logo

Truyện ngắn

MẮT GIẾNG

Chao, cái mơ ước đi khỏi làng âm ỉ cháy trong tôi lâu lắm rồi, được vậy thì mở rộng tương lai cho tôi quá. Chẳng hiểu ma-két-tinh mô tê ra sao, tôi vẫn rối rít cảm ơn hắn, còn thầm biết ơn cái ngọn tre bật vào mắt để tôi lên trạm xá xã mà được gặp hắn. Cái thằng tôi nhục thế!...


                 Bống bống bang bang / Lên ăn cơm vàng, cơm bạc...

                                     (Lời truyện cổ tích)

 Chẳng biết do đâu mà người xưa chọn cái doi đất hình quả đậu ván bị sông Duềnh phía trước và Núi Đá phía sau kẹp chặt để lập làng. Cái thế làng nó ra vậy nên tôi và hắn học xong lớp bảy thì bỏ, không qua sông đến trường khác học tiếp và đến tuổi mười bốn vẫn chưa biết cái phố Huyện nó vuông tròn ra làm sao. Chúng tôi lụi hụi trên mấy đám ruộng trũng, hoặc xuống sông Duềnh đánh bắt cá, tối về tắm bằng nước múc trong những cái giếng tròn xoe, sâu hun hút. Năm nào đó, bố con hắn bỏ làng lên chân Núi Đá dựng nhà, khoét sâu vào sườn núi tạo ra một khu đất rộng chăn nuôi đủ loại thú vật. Từ trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo, vịt, ngan, ngỗng đến khỉ, nhím, kỳ đà... Buổi trời động, gió từ Núi Đá thổi ra mang theo mùi phân khẳm lợm tràn xuống làng. Dân làng bảo tôi đi gặp hắn, nhưng hắn cứ biền biệt trong rừng săn tìm thú quý hiếm. Dần dà rồi quen làng tôi không biết đến ngày trời động. Một bữa nọ tôi tình cờ gặp hắn ngoài đường. Hắn ăn mặc tươm tất, áo trong, áo ngoài, giày, mũ trắng tuyền. Hắn cười cười rồi bảo bố con hắn đã bán sạch sành sanh cơ ngơi trên Núi Đá cho Nhà máy đá ốp lát của Đài Loan lấy tiền xây tòa hai tầng ở phố Huyện. Giọng hắn điềm tĩnh không lộ vẻ khoe khoang; thậm chí còn ra chiều bực bội. Tôi mới nghĩ về cái chí của hắn và vỡ nhẽ hắn vẫn chưa vừa lòng với những gì đã có, là hắn còn muốn vươn lên nữa. Hắn đưa tay ra. Tôi nắm bàn tay dâm dấp nước của hắn. Tôi hỏi chuyện vợ con hắn. Hắn ngả người cười rồi nói: “Gái gủng thiếu chi mà đeo cái gông vợ vào cổ. Mày có biết người trên phố định nghĩa vợ thế nào không? Là một con vật sống dai lâu chết luôn miệng gọi tiền tiền tiền”. Tôi gượng cười theo hắn. Hắn nheo nheo mắt. “Nom mày ải quá” - Hắn ra vẻ thương hại tôi. Tôi nói còn hơn cả ải thì hắn chém tay vào không khí bảo, doanh nghiệp vật liệu xây dựng mà hắn làm giám đốc đang cần một nhân viên ma-ket-tinh rồi hỏi tôi có muốn làm không. Chao, cái mơ ước đi khỏi làng âm ỉ cháy trong tôi lâu lắm rồi, được vậy thì mở rộng tương lai cho tôi quá. Chẳng hiểu ma-két-tinh mô tê ra sao, tôi vẫn rối rít cảm ơn hắn, còn thầm biết ơn cái ngọn tre bật vào mắt để tôi lên trạm xá xã mà được gặp hắn. Cái thằng tôi nhục thế!...

Bách thở hổn hển, gục đầu xuống ngực.

- Thế thì có gì mà nhục - Tôi nói cốt để trấn an Bách, để cậu ta tiếp tục câu chuyện mà lúc mời tôi ra bìa rừng bảo là kể chuyện cô Bống bống bang bang nào đấy.

- Thực ra tôi đâu nghĩ tới nhục, vinh. Mấy năm qua cũng thế. Khi đổ bể mọi thứ, phơi trần ra giữa thanh thiên bạch nhật mới nghiền ngẫm lại.

Tôi đặt tay lên vai Bách, nói:

- Thôi, đừng dày vò mình nữa.

- Bốn năm theo hắn tôi không còn nhớ hết mình đã làm những việc gì, đưa bao nhiêu món lời tiền của về cho hắn, chỉ biết là nhiều lắm. Nhiều hợp đồng, nhiều dự án giấy... Thời này làm tiền như hồi nhỏ bọn tôi chơi chọi gà. Làm ăn với nhau anh không mất tiền, tôi không mất tiền mà tôi được tiền, anh được tiền. Thứ gọi là bỏ nước bọt, bán giấy có dấu đỏ. Một hôm hắn gọi tôi lên phòng làm việc của hắn. Sau khi đóng kín cửa ra vào, hắn nói, có thông tin kín từ Hà Nội vào lộ ra Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng một khu chế xuất ở bãi biển Cát Vàng. Tôi phải xuống ngay dưới đó tam khoanh, tứ đốm thế nào mua cho được vài ngàn mét vuông đất, mai kia trong quy hoạch lấy tiền đền bù, ngoài thì bán; còn bảo, phải thường xuyên thông tin liên lạc với hắn. Thế nên tôi mới mượn cái máy điện thoại di động thừa của hắn. Cái máy Samsung của tôi như con mắt của định mệnh tự dưng hỏng trước lúc gặp hắn một giờ. Hắn cười nửa miệng, nheo nheo mắt nhìn tôi, nói: “Con mụ Diệu quán Bằng lăng tím vừa bán cho tôi một số số điện thoại mới toe chưa kịp dùng. Ông xuống dưới đó lúc nào buồn cần giải khuây thì gọi”. Hắn lại nheo nheo mắt nhìn, cười ranh mãnh. Dạo ấy cữ cuối mùa thu, biển vắng teo. Tôi thuê một phòng trong cái khách sạn bốn tầng nằm sát biển, giữa một rừng phi lao. Mưa rả rích còn gió và sóng biển thì cứ rì rầm, thì thào. Lúc đầu buồn, sau thấy sợ mà chẳng biết mình sợ cái gì. Trà thừa, thuốc lá thừa, tay chân thừa, tôi mới móc máy điện thoại ra bấm một số lưu tình cờ cốt được nghe giọng nói của ai đó. Sau mấy tiếng “tút” dài là giọng một người con gái: “Em nghe rồi. Anh đang ở đâu?”. Tôi cam đoan với anh rằng, giọng nói ấy có đặc trưng riêng không lý giải được nhưng nó khơi dậy trong tôi một nỗi buồn nhớ kỳ lạ. Tôi biết, hàng triệu người thì có hàng triệu giọng nói nhưng đấy là lần đầu tiên tôi thấy ra được một giọng nói riêng. Số người nhiều hơn số giọng nói là vậy. Tôi đang nghĩ thế thì cô gái đã lại hỏi: “Anh vẫn nghe đấy chứ?”. Tôi nói là tôi vẫn nghe và rằng, tôi đang ở phòng 301. Sau này mỗi khi nhớ lại cái đêm kỳ quái ấy tôi nghĩ rằng, tôi nói số phòng của mình chính là vì uy lực - cái nét riêng của giọng nói cô ta, ngoài ra không vì một cái gì khác nữa. Anh tin hay không thì tùy, nhưng đúng là thế.

- Tôi tin - Tôi nói. Rồi hỏi - Cô gái ấy là Bống?

Bách như không nghe tôi, nói tiếp:

- Mươi phút sau có tiếng gõ cửa nhè nhẹ rồi nắm tay khóa bằng đồng như nửa quả cam cũng nhè nhẹ xoay. Cửa mở và cô ta hiện ra. Cỡ hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi, dáng người thon thả, khuôn mặt hơi dài nhưng không vì thế mà gây cảm giác khó chịu, ngược lại nom xinh xắn nhờ mái tóc cắt ngắn mềm lả. Cô ta mặc cái váy ngắn để lộ đôi chân trần trắng nõn. Thấy cô ta đứng nơi cửa, tôi giục: “Cô vào đi”. Cô gái xoay người để đóng cửa, tấm lưng vặn nghiêng rất mềm mại, rồi đến ngồi xuống cạnh tôi. “Anh cần em?” - Cô ta hỏi, mắt nhìn hút tôi. Tôi hít một hơi sâu và nói là tôi tình cờ bấm số điện thoại lưu trong máy chứ không cần gì cả còn nếu cô không cảm thấy phiền thì ở lại trò chuyện. Tôi liền một lèo vậy, lời lẽ dính bết vào nhau vậy. Cô gái rót nước uống, cử chỉ rất tự nhiên, rồi nói là cô chỉ ngồi lại với tôi trong vòng một tiếng. Tôi hỏi cô ta tên gì thì được đáp: “Bống”. Một tiếng ngắn, cụt lủn vậy mà vẫn gieo một âm hưởng vào lòng tôi. Tôi không dám nghĩ đến cái điều tệ hại là người con gái có cái tên dân gian kia, đang ngồi cạnh tôi lại là một cô gái làm tiền. Nghe kể, loại gái ấy, một trăm cô thì một trăm linh một cô có quá khứ rách nát. Tôi mới hỏi Bống về quê quán, gia đình. Bống kể Bống đã hai mươi tám tuổi, có một cậu con trai lên ba đang ở với bà ngoại. Còn trước kia, Bống có chồng. Chồng Bống như chồng nhiều chị em khác ở Đội trồng cao su trong thung lũng Nậm Na. Nghĩa là những người thợ sơn tràng, những kẻ đi tìm trầm hương, săn bắt thú rừng là chồng dăm bữa nửa tháng rồi vù mất. Tôi ngớ ngẩn hỏi, sao không đăng ký kết hôn thì cô ta nói lấy đâu ra chính quyền với con dấu đỏ giữa rừng sâu, với lại ai dại làm chồng những người đàn bà loại như Bống. Bất ngờ Bống hỏi tôi là vì sao tôi có số điện thoại của cô ta. Tôi không thể nói dối, lại không thể nói thật vì lờ mờ nhận ra mối quan hệ không bình thường giữa Bống và hắn. Hắn, nói gì thì nói là thủ trưởng của tôi, tôi còn nằm trong bàn tay hắn. Thế nên tôi không trả lời mà hỏi: “Cô có biết hắn không?”. Một lúc lâu sau Bống đáp: “Không. Không biết”. Xong, đứng nhanh dậy, lí nhí chào tôi rồi đi như chạy ra khỏi phòng, đến thềm thì sững người quay lại nhìn tôi. Trong mắt Bống có cả giận dữ lẫn buồn bã. Vì cái nhìn ấy mà tôi đuổi theo Bống, kéo cô ta trở vào phòng. Nói thực lòng việc làm của tôi là từ thiện, chỉ là muốn che chở, an ủi cô ta. Anh tin hay không, thì tùy.

Lần thứ hai, Bách nói câu ấy và nói xong cũng gục đầu xuống ngực, cũng thở hổn hển. Tôi nói, chẳng biết sao giọng sẵng lên:

- Tôi tin anh. Kể tiếp đi.

Bách uể oải:

- Đêm ấy tôi và Bống nằm với nhau trong phòng ba lẻ một. Lần đầu tiên tôi biết cái thứ ấy ngoài tình yêu nó tẻ nhạt, nó gượng gạo thế nào. Xong việc, tôi chợt nhớ hắn và hỏi Bống và hắn quan hệ thế nào?. Tôi vừa dứt lời Bống đã ngồi bật dậy: “Hắn là thằng chồng ngày xưa”. Rồi cô nói tiếp, giọng không còn cái nét riêng từng làm xúc động tôi mà nó dồn lên, tức tối và khô khan. Bống nói rằng, đã ba lần hai mẹ con cô ta tìm đến hắn, nhưng hai lần hắn quay lưng, một lần hắn lánh mặt. Tôi mới hỏi là giờ Bống định thế nào thì cô ta không đáp mà đi vào nhà tắm dội nước ào ào như mưa giông. Sáng hôm sau tôi về không gặp Bống. Hỏi mấy cô lễ tân, được biết Bống đi công tác. Đáp xong, thì nháy mắt với nhau, cười.

Bách bỗng nhặt đá dưới chân ném liên tiếp xuống suối. Hoàng hôn nhuốm tím đỉnh rừng. Bầu không khí chung quanh chúng tôi tĩnh lặng đến rợn người. Bãi cỏ gianh cạnh chỗ chúng tôi ngồi xanh ngợp lên. Từ bữa Bách đột ngột tìm đến tôi, hôm nay chúng tôi mới có dịp ngồi riêng với nhau.

- Anh còn thuốc không? - Bách hỏi.

Tôi bảo không còn. Bách nói là hỏi thế thôi chứ anh ta chẳng nghiện thứ gì. Một lúc sau, Bách ngước nhìn tôi, hỏi:

- Nếu là anh, anh có hỏi hắn về quan hệ giữa hắn và cô Bống không?

Tôi đáp:

- Có. Cứ phải rõ ràng, rành mạch ra.

- Đấy... ở biển về, tôi nói chưa mua được đất vì người ta bảo chưa xong quy hoạch. Rồi tôi hỏi hắn, có quen ai tên là Bống không thì hắn lắc đầu và dài lưỡi hát: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta...”. Xong, cười hềnh hệch và bỏ đi. Một bữa nọ nhân lúc hắn đang vui vì ký được cái hợp đồng bán đá giăm 2 x 4 béo bở, tôi mới nói: “Cô Bống gần ba mươi rồi mà xinh đẹp như gái hai mươi ấy”. Hắn quay phắt lại nhìn tôi: “Cậu ăn nằm với cô ả rồi phải không?”. Tôi chống chế: “Không!” và thêm: “Làm gì có chuyện đó”. Hắn hỏi: “Thế cậu nhắc cô Bống làm gì, hả?”. Tôi thấy ghét hắn ta. Dốc chén rượu vào miệng, tôi nói: “Để ông nghĩ lại trách nhiệm của ông đối với mẹ con cô ấy. Vì ông mà Bống làm cái nghề chó má ấy”. Tưởng hắn sẽ nghĩ, nào ngờ hắn đập tay xuống bàn, rít lên: “Trách nhiệm cái con khỉ. Thế bọn cave lượt thượt ở các khách sạn cũng vì tôi chắc? Ăn với nói, vớ vẩn”. Máu bốc lên mặt, tôi mới toạc ra rằng, hắn đi tìm thú rừng ở thung lũng Nậm Na, ăn nằm với Bống, Bống mang thai, Bống bị lãnh đạo Công ty đuổi khỏi Đội trồng cao su, Bống nuôi con khổ cực, Bống túng thì Bống tính. Hắn bật dậy, giọng ráo hoảnh: “Ai bảo đứa bé ấy là con tôi? Chỉ có những thằng ngu như ông mới tin vào mồm miệng bọn gái cave”. Tôi nói, tôi không biết họ, tôi chỉ biết mỗi Bống. Hắn bỗng cau có, rít lên: “Thế thì mày đi với cô ta. Đi đi”. Tôi chưa kịp mở miệng thì hắn đã ra khỏi phòng, nhoáng cái không thấy đâu nữa. Tôi ngồi ôm đầu rồi nhận ra, sáng dần ra là Bống đã len vào mối quan hệ giữa tôi và hắn như một sự sắp đặt của tạo hóa. Lại nghĩ, tạo hóa sinh ra con người ta lập trước cho mỗi người một cái đĩa mềm chứa chương trình rồi thì bỏ mặc. Mọi thứ có thể qua, tôi và hắn lại như cũ, vừa bè bạn vừa thủ trưởng với nhân viên, nếu tôi dứt bỏ suy nghĩ về Bống nhưng tôi đã không làm được điều đó. Hắn đối xử với tôi lầm lì, khắt khe đến trôn kim. Bẵng đi một dạo hắn thông báo sẽ chuyển lên tỉnh. Một vị nào đó, ở đâu đó, làm chức gì đó đã đề bạt hắn lên. Và nữa, hắn sắp cưới vợ. Vợ hắn là cháu của vị ấy, làm việc gì đấy ở Ban Tổ chức. Bất chợt, tôi nhớ làng, nhớ sông Duềnh, nhớ Núi Đá có căn nhà chăn nuôi súc vật của hắn. Nỗi nhớ làm tôi nổi bất bình. Thời buổi này đẻ ra loại người như hắn, loại người không phải đi bằng hai chân. Tôi đã không tỏ ra vui mừng trước cái tin mới mẻ kia mà còn nhăn trán, khịt mũi, mà còn nhắc hắn về chuyện Bống và đứa con của hắn. Hắn thở hộc ra, mặt rung nổi cục, ném vào tôi những lời lẽ thô tục tôi chỉ nghe hồi còn ở làng cùng hơi thở có mùi bột đá của hắn: “Tôi từng nghĩ đến một lúc tôi sẽ tâng ông lên chức phó, nhưng nay thì thôi cái con mọt. Đồ ăn cháo đái bát. Đồ mắt nhìn không quá mũi. Đồ đĩ trai nhìn cái l... con gái to hơn tiền của...”. Nhiều nữa, tôi không nỡ làm bẩn tai anh.

- Không sao. Vài câu vậy cũng vẽ được chân dung hắn rồi - Tôi nói.

Bách cười méo mó. Đoán anh ta đang xúc động, tôi ngoảnh nhìn chỗ khác, mắm môi lại, tôi làm nghiêm và lắng tai. Bách nói tiếp:

- Hắn chửi tôi một thôi, một hồi. Tôi không một lời ra, tức quá không nói được. Đã đến lúc tôi không chịu nổi hắn. Về phòng riêng tôi ngồi ngay vào bàn viết đơn xin thôi việc; xong trở lại phòng hắn xòe ra trước mặt hắn. Hắn liếc qua rồi trố mắt hỏi: “Nghĩ kỹ chưa?”. Tôi đáp: “Rồi”. Hắn nhìn tôi từ đầu đến chân, cứ như tìm biết cái gì đó trong tôi nhưng không tìm ra, hắn nhăn trán, môi trễ xuống rồi hắn nói cái cụm từ chỉ nghe trong quán xá: “Phút mốt”. Xong rút bút ký roạt một chuỗi vòng vèo. Từ phòng hắn ra, tôi cảm thấy thật bơ vơ, thật cô đơn. Tôi mới nhảy xe xuống bãi biển Cát Vàng. Một cái gì đó không rõ ràng, rành mạch ra được cứ thôi thúc tôi tìm Bống. Bống không ở đấy nữa. Tôi ngủ lại cái khách sạn ngày trước, trong cái phòng ba lẻ một ngày trước. Bảo là thức trong phòng ba lẻ một thì đúng hơn. Ngồi hút thuốc liền tù tì, muốn suy nghĩ mọi chuyện cho ra nhẽ, tính mọi việc cho ra nhẽ nhưng cái nọ xọ cái kia, đầu óc tôi cứ mông lung, mù mịt. Sáng ra, tôi rời khách sạn, tính chuyện về làng mới sực nhớ làng không còn nữa. Nhà máy đá ốp lát kéo dài chạm nước sông Duềnh. Khói và bụi đá khiến dân làng phải bỏ đi nơi khác. Mẹ tôi theo chị gái ra Hà Nội từ đầu năm, bảo khi nào tôi có vợ bà mới về. Đời tôi nó chó thế, thoắt cái ra bơ vơ. Thế nên tôi tìm tới anh. Anh giúp cho tôi một việc gì đó để làm. Việc gì cũng được, gác cổng, quét chùi nhà vệ sinh hoặc cuốc đất trồng cây... Việc gì nó làng quê, bùn đất, tre pheo hợp với tôi hơn.

Tôi nói sẽ nhận Bách về phòng hành chính. Tôi và anh ta dù sao cũng có dính dáng bà con, họ tộc. Chẳng là, người đẻ ra cố tôi là anh em con chú, con bác với người đẻ ra cố ngoại Bách.

Trời sẫm tối, gió từ trong rừng tràn ra lành lạnh, tôi nắm tay Bách kéo dậy. Dọc đường về, tôi hỏi:

- Vậy là cho đến nay cậu không gặp Bống?

- Có chứ. Hôm ấy buồn và ngán ngẫm, đến bạn bè sợ lây cái buồn, cái ngán ngẫm sang họ, tôi chạy xe máy lên thị xã. Rồi chân đưa vào một quán bia gọi một chai Huđa và một đĩa lạc luộc. Tôi uống nhâm nhi và nhìn thiên hạ nhốn nháo, nhìn những cô gái váy ngắn, chân cẳng trắng muôn muốt lượn lờ trước mắt. Nhớ có ai bảo, đấy là đội quân săn bắt xếp. Tôi ngẩng lên và nhìn ra Bống. “Anh đêm Cát Vàng...”. Rõ là Bống không biết tên tôi. “Phải” - Tôi đáp và hỏi: “Cô Bống ở đây ư?” - “Em đi với xếp. Họ đang uống trong kia kìa”. Bống khoe với tôi là đang làm phó giám đốc Nhà khách tỉnh. Lại một vị nào đấy, ở chỗ nào đấy, làm việc gì đấy tâng Bống lên. Tôi nghĩ và đáng ra phải mừng cho Bống, đằng này lại thấy hụt hẫng, rồi thì thấy tức tối, rồi thấy như cả thiên hạ đều giả dối với mình. Tôi uống cạn cốc bia, nói: “Hắn... thằng chồng của cô cũng lên tỉnh rồi. Hãy tìm gặp nhau và nối lại cái tình mèo mả, gà đồng đi”. Nói xong, tôi đứng phắt dậy, quay ngoắt. Bống chôn chân, người run lên... Anh bảo, tôi nhẫn quá phải không.

Tôi nói:

- Tìm gặp lại Bống mà xin lỗi cô ta đi.

Bách nói:

- Tôi gặp lại Bống à?

- Tôi không biết - Tôi nói bơ vơ và bước vượt lên. Tôi muốn chấm dứt câu chuyện, xét cùng chẳng dính dáng gì đến mình.

*   *

 Công ty xây dựng số I của tôi lưng vốn non bốn tỷ đồng mà có tới bốn trăm lẻ bảy công nhân. Đã thế, thời buổi làm ăn lại nhốn nháo, nhậu nhặng, mờ mịt sương khói. Để có một công trình phải xoay, phải ngớp hàng tháng ròng. Tôi quên chuyện Bách kể lúc nào cũng chẳng hay.

Một hôm, tôi tình cờ đọc báo, thấy mục “Câu chuyện an ninh” kể một Giám đốc doanh nghiệp chân quê vừa nhảy lên tỉnh đã bị các cô em trong đội quân săn bắt xếp đưa vào vòng tay, rồi tống tiền đến nỗi phải phá sản. Nếu chỉ thế, những câu chuyện an ninh ngày nào cũng nhảy múa trên các trang báo thì tôi đã vứt tờ báo sang một bên để tìm giấc ngủ, nhưng cạnh đó có thêm một bài khác kể lúc công an đột nhập vào quán Bằng lăng tím nơi đội quân săn bắt xếp trú ngụ có cả Nguyễn Hoàng Bách, cán bộ Công ty xây dựng số I của tôi. Vậy là rắc rối to. Dính dáng đến gái gủng, quán xá đêm hôm là tội chứ chẳng chỉ leo lẻo đầu cửa miệng. Tôi vội vàng gọi điện xuống phòng Hành chính bảo gặp Bách. Vừa lúc Bách đến. Mặt Bách tươi tỉnh như vừa thắng lợi việc gì đấy.

- Mọi việc chuẩn bị cho ngày khởi công Nhà khách Công đoàn đã xong. Chu đáo tuyệt vời đến cả hoa hồng bạch - Bách thao thao.

- Im đi! - Tôi cáu kỉnh và ném tờ báo vào người anh ta.

Bách điềm tĩnh, thậm chí còn nhếch nhếch khóe miệng:

- Tôi đọc rồi. Chúng nó ăn tiền hắn rồi viết vớ vẩn đấy mà. Tôi đã gặp Tòa soạn báo, họ hứa sẽ in bài nói lại.

Tôi hỏi:

- Thế tay giám đốc ấy, các cô gái trong Bằng lăng tím ấy là ai?

- Làm sao tôi biết được họ là ai. - Bách trả lời, khóe miệng càng nhếch lên làm tôi nổi cơn tức:

- Cười cái con khỉ. Nói đi. Anh có dính vào vụ việc ấy không?

- Không. Tôi chẳng dính.

- Thế cô Bống anh từng kể với tôi?

- Cả Bống nữa, chẳng dính. Thủ trưởng yên tâm.

- Thế thì tốt - Tôi lấy lại bình tĩnh.

Bách nói:

- Thì thế, rồi xoắn xoắn những ngón tay vào nhau, ra vẻ rụt rẻ - Anh ạ, cô Bống... muốn đến chào anh.

Tôi ngạc nhiên:

- Cô Bống? Cô ta làm ở Nhà khách tỉnh, gặp tôi làm gì?

Bách nhanh nhảu:

- Cô ấy đi khỏi nhà khách rồi. Tôi cũng không thích Bống làm ở đó. Báo trước với anh, qua trưa Bống sẽ lên chào anh. - Nói xong thì đi nhanh ra cửa như lánh những câu hỏi của tôi.

Tôi ngủ dậy được một lúc thì Bách dẫn Bống lên. Không thể không nói là một cô gái xinh đẹp, đặm đà từ mắt mũi đến dáng đi, giọng nói. Bách bảo sẽ cưới Bống và xin được tôi chấp nhận. Tôi nói, tôi chẳng có quyền gì để chấp nhận hay không chấp nhận việc công nhân cưới vợ, lấy chồng.

Hai ngày sau, đám cưới luôn. Một tuần sau Bống đón con trai đến. Thằng bé tên là Lâm, sáu tuổi, kháu khỉnh và dĩ nhiên không có nét gì giống Bách. Thật không tiện nếu tôi nói là Bách đã đưa được Bống ra với cuộc sống, Bách đã bao dung một đứa bé không phải con mình. Tôi hứa sẽ lo nơi ăn chốn ở và công việc cho Bống. Thế nhưng đang đận khó khăn tôi chẳng giúp được vợ chồng Bách bao nhiêu. Nhờ làm ăn chăm chỉ và Bống tiết kiệm đến mức tròn hạt mít nên hai năm sau ngày cưới họ có một căn nhà xây tường lợp ngói xinh xắn. Chẳng ai nhắc quá khứ của họ, còn họ nhớ thì chắc hẳn, nhưng có bị nó ám ảnh không thì tôi không biết. Có điều, nhìn cử chỉ, nghe giọng nói biết được họ sống êm ấm và tự chủ lắm.

Công ty của tôi có thêm mấy hợp đồng xây dựng mới, tiền nong rủng rỉnh hơn. Theo cái rủng rỉnh ấy là những nụ cười trên những khuôn mặt già, những khuôn mặt trẻ. Một bữa, tôi cùng Bách đến nhà máy đá ốp lát để đặt mua ba ngàn mét vuông Granit hồng. Xe chạy men bờ sông Duềnh, đến mố cầu xi măng sang Núi Đá, Bách xin xuống bảo là để nhìn sông Duềnh một lát. Xe dừng, Bách giẫm phứa lên những bụi cây dại chạy xuống bờ sông. Tôi nhìn ra một bãi đất rộng nghiêng nghiêng xuống dòng nước đục ngầu, thoi thóp, giữa những bãi cỏ, những lùm cây lúp xúp nhoi lên một vài cây cau, vài bụi chuối, dăm nhành tre gầy guộc, đây đó hiện lên những mảng xi măng xám xịt. Tôi đoán trước kia đây là làng, chắc cái làng một lần nào đó Bách kể dân không chịu nổi bụi và khói của nhà máy đá ốp lát phải bỏ đi nơi khác.

Bách trở lên, nói:

- Nhà tôi xưa kia ở chỗ cây cau có hai tàu lá vàng kia... - Bất ngờ anh ta kêu lên. - Ơ kìa! Có ai đứng bên giếng nước?

Quả có ai đó đang bặn người trên thành cái giếng hoang. ánh nước, chắc từ trong lòng giếng hắt lên, loang loáng. Không thể nhận ra đàn ông hay đàn bà. Mái tóc dài xõa xượi thì vẻ đàn bà nhưng tấm lưng trần với hai cánh tay dài chống vào thành giếng thì dáng đàn ông. Có gì phải bận tâm về một người nào đó đứng ở một chỗ nào đó. Tôi nghĩ và giục Bách lên xe. Vừa lúc ấy bỗng nghe tiếng con người kia:

- Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta... - Tiếng hát nghe buồn da diết.

Bách bỏ tôi chạy về phía con người kia. Được một quãng, anh ta đứng sững. Rồi quay trở lại.

- Người quen à? - Tôi hỏi.

Bách không trả lời, chui vào xe. Từ đó cho đến lúc đến nhà máy đá ốp lát anh ta im như thóc, thượt mặt, già hẳn ra. Tôi không hỏi gì thêm, tôi nén cái tò mò lại để thử anh ta thế nào. Xong công việc, dọc đường về lúc qua làng cũ, Bách thò đầu ra cửa xe. Tôi nhìn theo hướng anh ta, chỉ thấy lúp xúp cây cối trôi chuồi xuống sông Duềnh. Không còn con người bên cái giếng hoang với tiếng hát buồn.

- Bống, bống! Bất chợt, tôi buông giọng.

Bách bỗng nói:

- Hắn. Hắn đấy anh ạ. Xét cùng là vì tôi.

Tôi bực:

- Chuyện bọn anh cứ ngoắt ngoéo thế nào ấy.

Bách nói:

- Nó rõ ràng chứ.

Rồi kể, sau hôm gặp Bống ở quán bia, tâm trạng Bách càng nặng nề hơn. Anh ta đến khách sạn Sông Hằng gặp Bống xin lỗi. Bống bảo Bách không có lỗi, chỉ Bống mới hư hỏng, chỉ Bống mới có lỗi, còn nói Bách yêu thương Bống mới nổi cơn tức bực lên thế. Rồi họ nói về con trai Bống, tức con trai hắn, nói về Bống, nói về Bách, nói về ngày mai, ngày kia. Hôm ấy, Bống cho Bách biết mụ Diệu và mấy cô gái ở quán Bằng lăng tím biết hắn sắp được đề bạt mới mang băng ghi âm, ghi hình những cuộc chơi của hắn ra bán cho hắn với giá chưa từng có. Bách nói, có cách gì giúp hắn không, nói mà trong bụng lại nghĩ, cho hắn thế càng sáng mắt ra. Thế nên Bách không nói  còn Bống thì im lặng, và dường như cả hai người âm thầm vấn an mình là hắn đủ sức xoay xở...

Bách thống thiết:

- Có phải tôi và Bống sai không?

Tôi không đáp mà nói:

- Thôi, tựa vào thành ghế ngủ lấy một giấc.

Bách ngả người nhắm mắt lại. Không biết anh ta ngủ hay thức./.  


Bình luận