logo

Giao lưu bè bạn

NGUYỄN QUỐC ANH- BÓNG DÀI ĐƯỜNG VĂNG

Quốc Anh là thế, vui vẻ, nhiệt tình, cứ như với anh, mang niềm vui đến cho người khác là bổn phận của nhà thơ. Và tôi biết, sau ánh mắt ngời sáng kia, sau nụ cười tươi kia, là những nỗi niềm thăm thẳm thấm đẫm tình yêu cuộc đời, một cuộc đời không một giây yên ổn, cân bằng.


Tháng 1 năm 1969, Hội sáng tác Văn nghệ Hà Tĩnh được thành lập; rồi sang năm 1971đổi tên là Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Hội  có một tài khoản, một con dấu hẳn hoi, nhưng mãi năm 1973, sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, mới có một ngôi nhà ba gian lợp tranh tro, thưng phên nứa lọt thỏm giữa tre và tro trong làng Thạch Linh gọi là trụ sở. Nhà thơ Thanh Minh, Vũ Hoàng - Những cái tên đã quen thuộc với bạn đọc từ thời chống Pháp, làm Trưởng và Phó Hội. Chính Tâm từ Phòng văn hóa Can Lộc vào làm Ủy viên Ban thường vụ thường trực. Nguyễn Quốc Anh rời mâm pháo thành Chánh văn phòng. Rồi Tùng Bách bên Ty Kiến Trúc về,  Xuân Hoài từ Giáo dục Cẩm Xuyên lên, Ngô Thực từ TTX Việt Nam sang, rồi  Hữu Lợi ở Lâm trường khai thác rừng Hương Sơn xuống. Thuở ấy, những người viết văn, làm thơ ở Hà Tĩnh tính đầu ngón tay. Tôi đang ở TNXP được Nguyễn Quốc Anh và Chính Tâm tìm đến, đưa về làm kế toán kiêm đánh máy chữ. Mãi sau này tôi hỏi Quốc Anh là có còn nhớ lần đầu gặp tôi không, anh lắc đầu nói, chẳng nhớ. Chắc anh đã quên. Chuyện giúp người này, người kia việc to hay nhỏ, với Quốc Anh đều là chuyện thường tình “…Tôi quét sân, gác cổng/ Giữ bình yên cho đồng đội trên sân”.

        Bây giờ nghĩ lại những ngày ấy, cái đói khát, túng bấn nghiệt ngã bủa vây bốn phía chung quanh vẫn cứ thấy êm đềm, ấm áp đến nghẹn lòng. Ngôi nhà ba gian nằm giữa tre pheo và cọ và dong giềng là trụ sở của Hội văn nghệ, thường ăm ắp tiếng đọc thơ của Quốc Anh, Tùng Bách, tiếng đàn viôlông của Chính Tâm, giọng kể chuyện trạng nhẩn nha của Thanh Minh… Khuya, Quốc Anh đạp xe năm cây số về nhà.   Nhà anh ở Thị trấn Cày cạnh con đường phố heo hắt, buồn nao lòng. Nơi ấy vợ anh hàng ngày gập lưng trên bàn máy khâu kiếm tiền nuôi ba người con ăn học và nuôi ông chồng làm thơ, những câu thơ kiểu như:

  “Phố lao xao không ngủ suốt đêm hè

 Em với bắt biết bao điều mơ ước

 Giấc mơ nhỏ trăng đầm đìa đáy nước

  Đom đóm đi chơi rắc lửa vườn nhà”

      Tôi đã chép những câu thơ đẹp như thế và những câu thơ ngập tràn thứ lạc quan tuổi trẻ của anh:

     “Tình em như giếng trong?

     Lòng em: như tiếng hát

       Đời em: Viên gạch hồng

       Nung trong lò quê hương Xô - Viết”  

 Và tôi đã nghĩ, chẳng là to tát đến quan niệm, tư tưởng thẩm mỹ trong sáng tạo văn chương của Quốc Anh mà cái lòng của anh nó thế, nó chân thật, cái chân thật được xóm Đẻo nơi chôn nhau cắt rốn của anh nuôi dưỡng:

         “Bờ ồ ạt trôi về qua khứ 

Mười hai đời người lập nghiệp nơi đây”

       Với những năm ngồi trên mâm pháo đào luyện, bồi đắp:

“ Giặc tan

   Vội đưa mắt nhìn nhau

   Bỗng gặp trời xanh in trong từng cặp mắt cháy lửa

 Đôi mắt bạn bè thân quen biết mấy”

      Một thời nó thế. Không riêng gì Quốc Anh mà anh em làm văn, làm thơ cứ hồn nhiên, vô tư yêu đời, cứ ngước mắt lên nhìn về chân trời ngày mai “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

     Vài năm sau, nhập tỉnh Hà Tĩnh với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh, chúng tôi tay xách nách mang chuyển ra Vinh. Quốc Anh còn đèo thêm vợ con và một lô một lốc hòm xiểng lỉnh kỉnh. Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh trên ba chục người xúm xít trong những ngôi nhà lợp tranh mía bên hồ thành Vinh đã cạn trơ bùn đất, um tùm cỏ dại. Rồi Quốc Anh được phân một căn hộ của khu tập thể Quang Trung do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp xây dựng. Từ ấy, tôi ít khi  gặp anh. Anh làm cái gì đấy trong Công đoàn cơ quan Hội nhưng cứ biền biệt nơi nào. Cơ quan người đông, góp từ nhiều nơi về chỉ biết mặt, biết tên vậy, còn thì cứ mang máng về gia cảnh, tính cách, tài năng văn chương. Đã thế lại vào những năm đói khát, nóng tay bắt tai, ngoài công việc cơ quan, ai nấy lầm lụi lo làm thêm nghề phụ bóc lạc, may áo quần, trông giữ xe đạp, buôn bánh mỳ, thuốc lá…Thôi thì đủ loại nghề ngỗng vì cái ăn, cái mặc.

      Tôi còn nhớ một ngày rét lướt thướt tôi gặp Quốc Anh đi mua bột cưa thay củi, thay dầu làm chất đốt ở Xưởng cưa Bến Thủy. Chúng tôi đặt hai viên gạch chiếm chỗ xếp hàng rồi kéo nhau vào cái quán cóc bên đường.

       Có gạch thay người rồi - Quốc Anh vừa nói vừa kéo ghế ngồi. Xong hỏi, có thuốc lào không? Là hỏi thế, nhưng tay thì móc trong túi áo ra một gói thuốc bọc trong mảnh ni lông màu nghệ. Ngẩng khuôn mặt đọng li ti những giọt mưa bụi nhìn theo khói thuốc, anh nói là lâu nay anh đi làm phim, phim truyện “Ngày ấy bên bờ sông Lam”của Trần Hữu Thung. Tôi sững người, một chút, rồi lí nhí hỏi, làm phim à?  Quốc Anh nhìn tôi, cái nhìn chẳng nói lên điều gì cả. Và như thế có nghĩa là cái việc anh đang làm nó bình thường trong chuyện “Chua ngọt thường ngày”. Mà quả thế, anh như quên ngay phim phiếc, quay sang hỏi tôi về gia đình, về việc chuyển vợ con từ quê ra Vinh. Giọng anh chân thành, đầy sẻ chia. Như ngày xưa. Tôi nói, mọi thứ đang dở dang. Anh nói, và lộn xộn và cả trớ trêu nữa. Thật lạ là cuộc đời thế mà văn chương vẫn đẹp lung linh, vẫn ngọt ngào, cái thứ đẹp, thứ ngọt ngào xa vời đâu đâu, dân chưa từng thấy, chưa từng nếm trải. Phải khác, khác đi, khác đi. Giọng anh day dứt như đang nói với riêng mình, đang gan ruột những điều thấy ra từ đời sống văn chương. Điều ấy mãi sau này tôi mới nhận chân ra qua thơ anh, những câu thơ đầy vị đắng chát.

        Ngoài trời vẫn mưa. Mưa trắng trời, trắng đất. Và gió buốt giá thổi phần phật nơi tấm vải hoa rách nát bà cụ bán quán che trước cửa. Sắp đến hòn gach mình. Anh nói và vừa đi ra chỗ xếp hàng mua mùn cưa, vừa đọc:

        “Thăm thẳm đường dài bước tiếp vu vơ.”

      Không phải đến khi không khí đổi mới chính trị, kinh tế, xã hội và sự “cởi trói” cho văn nghệ thổi về Xứ Nghệ, tác động tới tâm hồn sáng tác của Nguyễn Quốc Anh mà trước đó, trước cả cái buổi chiều mưa rét anh ngồi với tôi ở Xưởng cưa Bến Thủy. Ấy là những ngày nhập tỉnh, chúng tôi lặng lẽ ra Vinh. Lặng lẽ đi, lặng lẽ suy ngẫm và lặng lẽ nhìn ra bốn phía chung quanh, lặng lẽ nhìn mình. Sự thật cuộc đời đã mở mắt ra cho chúng tôi, rằng đằng sau, phía dưới cái cao cả, cái phấn khích, sự bình yên còn nhiều thân phận, nhiều nỗi éo le, đắng cay, nhiều sự trớ trêu, trơ trẽn. Rồi Thanh Minh sưu tầm truyện vui, truyện trạng, Vũ Hoàng bỏ thơ đi làm văn nghệ dân gian, Chính Tâm viết lại tiểu thuyết “ Rừng xanh bao la” dày mấy đốt ngón tay, Quốc Anh thì tự hỏi:

      “Khi đi bao nhiêu bạn

      Khi về còn bao người?”.

     Thơ anh nói lên những nỗi niềm của con người trước ngổn ngang trần thế, nói một cách chân tình, thuyết phục. Ở tập thơ Bóng dài đường vắng in năm 1989, sau tập Tình yêu sáng sớm, in chung với Nguyễn Trọng Tạo, năm 1974, nghe ra sự đơn côi trên con đường đời hun hút, biền biệt. Trên con đường ấy thấy một Quốc Anh mải miết đi, sẵn sàng sà vào chỗ này, chỗ kia, chuyện trò với người này người kia, ngấc đầu và cười và chớp chớp mắt. Những ông thợ cắt tóc nơi hồ Cửa Nam, bà bán bánh mướt cạnh Cửa Tiền, cậu bé đánh giày trước cổng chợ Vinh, ông Giáo sư dạy văn chương cổ cận ở Trường Đại học và cả cô gái môi son, má phấn mua vui cho quán cà phê bằng những bài hát buồn của Trịnh Công Sơn... cứ như là bè bạn từ thuở nảo nào. Quốc Anh đã “ … lẫn vào số phận đắng cay:

“Người chở xe thuê trốn giờ dạy học

Gái giang hồ mỏi  mắt đợi trời đêm

Em bé ăn xin còn vương chút dịu hiền

Bọn chấn khách say bia cười sằng sặc!

Trong cửa vé vẫn bình yên như thế

Mọi sự trên đời vẫn bình yên!”

        Tôi nghe tiếng thở dài của Quốc Anh khi còn lại một mình. Và sau tiếng thở dài kia là những dằn vặt, những nhớ tiếc, những mơ ước, cay đắng có, dịu êm có, anh rút ra từ sự trải biết của riêng anh:

“Tâm hồn nát quay cuồng trong nghịch lý

Nghếch mặt cười nước mắt chảy vào trong.”

Đã thế mà đành chịu: 

  “ Tôi lại một mình, một mình nẻo vắng

   Tìm ánh trời qua kẻ lá vườn hoang.”

Rồi:

“Hoa nát đời hoa- Thơ tôi cùng chia sẻ

Rồi em quên- Tôi lại một mình tôi.”

Lại một mình: 

“Tôi lang thang nẻo vắng độc hành”.

Nhiều người nói với tôi đọc những câu thơ trên đã rưng rưng nước mắt, thấy Quốc Anh đang nói cho mình, nói cho không ít người đang đơn lẻ trong cuộc đời  nhốn nháo.

 Thế mà vẫn thấy Quốc Anh bình yên giữa thiên nhiên:

“Tóc xanh xanh màu lá cây

 Mắt trong trời mùa thu trong.”

Thấy ông an nhiên, khiêm nhường:

“Anh không nỡ xòe ô che mưa chiều Đà Lạt

Sợ vô tình va chạm với  thiên nhiên.”

  Và nữa, điều này tôi không còn biết vui hay buồn và thật khó cắt nghĩa: Ấy là vào đầu năm 2002, sau một chuỗi thơ viết về danh nhân Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, An Dương Vương .. thấy một thứ sắc thái phù vân, vô vi lãng đãng trong thơ anh:

“Sáng sáng ra sông tắm nước sông

Chiều chiều lên núi nhởi cùng thông

Tóc xanh mắt sáng trời ban phước

Nghìn nỗi vui buồn: một chữ: Không.”

Rồi thì chợt liên tưởng tới những nho sỹ ngày xưa về vườn, lên núi: “Một mai một cuốc một cần câu/ Vì thế có ai ở nơi đâu/ ta lựa ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao…”. Thế nên khi nghe tin Quốc Anh nghỉ hưu, chuyển qua làm Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Vinh, tôi liền ra chúc mừng. Từ ngày chia tỉnh tôi về Hà Tĩnh Quốc Anh ở lại Nghệ An, thỉnh thoảng anh em mới gặp mặt nhau, nói với nhau dăm câu, ba điều về gia đình, còn thì ít khi bàn chuyện văn chương, thơ phú. Lần này thì khác, chúng tôi nói về đội ngũ làm văn, làm thơ xứ Nghệ với những nhận xét vô tư, những niềm vui, nỗi lo, niềm hy vọng... Những lúc ấy, mắt Quốc Anh sáng lên, cái đầu ngật ngật như tôi đã quen, đã nhớ hàng ba chục năm qua. Quốc Anh là thế, vui vẻ, nhiệt tình, cứ như với anh, mang niềm vui đến cho người khác là bổn phận của nhà thơ. Và tôi biết, sau ánh mắt ngời sáng kia, sau nụ cười tươi kia, là những nỗi niềm thăm thẳm thấm đẫm tình yêu cuộc đời, một cuộc đời  không một giây yên ổn, cân bằng. /.

                                       


Bình luận