Một đêm lạnh cuối năm 2001, lang thang dọc đường phố vắng đầy sương trắng, rải rác đây đó vài bông hoa dán mình vào mặt đất, tôi chợt nhớ hai câu thơ trong bài Tỏa hương của Minh Nho: “Những bông hoa nằm giữa mặt đường/ Dưới chân người nhàu nát”. Câu tiếp theo, tôi chỉ nhớ mang máng là ông nói bông hoa bị giẫm nát kia trước khi về với đất vẫn nhẹ nhàng tỏa hương. Đằng sau những câu thơ trắc ẩn và chua chát ấy là niềm tin sâu sa vào sự tốt đẹp của Con Người.
Rồi về sau, mỗi lần mắt thấy, tai nghe những nổi nênh của cõi nhân thế những câu thơ kia lại vẳng lên bên tai tôi, nó ám ảnh, nó bắt tôi ngẫm ngợi về Minh Nho. Một Minh Nho khiêm nhường lúc nào cũng có thể giật mình bởi tiếng động đột ngột chung quanh, lúc nào cũng có thể tỉnh giấc bởi tiếng thở dài mơ hồ của ai đấy. Tôi thường hình dung ông im lặng ngồi trong im lặng nghe tiếng sương rơi trên lá cây ngô đồng ngoài cửa sổ và suy tư về thế thái nhân tình rồi một mình bước vào con đường của xúc cảm và khát vọng sáng tạo đầy trăn trở, mê đắm. “Tôi đi tìm năm tháng mê say/ Đôi cánh mỏng lách mình qua mưa nắng” (Tìm hoa). Đọc thơ ông, tôi hằng nghĩ, ở đâu và dù sao đi nữa ông vẫn nhìn ra những vẻ đẹp mỏng manh, khuất lấp của người anh em để bao dung, để trân trọng giữa chốn nhân gian người không nhìn ra mình nhiều hơn ta tưởng, người nhìn ra cái xấu của người mà bỏ qua cái đẹp của người lại càng nhiều. Và sâu sa hơn ông nhìn ra sự cay đắng của “niềm vui khóc”, nhìn ra “tiếng cười cuộn trên sóng sông đời”. ( Tiếng cười rất trẻ). Những câu thơ ông viết trong đêm, đêm này sang đêm khác. Những câu thơ thấm đẫm tình nghĩa với đời, với người giản dị, mộc mạc không làm ta giật mình thảng thốt như một số thơ của các nhà thơ cùng thời. Nhiều lần đọc thơ Minh Nho, nghĩ tới quan hệ giữa tác giả- tác phẩm- người đọc, tôi nhớ tới hai câu trong Kinh thánh: “Chạm vào mắt làm tuôn rơi nước mắt, chạm vào lòng khiến lộ ra nỗi lòng”. Ông đã nói trúng tâm trạng của nhiều người. Hiện thực đã cho ông hạnh phúc ấy. Đấy là giai đoạn trong và sau chiến tranh chống Mỹ, một hiện thực huyền thoại, cao thượng và nhân ái, chứa đựng sự kỳ diệu của cuộc sống tinh thần và thi ca. Cái thời tâm hồn con người trong sáng như tờ giấy trắng và thơ ca là những dòng mực tím thuần khiết hồn nhiên chảy. Nhiều lắm những tâm hồn như thế. Nhiều lắm những câu ca dao, những dòng thơ của Minh Nho như thế.
Nhưng đấy mới là một phía của Minh Nho. Còn phía công chức, một công chức mẫn cán, thực thi đầy đủ nghĩa vụ công dân, phía một đảng viên gương mẫu, phía một quan chức. Và phía gia đình, một người chồng, người cha mẫu mực… Suốt cuộc đời như thế.
Là thế, nhưng không thể rành mạch ra một Minh Nho – Nhà thơ và một Đinh Nho Liêm – Nhà báo, Đinh Nho Liêm – Tổng biên tập. Ông không có cơ hội chia mình thành nhiều phần: phần báo chí chính luận và phần thi ca, phần quan chức và phần công dân. Những cái ấy trộn lẫn vào nhau. Và như là định mệnh, ông tìm lấy lối đi và cần mẫn, mê say bước. Ông không chối bỏ, không rẽ lối khác,. Lương tâm, trách nhiệm, tình yêu cuộc đời, con người không cho phép ông làm thế. Dễ nhận ra tư duy Báo chí, tư cách Tổng biên tập đã cho Thơ ông những ý tưởng về hiện thực nóng, lạnh của đời sống và phẩm cách thi sỹ đã cho những trang báo của ông thứ ngôn ngữ thoảng chất thi ca, làm lay thức người đọc. Dù thấy những đắm say, hào hứng: “ Đặt ngọn bút lên trái tim ngang ngực / Đi về phía mùa xuân”(Tôi đi về phía mùa xuân) bên cạnh nỗi buồn man mác: “Bây giờ còn đó con đò/ Cô đơn gác mái bên bờ sóng xao” (Bây giờ) thì người ta cũng không rành mạch ra được hiện thực đời sống và hiện thực thi ca trong thơ ông, trong những trang báo của ông.
2. Cuối cùng, như bao nhiêu người, đến tuổi 60 Minh Nho rời chốn quan trường về với gia đình. Không còn những tiếng chuông điện thoại réo ngày sang đêm, không còn soạn thảo công văn này, báo cáo nọ, không còn lên diễn đàn trong ánh chớp lóe sáng của máy ảnh, của camera… Không còn ký duyệt những bài báo phản ảnh các lĩnh vực đời sống xã hội mà thường thì sau một ngày mới ra khỏi cảm giác thắc thỏm lo lắng mơ hồ. Minh Nho rời cái danh quyền lặng lẽ về với thi ca. Bẵng đi một thời gian, ông đưa cho tôi một tập bản thảo thơ. Những bài thơ viết về quê, về người thân thích cha, mẹ, o, dì, con trai, con gái và những đứa cháu của ông, những Hoàng Nam, Khoa, Thảo, Minh… và với người vợ “ 50 năm gắn bó cùng nhau/ Bạc mái đầu bao điều khó nhọc.(Thân già ). Minh Nho trút bỏ nỗi niềm, trút bỏ những nhốn nháo, những nhạt thếch của cuộc đời mà đắm say dâng hiến tinh yêu thương để làm “chiếc bóng thong dong/ Lượn lờ bên mầm xanh con, cháu”. Đọc câu thơ trên, tôi bỗng linh cảm về một cuộc chia ly. Và điều ấy đã đến. Nhà thơ Minh Nho- Nhà báo Đinh Nho Liêm đã giã từ cuộc sống, chia tay vĩnh viễn với vợ con, anh em, bè bạn về với cát bụi vào một chiều mùa đông lá cây ngô đồng trước ngõ thảng thốt rơi trong giớ bấc tái tê. Mấy ngày trước đó tôi ngồi với ông. Ông cho tôi xem bệnh án với những kết luận của bác sỹ với thái độ bình thản, nhưng từ trong khóe mắt dâng ra hai giọt nước. Ông ngoảnh mặt về phía trời chiều ngoài khung cửa sổ. Ông sợ làm tôi buồn ? Xúc động trào dâng trong lòng, tôi chực muốn khóc. Ông áp bàn tay gầy lên tay tôi, những ngón tay ông run run, ông hỏi sức khỏe, công việc người này, người kia, những bè bạn làm văn chương. Rồi chăm chú nghe tôi nói. Minh Nho vẫn thế, vẫn luôn quan tâm đến người khác, vẫn đa mang và đa cảm. Lúc sau, ông bỗng nói, như dặn dò, như nhắn gửi.: “Đức Ban ạ, Anh em ta tốt lắm.” Tôi nghe ra hơi thở mỏng manh của ông, lòng bỗng nao nao buồn. Tôi nói rằng, anh em ai cũng yêu mến anh, không nguôi nhắc tên anh. Minh Nho mỉm cười, nụ cười khiến gương mặt ông sáng lên. Hôm ấy, ông lấy đầu giường một tờ giấy bảo tôi đọc. Những con chữ mực tím rõ nét, chân phương nhòa dần trước mắt tôi: “Quãng đường của cha mẹ/ Mặt trời treo đầu non/ Ngọn đèn vờn trước gió/ Chỉ còn mỗi ước mong” (Trao tay các con)
Mặt trời đã lặn, ngọn đèn đã tắt! Nhưng Thơ ông vẫn còn, những tập thơ: Niềm vui của đất, Cành xanh lá xanh, Dòng suối, Mai em về , Mây trắng… vẫn thao thức trong đời sống tinh thần đương đại, những bài báo ông viết, những tờ Báo ông làm vẫn còn trong các Thư viện, trong hành trang của những phóng viên trẻ.
Và trên hết ông vẫn mãi còn trong lòng nhiều người. Bởi cái tình, cái nghĩa của con người không bao giờ mất được, giữa bao nỗi nhân gian này, thời gian chỉ càng làm cho nó sâu sa hơn.
Bình luận