logo

Truyện ngắn

NGƯỜI ĐÀN BÀ CHOÀNG KHĂN

Nhà sư khẽ rùng mình, cúi thấp đầu xuống hai bàn tay chắp trước ngực. Tấm khăn màu vàng sẫm thắt nút dưới cằm, cái nút thắt xinh xắn như một quả trám. Chỉ thấy mỗi đôi mắt, đuôi mắt dài, có những đường nhăn như những cái kim khâu... “Bờ” - Suýt nữa thì Hà cất tiếng gọi. Anh vội cắn môi. Đừng động tới sự yên tĩnh của Bờ!


Tốt nghiệp trường Lục quân Đà Lạt, Hà trở ra Hà Nội trên chuyến tàu nhanh khởi hành từ ga Quy Nhơn. Ngồi cùng nghế với anh là một phụ nữ lặng lẽ. Chị mặc bộ quân phục bạc phếch bó sát người. Với cổ tay áo và gấu quần chắp nối rất khéo kéo bằng thứ vải khác, đôi dép cao su mũi vênh hếch, chị gợi cho Hà nghĩ đến những cô gái ở rừng những năm bảy hai, bảy ba. Người ấy ngồi nép sát thành toa xe, chiếc khăn xanh choàng qua đầu thắt nút dưới cằm che kín khuôn mặt chỉ để lộ mỗi đôi mắt đen, đuôi mắt dài hằn những đường nhăn mảnh như những cái kim khâu. Cả những khi tàu dừng, không khí nồng mùi xoài chín nẫu, mùi chôm chôm, mùi khói thuốc lá và hơi nóng từ mái toa xe phả xuống bức ngột, chị vẫn không cởi bỏ tấm khăn choàng. Hồi chiến tranh, trung đoàn của Hà cũng có một cô gái luôn choàng khăn che mặt. Cô ấy tên là Bờ, tiểu đội trưởng một tiểu đội gồm sáu cô gái làm nhiệm vụ trông coi kho đạn và kho thực phẩm trong hang lèn Cẩm Ly. Hà ở cách họ một cánh rừng và một cung đường ngày 24 giờ thì 20 giờ có bom nổ. Nhiều chuyện về Bờ truyền miệng khắp trung đoàn. Một cô Bờ tháo bom nổ chậm chỉ mất ba phút nhưng lại kêu ré lên, ngã xuống chết giấc vì một chú sên bò vào ngực. Một cô Bờ bị bom vùi, sau hai ngày đồng đội đào đất đá kéo lên vẫn cứ sống. Một cô Bờ luôn choàng khăn che kín mặt chỉ để hở mỗi đôi con mắt... Dạo ấy, Hà có gặp Bờ hai lần những khi xuống Cẩm Ly kiểm tra kho đạn. Người ta bảo, gặp nhau nhớ lâu khuôn mặt. Hà chỉ thấy và nhớ vóc dáng thon lẳn của Bờ và cái nút khăn buộc dưới cằm giống hệt một quả trám xinh xắn... Thế nên, đắn đo mãi, Hà mới hỏi:

- Có phải chị Bờ?

Người phụ nữ lắc đầu, xoay hẳn lưng về phía Hà, áp mặt vào tấm kính cửa.

- Chị Bờ ở hang lèn Cẩm Ly. - Hà nói, bất chợt giọng run lên - Tiểu đội nữ của chị có cô Ngàn lùn, cô Xanh lém, cô Phương hay khóc... Hôm thằng phi công nhảy dù rơi đúng xuống cửa hang, chị dùng quai ba lô con cóc trói nó và bỏ đá vào ba lô.

Người phụ nữ khẽ rùng mình, ngoảnh về phía Hà, hỏi:

- Sao anh nhận được tôi?

- ở cùng trung đoàn mà! - Hà đáp

Người phụ nữ tên là Bờ ấy gục đầu xuống ngực, giọng buồn hiu hắt:

- Không biết bây giờ họ đâu cả rồi.

Hà sẽ sàng đặt tay lên vài Bờ

- Sau năm bảy lăm, trung đoàn chuyển về Huế, chị ở đâu?

- Tôi ở lại Cẩm Ly thêm hai năm.

- Để làm gì?

- Anh còn hỏi để làm gì ư? - Bờ trút một hơi thở dài, giọng chùng xuống - Tiểu đội sáu người chết ba, còn ba. Hòa bình, những ai ở rừng đều ào xuống đồng bằng, xuống thành phố - Bờ cảm thấy nóng trong ngực, chị cáu kỉnh - Trung đoàn bộ các anh kéo đi lúc nửa đêm về sáng, quên mất chúng tôi. Ba đứa con gái ngồi trước cửa hang nhìn rừng mà khóc. Tôi nói với Ngàn và Xanh: “Hai đứa tìm đường mà về đi”. Còn tôi, tôi quyết định ở lại. Tôi không nỡ để kho đạn không ai coi. “Chắc rồi sẽ có người đến thay cho tao” - Tôi an ủi họ thế. Nhưng chẳng biết sao, không ai đến. Một tháng rồi một năm; không ai đến. Một mình tôi giữa những rừng với núi, với nghĩa trang trung đoàn. Không đói vì có cả kho thực phẩm, nhưng sợ đủ thứ. May việc đuổi mối, việc vá áo quần chiếm hết thời gian để sợ. Dần dần rồi quen, rồi trơ lỳ ra, rồi chai sạn ra. Một năm, hơn chín tháng. (Dạo ấy, tôi dùng cành cây xếp vào hốc đá để tính ngày. ấy là tôi học mẹ tôi. Hồi mẹ tôi còn sống, đi buôn cá, trong túi áo của bà đầy những thanh tre nhỏ như cái tăm. Bà dùng nó để đếm cá). Đến một hôm, trời mưa to, có một đoàn cán bộ địa chất vào hang Cẩm Ly. Tôi bỏ tất cả lại cho họ chạy khỏi hang, ra khỏi rừng, không giấy tờ, không hành lý, không đơn vị...

Bờ có vẻ mệt mỏi, chị đưa hai tay ôm đầu, nép người vào thành toa xe.

Hai người im lặng. Về khuya hành khách trong toa xe ngủ gà, ngủ gật. Bóng đêm với bao nhiêu hình thù kỳ dị lướt qua cửa kính về phía sau. Chỉ mỗi vầng trăng uốn cong một cách bi thương trên nền trời xanh đen là mải miết đi theo họ.

*   *

Làng Vạn gần một trăm ngôi nhà lớn, nhỏ, thảy đều ngoảnh mặt ra sông Nghèn, quay lưng lại một cánh đồng mênh mông đầy ao chuôm, mồ mả. Đối diện với làng, phía bên kia sông là một dãy núi đá, đỉnh núi năm bốn mùa chìm trong mây mưa. Dưới chân ngọn núi cao nhất có một ngôi chùa tên gọi chùa Độ. Không ai biết chùa xây từ thời nào. Hai cây đa cổ thụ, tán lá như một bầu trời con phủ bóng kín mái ngói, sân gạch, cả dòng nước từ trong ruột đá chảy ra ngoằn ngoèo bên phải chùa. Tương truyền, có một vị sư trên đường hành đạo đến đây thấy dân tình lam lũ, mặt mũi u uất mới dừng lại núi Đá. Ông quyên góp tiền xây nên chùa Độ. Vị sư già sống lâu lắm, trụ trì ở chùa lâu lắm, không ai biết là bao nhiêu năm. Khi thấy thiên hạ có vẻ mặt thanh thoát bước vào chùa, thì ông lên cõi Niết Bàn.

Từ ấy, làng Vạn sầm uất hơn. Đàn bà, con gái sinh đẻ sòn sòn. Cư dân của làng tăng nhanh như cây lác, cây năn ven sông. Cả làng làm nghề chài lưới. Bến sông nhung nhúc thuyền to, thuyền nhỏ. Có một năm, tháng tám, mồng mười, bão to, mưa lớn, hai chục thanh niên của làng đi biển không một ai trở về. Sau sự đó, cứ đến ngày rằm, mồng một, dân làng Vạn lại lũ lượt sang chùa. Họ dâng hương, sì sụp vái lạy xin sự độ trì.

Nhà Bờ ở giữa làng, ngõ thẳng ra bến sông. Cha mẹ Bờ sinh được hai người con. Anh trai đầu đi biển, mất tích. Bờ là con thứ. Cô bé dáng mảnh khảnh, da trắng, gương mặt xinh xắn, chẳng giống trẻ con trong làng đen đúa, thô tháp. Mẹ Bờ đẻ Bờ năm bà ba mươi hai tuổi. Người già trong làng bảo Bờ tuổi thiên đế giáng sinh không sống quá 18 năm. Nếu sống được thì phải chịu tật nguyền. Số phận Bờ đã chọn cho cô cái sống tàn tật thay cho cái chết. Năm ấy mưa lũ kéo dài. Đêm, Bờ chống thuyền gỡ lưới bị hụt sào rơi xuống sông. Cô bơi vào bờ vướng phải câu vương, thứ câu  lưỡi dày đặc treo lửng lơ trong nước, con vật nào mắc phải chỉ mỗi lối thoát là nằm im chờ chết. Bờ không muốn chết. Bờ mới 16 tuổi, cô thèm sống. Bờ giãy giụa, kéo cả vằng câu lên bến làng. Người ta phải mất một buổi mới gỡ hết những cái lưỡi câu ra khỏi da thịt Bờ. Khuôn mặt Bờ bị rách nát. Trận lũ kéo dài, không ai tính chuyện đưa Bờ đến viện. Vết thương trên thân thể Bờ mưng mủ, lở lói. Ba tháng sau, Bờ mới đi lại được. Có điều, khuôn mặt xinh đẹp của Bờ méo mó, nhăm nhít sẹo. Không nỡ nói đến nỗi đau khổ của Bờ. Mẹ Bờ thương con, lâm bệnh rồi chết. Cha Bờ trở nên cau có, lầm lỳ. Đôi môi của ông quên mất nụ cười.

Một năm sau ngày Bờ bị nạn, chiến tranh lan đến làng Vạn. Bom nổ dọc sông Nghèn, nổ trên núi Đá. Bờ lấy khăn choàng che mặt, đạp xe lên huyện đội xin nhập ngũ. Sáng ấy, trời se lạnh, không ai nghi hoặc cách choàng khăn của Bờ. Bờ vào chiến trường với suy nghĩ về cái chết, cái chết giải thoát cũng là cái chết vẻ vang. Như lời tiên đoán của người già làng Vạn, Bờ cứ sống. Bạn bè Bờ, những cô gái xinh đẹp thì lại chết.

*   *

Đêm ấy, tàu đỗ ở ga Vinh, Hà thức dậy không còn thấy Bờ ngồi bên cạnh nữa. Cũng không thấy cái ba lô lép kẹp đặt trên ghế ngăn cách hai người. Bờ đã xuống tàu.

Hà ra Hà Nội, cưới vợ, làm nhà. Càng có tuổi, Hà càng béo phì ra. Vợ Hà, cô y tá ở bệnh viện 43 trong Trường Sơn hồi chống Mỹ thì bị bệnh sốt rét kinh niên, người héo quắt queo. Suốt ngày chị bươn bã ngoài chợ, ca cẩm giá cả đắt đỏ và ra rả dạy con bằng quá khứ, theo chị là cực kỳ vinh quang của mình. Hình ảnh cô Bờ nhỏ nhắn, có dáng ngồi nín nhịn với giọng nói thao thiết trong cái đêm miền Trung bức bối sau chiến tranh ấy mờ nhạt dần trong ký ức Hà, rồi nó biến mất khỏi cuộc đời lổn nhổn đủ thứ của anh.

Một hôm, ngồi xem truyền hình, Hà giật mình, người run lên khi nghe mẩu tin: “... Chị Nguyễn Thị Bờ, quê ở làng Vạn, xã X, huyện Y, tỉnh Z, nhập ngũ năm 1965, xuất ngũ năm 1977, đi khỏi làng năm 1977. Đặc điểm chính: người nhỏ, luôn choàng khăn che mặt. Ai biết chị ở đâu, tin cho ủy ban nhân dân xã X, huyện Y, tỉnh Z...”.

Tin ấy ám ảnh tâm trí Hà mãi. Sáu tháng sau, cơ quan có việc cử anh đi công tác ở tỉnh Z. Trước khi lên xe, vợ Hà nhắc: “Cái chị Bờ truyền hình nói dạo trước ở tỉnh Z đấy”. Hà xúc động ôm vợ, hôn lên làn da trắng xanh trên má chị. Ôi, những người đàn bà từng ở chiến trường. - Tâm thức anh kêu lên vậy. Dọc đường đi Hà nghĩ, sẽ về xã X, hỏi kỹ thêm về Bờ. Để đi tìm chị? Để cứu giúp chị? Lý trí mách bảo Hà, điều ấy nằm ngoài khả năng anh. Nhưng một cái gì cứ thôi thúc anh phải về đó. Quá chiều hôm sau, anh cho xe dừng dưới chân núi đá, thuê thuyền qua sông Nghèn. Trụ sở ủy ban nhân dân xã nằm lọt thỏm giữa một đám duối. Đang giữa tháng ba, quả duối chín vàng trời, vàng đất. Mảnh sân xi măng lồi lõm, duối rụng nẫu ra như bùn đọng từng vũng vàng sóng sánh. Chủ tịch xã, tuổi chừng bốn chục. Da đen sạm, tóc quăn, lông mày rậm, mũi nhọn, cằm vuông, gò má cao, tất cả những đường nét đưa lại cho khuôn mặt anh ta một vẻ khắc khổ, quyết liệt. Nghe người khách nói sự quan tâm của ông đến chị Bờ xong, anh ta tỏ ra thất vọng: “Tôi tưởng ông biết, ông đến mách với chúng tôi. Ra ông lại đến hỏi chúng tôi về chị ấy...”. Hà lạnh lùng: “Trong chiến tranh tôi và Bờ ở cùng trung đoàn. Tôi phải hỏi anh, sao chị ấy về làng rồi lại bỏ đi?”. Lời nói của Hà đã có tác dụng. Chủ tịch xã ngước nhìn Hà, cái nhìn của kẻ có lỗi.

*   *

Con trai đầu của lão Giá, tức là anh ruột của Bờ mất tích năm sáu mươi ba, mùa hè năm bảy mươi đột ngột về làng Vạn. Anh ta không những không chết mà còn giàu sang, sung sướng ở một nước nào đó bên kia biển. Lão Giá không tỏ ra mừng rỡ như người ta tưởng. Người con bảo: “Bỏ mẹ cái làng Vạn sang bên ấy với con. Cha tha lỗi cho, con không về nữa đâu. Con có muốn về, vợ con của con, chúng nó đếch chịu về”. Lão Giá dằn từng tiếng: “Cha phải ở đây hương khói cho mẹ con và chờ em Bờ của con về. Sắp về tới rồi”. Người con to, nhỏ đủ điều, trước sau cũng chỉ nghe lão Giá nói mỗi câu ấy. “Thế thì cha cứ ở lại làng. Nhưng con không để cha khổ đâu”. Cuối cùng anh ta chán nản nói thế và khoát tay. Ngay sáng hôm sau, làng Vạn trở thành một công trường xây dựng. Thuyền bè hếch mũi lên bờ; chủ thuyền tập trung làm nhà cho lão Giá. Hai tháng sau, cái nhà lão Giá to lớn, sang trọng nhất làng Vạn thì đã hẳn, còn nhất cả xã nữa. Người con ra đi. Nghe đồn, anh ta để lại cho cha một tập đô-la. Thỉnh thoảng lại thấy lão Giá lóc cóc lên phố huyện bán những tờ bạc xanh ấy. Có tiền nhưng buồn, chắc thế, lão Giá đâm nghiện rượu. Lão uống rượu, lão đánh cờ tướng một mình. Vài ngày một lần, lão khập khiểng ra ủy ban xã, đứng giữa sân, hỏi; “Có tin con Bờ của tôi không?”. Chủ tịch xã lắc đầu. Lão quay lại, lưng còng gập xuống, vai rung lên, đi như chạy về nhà. Năm 1974, lão ốm một ngày một đêm rồi chết. Bác sĩ bảo, lão bị bệnh khớp nhập tim. Ngôi nhà lão bỏ hoang, cỏ mọc um tùm từ ngõ ra vườn. Đảng ủy, ủy ban hành chính xã X chuyển trụ sở vào nhà lão Giá. Mượn tạm khi chưa có ngân sách xây trụ sở mới, với lại, nhà cửa không có người ở là tổ của mối và mọt! Nghe thật có lý, có tình!

Bờ về đến bờ sông Nghèn đã nghe ông lão chèo đò kể cho nghe hết sự tình. Chị đi thẳng vào nhà. Chủ tịch xã, bí thư Đảng ủy gượng cười, nét mặt căng thẳng.

Chủ tịch xã hỏi:

- Chị về cách thế nào? Phép hay phục viên? Giấy tờ đầy đủ chứ?

Bờ nói:

- Chỉ mỗi cái thân tôi thôi.

- Chị là người hay đùa! Chủ tịch xã cười hềnh hệch. Mà thôi, chuyện ấy để sau. Bây giờ, chúng ta bàn cái chỗ ăn ở của chị và chỗ làm việc của xã. Chị là đảng viên, ta giải quyết việc này cũng chẳng khó khăn gì.

Bờ im lặng, chị đi khắp nhà, đi khắp vườn, rồi trở vào ngồi xuống thềm, không cởi bỏ ba lô. Quai ba lô lằn sâu vào vai như kéo người chị vẹo sang một bên. Những người đứng vây quanh chị nhòe ra, chao đảo. Tấm khăn choàng che trên mặt chị ướt đẫm nước.

Bí thư xã nói:

- Chúng tôi sẽ cấp cho chị một suất đất tử tế, sẽ dựng cho chị một ngôi nhà tử tế chừng 10 mét vuông. Một mình chị cần gì nhà to, rộng. Hí!

Chủ tịch xã nói:

- Một thân một mình, ở nhà rộng thêm lạnh lùng, cô Bờ hé! Chồng con thì không...

Nổ tung trong lòng Bờ cái gì đó tích nén lâu nay. Chị vùng đứng dậy. Vứt ba lô xuống thềm, đưa hai bàn tay run run gỡ nút buộc dưới cằm, Bờ giật tung tấm khăn khỏi mặt. Chị hét lên, giọng cứ ríu vào nhau.

- Chồng con thì không có. Ông muốn nói vậy chứ, gì... Nhìn tôi đây này! nhìn kỹ vào. Sẹo vì câu vương hồi xưa, giờ có thêm vết bỏng vì bom Mỹ nữa đây này! Nhìn đi. Nhìn mà nhớ lấy. Các ông im đi! Đừng bàn bạc chi nữa. Cho các ông cả, tất cả đó.

Như kiệt sức, Bờ im lặng, người rung lên. Chị choàng lại tấm khăn che mặt rồi đứng dậy đi vào nhà. Bầu yên tĩnh trùm lên tất cả: ngôi nhà, mấy ông lãnh đạo xã, sân, vườn, ngõ... Bờ đến trước bàn thờ bố - Một tấm ván thuyền còn vết trảm - treo trong góc nhà. Chị vái lạy, rồi lấy cái lư hương bằng đất nung, lơ chơ mấy chân hương nhuộm phẩm đỏ lốm đốm nốt mốc trắng, bỏ vào ba lô. Không nhìn ai, chị bước ra khỏi nhà, ra khỏi sân, ra khỏi làng. Một đứa bé chở thuyền đưa Bờ qua sông.

- Hay là o về nhà cháu ở - Thằng bé nói với theo Bờ.

- Cảm ơn cháu - Bờ nói như một cái máy.

Lúc ấy đã quá chiều, mặt sông thẫm đen, còn không gian thì tím bầm lại.

*   *

Chủ tịch xã nói:

- Từ ngày ấy, không ai gặp chị Bờ, không ai nghe tin tức gì về chị. Tôi được bầu làm chủ tịch xã. Việc đầu tiên, tôi cho xây dựng cái trụ sở này và niêm phong ngôi nhà của chị Bờ. Chẳng phải ai cũng ủng hộ tôi đâu. Người làng Vạn nhìn không quá lũy tre làng, không qua được sông Nghèn, buồn lắm ông ạ. Mỗi khi đi qua nhà chị Bờ, lại càng buồn. Rồi mời ông đến đó xem. Nó lạnh lẽo, nó tĩnh mịch. Mười năm chẵn rồi... Người bảo, chị Bờ vượt biên sang ở với người anh trai. Kẻ nói, chị lấy một người đàn ông cụt chân, hai vợ chồng bảo vệ cho một băng đào đá đỏ ở rừng Quỳ Yên. Tôi không tin. Tôi nhờ truyền hình loan tin tìm chị.

Anh ta nhìn Hà bằng cái nhìn thăm dò, khuôn mặt méo xệch một cách khổ sở. Lát sau, anh ta hỏi:

- Theo ông, chị Bờ có trở về không?

- Thánh mới biết - Hà tức tối nói - Anh bỏ tù cái gã bí thư, chủ tịch xã ấy đi, may ra chị ấy tha thứ cho các anh mà trở về.

- Họ còn đâu nữa mà tù với tội.

Chủ tịch xã cắn môi.

Hà thở dài. Một nỗi chán chường dòa lên trong lòng anh.

- Thỉnh thoảng tôi sang chùa Độ...

- Nhờ Phật? - Hà hỏi, nhếch mép cười, không giấu được vẻ mỉa mai chua xót. Ngay đó anh nhận ra sự vô lý nhẫn tâm của mình. Anh ta có tội tình chi. Ngược lại nữa. Hà vội nói tiếp - Đừng buồn đau nữa. Anh đã làm một việc nghĩa cho thân phận người chiến sĩ thời hậu chiến, dù là chưa đạt được đích.

- Quả là tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Anh ta nói, tay khua khoắng trong không khí một cách bối rối.

... Họ qua sông Nghèn trên chiếc thuyền ba ván không mái che, không cột buồm. Khoang thuyền đặc quánh mùi cá ươn lẫn mùi hoa bần. Gió chùng chình. Nước sông lặng lẽ chảy giữa hai bờ lồi lõm, rối rắm cây cối. Dọc đường lên chùa Độ hoa sim tím ngăn ngắt. Những bông hoa bốn cánh nhỏ bé nép mình vào lá, cây và cỏ. Sân chùa lát gạch nâu, sạch bóng, lốm đốm hoa đại trắng. Không khí tối dần về phía cửa chùa. Một nhà sư mặc áo vàng sẫm gấu áo xõa vòng tròn trên nền nhà, đang thiền trước điện thờ.

- Sư Bống đó - Chủ tịch xã nói với tôi.

- Nam mô A-di-đà... - Nhà sư khẽ rùng mình, cúi thấp đầu xuống hai bàn tay chắp trước ngực. Tấm khăn màu vàng sẫm thắt nút dưới cằm, cái nút thắt xinh xắn như một quả trám. Chỉ thấy mỗi đôi mắt, đuôi mắt dài, có những đường nhăn như những cái kim khâu... “Bờ” - Suýt nữa thì Hà cất tiếng gọi. Anh vội cắn môi. Đừng động tới sự yên tĩnh của Bờ!

Hà lặng lẽ, rón chân bước ra khỏi chùa,

- Ông làm sao thế? - Chủ tịch xã chạy theo Hà, lo lắng hỏi.

- Không, không sao đâu. Ta về thôi - Hà nói và cúi nhặt một bông đại trắng giữa sân bỏ vào túi áo ngực./.


Bình luận