Tôi và Chung ở khác huyện nhưng học cùng lớp, vì hồi ấy cả tỉnh chỉ có mỗi một trường cấp ba. Tốt nghiệp, mỗi đứa một ngả. Biền biệt hơn hai mươi năm, tôi tình cờ gặp lại Chung trong chuyến về viết báo ở tỉnh N.
Tôi nhìn mái tóc hoa râm, khuôn mặt lộ vẻ từng trải, rồi nhìn cái quân hàm nơi vai áo của Chung mà không giấu được ngạc nhiên:
- Vẫn thượng sỹ hả Chung?
Chung cười buồn:
- Tính đúng tôi chỉ mới tròn 5 năm trong ngành Công an. Đấy là ba năm hồi đầu chiến tranh cộng với hai năm trở lại đây. Còn khúc giữa dài nghi ngút gần chục năm có lẻ thì tôi đi dân công hỏa tuyến, làm công nhân Quốc phòng, quăng quật ở Mặt trận B5. Giọng Chung nghe day dứt. Tôi hỏi:
- Sao lại di dịch đến thế?
Chung không trả lời, ngước nhìn ra ngoài cửa sổ. Đêm tĩnh lặng, phơn phớt màu trắng của sương mù cuối thu đầu đông. Bất chợt, Chung ngoảnh nhìn tôi, rồi nói:
- Đôi khi tôi hình dung phận con người ta như một sợi dây thừng bện bằng những thăng, trầm của cuộc đời. Đời thì ngắn mà thăng, trầm thì nhiều - Lặng một lúc, anh tiếp - Năm ấy, anh đi bộ đội, còn tôi nhờ sự quen biết của bố mà thành chiến sỹ Công an mặc quân phục màu vàng. Có thể nói là tôi làm việc không đến nỗi tồi, thường xuyên đựơc cấp trên khen thưởng. Đầu năm 1965, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trở nên ác liệt, Thủ trưởng gọi tôi lên, bảo: “Cậu về Vạn Phúc, tăng cường cho chính quyền xã. Vùng đó gần sông, dân ngụ cư đông, tình hình an ninh phức tạp”.
Vạn Phúc là quê ngoại tôi. Nhưng từ ngày ông, bà tôi mất, tôi chẳng mấy khi về. Vạn Phúc nối với thiên hạ bằng hai con đường. Một, qua sông sang làng Đoài; một, men theo núi Sạc Sơn lên phố huyện. Đi từ sông lên hay từ núi xuống, đều trông thấy một ngôi nhà mái bằng nhô cao giữa những mái tranh, mái ngói sâm sẫm. Đấy là nhà cụ Thượng, hậu duệ một vị quan triều đình nhà Nguyễn. Năm tôi về đấy, ngôi nhà nom đã già nua cũ kỹ lắm rồi. Tường gạch lở lói, rêu bám vật vờ nom buồn tẻ đến nao lòng. Quanh nhà sum suê cây vú sữa. Tôi còn nhớ, tôi vừa chân ướt chân ráo gặp Chủ tịch xã Bùi Đảo, anh ta đã chỉ tay sang ngôi nhà ấy, nói: “Điểm theo dõi của công an xã đó”. Lúc ấy Đảo ngồi trên thềm, toàn thân thẳng đừ trong bộ quần áo vải nâu loang lỗ những vòng trắng mồ hôi muối. Tôi hỏi: “Nhà ấy có chuyện gì?”. Đảo dướn người, cặp mắt ti hí nhìn tôi vẻ suồng sã, ranh mãnh: “Cụ Thượng là dòng dõi vua quan phong kiến. Tuy là có tham gia Việt Minh, nhưng chỉ làm cái chân đánh máy chữ nhì nhằng. Cơ mà cụ ấy chết rồi. Chỉ còn mỗi cô con dâu. Cô ta nảy ra ở thành phố, đặc chất tư sản. Về làm dâu cụ Thượng mà chẳng có cưới hỏi chi. Anh phải tránh xa cô ta ra; tôi dặn anh đấy!”.
Đêm đầu tiên tôi không ngủ được. Phần mùi ẩm mốc của chăn chiếu nồng nặc, phần thì mưa, gió ầm ào. Cữ cuối thu ít có cơn mưa vào nửa đêm về sáng như thế. Tôi mới mở cánh cửa sổ nhìn ra ngoài. Đêm mịt mờ, náo động. Bên kia dãy hàng rào bằng tre đan mắt cáo của chủ tịch Đảo là nhà cụ Thượng. Bấy giờ, vườn cây vú sữa nghiêng ngã, còn ngôi nhà như một cái lô cốt thì trắng dã, chao đảo trong ánh chớp. Tôi có còn lạ chi sấm, chớp. Nhưng không biết sao đêm ấy tôi lại cảm thấy lo sợ?
Sáng hôm sau, Đảo lắc lắc cái đầu tóc lởm chởm, soi mói nhìn tôi, nói: “Khó ngủ à? Đấy là tôi đã chuyển cái chuồng lợn bên kia bức vách gần chỗ anh nằm, nếu không...”. Thay vì nói tiếp, anh ta nở một nụ cười chẳng ra vẻ gì cả. Ăn bát cơm gạo đỏ với vừng đen xong, tôi đi một vòng quanh làng, gặp gỡ bà con nông dân hỏi han chuyện làm hầm chữ A, rồi lên thăm trận địa pháo 12 ly 7 trên sườn núi Sạc Sơn. Ở đâu tôi cũng gặp không khí căng thẳng, khẩn trương và những khuôn mặt đầy vẻ phấn kích. Gần trưa, tôi qua trước ngõ nhà cụ Thượng. Một cô gái đang quét lá rụng giữa sân. Thấy tôi, cô ta kéo lê cái chổi tre đi vào sân. Tôi sững lại: Cao ráo, da trắng, khuôn mặt thật đẹp; nhìn kỹ thấy còn trẻ; chưa thể quá hai lăm. Cách tôi một quãng, cô ta đứng lại, đôi môi mấp mấy một câu gì đó tôi nghe không rõ, nhưng không thể là tiếng chào, vì mắt cô ta chẳng hề nhìn tôi. Nghe tôi nói tôi là Công an huyện về giúp xã bảo vệ trật tự trị an, cô ta quay ngoắt lại giương đôi mắt đen nhìn tôi, rồi độp hỏi: “Anh đến gặp tôi có việc gì?”. Tôi thật thà: “Tôi đi qua...”. Cô ta không cho tôi nói hết lời, kéo lê cái chổi lạt xạt trên mặt sân lát gạch nâu đi vào nhà. Lúc ấy tâm trạng tôi thật ngổn ngang. Tôi thấy mình bị coi khinh, thấy mình thật tội nghiệp. Và trong lòng tôi dâng lên một nỗi hờn giận mơ hồ. Tôi hì hụi về thẳng nhà Chủ tịch xã. Đảo hỏi tôi: “Anh có nhận xét gì về tinh thần chuẩn bị chiến đấu của nhân dân”. Tôi nói: “Rất tốt”. Đảo tỏ vẻ hài lòng, ngật cổ ra cười. Thấy anh đang vui, tôi bèn hỏi tên cô ta. Đảo nhìn tôi một lúc lâu rồi đáp gọn lỏn: “Phượng”. Nghĩ sao, anh ta tiếp “Chồng cô ta là bộ đội đấy”.
Suốt hàng tuần sau đó, tôi không gặp Phượng, cũng chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu. Thế nhưng mỗi lần qua cổng nhà Phượng là tôi lại bị ý nghĩ bị coi khinh dày vò. Có lẽ tôi được bố mẹ chiều chuộng, thủ trưởng tin yêu và con gái làng ngưỡng mộ mà ra cao ngạo. Tôi thầm mong Phượng vấp chuyện gì đó cần sự giúp đỡ… Dần dà tôi nhận ra, tôi đã dành quá nhiều suy nghĩ về Phượng.
Một hôm Chủ tịch xã mang xắc cốt đi đâu đó về, mặt khó đăm đăm, hỏi tôi: “Tôi đã dặn anh tránh xa cô ta ra chưa, nhỉ?”. Tôi đáp: “Rồi.” và linh cảm tới một việc chẳng lành nào đó. Đảo nói tiếp: “Tôi đã tính trước”. Tôi hỏi: “Chuyện gì vậy”. Mặt Đảo căng ra: “Một là, Mỹ tung biệt kích ra miền Bắc ta nhiều lắm. Hai là, có tin chồng cô Phượng, thằng Trần Phong Nhân theo giặc rồi”. Tôi hỏi: “Tin từ đâu?”. Đảo cáu kỉnh: “Đã bảo là tin đồn”. Tôi thở ra và nói: “Ra thế”. Đảo giương mắt: “Ra thế là thế nào? Cứ phải cảnh giác sự trở lại móc mối của thằng chồng cô ta”. “Tất nhiên là thế” - Tôi nói theo bổn phận chứ trong lòng thì đang ngổn ngang những ý nghĩ rối rắm khác.
Cái tin chồng Phượng theo giặc làm cả làng Vạn Phúc nhốn nháo, ầm ĩ cả lên. Người ta nói bao nhiêu điều, nhìn chung khó tìm ra một lời tốt đẹp về Phượng. Họ tỏ thái độ khinh bỉ, xa lánh cô ta. Còn tôi thì ngồi hình dung diện mạo Phượng, đoán tâm trạng, những việc cô ta làm và thấy cô thật đáng thương. Một lần, tôi nói với Đảo: “Làm sao chấm dứt được cái tin đồn về chồng cô Phượng ấy nhỉ? Nó vu vơ lắm. Chưa có sự ghẻ lạnh của dân làng cô ta cũng đã đủ khổ rồi. Lấy chồng được hai tháng thì chồng đi bộ đội, một mình nuôi ông bố chồng già nua lẩn thẩn đến cái chết cũng rề rà cho rữa hết da thịt rồi mới chết nổi”. Tôi nói thế có đúng không? Và làm sao tôi lại to mồm bênh vực Phượng như vậy?
- Vì cậu vốn là người tốt bụng - Tôi nói:
- Vậy mà nghe tôi nói xong, Đảo trợn tròn mắt nhìn tôi. Anh ta lạnh băng: “Anh biết nhiều, hỉ?”. Rồi cau có: “Thương thì cứ việc nhưng phải đứng trên lập trường giai cấp để biết mình thương ai và nhất là không được mất cảnh giác. Tôi đã khuyên anh hôm anh mới về rằng tránh xa cô ta ra. Anh còn nhớ không, hỉ?” . “Nhớ chứ” - Tôi qua quýt.
Đảo đi vắng, tôi ở nhà một mình cứ thấy bứt rứt không yên. Không biết mấy lần tôi mở cửa sổ nhìn sang bên nhà Phượng. Cuối cùng tôi đánh bạo đến nhà cô ta. Tôi đi, cố gạt khỏi trí nhớ cuộc gặp trước bị cô ta đóng cánh cửa ngay trước mũi. Khi tôi tới, Phượng đang ngồi đếm đi đếm lại những quả vú sữa tròn, tím sẫm nằm lăn lóc trên bàn.
Lúc ấy, tôi nhìn thấy một nửa khuôn mặt Phượng và bắt gặp cặp mắt ngạc nhiên gần như thảng thốt của cô ta. Tôi nói: “Tôi đến để nói với cô là tôi không tin lời đồn đại về chồng cô”. Phượng nhếch nhếch khóe môi như cười. Cô ta không mời tôi ngồi, tôi phải tìm lấy chỗ, rồi nói tiếp rằng, đấy là một việc nghiêm trọng mà dân làng lại đưa truyền miệng; rằng, tôi sẽ có cách đập tắt. Không thấy ra một vẻ thân thiện ở cô ta. Im lặng một lúc, cô ta nói, dưng dưng: “Anh nói những điều ấy làm gì? Để tôi biết ơn anh à? Để tôi nghĩ anh đối xử tốt với tôi à?”.
Lạ là tôi không thấy giận cô ta. Tôi nói nhẹ nhàng: “Mà tôi đã làm gì không phải với cô?”. Con người ta cứng thế nào rồi cũng phải mềm trước lòng tốt Lúc ấy tôi thật lòng tốt với cô ta. Vậy nên cô ta có vẻ bối rối, nét mặt dịu lại. Bất giác, một ý nghĩa lóe lên trong tôi: Nếu tôi được làm chồng Phượng, tôi sẽ vòng tay ôm lấy cô ta, vuốt lên mái tóc cô ta. Ý nghĩ ấy khiến tôi lo sợ. Tôi vội vã đứng dậy, bước nhanh ra cửa. Tôi không còn nhớ tôi có chào Phượng không và cô ta nói gì khi thấy tôi có vẻ hốt hoảng ra về không? Cái tình cảm ấy là tình cảm gì?
Tôi đáp:
- Chịu. Và chắc không rạch ròi nổi đâu.
Chung nói:
- Phải, không rạch ròi nổi... Ngày hôm sau máy bay Mỹ ném bom xuống dọc sông Mênh. Hai con thuyền chở gạo nép dưới gốc bần tan nát hết. Cái cầu tre bốn nhịp, còn mỗi một. Năm người chết, phải đưa tang vào ban đêm. Lần đầu trong đời tôi thấy máu. Nửa đêm, chủ tịch xã về, mặt mày hốc hác. Anh ta càu nhàu: “Thuyền nấp kín thế mà sao chúng nó biết, ném trúng phắp”. Rồi bất ngờ, độp hỏi: “Cô ta vẫn ở trong nhà chứ, hỉ”. - Tôi mệt mỏi đáp: “Vẫn”.
Tiếp đó thật gian nan. Ngày nào cũng có bom nổ, người chết, nhà cháy. Dân làng, người thì trực súng, người thì lên núi Sạc Sơn chặt lá gánh lên Ngã ba Đồng Lộc, lấp hố bom để thông xe. Phượng không được làm việc ấy vì cô không phải dân quân, du kích. Chủ tịch Đảo giải thích: “Ở chiến trường là bộ đội, ở hậu phương là dân quân, du kích; lực lượng đánh Mỹ phải chọn lựa”. Nhiều lần tôi bắt gặp Phượng đứng dưới tán lá cây vú sữa nhìn ra đường. Tôi đoán biết, cô ta buồn lắm, tủi thân lắm. Và cứ thế ngày này sang ngày khác. Tôi không dám sang nhà cô ta. Tôi sợ liên lụy anh ạ.
Tôi nói:
- Ở vào trường hợp anh, tôi cũng sợ.
Chung gật đầu, rồi nói:
- Lại thêm những chuyện khác, cứ như nó cố tình kéo tôi vào. Một đêm, đâu như cuối tháng mười ta. Chừng canh hai tôi choàng tỉnh. Ngoài trời mưa to, gió quật quả, chốc chốc chớp lóe sáng kèm theo sấm nổ. Cái giường gỗ tôi nằm và cả căn phòng tối om của chủ tịch Đảo như đang chao đảo. Tôi ngồi dậy rồi đi chân đất đến mở hé cánh cửa nhìn sang nhà cụ Thượng. Tiếng mưa, gió, tiếng côn trùng, tiếng nước chảy ùa vào người tôi riết róng. Tháng mười ở quê ta chẳng mấy khi có cảnh tượng ấy. Tôi định khép cửa quay lại giường thì bỗng thấy trong màn mưa lúc tối, lúc sáng, Phượng đang dắt tay một người đàn ông chạy giữa những gốc cây vú sữa. Tôi thấy rõ hai tấm lưng áo loáng nước biến nhanh vào nhà. Dường như tôi nghe được tiếng cười khúc khích, tiếng kéo chốt cửa lậc khậc. Tôi dắt khẩu K54 vào lưng quần lao ra khỏi nhà, rồi mò mẫm, trầy trật trên mặt đất lồi lõm trong bóng đêm lạnh quánh. Cổng nhà Phượng không đóng, cánh cửa hệt hai tà áo dài mở ra, khép vào. Nhờ ánh chớp, tôi định hướng đi vào vườn. Ngôi nhà im lìm. Không hề có một tia sáng. Mưa gió vẫn ầm ào. Tôi nép người sau gốc cây cách bờ thềm một bước nhảy, căng mắt nhìn. Người đàn ông ấy là ai? Biệt kích? Người tình? Cô ta rửng mỡ sao? Tỏ vẻ đoan trang, tỏ vẻ kiêu hãnh thế mà vậy ư? Ý nghĩ cứ tán loạn trong đầu tôi. Tôi cắn răng kìm nén những cơn run vì lạnh. Chẳng là mưa đã ướt sũng áo quần tóc tai tôi. Thời gian nặng nề trôi. Tôi vẫn chôn chân sau gốc cây, căng mắt nhìn vào hai cánh cửa khép kín trước mặt. Trong lúc đó bốn phía chung quanh tôi, mọi vật dần hiện rõ trong ánh ngày. Vẫn không thấy người lạ mặt kia quay ra. Tôi phải về. Sự thể sẽ rắc rối ra, nếu có ai trông thấy tôi ở trong vườn nhà cô ta. Và tai hại hơn, nếu cô ta biết tôi rình mò trước cửa nhà. Tôi đứng thẳng người, vừa nhấc chân lên thì một tiếng gọi sát sau lưng: “Anh công an ở đây à?”. Từ khi vào ngành đến lúc ấy, tôi đã trải qua nhiều tình huống, kể cả tình huống giả định trong các bài tập, cũng chưa có tình huống nào oái oăm, trớ trêu thế này. Tôi không khác chi một tên trộm, ướt như chuột lột, da dẻ tím tái. Tôi định bắt người ta, rốt cuộc người ta tóm ót tôi. Một chút thông minh lóe lên trong đầu, tôi lên giọng hỏi: “Cô dẫn ai về nhà?”. Tôi thấy rõ cô ta cười. Cười cái câu hỏi vô ích của tôi, cười vẻ thảm hại của tôi? Lâu sau, Phượng nói, giọng như lệnh, như mỉa mai: “Anh vào nhà mà nhìn”. Tôi đi theo cô ta theo lối cửa sau. Không khí trong nhà thật ấm áp. Phượng hỏi: “Lục soát không?”. Tôi bối rối, bộ dạng tôi lúc ấy chắc khó coi lắm. Tôi lặp lại câu hỏi: “Cô dẫn ai vào nhà?”. Lần đầu tiên tôi gặp một người, lại là một cô gái coi chiến sỹ Công an chẳng ra gì. Cô ta nói thế này: “Mắt anh có bị làm sao không đấy”. Tôi cắn môi im lặng quay ra cửa. Nhưng cô ta đã nhanh chân chắn ngang trước mặt tôi, nói: “Anh phải ngồi lại”. Tôi ngoảnh nhìn ra ngoài vườn. Trời đã hửng sáng, thấy rõ cả lá cỏ lắc lay và những giọt nước tròn xoe trôi dọc thân cây vú sữa sù sì. Phượng nói, rõ là cô ta đọc được suy nghĩ của tôi: “Không sao. Quay lại, tôi sẽ cho anh biết con người vào nhà tôi”. Tôi nhanh nhẹn nghe theo cô ta. Chờ cho tôi ngồi xuống, Phượng đứng thẳng người chỉ tay vào ngực tôi, nói: “Người ấy chính là anh”. Tôi giật thót người, hình như tôi kêu lên: “Là tôi?. Tôi không đùa với cô đâu”. Phượng rành rẽ từng tiếng: “ Tôi cũng không đùa. Tôi sẽ gọi chủ tịch Đảo sang làm nhân chứng. Hay tôi hô hoán cho cả làng biết ban đêm mưa gió anh mò vào nhà tôi, chim chuột tôi”. Tôi run lên vì tức, vì sợ, mà có lẽ vì sợ lớn hơn. Một lúc rất lâu sau, Phượng nói: “Tôi tha. Giờ thì anh về đi. Khéo thiên hạ trông thấy, rách chuyện”. Tôi chưa kịp đứng dậy thì Đảo từ đâu a vào phòng. Ông ta rít lên:”Cả hai ngồi yên. Bút, giấy đâu?”… Tôi theo dõi cô ta còn Đảo thì theo dõi tôi, trời ạ.
Im lặng. Ngoài trời hình như có gió, nghe tiếng xào xạc của lá cây.
- Suốt một tháng trời sau đó, tôi cũng chưa hết những cơn rung trong người mỗi khi nhớ về cái đêm mưa to, gió lớn bất hạnh ấy. Và còn dày vò, ân hận nữa... Tôi giận Phượng. Tôi không nhìn vào nhà cô ta, không có ý gặp cô ta. Trong khi đó, Phượng lại tìm mọi cách để gặp tôi. Cô ta thường ra cổng mỗi khi tôi có việc đi qua đó. Cô ta như béo hơn, đẹp hơn, mặt mũi cứ ngời ngợi bởi một niềm vui nào đấy. Bẵng đi một thời gian, một bữa Đảo nói với tôi: “Nó hư hỏng rồi, nó có thai rồi anh công an tăng cường ạ. “ Đảo nhếch nhếch khóe miệng, lia mắt nhìn tôi: “Mà thằng nào tài giỏi thế không biết”. Tôi giật mình nghĩ tới cái đêm tôi ở trong nhà cô ta và lặng người, tim như thắt lại. Đảo không biết tôi đang nghĩ gì, thực thì anh ta có để ý cũng không thể biết người khác nghĩ gì. Anh ta bỏ đi. Sẵn chai rượu uống dở, tôi không buồn rót ra chén mà dốc ngược vào miệng. Rượu đắng nghét trong cổ họng và nóng bừng bừng trên mặt. Tôi thấy bức bối, thấy mọi vật chung quanh chao đảo. Tôi chạy ra khỏi nhà. Đường làng vắng tanh. Tôi đi ngược chiều gió thổi, chợt nhận ra là gió bấc tháng 10. Lúc đến cây đa đầu làng tôi bỗng nghe tiếng huỳnh huỵch, tiếng cành cây gãy răng rắc và cả tiếng thở hổn hển giữa những bụi điền thanh sau cái miếu Thành Hoàng, trong bóng đêm hiện thành một hình thù kỳ dị. Tôi dón chân bước lại gần và thấy một người đàn ông đang hùng hục lật ngửa một người đàn bà, còn người đàn bà thì đang cố sức giãy giụa, hai bắp chân trần quẫy đạp một cách điên loạn. Tôi nhận ra Phượng. Nhiều năm sau, mỗi khi nhớ lại tôi cũng không hiểu điều kỳ diệu nào trong người giúp tôi nhận ra cô ta trong bóng đêm không trăng sao, giăng giăng mưa ấy. Tôi nhảy tới kéo người đàn ông ra và đấm thẳng vào mặt ông ta. Nắm đấm không do dự khiến hắn bổ ngửa còn lăn thêm mấy vòng. Tôi đỡ Phượng dậy, giúp cô ta khép lại tà áo che khuôn ngực trắng lôm lốp. Hắn ta chính là Đảo. Đảo nhận ra tôi, nói chậm từng tiếng: “Ra là mày”. Liền đo vung cánh tay dài ngoằng và hét: “Bắt lấy ả ta. Ả ta đi móc mối với biệt kích đấy”. Tôi thở dốc, ngồi bệt xuống bãi cỏ, lẩm bẩm: “Sao mà lắm chuyện thế này”. Còn Phượng thì lồng lộn trước mặt Đảo: “Đồ đĩ đực. Đồ chó má”. Sau đó là tiếng khóc tức tưởi. Tôi bảo Phượng, giọng chẳng biết sao run run: “Cô về đi.”
Đảo lồm cồm bò dậy, chỉ tay vào mặt tôi mà rít lên rằng, tôi đồng lõa với cô ta, tôi chống chính quyền xã; rằng, ông ta sẽ tố cáo tôi. Ông ta làm điều đó thật. Mờ sáng, mặt sưng mày xỉa với tôi một lúc rồi ông ta khoác cái sắc cốt màu vàng nghệ, nhảy lên chiếc xe Phượng Hoàng không có gác đờ bu theo đường ra khỏi làng lên phia núi Sạc Sơn. Ông ta đến huyện. Vài hôm sau, tôi nhận được giấy triệu tập về cơ quan. Thủ trưởng lặp đi, lặp lại mỗi một câu: “Sao lại thế? Sao lại thế? Sao lại thế? Sao anh không bảo vệ người chính quyền mà lại đi bảo vệ một phần tử mờ ám”. Vậy rồi, tôi phải cởi bỏ sắc phục công an. Tôi không ân hận việc tôi đánh Đảo, cứu Phượng khỏi bị làm nhục, mà cay đắng cho thân phận mình. Vậy là hết. Chấm dứt công danh, sự nghiệp ở cái tuổi hăm hai. Tôi đã bi quan thế đấy. Tôi không về nhà mà xin vào một đơn vị dân công hỏa tuyến đi phục vụ chiến đấu ở mặt trận B5 Vĩnh Linh.
Chung bỗng im bặt, nhắm mắt vẻ nghĩ ngợi. Tôi nói:
- Vậy là bắt đầu cái đoạn chục năm...
Chung nói uể oải:
- Đoạn ấy, không có chi đáng kể. Hết thời hạn Dân công hỏa tuyến tôi xin snag Công nhân Quốc phòng. Bươn bả trong chiến tranh cho đến ngày giải phóng miền Nam. Tôi xin được chuyển sang công nhân xây dựng cảng Hải Nhi. Một cô gái Hà Nam thương yêu tôi. Chúng tôi cưới nhau. Rồi sinh con. Lăn lóc vì cái ăn, cái mặc, những chuyện ở làng Vạn Phúc lắng đọng trong lòng như bao lớp lắng đọng của bao chuyện khác. Và tôi cứ là một công nhân vác đá xây dựng cảng Hải Nghi, nếu tôi không nhận được một bức thư. Sự ấy xẩy ra sau đại thắng mùa xuân năm Bảy lăm. Thú thật với anh trước đó không có ai gửi thư cho tôi. Quan hệ của tôi chỉ luẩn quẩn quanh bạn bè công nhân; thư từ mà làm gì. Vì thế, tôi ngạc nhiên mở đọc liền. Người viết thư cho tôi, anh đoán ra ai không. Ông Trần Phong Nhân, chồng cô Phượng. Tôi phải nói với anh là cho đến hôm ấy, tôi chưa hề gặp ông ta. Thư chỉ mấy dòng, tôi không nhớ nguyên văn, đại để vợ chồng ông Nhân muốn gặp tôi vì có nhiều chuyện liên quan giữa gia đình ông ta với tôi. Ông Nhân còn cẩn thận nói thêm rằng, vợ chồng ông vẫn ở làng Vạn Phúc và rằng, Phượng bị bệnh, ông ta không rời được cô ấy dù chỉ là một buổi.
Tuy làng Vạn Phúc đã thay đổi nhiều, nhưng tôi không khó khăn gì khi tìm ra nhà Phượng giữa lô nhô nhà cao tầng, chóp nhọn, giàn ăng ten. Vườn cây vú sữa không còn nữa, nói đúng hơn chỉ còn một cây. Nó cũng già nua và cũ kỹ như ngôi nhà. Cánh cổng gỗ, đêm nào đấy lắt lay như tà áo, dĩ nhiên, cũng không còn nữa. Tôi cảm thấy tim đập mạnh trong lồng ngực và thấy mất bình tĩnh, phải đứng một lúc rồi mới đi thẳng vào sân.
Một người đàn bà ngồi bất động dưới gốc cây vú sữa trên cái ghế gỗ có tay vịn. Người ấy mặc bộ áo quần màu đen, tóc búi cao, đang chăm chú nhìn cái gì đó trong khoảng không. Tôi sững lại. Người ấy là cô Phượng. Vẫn khuôn mặt ấy, hơi ngước lên, trắng xanh. Phượng không trông thấy, hoặc không để ý đến tôi và hình như tâm trí đang phiêu diêu ở một cõi nào khác. Tôi bối rối chưa biết xử sự ra sao thì một người đàn ông cao gầy hiện ra trên thềm. Tôi đoán người ấy là Trần Phong Nhân. Ông ta đưa tay bắt tay tôi. Ánh mắt ông ta nhìn tôi lộ vẻ tò mò lẫn thân thiện. Tôi cảm thấy bầu không khí yên lặng bỗng xáo động và từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác với những suy nghĩ tán loạn trong đầu khiến tôi loạng choạng.
Ông Nhân vẫn nắm bàn tay tôi.
- Anh đi lối này. Ông nói và dẫn tôi vào nhà, theo cái lối mà hơn mười năm trước tôi ngoan ngoãn đi theo Phượng. Chúng tôi ngồi bên cái bàn gỗ lim đen nhưng nhức. Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ ông Nhân. Khuôn mặt hơi dài, những đường nét trên khuôn mặt ấy bộc lộ vẻ sắc sảo, khôn ngoan. Ông rót nước mời tôi uống, rồi khoanh hai tay trước ngực nói bằng thứ giọng đầy quyền thế: “Anh đúng là Nguyễn Huy Chung, từng công tác ở địa bàn này từ năm 1965 đến đầu 1968 phải không?” Tôi đáp khẽ: “Phải”. Ông Nhân nói: “Tôi tin thế nào anh cũng về”. Tôi nói: “Vùng này với tôi cũng nhiều kỷ niệm mà toàn những kỷ niệm buồn.”. Vừa lúc ấy, Phượng đi vào nhà. Anh đã khi nào nhìn kỹ một người đàn bà có vẻ ngơ ngẩn lẫn với vẻ đẹp sang trọng chưa? Và người ấy mặc đồ đen, như một cái bóng nhẹ nhàng lướt trước mặt mình chưa? Và nữa, người ấy từng có thời mình quen biết, mình từng thương cảm...
- Chưa bao giờ. - Tôi nói nhanh.
Chung áp bàn tay lên trán, nói tiếp:
- Thế thì anh không hiểu được tâm trạng tôi lúc ấy. Mà thực thì tôi cũng không hiểu tâm trạng mình. Chỉ thấy nhói đau trong ngực. Phượng đứng lại và nhìn tôi chăm chăm. Những đường nét trên khuôn mặt cô rung động. Nhưng cô vẫn câm lặng. Ông Nhân đứng dậy, sẽ sàng đỡ cánh tay vợ dẫn vào phòng trong. Hình dáng Phượng, cái nhìn không nói lên điều gì hết của cô ấy khiến tôi cảm thấy mình có lỗi, thấy mình là một kẻ vô tích sự, một kẻ vô tâm. Tôi xin thú nhận rằng, vì cái sự cảm thấy ấy mà khi ông Nhân quay trở ra, tôi nói như một biện bác: “Hồi ấy tôi mới vào ngành, thiếu trải biết.”. Ông Nhân nhìn tôi, nói: “ Cũng là chuyện thời thế. Vì nhiệm vụ mà tôi đã phải giấu tên tuổi, thân phận mình. Sự ấy đã mang bất hạnh lại cho vợ tôi, sau này tôi biết ra là cả anh phải gánh chịu nữa… Nay tôi mới nói được lời cảm ơn anh. Từ cái đêm tháng mười mưa gió ấy, vợ tôi biết vì sao tôi phải bặt vô âm tín nhưng đành nuốt câu trả lời, đành câm lặng trước nghi kỵ của người đời. Sự nghi kỵ khiến con người ta thành kẻ vô cảm, cả độc ác nữa. Mười năm chịu đựng, thần kinh căng ra, chịu sao nổi.” Bỗng ông im bặt, những ngón tay gầy đỡ chén nước trao cho tôi, run run. Tôi hỏi, thư ông có bảo chuyện gì đó liên quan đến tôi? Ông nói, giọng buồn buồn: “Chuyện con trai tôi. Tôi là cha đẻ nhưng trong giấy khai sinh thì anh lại là cha nó. Khởi đầu từ cái biên bản tay Đảo chủ tịch xã làm trong đêm mưa gió ấy.”
Tôi uôm người lên bàn nắm lấy bàn tay ông. Thay vì ý định hỏi ông về sửa sai cái giấy khai sinh của con ông, tôi lại hỏi một câu, mà mãi sau này mỗi khi nhớ lại cứ bật cười một mình. Tôi hỏi thế này: “Vậy ông là ai?”. Trần Phong Nhân cười: “Là bè bạn”. Ngày tôi nhận quyết định trở lại ngành, gặp ông, ông cũng không cho tôi biết ông là ai…
Chung đứng dậy vươn vai, cả khuôn mặt nở ra cười. Tôi cũng đứng dậy theo. Chắc đã qua nửa đêm về sáng./.
Bình luận