Nguyễn Thị Nguyệt
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Đức Ban đã xuất bản hơn chục đầu sách bao gồm nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài, bút ký, kịch... Với những đóng góp quan trọng của mình cho mảng văn xuôi, Đức Ban được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của Hà Tĩnh trong vòng ba chục năm lại đây. Bút lực dồi dào, vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc cộng với niềm đam mê, tâm huyết và đặc biệt là sự lao động thực sự nghiêm túc, cẩn trọng với nghề văn chương chữ nghĩa đã tạo nên những thành công đã được ghi nhận của ông.
Bắt đầu từ tập truyện ngắn đầu tiên, tập Mưa rừng (1978) đến tập truyện dài được xuất bản gần đây nhất Mạng nhện bạc (2004), hành trình sáng tác của Đức Ban đã đi qua hơn ba thập kỷ. Ba mươi năm sau chiến tranh là chặng đường có thể nói diễn ra quá nhiều sự kiện. Biết bao nhiêu vấn đề đặt ra trong hiện thực cuộc sống và ngay cả trong bản thân mỗi con người. Dư âm của cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc, đời sống ngổn ngang thời hậu chiến, đến những biến động dữ dội của xã hội trong cơn lốc kinh tế thị trường... Tất cả đã tác động tới mọi ngóc ngách cuộc sống con người, tạo nên những vấn đề hiện thực cơ bản trong trang viết của những người cầm bút cùng thời. Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Đức Ban nằm trọn trong bối cảnh xã hội với nhiều biến động như đã nói. Dĩ nhiên, hiện thực cuộc sống và những vang động của nó đều có sự lắng đọng trong các tác phẩm của ông.
Đức Ban viết khá nhiều về mảng đề tài chiến tranh. Chiến tranh cùng với những vấn đề của nó có mặt trong phần lớn các truyện ngắn Khúc hát ngày xưa, Người đàn bà choàng khăn, Sông nước, Cô Tề làng tôi, Chuyện vẫn còn, Mồng mười tháng tám... và tiểu thuyết Trăng vỡ. Cùng khuynh hướng chung của văn học hậu chiến, chiến tranh được nhìn đa chiều, phức tạp hơn, nỗi đau chiến tranh không còn là đạn bom gian khổ mà là những bi kịch khi con người quay trở về với đời thường chạm mặt với những thói đời, đối diện với sự vô ơn, thờ ơ của người đời... Mảng hiện thực mờ tối, chìm khuất trong hiện thực đời sống thời hậu chiến được phản ánh khá đậm trong truyện ngắn Đức Ban. Nông thôn bối cảnh những năm sau chiến tranh như một bức tranh xã hội thu nhỏ với tất cả những gì tốt đẹp, thuần khiết lẫn ấu trĩ, lệch lạc, thành kiến, đố kị và thù hận... cũng là thế giới nghệ thuật đặc trưng của Đức Ban. Đây là mảng hiện thực mà ông am hiểu. Nhất quán trong một cảm quan hiện thực, viết về nông thôn Đức Ban không đi vào khía cạnh đói rách áo cơm mà chủ yếu là mối quan hệ, bi kịch tinh thần của những thân phận nhỏ bé... Thời buổi hội nhập mở cửa cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường kéo theo đó là những đổi thay đến chóng mặt trong đời sống con người, phơi bày những sự thực đang sợ: sự tha hóa về đạo đức, sự lạnh lùng thực dụng trong các mối quan hệ của con người, sự chi phối của tiền bạc và quyền lực, sự lẫn lộn của đúng sai, thật giả... Tất cả những rối rắm, nhập nhằng đó được đề cập khá thẳng thắn trong một số truyện dài được viết gần đây của ông. "Mạng nhện bạc" (tên một tâp truyện dài của Đức Ban) là quan sát trực quan, cũng là cảm quan sắc sảo của nhà văn về hiện thực.
Nếu làm một khảo sát nhỏ về tác phẩm văn xuôi của Đức Ban và dùng thao tác phân loại đề tài có thể xác lập được một số mảng đề tài cơ bản như đã đề cập ở trên. Nhưng thiết nghĩ sự xác lập này sẽ không hoàn toàn rõ ràng và chính xác. Có sự dàng dịt, xâu chuỗi và “thẩm thấu” vào nhau (nếu có thể dùng hình dung từ này) của các đề tài, các không gian hiện thực trong truyện của ông. Nói chính xác hơn là trong ý đồ nghệ thuật của mình, Đức Ban sử dụng các chi tiết của hiện thực, của ngoại cảnh chỉ nhằm tạo lập bối cảnh, môi trường sống mà ở đó những nhân vật của ông bộc lộ thân phận, tâm hồn, tính cách và đặc biệt thái độ sống, hành vi ứng xử với nhau, và với ngay cả chính mình. Quan tâm đến con người ở góc độ số phận cùng những mối quan hệ, hành vi, suy tư và cách thức cảm nhận cuộc sống của họ, Đức Ban đã có cái nhìn sâu xa hơn vào hiện thực, cảm nhận và lý giải rõ ràng hơn về những vấn đề của cuộc sống. Chính vì vậy dù viết về nông thôn hay thành thị, chiến tranh hay thời bình thì vấn đề cốt lõi mà người đọc cảm nhận được là lẽ sống, lương tâm, trách nhiệm, là con người với ghánh nặng sống, ghánh nặng làm người... Đi qua những trang viết của Đức Ban có không khí, hình bóng của quá khứ đã qua chưa xa, có một hiện tại ngổn ngang nhiều vấn đề mà con người đang phải đối diện. Không dụng tâm tạo dựng bối cảnh xã hội làm đối tượng phản ánh, hiện diện trong mỗi tác phẩm của ông chỉ là những cuộc đời, những số phận, nhiều khi chỉ là một mối quan hệ nhỏ, một tình huống ứng xử nhưng người đọc vẫn có thể hình dung rất rõ “kích thước xã hội” ở trong đó. Chính vì vậy thế giới nghệ thuật mà ông tạo dựng bao giờ cũng đa dạng, phức tạp, dàng dịt, chồng chất những “quan hệ người”. Có những mối quan hệ, những ứng xử, thái độ tốt đẹp, trong sáng, thuần khiết đầy bao dung, cũng không ít mối quan hệ chỉ là sự mưu mô, toan tính, thù hận, hẹp hòi ích kỷ, đố kỵ ganh ghét, thờ ơ, vô cảm... Nếu như cái thiện hiện thân bằng những số phận bất hạnh và ở thời nào cũng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng thì cái ác biểu hiện ra ở nhiều dạng khi trắng trợn, khi được tạo vỏ bọc và mỗi thời một khác. Một thời nó được nhân danh cách mạng, nhân danh Đảng, nhân danh các thiết chế xã hội, còn thời nay hiện thân bằng những mối quan hệ đầy toan tính, bằng những “tệ nạn” đang làm mất dần giá trị tốt đẹp của con người: cơ hội, mánh khóe, mưu mô, chạy chọt để thăng quan tiến chức, mua danh chuộc lợi... Chúng nhằng nhịt khắp nơi như tấm lưới vô hình chụp lên số phận của con người, biến họ thành nạn nhân, là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ và bi kịch.
Sự hiện diện của bóng tối và ánh sáng, thiện và ác, bi kịch và nguyên nhân bi kịch của con người trong nhiều thời điểm cuộc sống trở thành mạch chủ đề xuyên suốt tác phẩm của Đức Ban, từ truyện ngắn, truyện dài đến tiểu thuyết. Đồng cảm với những thiệt thòi mất mát của con người, thiết tha hướng người đọc quan tâm đến câu chuyện tình người, vẻ đẹp của những tâm hồn bình dị, ngay thẳng và những giá trị cuộc sống; cũng không né tránh, ngần ngại lên án, phanh phui hiện thực, dám nhìn trực diện vào những mặt trái của nó là chủ âm trong các trang viết của ông. Không minh họa một cách xơ cứng, cũng chưa hẳn là tác phẩm mang tính luận đề, tác phẩm của Đức Ban là những câu chuyện được nhà văn lẩy ra từ hiện thực cuộc sống, từ cái làng quê quen thuộc bên bến sông Duyềnh với những gốc bần, lùm lòi, đền miếu và những con người nhỏ bé vô danh tới những không gian xa lạ và rộng lớn hơn như công sở, thị thành cùng nhiều nhân vật xã hội sang trọng, quyền thế... Trong những câu chuyện đó, nhà văn đã huy động, xâu chuỗi được nhiều chi tiết, nhiều nét tính cách, nhiều không gian, vì vậy mặc dầu cốt truyện khá đơn giản mà “sức tải” các vấn đề hiện thực vẫn rất mạnh mẽ. Những trang viết của Đức Ban trở nên đa giọng điệu, ngôn từ đầy màu sắc.
Trong sáng tác của Đức Ban còn mảng truyện viết cho thiếu nhi khá thành công. Nếu như “thế giới người lớn” trong văn chương của ông khá nặng nề, ngột ngạt bởi gánh nặng làm người thì “thế giới trẻ con” như một đối trọng trả lại sự cân bằng, thảnh thơi, nhẹ nhỏm. Quả thực viết cho thiếu nhi, ý tưởng, văn phong Đức Ban trong trẻo, ngọt ngào và rất giàu chất thơ. Ông đã hóa mình được một cách trọn vẹn vào những suy nghĩ hồn nhiên, hóm hỉnh, thông minh và ngộ nghĩnh đến bất ngờ để tạo nên một thế giới của trẻ em thật đẹp đẽ. Rất nhiều truyện hay như: Hoa cúc vàng, Con mèo mun, Chim bã trầu và cây phong lá đỏ, Có một chú diều như thế, Hồ nước và đám mây... Trong các câu chuyện nhỏ đó ông đã tạo dựng được bầu khí quyển trong sáng với thiên nhiên tươi đẹp, với các nhân vật vui vẻ, hồn hậu, cùng trí tưởng tượng bay bổng và lãng mạn. Đức Ban viết chuyện thiếu nhi rất có duyên. Với mảng văn học thiếu nhi, có thể nói, Đức Ban đã có đóng góp quan trọng.
Quan tâm nhiều vấn đề, nhiều mảng hiện thực cuộc sống và nỗ lực khai thác những vấn đề của hiện thực ở nhiều chiều kích khác nhau khiến Đức Ban quan tâm đến việc đổi mới thể loại. Sự cơ động, linh hoạt trong vận dụng thể loại một mặt thể hiện tài năng, một mặt cho thấy sức sáng tạo cũng như cảm quan hiện thực nhạy bén, phong phú của người viết. Nhưng điều cơ bản nhất có thể thấy vẫn là vốn sống dồi dào, khả năng trải nghiệm, phân thân, biến hóa trí tuệ và tâm hồn, tư duy của nhà văn trên từng trang viết.
Đối với các nhà thơ, nhà văn, việc xuất bản các tuyển tập gần như là một cách để họ nhìn nhận, tổng kết lại hành trình sáng tác cùng “vốn liếng” tác phẩm của mình. Và ở góc độ nào đó việc làm tuyển tập hay tuyển tác phẩm chọn lọc đối với nhà văn bao hàm một sự đánh giá lại chân giá trị của các sáng tác ấy. Đối với bạn đọc, qua đó có thể nhận diện một cách đầy đủ và hệ thống hơn về một phong cách sáng tác, nắm bắt sâu sắc hơn những vấn đề tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn. Có lẽ việc xuất bản tuyển Tác phẩm chọn lọc của Đức Ban không nằm ngoại lệ. Chọn lọc từ hơn chục đầu sách đã xuất bản 15 truyện ngắn, 3 truyện dài, tiểu thuyết Trăng vỡ và hơn chục truyện thiếu nhi đưa vào tập sách là một sự lựa chọn khắt khe, và thể hiện rất rõ chủ ý của tác giả. Những vấn đề cơ bản của văn xuôi Đức Ban được thể hiện khá tập trung, hệ thống qua các tác phẩm mà tác giả muốn giới thiệu trong tuyển tập.
Dù quá khứ đã qua hay hiện tại còn dang dở thì những trang viết của Đức Ban đã làm đọng lại được “chuyện nhân tình thế thái” để người đọc tiếp tục suy ngẫm. Tin chắc rằng Đức Ban sẽ còn viết tiếp những câu chuyện mới về cuộc sống, bởi những điều mà ông trăn trở: “... Bao nhiêu là người kiên chống đỡ gánh nặng của quá khứ, sự trớ trêu của dòng đời trôi chảy đầy trắc ẩn và biến ảo để lương tâm không bị biến dạng mà yêu thương, mà thực thi cái lẽ công bằng.... Họ nhìn thấy và cả không nhìn thấy họ ở hiện tại và của tương lai mà dòng đời thì vẫn trôi, những câu hỏi thì cứ lửng lơ trên mỗi thân phận...” vẫn không thôi tồn tại trong thế giới của con người.
Bình luận