Chiến nhấn ga, chiếc xe Honđa hực lên, gió rừng, sương mù lẫn bóng tối phả vào mặt. Ông thấy nóng ruột. Ông hứa với thằng bé sẽ về sớm. Vậy là thất hẹn với nó. Ra khỏi khách sạn, Chiến lên xe buýt vào thị trấn Yên Linh rồi mượn xe máy của người cậu họ, trầy trật trên khoảng đường mấy chục cây số vòng vèo, lổn nhổn đá cuội, còn phải hỏi đường, hỏi nhà mới đến được đây. Dựng cái xe Hon đa vào cánh cổng, Chiến ngoảnh nhìn ra đường một lúc như để trấn tĩnh rồi bước vào một lối ngõ rải đá giăm. Bóng tối đã len vào khắp nơi. Thấy một vệt sáng từ trong ngôi nhà sâm sẫm dọi ra thềm, nơi có một người đàn bà đang ngồi, tay bó gối. Thấy khách, người ấy đứng nhanh dậy:
-Bác gặp ai?- Người đàn bà hỏi.
-Đây có phải là nhà ông Bảng? Ông Bảng cán bộ tỉnh nghỉ hưu?- Chiến hỏi, nhìn người đàn bà đang cúi thấp đầu xuống vẻ lễ độ.
-Bác lần đầu đến đây à?- Người đàn bà tò mò.
Chiến lặng im. Ngày xưa, khi đang chỉ đạo Khu kinh tế Vũng Rô, Chiến thường xuyên đến vùng đất này. Sau ngày ra tù thiên hạ ngoảnh mặt, quay lưng với ông. Tâm trạng nặng nề, chán nản, Chiến vào Sài Gòn, mua một căn hộ chung cư, sống lặng lẽ một mình. Tính ra dễ cũng đã trên chục năm. Giỗ chạp, tết nhất Chiến về thẳng quê không tới Thành phố, không ghé vào cơ quan cũ và cũng không thăm lại chốn này…. Ông sợ quá khứ đắng chát của mình nó trỗi dậy dày vò, băm nát ông. Lần này ông tìm gặp Bảng là thực hiện lời hứa với Ngoc…
-Mời bác...-Người đàn bà vừa đi giật lùi vừa nói.
Chiến nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy bóng tối của người đàn bà, hỏi:
-Chị là người nhà ông Bảng à?
-Cô đằng vợ - Người đàn bà nói - Bác cẩn thận, bậc thềm cao, gạch mới bị bong.
Chiến theo người đàn bà vào căn phòng trống trải, sáng lờ nhờ.
-Mời bác ngồi - Người đàn bà nói và chỉ tay xuống cái ghế xa lông giữa phòng.
Chiến ngồi xuống ghế. Người đàn bà rót nước trong cái ấm sứ ra hai cái cốc thủy tinh. Nước có màu nâu sẫm.
-Nước om từ chiều, đã đổi màu - Người đàn bà nói, vẻ bối rối. Mà cái tuổi tác như bác mà đi xe máy đến được chốn này thì gan. Người nơi đây mới ở dưới biển lên, làng xóm vừa lập, đường sá còn ngúc ngắc lắm.
Chiến nhìn quanh. Ngoài bộ bàn ghế nơi ông đang ngồi có thêm một cái giường gỗ véc ni loang lỗ, trải ga màu ghi sẫm và một cái gối in mấy bông hoa hồng nhạt.
- Đây cũng là nhà ông Bảng à?- Chiến hỏi.
-Không phải, là nhà của con -Người đàn bà nói nhỏ, mắt nhìn quanh như sợ sệt điều gì đấy- Ngày xưa nhà con ở dưới miền biển, nhà nhỏ, chỉ có thuyền là to. Chồng con đi đánh cá...rồi ở với biển không về. Chục năm trước con và làng xóm di dời nhà cửa để người lạ đến xây dựng Khu công nghiệp sắt với thép. Còn nhà dượng con thì ở ngoài Thành phố ấy. Lâu nay, dượng ở một mình. Dì đang bên Nga, những mười mấy năm rồi, gần đây thì nghe nghe dượng bảo dì sắp về. Cũng phải về để có vợ, có chồng chứ có trẻ mỏ chi nữa. Lại còn bệnh tật…- Người đàn bà buông một tiếng thở dài.
-Ông ấy bị bệnh gì vậy?- Chiến hỏi.
-Con không biết - Người đàn bà nói.
Có tiếng rì rầm lúc xa, lúc gần vọng vào. Chiến bất giác rùng mình.
Người đàn bà nói:
- Dượng con tịnh tâm bên bàn thờ Phật. Đêm mô cũng thế.
Tâm không yên? - Chiến nghĩ - Theo lời Phật thì là một trong những cái khổ của con người ta.
- Dẫn tôi đến chỗ ông ấy. - Chiến nói.
-Để con báo trước với dượng.
-Khỏi. Tôi đang vội - Chiến dứt khoát.
Người đàn bà phân trần:
-Dượng con ngày càng khó tính...
- Tôi biết. Không sao đâu. - Chiến nói, rồi chống tay đứng lên.
- Theo lối này ạ - Người đàn bà đi về phía cuối phòng. Sát tường cạnh cửa nách kê một cái phản gỗ. Hai đứa bé chừng mười, mười một tuổi đang chụm đầu vào nhau trên mấy con tu lơ khơ. Chúng giương mắt nhìn, tò mò người lạ mặt ở đâu ra và đêm hôm đến đây để làm gì.
Chiến hỏi:
- Con chị đấy à?
Người đàn bà nói:
- Trẻ mồ côi tôi đưa về nuôi đấy ạ. Cơn bão năm trước, làng tôi có thật nhiều người chết ngoài biển.
Chiến chợt nhớ đứa con trai của Ngọc. Giờ này chắc thằng bé đang thức chờ ông về. Ông không đưa nó theo vì không biết cha nó sẽ đối xử với nó thế nào. Nó đã bị không ít va đập tình cảm rồi. Không chiụ nổi dư luận và nỗi đau bị bội bạc, mẹ nó bỏ quê vào Sài Gòn. Rồi thì vượt cạn một mình. Một mình bươn bã nuôi con. Thằng bé tin lời mẹ là cha đã chết. Gần đây thì nó biết ra không phải vậy. Biết ra từ lời trăng trối của mẹ. Buổi tối ấy, Ngọc thều thào với Chiến là đưa nó về quê tìm gặp cha; nó còn trẻ mà đời thì còn dài…
Cánh cửa khác mở ra. Chiến thấy một khoảng không có sương mù đùng đục, mọi thứ chìm vào đêm và trên trời cao có ngôi sao đang rơi. Người đàn bà dẫn Chiến đi qua một cái sân hẹp, mặt đất mát lạnh dưới gan bàn chân. Gió nhẹ thổi, thoảng mùi hương trầm lẫn mùi gỗ mục.
Đến trước một ngôi nhà nhỏ, mái chìm mất trong bóng đêm, người đàn bà dẫn Chiến vào một căn phòng trống. Căn phòng này thông với căn phòng khác qua cánh cửa gỗ khép hờ. Người đàn bà thì thào, ông đừng bước qua cánh cửa kia. Không khí lờ mờ chung quanh cùng tiếng gió lào xào đâu đây và mùi hương váng vất khiến giọng nói người đàn bà mang một thứ ma lực bí ẩn nào đấy khiến ông đứng sững lại.
Qua khe hở cánh cửa Chiến thấy một cái bàn dài và rộng kê áp tường. Trên bàn dựng bức ảnh Phật bà Quan âm lồng trong khung kính. Hai bên tấm ảnh hai ngọn nến đang cháy, ánh lửa lung linh trên khuôn mặt hồn hậu của Phật bà. Một chùm hoa huệ không cắm trong lọ mà đặt nằm ngang trên bàn trước bình hương có những cây hương đang bốc khói. Giữa phòng Bảng ngồi bất động, chân xếp lên nhau, hai tay chắp trước ngực. Ánh nến, những làn khói hương lãng đãng, mùi trầm... chập chờn theo tiếng tụng kinh đều đều:” Pháp vương vô thượng tôn/ Tam giới vô luân thất/ .... Y nhứt niệm quy y/ Năng diệt tam kỳ nghiệp/ Xưng dương nhược tán thán/ Ức kiếp mạt năng tận”(*). Tiếng tụng kinh ngừng đột ngột. Chiến thấy Bảng ngước lên phía ban thờ chắp tay vái và nói gì đấy, nói mãi, như vô tận. Rồi ông ta đi đến ngồi xuống cái giường gỗ kê trong góc phòng. Khoanh hai chân lên giường, ông ngoảnh nhìn về phía cửa nơi Chiến đang đứng. Một tia sáng lóe lên từ đôi mắt lờ đờ.
-Con đã nói...Ông làm hỏng buổi tụng của dượng con - Người đàn bà lo lắng.
- Không sao đâu - Chiến nói và đặt tay lên vai người đàn bà và nhận ra những cơn run từ da thịt chị ta đang lan sang lòng bàn tay mình.
Người đàn bà gọi:
- Dượng ơi! Có khách ạ.
-Ai đó? Vào đây - Tiếng Bảng từ trong phòng vọng ra.
Chiến đi vào phòng thờ Phật của Bảng.
Bảng giật nảy mình, mắt mở to ngạc nhiên, sửng sốt, đôi môi tái xám mấp máy. Im lặng. Không khí như đông đặc lại. Lúc sau, với một cố gắng nào đấy, Bảng ngồi hẳn dậy, đưa tay về phía khách, bàn tay xòe rộng run rẩy, trắng nhợt nhạt, chắc vì ánh nến trên ban thờ.
- Cuối cùng rồi ông cũng về...Bảng nói như nói với mình.
Chiến nhếch môi như cười:
-Ông không ngờ phải không?
-Ờ...ờ...
-Ông tưởng tôi thân tàn ma dại, đã rũ thân nơi nào đó, phải không? - Chiến nói và nhận ra tiếng nói của mình vang to một cách khác thường.
- Không...không phải, không phải thế. Chỉ là....- Bảng bỗng im bặt, tay luống cuống quờ quạng trên mặt chiếu như tìm kiếm cái gì đấy, rồi rụt về thu vào giữa hai đầu gối và nói tiếp - Chỉ vì là tôi bị bất ngờ. Thời buổi sao mà toàn những chuyện bất ngờ…
Chiến nói:
-Tôi đang bất ngờ vì ông bỏ nhà cao, cửa rộng nơi thành phố vào chốn này. Sao vậy? Chốn này không gợi cho ông chuyện gì à?
Bảng cắn môi, im lặng. Nghỉ hưu, sức khỏe Bảng đột ngột suy sụp. Bệnh tật trong người ẩn náu đâu đấy bỗng sinh sôi. Ngày liền đêm đầu Bảng cứ âm âm u u. Một vài người quan tâm Bảng, họ khuyên ông tìm đến cõi tâm linh khi thấy các bệnh viện, các thuốc men từ cây cỏ ở làng đến viên nén, bột hòa tan bên Pháp, bên Anh, bên Mỹ...đều đã bất lực. Bảng vốn không tin phép mầu, nhưng trong cái tình huống mà mọi thứ chẳng là gì hết nữa, ông phải đặt niềm tin vào một điều gì chứ.
Ông chọn chốn này với một niềm tin lờ mờ nào đó.
Vừa lúc ấy, người đàn bà bưng một cái khay nhựa đựng hai cốc nước màu nâu sẫm đi vào phòng. Loay hoay không biết đặt cái khay vào đâu, bà ta đặt lên bàn thờ Phật cạnh chùm hoa huệ.
Bảng uôm người về phía trước, gằn giọng:
-Chỗ đặt nước đấy à? Bê ra đi.
Người đàn bà cúi đầu dón chân bước ra cửa, tấm lưng cố khom xuống nom đến tội nghiệp.
Bảng nói nhỏ như nói cho riêng mình nghe:
-Khổ lắm thôi. Tâm khổ, đầu khổ. Ngày nào cũng gặp thêm những chuyện khổ.
Chiến nói:
- Nghỉ hưu người thanh thản, kẻ không. Dân bảo là hạ cánh an toàn và không an toàn là thế. Mấy ai thoát khỏi khúc rẽ vào cái nẻo về. Người xưa từng nói, đời người có ba lần trở về, lần đầu về với dân, lần thứ hai về với mình, lần thứ ba về với đất đó sao.
- Thế thì tôi đang ở lần về thứ hai và chuẩn bị lần về thứ ba rồi - Bảng nói và trút một hơi thở dài- Tôi cứ nghĩ về cái chết, cứ thấy nó đã đến thật gần, thấy mình chết thật, thấy những người trong đám tang, nghe ai đó khóc cạnh quan tài mình…
Chiến hỏi:
-Đến nước ấy sao?
Bảng thì thào một câu kinh nào đấy, Chiến chỉ nghe được mấy tiếng Nam...mô..Rồi có vẻ mỏi mệt, Bảng gục đầu xuống ngực và mắt nhắm nghiền.
Một cái gì đó nhói lên trong lòng Chiến.
Bảng quờ tay lên vai Chiến, như muốn kéo Chiến vào sát mình nhưng rồi buông thõng xuống đầu gối. Lặng đi một lúc, rồi Bảng lí nhí:
-Ông thắp cho tôi vài nén hương, hương trên ban thờ cháy hết rồi.
Chiến đốt ba nén hương cắm vào cái lư hương bằng đồng . Ông thấy đôi mắt Phật bà Quan âm mở to nhìn ông. Quay về phía Bảng, Chiến hỏi:
- Phật giúp được gì cho ông không?
- Sự thanh thản - Bảng đáp nhanh.
Chiến hỏi:
- Sao cửa Phật thiên hạ chen chúc mà kẻ tâm thần thì vẫn nhan nhãn?
Bảng nói:
-Họ chưa đến độ giác ngộ đấy.
Chiến hỏi:
- Ông giác ngộ rồi à?
Bảng không đáp, cúi nhìn xuống nền nhà.
Có tiếng chim lợn kêu đâu đấy.
Bảng đang đi trên con đường giác ngộ ư?- Chiến nghĩ, bất giác cảm thấy lòng thật buồn. Ông thấy ghét con người đang thực hiện giác ngộ trước mặt. Thời triển khai Dự án Khu kinh tế biển Vũng Rô, Chiến là nạn nhân của Bảng và bao nhiêu người là nạn nhân của ông ta? Bảng ra chủ trương, quyết định, Chiến là người trực tiếp triển khai, thực hiện. Tiền như lá rơi rụng khắp nơi. Rồi thì “sai lầm nghiêm trọng” - Người ta kết luận thế. Bảng và tập thể quanh ông ta lập tức ngoảnh lưng lại với Chiến. Chiến bị kỷ luật, mất Đảng, mất chức tước và vào tù…
Bảng gục đầu xuống ngực, mái tóc có nhiều sợi bạc rũ xuống trán..Một lúc sau, như sực nhớ về một chuyện gì đó, ông ta ngửng đầu nhìn Chiến rồi nói:
- Sao ông lại im lặng? Là nói ngày ấy, sao ông lại im lặng?
-Vì đám đông. Cái thế lực đám đông…
Bảng mệt mỏi:
-Ông nổi tiếng một lãnh đạo quyết đoán, còn bị cho là kẻ tàn bạo nữa...Đâu phải ông sợ cái ông gọi là đám đông ấy mà im lặng. Bao năm qua tôi vẫn không hiểu vì sao ông im lặng.
Chiến nói:
-Thế lực của ông lớn quá. Tôi không im lặng thì làm được gì? Sau đó thì mấy năm tù tội nó ám ảnh.
Bảng lầm rầm cầu gì đấy Chiến nghe không rõ. Bỗng Chiến thấy một nỗi tức giận dâng lên trong lòng. Ông nói:
-Tôi còn đủ mọi thứ chỉ thị, quyết định do ông ký về thời gian thuê đất, về giảm thuế….
- Tôi biết rồi.- Bảng gần như kêu lên.- Nếu nay ông không bỏ qua chuyện ngày xưa cho tôi thì tôi cũng sẽ như ông ngày xưa.
Chiến nói chậm, mắt không rời gương mặt đang lâu mỗi tái xám của Bảng:
- Là thế... Bao nhiêu người nghỉ hưu vẫn bị khởi tố...Mà ở tù khổ cực lắm.
Bảng Bảng rền rỉ:
- Giờ tôi phải làm gì ? Ông nói đi, vẫn còn kịp…
Nhìn dáng vẻ Bảng, lòng Chiến dịu lại, nỗi tức giận, căm ghét nhường chỗ cho lòng thương hại.
-Tôi về đây không phải để đòi nợ. Tôi đã bỏ qua cho ông như tôi đã bỏ qua bao sự bội bạc của thiên hạ, như thiên hạ bỏ qua cho tôi - Chiến nói, tiếng nói của một người trong trong tâm trạng nặng nề nghe thật buồn.
Bảng ngước nhìn những đốm than đỏ trên mấy nén nhang nơi ban thờ; xong chắp tay trước ngực lầm rầm một câu kinh kệ nào đấy, rồi nói:
-Bao nhiêu năm rôi tôi thắc thỏm, ngủ không yên giấc, cứ gặp ác mộng. Tôi tụng kinh, vái Phật ... Nay thì ông đã bỏ qua cho tôi. Tôi sẽ mang ơn ông xuống mồ. Bảng quờ tay chạm vào tay Chiến, mắt rưng rưng - Cảm ơn ông. Tháng tới vợ tôi từ Nga về ông ạ. Và tôi sẽ trở lại Thành phố.
-Thế à? - Chiến dửng dưng.
Bảng chống tay vào đầu gối đứng dậy.
-Mời ông lên nhà nghỉ. Đêm nay chúng mình hàn huyên. Chao ôi, một quá khứ ngổn ngang, vui và buồn…Sáng mai ông muốn đi đâu, tôi gọi lái xe vào đưa ông đi. Tôi vẫn còn quyền lực, còn một đám dông đệ tử, cần gì là có...
Ông ta vẫn không một lời hỏi han về Ngọc. Cô gái ấy từng được ông ta cưng chiều, nâng đỡ. Từ một nhân viên kế toán trở thành Phó ban quản lý Dự án Khu Du lịch sinh thái biển. Ngọc có thai sau một chuyến đi nước ngoài với Bảng. Bảng đã tráo trở, đã phụ bạc đẩy Ngọc dạt vào Sài Gòn - Chiến nghĩ rồi bất ngờ đứng bật dậy, giọng lạnh lùng:
- Chưa xong đâu!
Bảng giật mình, ngã người xuống giường, trân trân nhìn Chiến, ngạc nhiên và lo lắng:
-Còn gì nữa? –Bảng lí nhí.
Chiến hỏi:
- Ông không nhớ cô Ngọc nữa à?
- Nhớ... - Bảng lẩm bẩm, mắt nhắm nghiền.
Chiến gay gắt:
-Ông đã đổi cuộc đời cô ấy để lấy sự yên ổn cho mình.
-Tôi biết rồi... - Bảng thều thào - Mỗi người có một nẻo đi riêng mà ông. Tôi nay đã già. Tôi tụng kinh cầu nguyện, mong mỏi nói một lời xin tha thứ.
- Chẳng để làm gì, cái sửa sai, cái kinh kệ của ông ấy. - Chiến nói, giọng run lên - Ngọc chết rồi. Cô ấy bị tai nạn giao thông.
-Nam mô ... Bảng còn lầm rầm những tiếng gì nữa không nghe rõ. Rồi như kiệt sức, ông ta tựa hẳn người vào tường, nhìn lên trần nhà bằng đôi mắt đùng đục, vô hồn. Ánh nến chập chờn, những làn khói hương màu trắng đục vờn qua vờn lại khiến gương mặt Bảng lờ mờ, không sắc thái, không sinh khí.
Chiến nói, mắt không rời khuôn mặt Bảng:
- Trước lúc chết cô ấy nhờ tôi tìm gặp ông về chuyện đứa con...
Im lặng kéo dài.
Lại tiếng chim lợn kêu phía sau hồi nhà. Lần này hình như là tiếng kêu của một con khác, kéo dài, khoan xoáy vào tai người.
Rồi thì lặng im, thăm thẳm hơn.
Sau một lúc cúi đầu như nghĩ ngợi, như toan tính, Bảng ngước lên nhìn Chiến, nói đận đà:
- Ngày ấy, ra tù ông bỏ mọi thứ vào thẳng trong Sài Gòn. -Bảng đột ngột chuyển giọng khô khan - Ông ở với Ngọc à?…
Chiến như người không trọng lượng, chao đảo, đầu nóng ran, tức tối, buồn bã, chán ngán. Ông liếc nhanh lên bức hình Phật bà Quan âm. Hai ngọn nến tắt từ lúc nào, gương mặt Phật Bà chìm vào bóng tối. Chiến cắn môi, bước nhanh ra khỏi phòng.
- Ông ở lại với tôi chứ. Đã khuya rồi... -Tiếng Bảng vuốt theo Chiến.
Người đàn bà đang đứng một mình nơi bậc thềm, như đang chờ để dẫn dượng lên nhà trên.
- Chuyện chi mà lâu. - Người đàn bà nói, giọng trách cứ - Dượng con đang bệnh đấy. Tội nghiệp, một thân một mình...
Chiến im lặng, mệt mỏi đẩy xe ra đường, rồi đứng lại đăm đăm nhìn vào màn đêm. Ngày mai phải nói với thằng bé thế nào?. Rồi còn Ngọc nữa. Phải nói là Bảng đã chết để thằng bé khỏi chờ đợi và Ngọc không phải đau thêm lần thứ hai…
2019
...........................
(*) Kinh Nhật Tụng; Tỳ kheo Thích Đăng Quang; Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Bình luận