logo

Truyện ngắn

Một con người trầm lặng

Tôi chợt nhớ về Hà Quảng trong không khí yên ắng của một đêm mùa đông se lạnh, cảm được sự dịu mềm của nó lăn tăn, li ti trên làn da. Lúc ấy tôi và nhà thơ Xuân Hoài ngồi với Hà Quảng và chị Vinh, vợ ông trong căn phòng nhỏ mờ trắng ánh sáng hai ngọn nến đặt trên cái bàn gỗ trong cái xóm vắng ngoài rìa Thị xã Hà Tĩnh. Một bộ ấm chén pha trà bằng sứ trắng, những bông hoa hồng trắng và mùi trầm thoang thoảng gợi nhớ về một căn phòng trong tiểu thuyết các nhà văn cổ điển Nga. Căn phòng ấy, ánh lửa nến ấy, cái không khí yên ắng ấy, sống mãi trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Mới hay cái nhu cầu yên bình, tĩnh lặng của con người ta thật là vô cùng.


     Tôi chợt nhớ về Hà Quảng trong không khí yên ắng của một đêm mùa đông se lạnh, cảm được sự dịu mềm của nó lăn tăn, li ti trên làn da. Lúc ấy tôi và nhà thơ Xuân Hoài ngồi với Hà Quảng và chị Vinh, vợ ông trong căn phòng nhỏ mờ trắng ánh sáng hai ngọn nến đặt trên cái bàn gỗ trong cái xóm vắng ngoài rìa Thị xã Hà Tĩnh. Một bộ ấm chén pha trà bằng sứ trắng, những bông hoa hồng trắng và mùi trầm thoang thoảng gợi nhớ về một căn phòng trong tiểu thuyết các nhà văn cổ điển Nga. Căn phòng ấy, ánh lửa nến ấy, cái không khí yên ắng ấy, sống mãi trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Mới hay cái nhu cầu yên bình, tĩnh lặng của con người ta thật là vô cùng.

     Đêm ấy, trong không gian bình yên ấy, chúng tôi nói về tình yêu, về lòng nhân ái, về vẻ đẹp của con người trong đời sống khó khăn thời bao cấp, nói về thiên chức của thơ ca với sự chân thành và lòng đắm say đối với cuộc đời. Những điều ấy, trong thời buổi ồn ào muôn vàn cách sống hiện đại hiện giờ không ít người cho là xa xỉ, chuyện của thuở xa xưa nào. “Không sao! Mỗi người có không gian, môi trường văn chương của riêng mình.”. Hà Quảng thường nói với tôi vậy. Ông đã sớm xác lập được không gian, môi trường văn chương cho mình từ khá sớm. Ông không làm thơ nữa cho dù ông đã từng có những câu thơ khoáng đạt, sang trọng viết trong chiến tranh chống Mỹ: “Bài địa dư em học ngoài trời/ Bốn hướng mênh mông của ta trời đất”mà chuyển sang viết lý luận, phê bình. Năm 1990 tập Lý luận –Phê bình “ Văn chương cảm nhận và phân tích” xuất bản đã khảng định một Hà Quảng thâm hậu, tinh tế. Và cái phẩm chất thi ca, cái tính cách trầm tĩnh của ông đã tạo nên nét riêng cho văn phong của ông. Trong 12 tác phẩm Lý luận - phê bình, bắt đầu từ tập “Thơ Lục bát mới”, in năm 1998 đến Văn chương Ký ức và sáng tạo in năm 2018, người đọc nhận ra một Hà Quảng sâu sắc, rành mạch và nhuần nhuyễn qua những bài viết về một tác phẩm (Phương thức sáng tạo của Nguyễn Du qua Truyện Kiều, Ngã ba Đồng Lộc và sự đổi mới nghệ thuật Trường ca..., Siêu thị mặt...); về một tác giả (Hồ Chí Minh, Ngô Đức Kế, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Duy, Bùi Giáng), về những vấn đề về văn chương (Cách tân trong thể thơ Lục bát, Thị hiếu thẩm mỹ của công chúng; Cái mới cái hay trong thơ..).; về một khuynh hướng văn chương, (Về sự khủng hoảng một nền lý luận, Trình diễn thơ Việt...); về  một đối thoại, xung đột các quan điểm văn chương (Cánh đồng bất tận và những vấn đề liên quan )...

       2. Sẽ có thật nhiều điều để viết về ông. Một Hà Quảng - nhà thơ, một Hà Quảng -Nghiên cứu văn hóa, một Hà Quảng -viết Sử, một Hà Quảng- dạy văn, một Hà Quảng - Lý luận -Phê bình, một Hà Quảng trầm tĩnh và khiêm nhường trong đối nhân xử thế...Nhưng tôi sẽ không làm tất cả những điều đó. Bởi, sau những điều đó sẽ còn bao nhiêu điều khác về sự đắm mê và sâu sắc của ông; và bởi  tôi sẽ   thành ra kẻ hời hợt trước những tác phẩm đa dạng, đa chiều của ông.

    3. Một điều tôi đủ tự tin để viết về Hà Quảng là mối quan hệ thân tình của ông với đội ngũ làm văn chương Hà Tĩnh. Căn phòng nhỏ với ánh sáng trắng của hai ngọn nến trên cái bàn gỗ có những bông hồng trắng thuở xa xưa không còn nữa, thay vào đó là căn phòng rộng, ánh đèn nê ông sáng, mặt bàn lát kính màu cánh gián...và hoa ly hồng nhạt...Bao thời, nhà ông là nơi lui tới của bè bạn làm văn nhiều lứa tuổi. Người tìm đến ông để nghe chuyện đổi mới văn chương, nghệ thuật. Người mang tác phẩm đến ông để xin một lời giới thiệu, một bài phê bình hoặc mấy dòng chapeaux. Tôi cũng thường có mặt trong đám khách lui tới nhà ông đi cùng những người mới, trẻ tuổi đầy kiến thức Đông- Tây. Những vấn đề của văn chương đưa ra luận bàn giờ cũng khác xưa, đa dạng, nóng hổi hơn. Những lúc ấy, Hà Quảng thường lặng im lắng nghe khách nói. Ông suy nghĩ trong sự im lặng kia? Dường như bộ bàn phím máy tính, một trang sách nào đấy đang thu hút ý tưởng nào của ông. Từ lâu rồi ông tránh nơi ồn ào, ít tham gia hội hè, những cuộc bia rượu, những luận bàn thời sự, chính trị. Ông là người cho đến lúc này vẫn hàng ngày đọc sách, lấy thông tin trên máy tính và quan sát cuộc sống một cách sắc sảo, suy ngẫm hết sức sâu sa về những vấn đề của xã hội, những quan điểm tư tưởng, nghệ thuật của lý luận phê bình trong văn chương đương đại và cả cổ, cận.

     4.  Sẽ không nhiều, nếu không nói là hiếm có một nhà Lý luận- Phê bình ở một tỉnh lẻ dành hàng năm trời đọc hết các tác phẩm của các nhà văn là anh em bè bạn quanh mình, rồi suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, kỹ càng, thận trọng, chân thực về cuộc đời và sự nghiệp của từng người, và in thành sách như Hà Quảng đã làm đối với các nhà văn đương đại Hà Tĩnh. Tôi muốn nói tới tác phẩm “ Nhà văn đương đại Hà Tĩnh.” (NXB Đại học Quốc gia; Hà Nội; năm 2011) nghiên cứu, giới thiệu bảy chân dung tinh thần nhà văn, nhà thơ: Xuân Hoài, Đức Ban, Phan Trung Hiếu, Duy Thảo, Nguyễn Ngọc Phú, Bùi Quang Thanh, Tùng Bách và các tác giả Phan Tùng Lưu, Trần Đắc Túc, Nguyễn Trọng Bính. Với cảm nhận tinh tế, Hà Quảng nắm bắt được cái lõi văn chương của từng người, khơi gợi ra “hồn vía” từng tác phẩm của họ. Một Đức Ban “ tạo nên một khuynh hướng mới mẻ trong dòng chảy của văn chương đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm của Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước, không đơn giản, nhất thể hóa đời sống đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý...’’(trang 28)   Viết vê một hiện thực lớn của xã hội ngòi bút Đức Ban biết lảy ra những vấn đề từ những sự việc hàng ngày tưởng như bằng lặng nhưng lại có sức nổi sóng. ...Đằng sau những sự việc và hành động của nhân vật, Đức Ban thường đi sâu khơi gợi những khía cạnh khác nhau...quyết định việc hình thành tính cách nhân vật. Từ tính cách nảy sinh số phận...”. Một Phan Trung Hiếu “ Những vấn đề đặt ra trong văn xuôi (của ông) không xa lạ với dòng văn đương đại. Những bi kịch truyền thống, nỗi đau chiến tranh, sự chuyển mình của quê hương trong môi trường đô thị hóa. Nhìn chung Phan ít tiếp cận với kỷ thuật mới, bút pháp chủ yếu vẫn theo khuynh hướng tả chân truyền thống (Trang 80).Một Xuân Hoài “tâm hồn đa cảm trước những biến động của cuộc đời. Tình yêu quê hương, làng xóm, bến bãi, nỗi thương cảm những thân phận nổi trôi, sự trìu mến đối với con người...nguồn đề tài vô tận cháy lên trong thơ anh những suy cảm sâu sa.(trang 109). Một Duy Thảo:” Ba mươi năm một giọng thơ, gần chục tập vẫn một cá tính, đó không phải là một lối mòn mà là một bản lĩnh(...).Trước sau nó vẫn trẻ trung, mộc mạc, chân chất, đậm đà một chất “giọng trung” trong dàn hợp xướng thi ca Hồng Lam (Trang 138).Một Nguyễn Ngọc Phú triền miên những suy tư về biển. Biển nuôi dưỡng nguồn thơ anh, mang lại cho anh nhiều thi hứng mới mẻ, nhiều suy nghĩ sâu lắng, ngược lại anh luôn gửi gắm vào biển những tình cảm nồng thắm (trang 163) Nguyễn Ngọc Phú cố gắng đem đến cho thơ ca miệt miền quê này một giọng điệu mới mẻ (Trang 170). Một Bùi Quang Thanh thuộc dòng thơ trữ tình truyền thống, lấy cái chân thật của tình cảm làm gốc, dẫu vậy trong nhiều bài anh tiếp cận kỷ thuật mới làm hình tượng thơ vừa lạ vưa quen, hấp dẫn người đọc ngay từ dòng đầu (trang 195).Một Tùng Bách:”Từng trải, chiêm nghiệm nhiều nghịch lý của đời sống chắt thành thơ thổ lộ với độc giả rất khiêm tốn. Thoáng nghe như nhẹ tênh, như một nhếch mép, nhưng lắng lại long lanh những giọt buồn (Trang 221).

    Thời đại Hà Quảng và cả tôi nữa đang sống là thời của cách mạng 4.0. Những đổi thay trên mọi lĩnh vực của đời sống xẩy ra trong từng phần nghìn, phần vạn giây. Đời sống văn học nghệ thuật cũng không một lúc yên lặng. Bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu nhà văn đang quyến rũ các nhà phê bình, đang thu hút tâm trí đang rủ rê những người như Hà Quảng; đấy là chưa nói đến cõi nhân gian ngổn ngang, lẫn lộn các giá trị khiến những người giàu lòng trắc ẩn nặng trĩu lòng bới tầng tầng lớp lớp những vui buồn nhân thế, chưa nói tới những cám dỗ của đời sống vật chất, của danh vọng, tiền tài ...Vậy mà ông vẫn dành tâm trí cho bạn bè văn chương. Tôi nói với các nhà văn Hà Tĩnh rằng, 245 trang sách với trên một vạn từ ông viết về chúng ta, ông phải đọc hàng ngàn trang bản thảo, vật lộn với nó, yêu thương và hờn giận nó để dựng nên được chân dung tinh thần chúng ta, gọi hồn vía tác phẩm chúng ta về cùng bạn đọc. Hà Quảng nghe, chậm rải rằng, trách nhiệm và một chút tình. Chao ôi, cuộc đời này, thiên hạ này, ước chi được những chút tình như thế.

   Bây giờ, đôi khi tôi lại chợt nhớ cái không gian bình yên, những làn gió se lạnh cảm được vị ngọt lăn tăn, li ti trên làn da vào cái đêm mùa đông se lạnh năm 1992 xa xôi nọ, có một con người trầm lặng Hà Quảng với gương mặt hồn hậu, giọng ấm áp nói về tình yêu, về lòng nhân ái về vẻ đẹp của con người của cuộc đời...Từ ấy lại nay thời thế qua bao đổi thay, văn chương nước nhà qua bao mùa nóng lạnh, Hà Quảng phải bản lĩnh lắm mới giữ được sự trầm lặng sâu sa của mình./.

                                       Đ.B 


Bình luận