghĩ đó là khuôn ngực mà trong đó có trái tim nhiệt huyết của nhà viết kịch Phan Lương Hảo. Ông nhìn chúng tôi, mắt nhòe nước, nói: “Tưởng sống thêm thời gian nữa để được xem “Trăng soi nỗi oán”. Lạ là, khi viết xong Trăng soi nỗi oán, tôi chợt nghĩ, đây là vở kịch cuối cùng của mình. Hóa ra cái chợt nghĩ lại thành sự thật. Người ta chống được nhiều thứ nhưng không chống được mệnh”. Ngày hôm sau, ông mất. Ấy là lúc 6 giờ 40 phút ngày 21- 7- 2003. Hôm sau là lễ tang. Người rất đông xa, gần. Khuôn mặt ai cũng đầm đìa nước. Cầu ông ở suối vàng thanh thản. Cõi trần rộng lớn, xô bồ và cả ngổn ngang nữa, có nhiều người, rất nhiều người nhớ ông, nhớ những tác phẩm của ông.
Bình luận