Cách đây không biết bao nhiêu năm, tôi tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học. Định bám đất thành phố nhưng rốt cuộc phải lủi thủi về quê vì hoàn cảnh gia đình một vợ hai con đang ăn nhờ ở đậu nhà bà o ruột bị bệnh lãng tai. Đang thời người ngồi bàn giấy nhiều hơn người cầm cày, cầm búa, tôi lang thang hàng năm trời không kiếm được việc làm. Tính chuyện lên rừng đào vàng hay tầm trầm hương tìm vận may trời rơi xuống, chưa tính xong thì gặp một người. Hỏi, biết tôi đang thất nghiệp, ông ta bảo đưa hồ sơ cho ông. Thật may là trong cái túi xách kè kè bên hông bao giờ cũng thủ sẵn các loại giấy tờ, mới lập cập móc ra. Ông xòe giấy ra giữa bàn, rút bút ký xoạch một chữ dài ngoằng. Xong, bảo:
- Mai đến tôi giao việc.
Tên ông là Huỳnh, Nguyễn Minh Huỳnh. Đi đánh giặc hàng chục năm rồi về quê nhì nhằng đủ mọi nghề, đến thời cơ chế thị trường người ta lập một công ty sản xuất thức ăn gia súc và ông được làm giám đốc. Vợ con ông ở tít mù dưới miền biển. Một mình một phòng, ông sinh bệnh làm thơ Đường luật. Vì thế mà ông mau mắn nhận tôi, chẳng là tôi từng có thơ in báo này, tạp chí nọ. Công việc của tôi là căn cứ vào thành phần, tên gọi từng loại thức ăn gia súc viết thành thơ lục bát, in lên những mảnh giấy nhỏ rải vào bất kỳ chỗ nào có thể. ấy thế mà có tác dụng. Nhiều lắm người theo thơ tôi tìm tới công ty mua hàng. Một hôm ông bảo tôi đến Hội Văn liên hệ mở cuộc thi thơ viết về đề tài thức ăn gia súc. Chủ tịch Hội là người tôi từng gặp: anh Toan. Anh nhận ra tôi trước:
- Cậu Thực đấy ư?
Tôi xúc động:
- Vâng, em là Thực đây.
Anh giang rộng hai cánh tay như muốn ôm chầm lấy tôi, rồi lại như nhớ ra vị thế xã hội của mình không cho phép được suồng sã, vội thõng tay xuống, cất giọng hỏi:
- Lâu nay làm gì? ở đâu?
Tôi nói tôi làm cái này, cái nọ ở chỗ này chỗ kia. Nghe xong, anh có vẻ trầm ngâm:
- Làm việc gì cũng được, càng vất vả càng có vốn sống, thơ càng hay. Thỉnh thoảng tôi có đọc thơ cậu in trên báo. Viết có nghề lắm. Nhưng, nhạt. Phải dấn thân, trung thực, vô tư. Thơ phải nóng hổi hơi thở cuộc đời.
Tôi hỏi anh về cái Hội của anh là nó trực thuộc ai, nó ngang với loại cơ quan, đoàn thể nào thì anh cau mặt lại nói:
- Đáng ra cậu phải hỏi những ai ở trong Hội tôi, những người ấy cái đầu, quả tim ra sao. Con người, cậu hiểu chưa? Tổ chức gì thì cũng do con người làm nên, con người quyết định. Lúc này cậu bảo cậu làm ở đâu? ở Công ty thức ăn gia súc à? Chịu khó làm việc.
Tôi mới nói điều ông Huỳnh yêu cầu. Anh ngã người ra cười.
- Dễ ợt. Cứ đưa bản thảo sạch sẽ sang đây. Tôi sẽ giao cho tay Quýnh nó lo. Cậu chưa biết hắn. Trẻ, tháo vát. Mà cậu cũng nên nói với lão Huỳnh bỏ cái “thằng đường luật” đi. Thế kỷ hai mươi hết rồi còn niêm luật, bằng, trắc; tức anh ách.
Cứ liền liền thế, chuyện này bắt sang chuyện khác, tôi không còn nghe rành mạch ra chuyện gì nữa. Định hỏi anh lệ phí làm sách, nhưng chưa kịp mở miệng thì anh đã đứng dậy vừa nói vừa nắm tay tôi kéo đi:
- Sang bên này gặp Quýnh, người tôi vừa nói ấy.
Tôi theo anh như một cái máy. Hội ở trong một vùng đất rộng cây cối như rừng. Những lối đi ngoằn ngoèo, lúc này đã quá chiều, phủ đầy bóng râm tím sẫm. Chúng tôi bước vào một căn phòng sáng lờ nhờ. Một người nhìn không rõ mặt ngồi lọt thỏm trong ghế sa lông bọc da.
- Phòng phành gì tối om thế này hả? - Anh vừa nói vừa đi đến bên cửa sổ kéo những tấm vải rèm. ánh sáng yếu ớt ùa vào phòng.
Người ngồi trên ghế sa lông nói:
- Em vừa đi Công ty Gradimex về. ở đó người ta làm ăn như bão lốc.
Không quan tâm người ngồi trên ghế nói gì, anh Toan nói:
- Anh Thực ở bên Công ty thức ăn gia súc. - Rồi chỉ tay sang con người ngồi trên ghế bây giờ tôi đã nhìn rõ ra là một thanh niên cao to, trán hẹp, mắt lanh lợi, tinh ranh, đôi môi mỏng và đỏ hồng như môi con gái, nói tiếp - Anh Quýnh, Chánh văn phòng.
Quýnh đưa tay ra. Chúng tôi bắt tay nhau. Cái tên Quýnh cùng cái trán hẹp, cái bàn tay không có ngón út nhói lên trong đầu tôi và tôi nhớ ra tôi đã gặp Quýnh, rõ là tôi đã gặp anh ta rồi, không nhầm được rồi. Bấy giờ là mùa hè năm 196... Cái năm suốt dải đất quê tôi bom đạn tơi bời. Cơ quan X tuyển tôi vào đội tuyên truyền. Đội gồm bốn người, anh Tý làm đội trưởng, tôi và hai cô gái xinh đẹp có giọng hát tuyệt vời. Công việc của chúng tôi là về các thôn xóm loan truyền tin chiến thắng của bộ đội ta ngoài mặt trận. Bữa ấy chúng tôi về làng Chành, vừa treo được cái loa to như cái nón lá lên cây mít, ngoảnh xuống cái đài Ô riông tông dùng thay micơrô đã biến mất. Bốn phía chung quanh thì vẫn lặng phắt chỉ có tiếng kẽo kẹt trong lũy tre ngoài ngõ. Anh Tý mặt xanh như đít nhái. Mất đài thì còn loa, hô cái gì nữa, lại không biết lấy đâu ra mà đền cho tổ chức. Lơ ngơ bị kỷ luật nặng. Bà Mận chủ nhà hiểu sự tình ra tận đầu ngõ một tay kéo tốc váy lên tận háng, một tay khua khoắng cất giọng gần như du dương chửi:
- Cha tiên sư tam đại, tứ đại, ngũ đại cái quân siêng ăn nhác làm. Siêng ăn nhác làm thì ỉa cái cứt ra mà nuốt, đái cái nước ra mà uống. Siêng ăn nhác làm thì xé bao bố mà mặc, nhặt lá rụng mà nằm. Trăm năm, nghìn năm, triệu năm chịu đói, chịu khát, chịu rét, chịu cóng đừng lóng ngóng, tắt mắt lấy của người về làm của mình. Bà thì bà nói cho mà biết, bà chửi đến khi bà chết, con bà thay bà chửi, cháu bà thay con bà chửi cha cố tằng tổ quân ăn cắp. Bà thì bà đắp cứt lên mặt, đắp đất lên đầu cho thằng, con ăn cắp thành trâu, thành lợn, thành chó, thành mèo, cho trèo cây gai, gai cào mù mắt, cho ma bắt xuống vạc dầu địa ngục... ơ cái thằng chết băm, cái con chết vằm! Khôn hồn thì mang cái đài của cán bộ trả về cho cán bộ...
Chúng tôi phải ôm lấy bà dẫn vào nhà bà mới nguôi cơn hậm hực. Chừng gần trưa khi mặt trời hừng nóng thì một người đàn ông dắt tay một đứa chừng hơn mười tuổi đi vào ngõ bà Mận. Ông trao cái đài cho chúng tôi, líu ríu nói lời xin tha tội cho thằng Quýnh.
Rồi ông chụp năm ngón tay lên cái đầu trọc của con, hét:
- Xin chào các cô, các chú đi.
Thằng Quýnh đưa bàn tay ngón ngắn cũn vuốt từ ngực xuống quá bụng, nói:
- Có con c... đây nì...
Chuyện trẻ con trộm cắp, làng nào, thời nào chẳng có, hơi sức đâu mà nhớ. Có nhớ thì cũng là bất chợt, rồi quên. Thằng Quýnh làng Chành biến khỏi đầu tôi hàng chục năm nay. Trời dun đất dủi hắn gặp tôi. Bất giác tôi bật cười, còn mắt thì cứ trân trân nhìn Quýnh, mà khuôn mặt hắn cứ nhòe ra mà cứ hiển hiện khuôn mặt thằng Quýnh ngày xưa. Tôi buông giọng:
- Hồi chiến tranh tôi ở trong nhà bà Mận, gặp cậu rồi.
Quýnh mở to mắt, mặt đỏ rậng. Có thể hắn không nhớ nữa, có thể hắn cố tỏ ra không nhớ nữa:
- Làm gì có chuyện ấy. Mà bao nhiêu là năm, là tháng rồi. Thế ra anh ở Công ty thức ăn gia súc thuộc cái sở phân tro, giống má đấy à?
Tôi nghe ra vẻ giễu cợt trong giọng nói của Quýnh, mới tức mà tồ tồ ra cái chuyện mất đài, chuyện bà Mận chửi như hát, chuyện hắn trật cái của quý cho chúng tôi.
Quýnh nổi cáu:
- Chuyện thời tám hoánh ông còn mang trong bụng, nhét trong đầu thì còn trí khôn đâu mà lo công tác.
Tôi đắng họng. Rồi nhận ra mình suồng sã quá, mình ngoa ngoắt quá. Mới gặp nhau đã tuốt tuột ra những điều bốc mùi khẳm, gì thì anh ta cũng là Chánh văn phòng Hội. Tôi vội vớt vát:
- Thời ấy vui vẻ, hồn nhiên...
Quýnh dằn cái cốc thủy tinh đựng nước xuống mặt bàn. Anh Toan cười cười nói sang chuyện làm sách. Nhưng lời anh trở nên lạc lõng. Văn chương thì cõi thiêng mà chuyện giữa tôi và Quýnh thì cõi tục. Tôi đứng dậy lấy cớ đường xa, xin về trước. Màn đêm đã buông tự lúc nào. Không khí oi nồng. Từ đâu đó vọng lại tiếng sấm ầm ì, tức tối và nhọc nhằn. Không nhìn rõ những lối đi giữa Hội Văn tôi cũng không nhận ra cái Hội của anh Toan nằm vị trí nào trong thị xã. Phong cảnh tối om, âm thầm và ghê gớm chợt thoáng hiện dưới ánh chớp nhoáng. Tôi cứ ngây ngây trong người cảm giác lạc rừng. Rồi cuối cùng tôi cũng ra được đường phố chính vàng khè ánh đèn điện. Tôi đi chậm lại, rủa mình đã đối xử với Quýnh không lịch sự, rồi tự nhủ, sẽ gặp lại Quýnh để nói là buột miệng ra vậy chứ không có ý tứ, bụng dạ gì đâu. Nhưng từ hôm ấy cho mãi về sau này tôi đã không nói.
Công việc tôi ngày mỗi nhiều. Ông Huỳnh không hiểu sao nổi máu báo chí giao cho tôi làm một tập san lấy tên “Sinh trưởng” dày 80 trang cỡ 18 x 26cm đủ các thể loại: Thơ, văn xuôi, tranh, ảnh, chuyện vui... Tập đầu ra mắt bạn đọc, ông vui lắm. Ông nói cái giọng của người việc gì cũng biết, việc gì cũng hơn người:
- Chú có năng lực báo chí đấy. Khá. Hơn đứt mấy thằng cha làm báo chuyên nghiệp ở tỉnh này. Nhưng ở đời “nhất nghệ tinh”, chú phải đi học tiếp cho anh lớp báo chí hai năm.
Tôi nói hoàn cảnh gia đình, vợ dạy học ba cọc ba đồng tiền lương, hai con còn nhỏ, nhà cửa chưa có phải ở nhờ, mỗi việc cho bà o lãng tai nghe mình nói gì cũng đã phát ốm lên rồi. Nếu tôi dừng lại đấy không nói thêm rằng, nhiệm vụ chính trị của công ty không phải là làm báo cho hơn thiên hạ, thì chắc ông không nổi giận và số phận tôi chắc đi theo hướng khác. Nhưng tôi đã nói vậy, giọng lại có vẻ răn dạy nữa. Thế nên ông nổi khùng. Ông đập tay xuống bàn, nói mà như thét:
- Chú dạy tôi hả? Một, đi; hai, chuyển cơ quan khác.
Tôi gặp anh Toan cầu cứu anh nói giúp với ông Huỳnh một lời, nghĩ trong hàng ngũ lãnh đạo với nhau, ông Huỳnh sẽ nghe. Nhưng anh Toan bảo:
- Cố gắng lên. Học thêm được chữ nào hay chữ ấy. Thời đại này là thời đại tri thức, kẻ không có tri thức sẽ bị bật ngay ra khỏi guồng máy xã hội, sẽ không làm ra cái gì có ích cho nhân dân đâu. Như tôi đây, tốt nghiệp đại học trong chiến tranh, rồi tốt nghiệp đại học sau chiến tranh vậy mà đụng vào đâu vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó. Nên vẫn tiếp tục học. Cậu biết chứ?
Làm sao tôi biết anh thiếu cái gì, phải học thêm cái gì, hai cái đại học anh đã học nó ra làm sao. Quanh tôi khối người bằng đỏ này, bằng xanh nọ để lấp ló trên túi áo ngực nhằm khoe với thiên hạ chứ chữ nghĩa đong chén hạt mít vừa vơi miệng. Họ chưa học hết lớp mười cũ, lớp mười hai mới mà tốt nghiệp đại học, chưa ngồi ghế đại học một ngày mà thành tiến sĩ. Thật không hiểu ngô khoai ra làm sao nữa. Hỏi cái gì họ cũng ngớ ra một lúc rồi thì cao giọng: “A... ông hỏi tôi phải không nhỉ? Hãy mằn mò học đi để biết. Đấy cũng là một cách học. Đừng ăn sẵn mà quen nết”. Cứ thế, họ dùng cái này khỏa lấp cái kia, kẻ như tôi cứ thấy mù mịt. Tôi nghĩ lung bụng, một chập vậy, ngửng lên đã không thấy anh Toan đâu nữa. Không phải nghe lời khuyên của anh Toan nhưng không có lối khác, tôi phải đi học. Năm về dăm bảy lần, tôi chỉ luẩn quẩn ở nhà không đi đâu, không tiếp xúc với ai.
Nói thực khiêm tốn, tôi có năng khiếu văn chương báo chí và cũng thuộc loại thông minh. Hai lần tốt nghiệp đại học đều đạt loại giỏi, giỏi thật chứ chẳng phải chui luồn, nịnh nọt. Tôi rũ tóc xuống học để không phụ tấm lòng tuyệt vời của vợ đã chịu đựng khổ cực vì sự học của tôi, để nói với ông Huỳnh rằng, không có lý gì ông không dùng tôi. Vậy mà ông vẫn đối xử tệ với tôi. Ông bỏ thú đam mê thơ Đường để tệ với tôi. Ông nhận một cô gái trẻ, mặt xấu nhưng người chắc lẳn, mông tròn xoay, ngực ngồn ngộn, phập phồng, nhăm nhe thay chỗ tôi. Cái quyền lợi người ta tròn xoay ra đó, ngồn ngộn ra đó, phập phồng lên đó tôi lấy năng khiếu, lấy thông minh ra đâm có đâm hàng năm cũng không thủng được. Ngán ngẩm cho mình, ngán ngẩm cho đời. Sợ lây cái ngán ngẩm sang vợ con mới lang thang ra bờ sông rồi chân đưa vào một nhà hàng. Sờ túi thấy còn tiền, gọi hai chai bia, một đĩa lạc luộc. Uống nhâm nhi một mình và nhìn thiên hạ ồn ào, nhốn nháo chung quanh, cố không nghĩ ngợi để khoan khoái hưởng sự thanh thản... Một cái sàn gỗ nửa trên đất, nửa trên nước. Một khối thịt người nâu bóng đang ôm lên một con ba ba to tướng. Trước kia ở ven sông Duềnh trước làng tôi ba ba nhiều vô kể, trời động chúng bò lổm ngổm dưới chân người. Chẳng ai để ý đến thứ động vật máu hàn ấy. Nay nghe đâu một kilô ba ba sống hai trăm ngàn đồng bằng nửa tiền lương tháng tôi. Thịt ba ba bổ dương, bổ cả âm, đàn ông đàn bà ăn đều tốt cả. Âm dương cân bằng thì còn chi bằng. Đã thế lại ngon miệng. Bảy món, có nhà hàng làm được mười một món: da rán, sườn hấp, lòng xào chuối, gan bóp ngải cứu bọc lá lốt... Món nào có hương vị riêng của món ấy. Là tôi nghe loáng thoáng chứ đã biết chúng cay, ngọt, dai, mềm ra sao. Lại nghe, thời nay cóc, nhái, rắn rết, chồn nhím, mối dế, cào cào, châu chấu, chuột, mèo... chỉ có những người tiền lật phật trong túi mới được ăn. Có vị bảo, đấy là những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Vậy thì tôi thành người hiện đại rồi: tôi đang uống bia Huđa với đá lạnh, những viên đá vuông chằn chặn, trắng muôn muốt. Những cô gái mặc váy ngắn, chân cẳng thẳng cũng trắng muôn muốt lượn lờ quanh tôi. Không khí thoảng mùi nước hoa ngây ngây. Họ ở đâu ra. Làm sao tôi biết được trong khối người đông đúc kia ai truyền thống, ai hiện đại. Nhưng mà mùi vị bia Huế thì thật dịu dàng... Bỗng từ đâu một người kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi:
- Sao anh Thực lại một mình cô đơn thế này? - Tiếng nói lẫn với hơi rượu nặng.
Tôi nhận ra Quýnh nhưng giả vờ đang lục tìm trí nhớ:
- Anh là... A, tôi nhớ ra rồi: Anh Quýnh, Hội Văn.
- Thì chính hắn chứ còn ai nữa - Quýnh cười thật cởi mở, rồi cầm tay tôi lôi đi - Vào trong này. Anh em văn nghệ, báo chí, văn hóa thông tin đang nhậu. Có cả anh Toan nhé. Tôi chưa kịp nói lời nào thì đã rơi tõm vào một căn phòng mù mịt khói thuốc lá như sương, như mù, nồng nặc mùi thức ăn, mùi rượu và lóp ngóp những người với người.
Quýnh nói to:
- Giới thiệu với các bạn, nhà thơ Phúc Thực ở Công ty thức ăn gia súc.
- Hay lắm! ở nơi làm nên những cái dạ dày...
- Nơi nuôi cha mẹ, ông bà, tổ tiên loài người.
- Nào, chúc mừng gặp gỡ!
Những cái ly thủy tinh trên trắng, dưới nâu chen chúc trước mắt tôi.
Quýnh rỉ tai tôi:
- Phải nhập cuộc, không được tuột khỏi đường ray. Anh đừng sợ!
Tôi sợ cái gì kia chứ. Tôi sợ gì những khuôn mặt ghồ ghề, bèn bẹt, không tên, không tuổi kia. Thì uống. Thằng Thực có đủ tư cách, đủ chữ nghĩa ngồi với bất kỳ ai. Tôi nghĩ, thấy đầu nóng dần còn trong ngực thì cứ nhói lên, tưng tức. Thì uống. Một hai, ba... ly... Anh Toan cầm áo tôi kéo mạnh. Tôi ngồi xuống.
- Uống ít thôi. Chúng nó còn trẻ tuổi... - Chỉ tay theo Quýnh đang lượn giữa đám đông, anh tiếp - thằng ấy khá lắm, nhanh nhẹn, hoạt bát tận tình... - Rồi kêu lên - Cho mấy cô em hát dân ca. Chao ôi, dân ca quê mình tuyệt làm sao, nghĩa tình, thủy chung, da diết...
Một cô gái chừng hai mươi tuổi xinh xắn, tóc dài, da trắng, mắt, mũi miệng, đẹp như tranh vẽ hiện ra nơi cửa. Đám đông ồn lên như chợ vỡ. Và cô gái cứ hát, đám đông cứ ồn như chợ vỡ. Lúc sau tiếng ồn lắng xuống. Những cái miệng mở to, méo mó lười thười da ba ba đã áp hết xuống mặt bàn, áp lên vai nhau. Hình như chỉ còn tôi, anh Toan và Quýnh là chưa say.
Dò sông dò suối dễ dò
Lòng người...
Tiếng cô gái uể oải, yếu như tiếng vọng.
Quýnh ngồi xuống, nói với tôi:
- Có đến hai năm rồi em không gặp anh. Hai hay ba nhỉ? Thời gian đúng là bóng chim câu. Vậy mà anh biết không, trong thời gian ấy em đã làm xong bao nhiêu là việc. Phải không anh Toan.
- Phải. Tôi đã nói, cậu khá. - Anh Toan nhắm mắt, nói.
Quýnh nói tiếp:
- Nhiều khi em tự hỏi, không biết mình lấy đâu ra nhiều trí tuệ, nghị lực mà làm được một khối lượng công việc khổng lồ đến vậy. Anh Thực biết không, em đã xong lớp lý luận chính trị. Xong anh thạc sĩ, xong 40 bài thơ kỷ niệm ngày sinh lần thứ bốn mươi của mình. Rồi còn xong cái dự án trụ sở mới. Nói chỉ anh biết thôi nhé, dự án ấy 8 tỷ đồng mà em chạy lên được mười hai đấy. Giỏi không?
Anh Toan bỗng quay ngoắt lại:
- Chú cảm ơn ông Dâng chưa?
- Anh khỏi lo. Em là thằng chu tất. Cuộc đời này không thoáng, không chu tất hỏng việc mình ngay.
Lèo một tua như vậy rồi Quýnh bỏ đi đến bên cô gái hát dân ca, rủ rỉ chuyện gì đấy. Anh Toan ghé sát vào tôi, thì thào.
- Xong cái dự án, tôi phải làm chủ đầu tư, tôi sẽ nhận cậu về bên này lo cho anh mảng biên tập. Quan trọng là hợp với khả năng, sở trường của cậu.
Tôi thấy lòng khấp khởi, mới bạo dạn lên:
- Anh nhận ngay ngày mai, ngày kia được không? ông Huỳnh đang định đưa em về vùng Tiên Sơn chỗ tít mù trong núi Giăng Màn.
Anh trợn mắt nói:
- Bậy! Tay Huỳnh làm thế đâu được. Đối xử với trí thức vậy đâu được. Cậu cứ yên chí, sẽ không có chuyện chuyển dời gì hết.
Tôi nghe anh, thấy bình tâm trở lại. Còn ly rượu trước mặt tôi dốc vào miệng, uống xong “khà” một tiếng nghe rất sành điệu.
Anh Toan đã lại nói tiếp:
- ở bên ấy hoặc ở bên tôi hoặc ở đâu cậu cũng phải nhanh nhẹn, tháo vát như cậu Quýnh. Cái làng Chành chuyên nghề chằm tơi, may nón mà sao rơi, trăng rụng thế nào đẻ ra được một người như nó.
Tôi chợt lại nhớ lần về làng Chành xa xưa nọ. Mười mấy nóc nhà túm tụm giữa một cánh đồng trũng, có ai tơi nón gì. Có lẽ anh Toan nhầm. Rồi tôi lại nhớ ông bố Quýnh cù mì, cục mịch như một bì bột, thật thà và mù chữ. Thì là do ông tự nói ra. Nói thế này: “Tôi muốn viết cái tờ giấy xin lỗi đoàn cán bộ về chuyện cái đài Ôriôngtông nhưng nói có trời thương, tôi chỉ biết vẽ mỗi chữ ký của mình.” ờ! Thế ra, Quýnh viết trên báo tỉnh rằng, hắn làm thơ nhờ gien di truyền của người bố giỏi cả Tây học cả Nho học là bịa đặt, là láo toét. Hai cái bằng đỏ của Quýnh biết đâu cũng bịa đặt, cũng láo toét. Mà thôi, dính chi đến mình.
Chừng nửa đêm mới tan cuộc. Đám đông xiêu vẹo bíu ríu vào nhau như một xâu ếch chen chúc trèo lên chiếc xe ô tô áp vào tận cửa phòng ăn từ lúc nào. Quýnh đẩy mọi người lên xe rồi hét với người lái.
- Chở từng người về tận nhà nhé. - Rồi quay lại nói với tôi - Anh Thực đi xe đạp tự về, nhưng nhớ cẩn thận bọn xe ngựa. Anh Toan ngồi chờ tắc xi đến. Em đã gọi. Anh phải đi riêng không thể lẫn vào đám say khướt dụm dọ kia được. Quýnh bỏ ra khỏi phòng. Không khí dịu lại dẫu còn thoảng mùi thức ăn chua chua. Bên ngoài, phía dưới sông lấp lóe ánh lân tinh. Một con thuyền trôi lừ đừ. Một bóng người ngồi trước mũi thuyền, chốc chốc lại vung cánh tay lên và lúc ấy trong màn đêm bất ngờ hiện một đường sáng hình vòng cung. Xa hơn, đâu ở bờ sông bên kia nhấp nhô những hình thù kỳ dị...
Quýnh bước vào phòng không nói không rằng bồng anh Toan nửa thức, nửa ngủ bên bàn đưa lên chiếc xe chờ sẵn ngoài sân. Chiếc xe chạy lên đường lớn nhưng không vào thị xã mà rẽ ngã xuôi xuống biển.
*
* *
Cô Ngọt định thế chỗ tôi ấy hóa ra là người tốt bụng. Cô bảo nếu ông Huỳnh chuyển tôi lên rừng thì cô sẽ bỏ đi trước. Vì mê cô Ngọt mất rồi nên ông phải nghe. Nghe cô Ngọt nhưng lại nói với tôi thế này:
- Cậu vẫn là tay làm báo, làm thơ có phông lắm. Tôi sẽ tạo điều kiện cho cậu, còn cậu thì cố gắng lên, mọi việc sẽ tốt.
Thì chẳng đã có lần ông nhận xét về tôi gần gần như thế. Ngẫm ra ông cũng thuộc loại người lành tính, không thủ đoạn với người quanh mình. Từ ngày cô Ngọt về cơ quan ông vui vẻ, cởi mở hơn. Rồi một bữa ông quyết định chuyển phòng văn thư của cô Ngọt lên cạnh phòng ông, bảo để tiện việc trao đổi công văn, thư từ. Những lần đi công tác ông đưa Ngọt đi cùng, lại bảo để thuận lợi công tác đối ngoại. Nghe, tưởng như cô Ngọt là một vật hàng gì đấy ông dùng để đổi lấy chương trình, dự án vậy.
Một lần Ngọt sụt sịt với tôi:
- Anh tưởng em sung sướng lắm à?
Tôi nói:
- Tôi biết gì đâu mà tưởng với lại tượng.
Đuôi mắt cô ta kéo dài ra:
- Em giải tỏ với anh mà anh thì... Chẳng nói nữa - Nhúng nhẳng thế một lúc rồi chao đôi mắt đen lánh nhìn tôi, nói tiếp - Em sắp đi nơi khác. Có chuyện gì anh giúp em nhé.
Tôi thì giúp được ai hở trời? Thân mình còn mang không nổi nữa là thân người. Thì cũng phải nói với Ngọt một câu ngọt lành. Thế nên tôi nói:
- Đừng nản, ông Huỳnh là người tốt.
- Biết là vậy...
Ngày qua ngày chẳng thấy cô Ngọt chuyển giao gì. Vẫn mặc áo cỗ trễ, váy ngắn ngoảy mông lên ô tô cùng ông Huỳnh. Một bữa tôi nhận được cú điện thoại của Quýnh. Sau mấy câu hỏi han sức khỏe công việc, loại đối thoại giả vờ, ai cũng biết nhưng ai ai cũng dùng lúc gặp nhau, trong thư từ, khi gọi điện, lúc nhắn tin... Quýnh hỏi ông Huỳnh đi đâu, cô Ngọt có theo không? Tôi trả lời là ông Huỳnh đi đâu thì tôi không biết, nhưng có cô Ngọt đi cùng. Hai lần, rồi ba lần Quýnh hỏi vậy, tôi trả lời vậy. Lần thứ tư, sinh nghi, tôi vấn lại hỏi chuyện ấy làm gì thì Quýnh không đáp mà cúp máy. Tôi thật thà kể lại với ông Huỳnh. Ông gầm lên:
- Hắn dám theo dõi tôi à? Mà anh nữa, anh toang toác việc cơ quan ra làm gì, hả?
Tôi im thít, trong lòng đầy thắc mắc. Đang định hỏi Ngọt có quan hệ quen biết gì với Quýnh không nhưng chưa gặp Ngọt thì bà Huỳnh ở quê lên. Bà sồng sộc vào phòng Ngọt. Thôi thì đủ bậc cao thấp, đủ thứ thô tục được bà tung ra. Cụ kỵ, cố can, ông bà, cha mẹ dưới ba thước đất cũng bị đào xới lên. Người trong công ty, người ngoài công ty xúm xít vòng quanh, vòng ngoài, mặt mũi nở cả ra. Ông Huỳnh phải gọi công an khu vực tới mới dẹp nổi.
Vài hôm sau ông tâm sự với tôi như tôi từng là bạn bè của ông từ thuở nảo nào.
- Tôi nói với cậu những điều sâu kín trong lòng tôi. Lâu nay, tôi muốn coi Ngọt như con, như cháu mà con tim tôi thì cứ không nghe. Nói vậy anh hiểu. Nhưng mà giữa tôi và cô ấy chưa có chuyện sâu kín đâu. May bà vợ kịp mở mắt ra cho tôi. Có điều muộn mất rồi anh ạ. Hắn đã nắm được tóc tôi. Hắn thủ thỉ với các anh trên tỉnh. Khổ là các anh ấy nghe hắn mà không nghe tôi. Tôi sắp phải nghỉ việc giám đốc. Anh ruột hắn sẽ về thay tôi. Tôi thì chẳng còn gì để nói nữa, cũng già rồi, cũng thấy ốm o rồi. Buồn là bảo Ngọt đừng tin giọng lưỡi hắn, đừng nhận lời lấy hắn mà cô ta không nghe. Lấy hắn thì khổ cả đời. Hắn chẳng phải yêu cô Ngọt đâu. Hắn đẹp trai, ríu rít quanh hắn từng xâu các em văn công...
- Hắn là ai vậy? - Không nén nổi, tôi ngắt lời ông.
- Anh lại giả vờ rồi. Hắn là thằng Quýnh Hội Văn, chỗ anh hay qua lại đấy.
- Ra thế.
- Ra thế là thế nào? - Ông chẹn hỏi.
- Ông bảo Quýnh không yêu cô Ngọt thì cưới cô Ngọt làm gì?
- Trời đất! Cái đầu của anh, cái đầu của anh đúng là của anh... - Ông thở dài vẻ chán ngán - Cô Ngọt là cháu ruột anh Dâng. Biết chưa, hả?
Tôi nói là tôi biết rồi, rõ ra rồi cốt để ông không nổi cáu lên, chứ thực thì tôi thấy mọi chuyện rối như cái mạng nhện, cái đầu u mê của tôi không thể lần ra nổi.
- Nói không nghe thì chịu lấy tai vạ - Giọng ông, nét mặt ông lộ rõ vẻ giận hờn. Người già tình ý với ai khó giấu nổi.
Tôi nói:
- Cô Ngọt có phải trẻ con nữa đâu. Cô ấy đủ khôn ngoan để quyết định lấy ai. Với lại anh Dâng cũng đồng ý kia mà
- Anh Dâng hiểu hắn làm sao như tôi hiểu hắn. - Rồi méo mó cười tiếp - mai kia anh làm thủ trưởng chớ nhận con gái đẹp về cơ quan. - Nói xong thì đi thẳng.
Bẵng đi một thời gian tôi nhận được một cái phong bì màu mè lòe loẹt chường ườn cái chữ Tàu dịch sang tiếng ta là hai niềm vui. Mở ra lại thấy một tờ giấy nữa, màu mè cũng lòe loẹt không kém. Cỡ cán bộ trơn như tôi nhận được loại giấy ấy là giật nẩy mình. Cứ vẩn vơ nghĩ thiên hạ không còn làm việc gì nữa chỉ có mỗi cưới nhau. Người quen thân mời mình đến với hai niềm vui thì không nói làm gì, đằng này cả đời mình chưa gặp họ, họ chưa gặp mình, cũng mời. Lại nghĩ, cứ như tên tuổi mình vang vọng, được thiên hạ quý mến mà không biết. Rồi tự cười một mình. Nhiều lần đến đám cưới không biết chào ai, bắt tay ai; chẳng lẽ chào hàng ngàn người, bắt tay hàng ngàn người. Rồi phải ngó chung quanh để theo trao cái phong bì vào tay ai trong số hàng ngàn người kia. Ngồi vào bàn thì hì hụi ăn như ăn cơm cấy, chao mắt sang phải, sang trái thấy ai cũng lạ hoắc, quên cả uống nước, vội vã ra về, dọc đường có bị hỏi cưới ai thì ngẩn mặt, ngắc ngứ như thằng ăn cắp. Vừa nghĩ lẩn mẩn tôi vừa mở tờ giấy ra đọc thấy tên Nguyễn Quýnh và Phan Thị Ngọt. Sẵn điện thoại trên bàn, tôi bấm số máy anh Toan hỏi anh lúc nào đi đám cưới Quýnh. Thực thì tôi muốn biết điều gì đó trong việc Quýnh và Ngọt lấy nhau. Đôi lúc tôi cũng tò mò, bẩn tính thế. Anh Toan bảo anh làm chủ hôn. Còn bảo, anh có thơ tặng đôi vợ chồng trẻ, tôi cầm máy chờ anh lấy đọc nghe. Trong lúc anh đi lấy bản thảo thơ tôi cúp máy. Vì sao tôi xử sự vậy, tôi cũng không biết nữa. Nhiều chuyện tôi không cắt nghĩa nổi cho mình, lâu nay đã thế. Như bây giờ tôi không muốn đi dự đám cưới Quýnh và Ngọt. Mà không đi mai kia gặp nhau cũng ngượng. Cuối cùng tôi quyết định đến nhà riêng Quýnh bịa ra cái lý do gì đó. Ví như ở nhà có đám cưới cháu, hay có đám mừng thọ, có việc cất bốc mồ mả. Và lấy làm tiếc, thấy thật không phải với hai người, mong được sự thông cảm. Tự khen mình đã có mẹo vặt. Xong, đạp xe đến nhà Quýnh. Ra đến phố mới ngớ ra là không biết nhà anh ta ở đâu. Tôi đành đến Hội Văn. Láng máng nhớ lối hôm đi cùng anh Toan. Vậy mà rồi đến được. Những ngôi nhà của Hội Văn lặng phắc trong bóng đêm. Quýnh đang cởi trần xem Video. Trên cái màn hình rộng, mấy ả người Tây ăn mặc hở hang đang uốn éo như phát rồ. Quýnh tiếp tôi mà không tắt Video, mà mắt thì lúc nhìn tôi, lúc nhìn lên màn hình. Vừa may hết băng. Quýnh nói:
- Việc học, việc cống hiến là việc của cả đời, đành dành ra một khúc lo cưới vợ vậy. Cô Ngọt anh biết rồi đấy, người thì tàm tạm, chữ nghĩa vừa đủ để làm vợ. Nhưng được cái khỏe mạnh. Tôi thích loại đàn bà nồng nàn, rừng rực, đứng cách vài mét vẫn nghe thấy hơi nóng từ da thịt các ả phả ra hôi hổi. Ngọt là thứ gái như thế.
Quýnh cười. Tôi không hiểu nổi vì sao anh ta lại có thể nói những lời như thế trước mặt tôi. Quýnh đã lại tiếp:
- Tôi định yêu Ngọt thêm thời gian nữa, nhưng không cưới, để cô ấy bên lão Huỳnh thì gay.
Tôi nói lời ong, tiếng ve vậy chứ thực thì chưa có việc gì xẩy ra. Quýnh lắc lắc đầu bảo rằng, anh ta biết thế chứ không đến nỗi tình si. Bất ngờ anh ta vươn người về phía tôi, hạ giọng:
- Tôi nói điều này chỉ mỗi anh nghe thôi nhé. Anh biết không, nếu không vì cái dự án trụ sở mới thì anh Toan còn chê bủng chê eo cô Ngọt. Mà có gì quan trọng đâu. Chỉ mấy chuyện vặt vãnh xưng hô, chào hỏi. Quýnh lại lắc lắc đầu. Tôi buông giọng:
- Anh Toan đâu đến nỗi chấp vặt vậy.
- ấy... Là chuyện thế thôi chứ anh Toan tuyệt vời, cẩn thận, chu đáo. Nhưng mà tôi phải nói với anh điều này, rất bạn bè là chúng ta không phân biệt rõ tính cố chấp với thái độ nghiêm khắc... Anh từng chơi với anh Toan còn lạ gì. Cứ trái anh ấy một tý mà xem, anh ấy sẽ đào sâu chôn chặt... Mà thôi, tôi không nói nữa đâu nhé.
Tôi cũng không muốn nghe Quýnh nữa. Giọng điệu anh ta cứ loăng quăng, leo queo thế nào ấy. Tôi đứng dậy, nói:
- Ngày anh cưới Ngọt thật không may cho tôi ở quê có đám...
- Không sao! - Quýnh ngắt lời tôi - Anh đến mừng tôi trước thế này là thân thiết lắm rồi. Cảm ơn, cảm ơn.
Nào, tôi đã nói chuyện mừng rỡ đâu. Quýnh đặt vòng lên cổ tôi rồi, đành phải cởi vòng ra:
- Tôi có chút quà mọn thêm vào lễ cưới của anh và Ngọt một bông hoa - Nói xong tôi móc trong túi ra một cái phong bì trao vào tay Quýnh.
- Anh đến là quý còn cho quà cáp. Tôi và Ngọt chắc sẽ hạnh phúc vì người mừng đầu tiên là một trí thức. Thời này không có trí thức thì làm nên trò trống gì. May còn có những người như tôi như anh.
Ra tôi được Quýnh xếp cùng ghế với hắn ta. Mừng cho tôi hay buồn cho tôi.
*
* *
Sau đám cưới Quýnh và Ngọt chừng non tháng tôi nghe tin anh Toan được giải thưởng về thơ. Làm anh nhà thơ tỉnh lẻ, năm ra Thủ đô một lần đến Hội Trung ương chờ gặp các nhà văn lớn để được tự giới thiệu về mình và nghe họ hỏi dăm câu ba điều về tên tuổi, quê quán, công việc viết lách. Xong nhảy tàu về mà thấy như thế đã mãn nguyện lắm rồi. Nên anh Toan được giải thưởng là khẳng định cái vị thế các nhà thơ ở các địa phương. Mừng cho anh, trong đó có chút cho riêng mình. Tôi mua năm bông hồng nhung vội vàng đến nhà anh Toan. Nhân chuyện vui tôi sẽ xin anh được chuyển về Hội Văn...
Anh đang nằm, đầu gác lên thành ghế, mắt lim dim như ngủ. Tôi chợt nghĩ: hay chuyện anh được giải chỉ là tin đồn của kẻ xấu bụng. Đang băn khoăn thì anh thấy ra tôi. Giọng anh hồ hởi:
- Thực à! Vào đây. Bài thơ “Chiều sương giăng” đoạt giải, đúng như tôi dự đoán.
Tôi nâng bó hoa đi đến trước anh, nhìn vào đôi mắt rạng sáng của anh, không nén nổi xúc động:
- Xin chúc mừng anh
- Cảm ơn. Mình vui lắm. Làm thơ ba chục năm nay mới có sự công bằng trong thi thố. Trước đây cứ cho là thơ mình chưa hay, nhưng có những bài thơ hũ nút, nửa tây nửa ta vẫn giải này, giải kia, mới tức. Có điều, mừng đấy lại lo đấy. Rồi đây bạn đọc sẽ đòi hỏi ở mình nhiều hơn, mình làm không nên hóa ra phụ lòng tin người ta. Lại thêm chuyện nhân tình thế thái thấy ra mấy hôm nay, người không mấy thân thiết thì đến chúc mừng, kẻ gần thì vắng bặt; ngẫm mà buồn.
Bất giác tôi đưa mắt nhìn căn phòng đang chìm trong bầu không khí vắng lặng. Một phía chềnh ềnh cái tủ gương đầy ô, đầy ngăn, bíu ríu tượng thạch cao, tượng đất nung, rễ cây... những ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ, ông Di Lặc, nàng tiên cá, đại bàng cưỡi hổ mang... hai phía còn lại treo tranh màu sắc tươi roi rói. Thứ tranh người ta quen gọi tranh bờ hồ. Một lần, lâu rồi anh nói với tôi, thứ tranh ấy chẳng có giá trị nghệ thuật gì nhưng quần chúng thích, nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của họ, vậy là văn hóa rồi.
- Cậu đang nghe tôi đấy chứ? - Anh đã lại nói tiếp - Cậu nhìn lẵng hoa hồng bạch kia. Của Quýnh đấy. Đẹp không? Lịch sự không? Sang trọng không?
Tôi nói là đẹp, là lịch sự, là sang trọng. Nói xong thấy trong người bức bối. Rồi chợt nhớ, sáng nay đến rủ Quýnh đi chúc mừng anh, hắn bĩu môi, lạnh lùng: “Nói mỗi anh nghe thôi nhé. Có người bảo bài “Chiều sương giăng” thối như ruốc ấy. Chắc người ta chiếu cố, thương tình cuộc đời làm thơ của anh Toan. Miệng thế gian giỏi không. Sáng nay tôi bận. Mà tôi không đi đâu”. Ra hắn lừa tôi. Hắn muốn tôi nghe hắn để tôi không đến anh Toan. Tôi tức hắn quá, mới nói toạc ra tất cả. Anh nghe xong thì cười, cười xong thì nghiêm mặt lại:
- Làm gì có chuyện đó. Mà tôi khuyên cậu bỏ thói đâm bị thóc, thọc bị gạo đi.
Tôi thề với anh là tôi bịa chuyện tôi không làm người. Anh hỏi lại, tôi không làm người thì làm gì? Rồi rũ người ra cười làm tôi không còn hiểu ra sao nữa. Anh vẫn cứ cười. Rồi anh dạy rằng, làm người phải sống vô tư, phải có lòng bao dung; rằng anh rất hiểu hoàn cảnh tôi, thương tôi lắm. Lúc nói, gương mặt có vẻ buồn, vì nghĩ đến tôi mà anh buồn. Thấy vậy tôi nói là vợ chồng tôi cũng chịu khó, chịu thương, ngoài công việc cơ quan thì làm vườn, còn cuốc cả đất hoang bên sông trồng lúa, nhưng cái túng thiếu cứ thắt vào cổ vòng trong, vòng ngoài. Anh thở dài, đoạn nói:
- Tôi nghĩ ra một việc có thể giúp cậu. Cậu viết cho tôi một vở kịch về đề tài lịch sử. Lịch sử ta nhiều sự kiện vĩ đại chứa đựng những tình huống kịch tuyệt vời. Vậy mà chưa có ai viết được cái gì cho tương xứng. Nhìn chung quanh tôi chỉ thấy có cậu. Nhận lời không? Thành công vừa có danh vừa có tiền.
Nghe ra thấy thật có lý cho hoàn cảnh gia đình, tôi vội nói:
- Thế thì hay quá. Tôi đang ấp ủ.
- Vậy nhé - Anh ngắt lời - Giờ thì tôi phải đi. Chuẩn bị cho việc xây dựng trụ sở mới, mệt lắm.
Tôi đang tính toán nói với anh việc xin chuyển về Hội Văn thế nào cho phải thì anh đã nói tiếp:
- à tay Huỳnh chắc thôi thơ Đường rồi nhỉ. Lâu nay, lão vớ vẩn nhiều chuyện quá phải không. Tôi nghe Quýnh nó kể, thấy chán quá, đáng trách quá.
- Vâng, đáng trách quá - Tôi lặp lại lời anh, không hiểu nổi mình nói ai đáng trách.
Một ngày kia tôi lại gặp Quýnh ngoài phố. Bộ com lê màu sáng may rộng so với khổ người, đôi giày đen bóng lộn, mặt ngẩng lên, mắt nhìn đi đâu đâu. Đường phố ngổn ngang vật liệu xây dựng, xây nhà mới, đập phá nhà cũ xây lại. ồn ào, bụi bặm như một công trường. Người và người lụi hụi với công việc, chẳng ai nhìn ai. Quýnh bước vội vàng như bị cái gì đấy ở đâu đấy hút. Tôi gọi:
- Anh Quýnh.
Quýnh giật mình, rồi cau mặt hỏi:
- Chuyện gì vậy. - Ngay đó, như mới nhận ra tôi, vồn vã - Anh Thực? Khỏe không? Gặp anh Toan chưa? Chưa à? Thế thì đi tìm anh ấy đi. Vài ngày nữa anh ấy đi tham quan Trung Quốc. Tôi đã lo cho anh ấy chuyến đi ấy đấy. Thế nhé, tôi đang vội.
Anh Toan được đi nước ngoài do Quýnh lo liệu. Tôi bỗng thấy mình không phải với Quýnh. Tôi vội nói:
- Vâng, tôi đã...
Tôi không nói hết câu vì Quýnh đã đi khuất bên kia cái cần cẩu cao lênh khênh.
Mãi một thời gian sau, tôi không còn nhớ là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng nữa, anh Toan đột ngột xuất hiện trước cửa phòng làm việc của tôi. Chào hỏi nhau xong, tôi hồ hởi.
- Xong rồi, tôi tự thấy hài lòng với nó. Vừa mới xong tối qua nên chưa kịp chuyển anh đọc giùm.
Anh bỗng hỏi:
- Đọc cái gì?
Tôi ngơ ngác. Rồi hiểu ra anh đã quên chuyện vở kịch của tôi. Hiểu ra vậy, nhưng không dám trách anh. Những người như anh bao nhiêu là việc phải lo lắng, phải tính toán hàng ngày. Vả, anh vừa ở nước ngoài về. Mặt tôi có lẽ nghệt ra.
Anh nói:
- Kịch phải không? Tôi chưa quên. Vì nó mà tôi đến cậu. Cậu viết vở khác cho tôi. Một vở về đề tài hiện đại, rất kịch.
Tôi đổ người xuống ghế:
- Sao ạ?
- Tôi sẽ kể cậu nghe - Anh nói rồi thở dài - Mà tôi kể cậu nghe làm gì nhỉ.
Tôi bỗng thấy phừng phừng trong đầu, thấy khuôn mặt anh trở nên mờ ảo.
- Là anh nói chứ tôi có yêu cầu đâu.
- Thì là thế - Anh có vẻ chán nản - Tôi cũng muốn kể mọi chuyện cho một ai đó nghe để vơi nhẹ lòng mình. Có điều... Không phải với cậu. Cậu tốt bụng, vô sự. Trời ơi? Kẻ vô sự giữa đám đông hữu sự thì vô ích lắm. Cậu hiểu không? Cậu có biết trên đầu tôi có bao nhiêu người có thể can thiệp vào việc của tôi không? Nói vậy chưa đúng lắm. Phải nói là có bao nhiêu điều vô lý trên đầu tôi không?
Bực vì thái độ bề trên của anh, vì cảm thấy bị anh coi thường, vì anh không quan tâm gì đến đứa con tinh thần của tôi, tôi mới to tiếng là tôi đếch biết, tôi không cần biết. Anh không nghe tôi nói, vẫn thao thiết về anh Dâng với Quýnh thế nào đó. Tôi cũng đã không nghe anh nữa. Dính gì đến tôi.
- Cậu vẫn nghe đấy chứ? - Anh vươn người về phía tôi, giật giọng hỏi. Rồi nói - Cậu phải nghe. Làm thằng cầm bút mà không quan tâm chuyện nhân tình thế thái chung quanh mình thì quan tâm cái gì? Thì viết cái gì?
Nghĩ anh nói có lý, lại thấy vẻ xúc động của anh, tôi mềm giọng:
- Tôi đang nghe anh...
- Cậu biết Quýnh rồi nhưng cậu có biết Lê Dâng không?
- Không biết hả? Anh ta cùng thế hệ với tôi nhưng mỗi đứa có một đường đi riêng. Năm chiến tranh, ngoài hai mươi tuổi Dâng đã là Bí thư Đoàn. Thời sản xuất lớn “thay trời đổi đất xếp đặt lại giang sơn”, nhờ cái sáng kiến ván trượt đất ở công trường thủy lợi mà anh ta nổi tiếng. Phốc một cái lên tỉnh. Mấy bước ngồi vào ghế cao, dễ hơn tìm chỗ trong quán cà phê. Chính anh ta đưa Quýnh ở làng Chành vào cán bộ nhà nước, chính anh ta bảo tôi nhận Quýnh về cơ quan.
Tôi cảm thấy đầu ong ong u u hệt như bao lần nghe những câu chuyện dính dáng đến Quýnh. Thế nên tôi vội nói:
- Vậy là đâu vào đó; tốt cả.
- Tốt cái con khỉ.
Tôi nhớ có lần tôi kể chuyện Quýnh với anh, anh bảo tôi đâm bị thóc thọc bị gạo, bèn giả vờ cãi:
- Quýnh tốt với anh, toàn tâm toàn ý với anh. Cái A xây dựng tiền phết, phẩy nghe đâu ghê lắm mà trên giao anh ấy không chịu nhận một, hai để anh làm, còn chê trách cái nỗi gì nữa.
- Đấy. Chuyện là chỗ ấy. Tôi đi Trung Quốc, ở nhà họ đã làm bao nhiêu là chuyện của tôi.
- Chuyện của anh? - Tôi hỏi, mắt thì cứ trố ra vì ngạc nhiên quá.
- Tôi đang chờ sự thể đi đến đâu - Anh dừng lại uống nước, thở dốc. Chắc anh sẽ lại tiếp tục. Tôi đang nghĩ vậy thì cô Ngọt xuất hiện nơi cửa ra vào. Từ bữa Ngọt cưới chồng nay tôi mới lại trông thấy cô. Hốc hác ra, mặt buồn, mắt không chao nghiêng mà nhìn xuống. Giọng Ngọt cũng chùng xuống.
- Em tìm thủ trưởng khắp nơi, may nghe ai đó nói thủ trưởng sang anh Thực. Anh Quýnh bảo đưa ngay cái này cho thủ trưởng. - Rồi nhoẻn cười tiếp - Nó được làm trong đợt thủ trưởng đi Trung Quốc. - Nói xong thì móc trong cái túi da đeo tòng teng bên hông ra một tờ giấy trao cho anh Toan, rồi bỏ ra khỏi phòng.
Anh Toan đọc tờ giấy. Tôi nhìn theo bóng Ngọt. Phong thanh đâu đó là vợ chồng họ bỏ nhau. Ông Huỳnh bảo, ông nói đố có sai, thằng Quýnh xong việc là họ ra tòa. Tôi hỏi ông là xong việc gì thì ông cười khẩy, không trả lời...
- Chó má! - Anh Toan hét lên làm tôi giật nảy mình.
- Việc gì vậy?
- Quyết định dấu đỏ rồi. Ra thế. Ra thế. Họ giao cho Quýnh rồi.
Tôi trở nên khắc nghiệt, cái định kiến với Quýnh từ thuở nảo nào nó sinh ra thế. Tôi nói:
- Anh còn nói Quýnh tốt nữa không?
Anh đỏ mặt, tờ giấy trong tay run rẩy, phất phất. Dửng dưng nhìn tôi một chốc, rồi vừa dợm chân, vừa nói:
- Tôi phải gặp trực tiếp anh ta mới rõ ngọn nguồn ngóc ngách. à... lúc tôi mới vào cậu bảo cái gì nhỉ? Vở kịch phải không? Viết đi. Chúng mình tồn tại là ở tác phẩm chứ đâu phải ở bạc, ở tiền.
Tôi nghe anh mà lòng thì rầu rĩ. Anh giục lần nữa tôi mới đi đến bên tủ lấy vở kịch vừa viết xong trao cho anh. Cuốn tập bản thảo thành ống tròn dưng dưng như cuốn tệp giấy loại nhét vào cặp, anh bước ra cửa. Tôi nhìn theo cái dáng đi đùi đụi, đầu chúi đằng trước như người đi nhủi của anh, bỗng nhớ câu nói của Quýnh: “Trái ý anh ấy, anh ấy đào sâu chôn chặt” và nghĩ, phen này thì Quýnh sẽ bị đào sâu chôn chặt”. Rồi thì đỏ mặt ngượng vì ý nghĩ của mình.
Từ bữa ấy, tôi thắc thỏm ngóng tin anh Toan, cứ như vở kịch sẽ thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi sẽ có xe máy, con gái tôi sẽ đi cái mini Nhật, vợ mua cái áo dạ chống mùa đông rét mướt. Mãi vẫn biệt vô âm tính, tôi đành đạp xe đi tìm anh. Vừa ra đến cổng thì đụng phải ông Huỳnh. Ông hỏi tôi đi đâu, rồi không chờ tôi trả lời, lên giọng lệnh tôi trở về phòng. Thấy tôi có vẻ chần chừ, ông cáu:
- Tôi vẫn thủ trưởng cơ quan, nghe chửa.
Tôi dắt xe quay lại. Ông thân mật đặt tay lên vai tôi:
- Bà ấy lại lên chú ạ.
- Bà nào? - Tôi hỏi để mà hỏi.
- Bà vợ tôi chứ còn bà nào.
- Thì sao ạ?
- Vẫn nghi ngờ tôi và cô Ngọt - Ông nói xong thì lắc đầu vẻ chán ngán lắm.
- Cô ấy cưới chồng rồi còn nghi ngờ cái nỗi gì.
- Thì là thế. Vậy nhưng hắn tung tin vợ hắn và tôi vẫn dan díu. Còn bịa như thật là tôi chở cô Ngọt đi tắm biển. Vì sao vậy, anh biết không?
Tôi bảo là tôi không biết. Thực thì tôi không biết thật. Hàng tháng trời đóng cửa viết kịch, ra đường ngơ ngẩn như thằng bị thần kinh, còn không biết vợ con thế nào nữa là biết thiên hạ thế nào. Vậy nên tôi chăm chú nhìn ông và nói:
- Thì tôi giúp gì cho bác đây.
Ông Huỳnh bỗng ngửa mặt lên trời cười, rồi nói:
- Anh bảo giúp tôi à? Ha! Ha! Anh như ngọn cỏ bên vệ đường cuộc đời, gió lặng thì thẳng, gió thổi thì ngã nghiêng, không thấy đến ngực người ta... - Như nhận ra quá lời với tôi, ông hạ giọng - Đừng giận tôi. Tôi đang có tâm trạng. Tôi đang bực chuyện thiên hạ, lây cả sang anh.
- Không sao ạ. Tôi quen rồi. Mà bác vào chuyện đi - Tôi giục.
- Nãy giờ tôi nói với anh không phải là chuyện đó sao? Anh tính tôi đi làm cách mạng khi bọn nó còn ở truồng, vậy mà giờ nó muốn xâu dây vào mũi tôi, xâu dây vào bao nhiêu người nữa. Ông nhà thơ bạn anh cũng bị xâu dây rồi. Anh ấy sắp đến đây đấy. Tôi mời anh ấy đến. Tôi và anh cùng tiếp con người ấy.
Lại hay, tôi không còn phải đi tìm anh Toan nữa. Tôi ngồi xuống cái ghế kê sát tường, ông Huỳnh ngồi trên cái ghế có trục quay tròn 180 độ. Tôi ngoảnh nhìn ra cửa, có cái chờ đợi sắp được xem một màn kịch mới. Ông Huỳnh một tay vuốt ngực, một tay mở cặp xếp từng tờ giấy một ra bàn, vừa làm vừa đếm lẩm nhẩm: một, hai, ba, bốn... Tò mò, tôi hỏi:
- Bác đếm gì vậy?
- Rồi anh rõ.
Anh Toan bước vào phòng. Anh bắt tay ông Huỳnh, bắt tay tôi, vẻ không được tự nhiên lắm. Đoạn, nói liền:
- Ông mời tôi đến có chuyện gì? Tôi chỉ có năm phút ngồi với ông thôi đấy.
Ông Huỳnh nhẩn nha:
- Tôi mời anh đến? Phải rồi, tôi mời anh đến. Anh vội thì tôi cũng còn nhiều việc phải làm. Nhưng tôi nép cái việc lại để chuyện với anh là vì anh. Buổi chuyện này tôi mời thêm anh Thực, người lâu nay có qua lại chỗ anh và thằng Quýnh.
Anh Toan nghệt mặt, mắt nhìn không chớp.
- Hắn, cái thằng Quýnh ấy bán tôi gần xong rồi, bán cô Ngọt gần xong rồi, sắp đến lượt anh đấy. Mọi chuyện anh biết cả. Anh biết mà giả vờ như không biết. Anh biết nó bán anh còn anh thì cũng đang bán nó. Thế nên...
Anh Toan đứng phắt dậy, rít lên:
- Ông mời tôi đến để xúc phạm tôi, xúc phạm cán bộ của tôi à? Bán mua gì ở đây, hả. Có bán mua là ở công ty thức ăn gia súc nhà anh chứ Hội Văn là cõi thiêng, là đời sống tinh thần, là văn hóa...
Ông Huỳnh vươn người lên bàn, vẻ dọa dẫm:
- Thế anh có nghe tôi nói không hả. Đây... - Ông lật lật những tờ giấy lúc nãy xếp lên bàn - Đây, đây...
- Tôi đi nghe ông dạy khôn hả. Thôi đi? - Anh Toan quay nhanh ra cửa.
Tôi như bị ma ám đuổi theo anh, lí nhí hỏi:
- Còn vở kịch của tôi...
- Tôi chuyển anh Quýnh đọc, quyết định. Cậu gặp anh ấy. Mà bảo với ông thủ trưởng của cậu là lẩm cẩm trăm độ vậy thì Quýnh nó lo nghỉ hưu sớm cho là phúc to rồi. - Anh nói xong, chui vào ô tô.
- Kịch phải không? - Thấy tôi trở lại, ông Huỳnh hỏi.
- Phải. Có điều anh Toan đưa Quýnh đọc để quyết. Khổ thân tôi. Hắn thì biết gì kịch cọt mà quyết với lại hành. Mà anh Toan biết rõ rành thế. Có lần anh ấy bảo Quýnh là đồ bị thịt, đầu củ nâu, củ chuối cơ mà... Sao cơ sự lại ra thế hả? Bác nói cho tôi nghe xem.
- Tôi không nói đâu. Biết nhưng không nói đâu. Để cậu tự tìm hiểu, tự nhận xét. Giờ thì về làm việc đi.
Tôi ra khỏi phòng ông Huỳnh. Hành lang vắng tanh, vắng ngắt. Mường tượng ra một mạng nhện chức tước, tiền, tình rối rắm đang vây quanh mình, tôi khua khoắng hai tay, bỏ chạy xuống sân. Tôi giận mình đi dính vào những chuyện không phải của mình để mang thứ rối rắm, buồn bực vào lòng. Bắt đầu ở cái đêm ăn thịt ba ba? Không? ở cái bữa tôi tìm đến Hội Văn chuyện trò về thơ? Cũng chưa hẳn. Bắt đầu từ cái kịch. Thôi thì vứt mẹ nó đi. Gần năm mươi tuổi, ba mươi năm công tác, có kịch cọt gì đâu vẫn sống, vẫn được nhiều người nể trọng, vẫn được vợ con yêu chiều. Nghĩ đến đó tôi thấy trong người có cái gì đó sôi lên, bèn vung tục: “Đ. cần”. Xong, đỏ mặt xấu hổ. Lại nhớ vợ. Bụng cồn lên thương cô ấy. Tội cho nàng. Vì làm vợ tôi mà suốt đời nàng cứ phải ngoi ngóp trong biển túng thiếu. Ông Huỳnh bảo tôi là lá cỏ bên đường đời. Còn không cả được giữa đường đời, trời ạ. Cái kẻ như lá cỏ ấy cứ thấy trời rộng rênh, cao ngút ngợp, vậy mà có khi lại hứng lên khua lưỡi ba tấc đến trời nào là xe máy, mini, áo dạ... Càng nghĩ, tôi càng thấy trong người bức bối, ngột ngạt. Những người với người lô nhô trên đường phố như sắp sửa tông vào tôi, tôi quay ngoắt lại, sà vào một quán nước dưới gốc cây ngô đồng. Chủ quán lãng tai còn hơn cả bà o tôi, tôi phải hét lên mới có được một bát nước chè xanh nguội. Bà ngồi, mắt lim dim, gương mặt nom thật thanh thản. Bất giác tôi ngơ ngẩn cười một mình.
Tôi rời quán nước. Đường phố đã vơi bớt người. Đạp xe được một quãng sắp đến chỗ rẽ về nhà tôi chợt nhớ vợ dặn mua cái bóng đèn nêông. Quay lại, lại chợt nhớ lúc nãy trả tiền nước xong trong ví chỉ còn một nhúm bạc hào. Trong người lại nổi cơn tức tối. Nghĩ không hiểu mình đang tức ai. Lẩm nhẩm tên tuổi những người lâu nay có dính dấp đến mình. Rồi kêu thành tiếng: “Quýnh”. Kêu xong ngó quanh như thấy Quýnh thật. Nhận ra mình bị kịch ám ảnh, tôi quyết định đi gặp Quýnh. Thì cũng cho rành rẽ ra, cho dứt khoát ra. Gan ruột cồn cào vì uống nhiều nước chè, mắt tôi cứ nhìn thấy hoa cà, hoa cải. Tôi tụt khỏi xe dắt bộ qua đám đông. Ngẩng đầu lên, đụng vào hai cánh cửa sơn đen, những thanh sắt hàn song song thẳng đừ, đầu ngọn vót nhọn chĩa gai, chĩa ngạnh như một thứ vũ khí thời Trung cổ. Một cái khóa mạ đồng đã lở lói ra vẻ lâu rồi không ai sờ mó tới. Giữa hai thanh sắt ngay trước mũi tôi có một cái mạng nhện bạc to bằng cái bánh đa nem, hai hay ba con ruồi chết từ lúc nào đã khô như một mảnh lịch sử đính chặt vào tơ nhện. Ông bảo vệ có cánh tay khuỳnh khuỳnh như bị tật bảo với tôi là Quýnh nghỉ phép làm nhà, nhà bốn tầng, tám mái có cả chóp nhọn. Hỏi anh Toan thì ông ta cười một chập rồi thì thào:
- Thôi rồi. Anh Toan xin anh Quýnh đi lên núi làm thơ mấy hôm nay.
Tôi nói là vừa gặp anh Toan sáng nay và tôi biết anh Toan vẫn đang làm giám đốc thì ông ta lại cười cười, thì thào thêm rằng, ai chẳng thấy là thế.
Cứ rối tinh, rối mù lên, tôi bảo ông ta chỉ cho tôi nơi Quýnh làm nhà.
- Đi hết đường này, rẽ phải, đi một đoạn rẽ trái, đi thêm một đoạn rẽ phải, đi thêm một đoạn quặt lên, rồi quặt xuống...
- Trời mới biết đi đường nào - Tôi cáu.
- Thì là thế mà.
Tôi quay ra, thừ người không biết đi đâu đành ngoặt lại đường về cơ quan. Một ngày kia, ông Huỳnh gọi tôi vào phòng ông. Tôi và ông nhâm nhi chén trà nóng, im lặng nhìn nhau, nhìn vu vơ lên trần nhà. Rồi ông đổ bã chè, tráng ấm, úp chén. Đoạn, ngẩng lên hỏi tôi:
- Chú đi chơi xa với tôi một chuyến không?
- Đi đâu?
- Vũng Tàu, Đà Lạt. Tiền cơ quan, khỏi lo.
Tôi chộp lấy tay ông. Tôi mừng quá. Trước ngày đi chợt nhớ người bạn học thời cấp ba đang làm đạo diễn một đoàn Ca kịch trong Vũng Tàu, tôi tìm đến nhà Quýnh để lấy lại tập bản thảo. Cắp theo bên người gặp ai mua thì bán, biết đâu đấy. Còn hơn là để cho Quýnh, cái thằng đầu củ nâu đọc, duyệt. Người tin được tý chút là anh Toan thì thôi rồi, Quýnh nó dắt mũi rồi. ấy là ông Huỳnh nói. Chẳng biết hư thực ra làm sao. Mấy bữa nay, tôi nghe lời vợ: “Cứ tự kỷ ám thị, không có nghĩ đến bọn họ”. Thế nên dọc đường đến nhà Quýnh tôi chỉ nghĩ mỗi việc lấy cái bản thảo. Đường ngoằn ngoèo thật nhưng không đến nỗi rối canh hẹ như ông bảo vệ Hội Văn chỉ cho tôi. Hai bên đường chen chúc nhà cao tầng, bụng nhô ra, thụt vào. Sát hàng rào sắt la liệt bún, phở, bia hơi. Một người chỉ cho tôi ngôi nhà đang làm dở dang, nhìn xương cốt cũng đoán biết nó sẽ đồ sộ lắm, và nói:
- Nhà ấy thì nhằm nhè gì, bằng cái phết, cái phẩy thôi.
Tôi lội qua một đống cát, rồi qua một bãi gạch vỡ, bước lên bậc thềm lát đá màu nâu. Thoạt trông lạnh như nhà vắng người. Nghĩ, hay là vợ chồng Quýnh chưa dọn về ở. Nhưng nhìn sâu hút vào trong thấy một bóng người. Tôi lên tiếng:
- Anh Quýnh có nhà không?
Bóng người trồi về phía tôi, không một tiếng động. Tôi nhận ra Ngọt, khuôn mặt cô ta nom lờ mờ như phủ giấy bóng bạc. Tôi hỏi khẽ:
- Anh Quýnh có nhà không?
- Anh Thực! Ra anh còn nhớ đến đứa em khốn khổ này.
Tôi cười, nói:
- Gì mà lâm ly vậy cô Ngọt.
Ngọt nắm tay tôi kéo lại bộ bàn ghế sa lông, những cái ghế to như những con thuyền thúng phủ vải trắng toát, lạnh lẽo. Rót nước ra cái chén thủy tinh màu gạch cua trao vào tay tôi xong, Ngọt nức lên:
- Em không chịu nổi cái mặt hắn.
Tôi choáng váng: cô ta gọi chồng là “hắn”. Ra quan hệ của họ căng thẳng lắm rồi. Chợt nhớ ông Huỳnh bảo: “Quýnh bán cô Ngọt rồi”, tôi ướm hỏi:
- Trục trặc à?
- Còn hơn cả trục trặc. Em ngu quá. Ngày ấy đã thấy nghi hoặc hắn rồi, vậy mà cứ mù hai con mắt đi lấy hắn làm chồng. Em làm cái thang cho hắn trèo lên tầng thượng xong rồi giờ hắn tính chuyện vứt. Hắn vày vò em đến khi thịt da em nhão ra rồi thì hắn tính chuyện vứt. Đừng hòng! Đừng hòng em ký đơn ly dị cho hắn. Thà em chịu khổ. Ngọt méo mó cười, một vệt sáng lướt qua đôi môi nhợt nhạt của cô ta. Tôi cố tỏ ra ân cần hỏi:
- Đầu đuôi ra sao?
- Chẳng có đầu, chẳng có đuôi chỉ có không chịu nổi.
- Nhưng mà cái gì không chịu nổi?
Ngọt ngẩng cái đầu tóc rối như tổ quạ lên, miệng méo xệch:
- Cái mặt hắn chứ cái gì nữa. Hắn tung chuyện tôi với ông Huỳnh để lấy cớ bỏ tôi. Giờ thì hắn đang tìm cách ngồi vào cái ghế anh Toan. Nó ngồi được cho anh xem. Tôi nói, anh Toan không nghe còn mách lại với hắn để hắn đánh tôi một trận tơi tả.
Ngọt quay lưng về phía tôi và kéo áo lên. Tôi vội quay nhìn ra ngoài sân thót tim vì lo sợ. Lỡ có ai nhìn thấy thì mang vạ. Tôi vội vàng nói:
- Hiểu rồi, tôi hiểu rồi. Tôi đang cần gặp anh Quýnh.
- Hắn đi từ mờ đất. Mang một xắc tiền đi rồi. Chắc đến anh Toan. Sau bữa có quyết định chủ đầu tư, họ cãi nhau to. Rồi thì êm. Ăn đều kêu sọi mà. Giẫm vào vòng rồi. Há miệng mắc quai rồi.
Ngọt nói lung tung thế một lúc, như mệt cô ngồi xuống ghế đưa hai tay ôm đầu. Một lúc sau, chắc đã nguôi ngoai, cô ta hỏi:
- Anh tìm hắn vì việc gì?
Tôi nói chuyện tôi và ông Huỳnh sắp đi miền Nam, gặp Quýnh lấy lại bản thảo vở kịch.
- Vứt trên bàn kia kìa. Anh Toan đưa đến và nằm ngủ trên ấy lâu nay.
Chỉ nghe nói đã nổi tức tối, tôi đổ cái tức tối lên đầu Ngọt:
- Các người... lũ vô văn hóa. Đâu? Đưa ngay.
Ngọt đi đến bên tủ lấy tập bản thảo đưa cho tôi. Tôi vuốt bụi bám trên bìa rồi áp vào ngực, đi như chạy ra khỏi nhà Quýnh. Ngọt theo tôi, giọng thống thiết:
- Là hắn chứ có phải em đâu.
Tôi sững người, thấy thương Ngọt mới quay đầu nói:
- Tôi biết thế. Ngọt trở lại đi.
*
* *
Chuyến đi với ông Huỳnh thật tuyệt vời, nhìn thấy bao cảnh lạ, gặp thêm bao nhiêu người, hiểu thêm bao nhiêu chuyện. Chỉ mỗi tập bản thảo kịch là phải mang về vì thằng bạn tôi đi hội thảo Sân khấu ở Đức. Đến ngày thứ mười, thứ mười một gì đấy, cứ muốn về. Quê hương nó ngấm vào trong da thịt mình, nó cần cái không khí của nó. Không có, nó oải ra. Tôi như người suy dinh dưỡng, lờ đờ. Ông Huỳnh bảo lái xe chạy cả đêm. Về đến nhà lúc hai giờ sáng. Vợ con mừng ríu ra, ríu rít suốt phần đêm còn lại. Quá chiều nàng mới nói cho tôi biết, anh Toan ốm nặng, có người lên gọi tôi mấy lần. Rồi lạnh mặt, nói thêm:
- ốm đau mới nhớ đến người ta. Lúc vui, lúc khỏe biết mình ở xó xỉnh nào đâu.
ừ, nàng nói phải. Mặc anh ta, quanh anh ta có bao nhiêu là người xúm xít, bợ đỡ chăm sóc. Tôi lại nghĩ ngược, nghĩ xuôi. Rồi tò mò muốn biết có chuyện gì, chuyện Quýnh, chuyện Ngọt, cả chuyện kịch của tôi nữa, tôi đạp xe đến nhà anh Toan. Chị Phương, vợ anh bảo anh vào viện đã ba ngày nay. Khi tôi hỏi anh bị bệnh gì thì chị thở dài đánh thượt một cái và rầu rĩ:
- Tim. Tim yếu, không đưa được máu lên não nên não yếu. - Nói xong thì bỏ vào phòng trong.
Tôi ngồi chờ chị để cùng vào viện. Tôi sợ nhất đi thăm người ốm mà phải vào hết phòng này sang phòng khác, nhìn mặt người này, người kia, tìm được người mình cần thăm thì mình cũng sắp thành người ốm. Chị Phương đã quay ra, nói:
- Chú vào thăm anh chứ? Có thì đi cùng chị.
Anh ngồi trên giường, lưng tựa vào tường, hai tay ôm bó gối, mắt nhìn một chỗ nào đó giữa những tán lá cây long não ngoài cửa sổ. Anh xòe bàn tay bắt tay tôi. Tự nhiên tôi cảm nhận ra vẻ thân thiết tin cậy trong bàn tay anh:
- Cậu về khi nào? Tôi ốm, nhớ cậu nhất, muốn nói chuyện với cậu nhất. Chuyến đi miền Nam gặp nhiều cái mới có làm được bài thơ nào hay không? In lấy một tập khi tôi còn sống để tôi giúp được chút gì đó.
Định nhếch mép cười, nói là anh giúp cho tôi vở kịch vậy là quá đủ nhưng kịp mím môi im lặng. Đoán biết ý nghĩ trong đầu tôi, anh nói, giọng ra lối băn khoăn lắm.
- Cậu rút bản thảo về, tôi buồn. Tôi gọi anh Quýnh lên phê bình một trận ra trò. Thông cảm cho nó. Chưa quen việc đọc kịch, với lại vào lúc làm nhà bấn bíu, lại vừa nhận chức phó giám đốc. Hôm tôi phê bình, cậu tin không, anh ấy khóc.
- Khóc? Tôi hỏi và bất giác nhếch môi lên.
- Chứ sao. Quýnh nó tốt bụng, sống thoáng. Trong chuyện xây dựng trụ sở mới đừng nghĩ oan cho anh ta mà tội.
Đầu tôi lại bắt đầu ong ong u u. Tôi có nói gì Quýnh đâu, có kết tội Quýnh đâu mà anh mệt sức làm luật sư bào chữa. Tôi bãi người, đẩy cân đường hộp sữa trên mặt cái tủ gỗ vào sâu hơn, rồi ngắt lời anh:
- Nghe vợ bảo anh gọi tôi mấy lần, giờ thì...
- ấy đấy, chuyện tôi cần nói với cậu tôi đã nói đâu. Thế này Thực ạ. Lão Huỳnh viết truyện ám chỉ Quýnh bỏ vợ lên báo, còn nghe đang moi móc chuyện xây dựng trụ sở Hội Văn. Anh Dâng chuyển đi rồi, tôi thì mới cãi nhau với lão ấy. Chỉ còn mỗi cậu, mỗi cậu mở được mắt cho lão. Lão quý cậu, tin cậu.
Chị Phương bỗng nói:
- Anh thôi đi. Vì nó mà phát bệnh, giờ lại dằn vặt với nó rồi bệnh nặng thêm thôi.
Tôi nói:
- Chị nói phải lắm anh Toan ạ. Anh nằm nghỉ cho khỏe.
- ấy, khoan. Cậu hứa với tôi đi. Hứa là sẽ giúp tôi và Quýnh.
Chị Phương rền rẫm.
- Khỏe bệnh rồi nói không được à?
Anh lừ mắt:
- Biết cái gì mà xen vào.
- Tôi sẽ cố gắng, anh nghỉ đi - Tôi nói cốt để anh không nói chuyện với tôi. Thật rối rắm, mù mịt.
Anh lừ mắt về phía vợ:
- Lấy cái bút và tờ giấy ra đây.
Người đàn bà lặng lẽ làm theo mặt trở nên lấm lét đến tội. Anh Toan dịch người về phía tủ, xòe giấy lên mặt tủ và hý hoáy viết. Xong, gấp lại trao vào tay tôi:
- Cậu đưa thư này cho Quýnh. Không có gì bí mật đâu. Trong ấy tôi nói ba điều: một nhận cậu về Hội Văn như nguyện vọng của cậu; hai, tôi giao cho Quýnh thay tôi điều hành toàn bộ công việc cơ quan; ba không cho Quýnh bán nhà.
Tôi ngạc nhiên, vội hỏi:
- Bán nhà?
- ấy là ý tốt của Quýnh. Anh ấy lo bệnh tôi lâu khỏi, mới tính bán nhà lấy tiền cho tôi ra nước ngoài chữa. Nói gì thì nói, trang thiết bị y học nước ngoài họ khá hơn mình. Nhưng mà tôi không đi đâu. Bác sĩ bảo bệnh tôi sẽ khỏi, sẽ khỏi.
Chị Phương vẫy vẫy cái nón lá vừa xua ruồi vừa nói, tưng tửng:
- Dào ôi! Như là thật.
Tôi lắc đầu, định nói là không nộp kịch, không chuyển về Hội Văn nhưng thấy khuôn mặt anh bỗng méo mó, xuệch xoạc ra, lại im lặng.
Chắc cơn đau đã qua, anh nhổm người nói tiếp:
- Thế nhé. Cậu nên biết một điều rằng, Quýnh tuyệt vời với tôi và là người có năng lực tôi mới nâng anh ấy lên, tạo điều kiện thuận lợi cho anh ấy lên. Đừng nghe thiên hạ dị nghị. Loại người như ông Huỳnh của cậu thì gay cho phong trào chung lắm thôi.
Anh nằm xuống giường, dáng nằm ra vẻ bình thường, thanh thản nữa.
Tôi chào anh ra về. Anh nói với theo:
- Lần sau đến, cậu nhớ mang thơ theo nhé. Nhớ chưa?
- Nhớ rồi - Tôi đáp rồi đi như bị ma đuổi.
Bức thư anh Toan gửi cho Quýnh mỏng thế vậy mà nó cứ cồm cộm trong túi áo, tôi lấy ra rồi bỏ vào mấy lần. Vậy là dù không muốn tôi vẫn phải chằng mặt Quýnh. Nhớ cái dáng anh Toan ngồi bó gối trên giường tôi không nỡ chần chừ cái việc đến Quýnh.
Vả cũng có cả tò mò. Thì thử xem hắn ra sao sau bao nhiêu việc xẩy ra: chủ đầu tư, cưới vợ, lên chức, lên báo, bán nhà và có thể còn lên chức nữa nếu anh Toan không qua khỏi cơn bạo bệnh. Tôi mà gặp nhiều chuyện như vậy, chuyện có tốt đẹp đi nữa thì cũng gục. Hắn thì không gục là chắc, nhưng có lẽ sẽ bớt mồm năm miệng mười như hồi nào. Tôi đã nhầm. Vừa gặp chưa kịp ngồi hắn đã thao thao bất tuyệt đủ thứ trên trời dưới biển. Chuyện khởi công khu công nghiệp này, nhà máy nọ, chuyện tôm chết, tai nạn giao thông, chuyện ông này bỏ bà kia, cơ quan này thay đổi lãnh đạo, cơ quan kia nợ tiền ngân hàng... chồm cả bản mặt đỏ phừng lên tôi để nói. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Phòng Quýnh đầy đủ những thứ như phòng nhiều người thời nay: vợt cầu lông, vợt ten nít, giày Adiđát, cờ đuôi nheo giải thể thao sở này, ngành nọ treo phấp phới trên tường xanh, tường nâu. Rồi máy vi tính trùm vải hoa viền đăng ten, xa lông gỗ trắc khảm xà cừ, đồng hồ quả lắc hộp gỗ, tủ đứng sừng sững tượng ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ, tủ góc tường chen chúc rượu tây. Chỉ không có giá sách và dĩ nhiên không có lấy một quyển sách. Một cô bé chừng mười hai tuổi, vẻ mặt hồn hậu, có chút ngơ ngác, chắc Quýnh vừa đưa từ làng Chành lên coi sóc nhà cửa rón rén bưng lên hai cốc nước sôi để nguội.
- Uống nước đi. Nước sôi để nguội, hoặc nước khoáng là thứ cơ thể chúng ta cần nhất. Gần nhau mà lâu không gặp. Vẫn làm thơ chứ? Tôi không hiểu nổi các nhà thơ chúng ta lại ít viết thơ năm chữ theo nhịp vè dặm độc đáo chỉ có ở quê ta, rồi thơ lục bát theo nhịp Truyện Kiều. Tôi cũng không thấy ai làm diễn ca, viết kịch thần thoại... Nói đến chuyện này tôi chợt nhớ vở kịch của anh. Tôi buồn lắm chứ. Nhưng nói chỉ anh nghe thôi nhé? Anh Toan của chúng mình khe khắt quá, cứ khăng khăng chuyển sang dân ca...
- Tôi đến đây không phải vì chuyện kịch - Cuối cùng tôi cũng ngắt được lời Quýnh.
Tôi đã làm Quýnh mất hứng. Hắn nói, giọng không còn vui vẻ nữa:
- Thì là chuyện gì? Chuyện cô Ngọt à? Tình xưa nghĩa cũ của Công ty giống má, phân tro à?
Tôi cắn môi, ngoảnh mặt đi.
- Không sao. Tôi chia tay cô ta rồi.
Tôi buông giọng:
- Anh Dâng không nói gì ư? Là bởi Ngọt là cháu anh ấy.
Quýnh cười khẩy.
- ồ... Ông Dâng “bị” điều đi rồi. Con người chuyên gây mất đoàn kết nội bộ - Quýnh nhìn xuống hai bàn tay đan ngón trên bàn ra vẻ trầm ngâm, nói tiếp - Đẹp, phom người, mông, vú tốt, nhưng đần, không hợp với loại trí thức như tôi, như anh. - Tôi bị lỡ nhiều việc vì cô ta đấy. Tôi làm đơn ly dị, cô ta không chịu ký. Anh bảo, giờ chúng tôi sống với nhau thì hơn chi đi tù.
Tôi khoát tay lia lịa:
- Tôi gặp anh không phải vì chuyện cô Ngọt. Dính gì đến tôi.
Hắn cười cười:
- Anh Thực nói thế e không phải. Cuộc đời này là cái mạng nhện mọi thứ đều dính đến nhau. Ví như cái trụ sở Hội Văn tôi làm chủ đầu tư. Chắc anh nghĩ, thiết kế xong tôi cứ thế gọi thợ xây. Không đâu. Đời này không được đơn giản thế, thị trường không cho phép được thế. Nếu đơn giản vậy thì còn chi là đời, còn chi là kinh tế thị trường. Tôi nói anh nghe, cái chủ đầu tư, tôi đây này, dính đến chín mươi hai người. Tức phải giải quyết chín mươi hai mối quan hệ. Mà quan hệ thời này cứ phải thế này này...
Quýnh chìa ngón tay trỏ phảy phảy vào ngón tay cái. Tôi nghĩ ra đấy là cử chỉ đếm tiền. Tôi ngoảnh nhìn chỗ khác để tránh cái ngón tay thừa và những tia sáng phát ra từ viên hồng ngọc ở trên những chiếc nhẫn quấn nơi tay anh ta. Quýnh không để tâm đến thái độ của tôi vẫn thao thao:
- Chờ ông Huỳnh về hưu, tôi sẽ giúp anh ngồi vào, cái ghế phó. Không khó đâu nếu mà anh giao thiệp rộng hơn. Phải nắm lấy áo các anh cấp trên. Kém thì nắm gấu, khá hơn nắm lên thân. Một tay nắm áo, một tay thế này này... - Quýnh lại giơ ngón tay trỏ phảy phảy vào ngón tay cái. Tôi dụi mắt. Rồi bực bội ngắt lời Quýnh:
- Thôi đi! Rồi móc vội lá thư dúi vào tay anh ta - Thư anh Toan gửi...
- Cách nhau một khúc đường cũng thư với từ. Mà sao anh không nói từ đầu. Tôi tưởng hắn sẽ đọc thư ngay, nhưng không, hắn nhét vào túi quần rồi reo lên:
- Anh Toan tuyệt vời! Chưa có ai đối xử với anh em trẻ như anh ấy. Chao ôi, một con người hiếm có.
Tôi nghĩ, cũng may Quýnh không đọc thư, nếu không tôi lại phải nghe chuyện tôi về cơ quan anh ta, về chuyện kịch của tôi. Tôi buông giọng nói:
- Bệnh anh Toan gay go.
- Không sao! Không sao! Chết có số, có mệnh cả.
Quýnh đứng dậy nhưng không phải để tiễn tôi mà để vung vẩy tay, để khe khẽ hát. “Tình là cái tình chi. Làm ta sướng, khổ cũng vì tình chi”. Bỗng hắn im bặt, đoạn lặp lại câu vừa nói xong:
- Không sao! Con người ta có số, có mệnh cả.
Tôi lạnh người trước câu nói dửng dưng của Quýnh. Tôi vội lí nhí nói lời chào hắn rồi bước ra cửa.
*
* *
Đang đi trên đường, tôi chợt nhớ anh Toan bảo ông Huỳnh viết truyện ám chỉ Quýnh. Thế là đâm ra tò mò mới không về nhà mà đến thẳng phòng ông Huỳnh. Ông đang ngồi bên bàn, trước mặt ngồn ngộn sổ sách giấy tờ. Bao giờ tôi cũng thấy ông bận rộn với công việc. Người ta bảo ông bao biện nhưng tôi lại nghĩ khác; nghĩ là, nếu ông không thò tay vào khắp nơi thì Công ty thức ăn gia súc tan nát từ lâu rồi. Vậy nên cái tin ông sẽ bị nghỉ hưu trước tuổi mãi cũng chỉ là tin, chẳng thấy quyết định từ trên xuống. Nhiều người thắc thỏm chờ. Một kẻ nghỉ lãnh đạo kéo lên rồng rắn nhiều kẻ thành lãnh đạo. Một phó giám đốc lên thành giám đốc, một ngồi vào ghế phó giám đốc làm phó giám đốc; một trưởng phòng lên phó giám đốc, một phó phòng lên trưởng phòng, một nhân viên lên phó phòng, một người bơ vơ không có việc làm vào thẳng nhân viên... Ông Huỳnh bỗng được nhiều người quan tâm, sâu sắc hơn. Họ chờ cú ngã của ông. Ông biết người ta chờ thế, nhiều lắm người chờ thế. Rồi thì ông cứ nghĩ mình sắp ngã rồi, ngã thật chứ chẳng còn là lời đồn đại nữa. Nhiều lần nhìn ông ngồi bần thần bên bàn, những thớ thịt bên má chảy sệ xuống đẩy hàng ria mép nhúm lại như con sâu róm, mắt thì nhìn đăm đăm vào mười ngón tay đan xoắn vào nhau, tôi mới nghĩ ra thế. Sau chuyến đi miền Nam về ông cởi mở với tôi hơn.
- Anh Thực này? - Ông nói với tôi - Dạo này tôi như bị thiên đầu thống, cứ thấy mọi thứ quay chong chóng. Anh có thấy mọi thứ quay chong chóng không?
Tôi bảo là, chỉ đôi khi thấy mọi thứ rối rắm, chằng chịt thôi. Ông cười khùng khục rồi nói rằng, tôi sướng hơn ông. Tôi không cãi. Mà biết đâu tôi sướng hơn thật. Riêng việc mấy người ngấp nghé lãnh đạo Công ty mặt mũi phởn phơ, dửng dưng đi qua trước mặt ông như ông không còn giám đốc nữa rồi, như ông là cái gốc cây, cái hòn đá đập vào khèo chân họ cũng đủ biết ông khổ hơn tôi. Nghĩ thế nhưng tôi lại nói:
- Sướng hay khổ là do mình lấy chuẩn ở người khác mà quên chuẩn của mình.
- Anh nói khó hiểu bỏ mẹ.
- Thì rõ là ông sướng hơn tôi, tôi khổ hơn ông, mà ông cho rằng tôi sướng hơn ông...
- Thôi? Anh làm tôi thấy chong chóng.
Bấy giờ tôi mới hỏi ông về chuyện đăng báo. Ông đưa ngón tay giật giật đuôi lông mày. Tôi thấy mặt tôi trong đôi con ngươi màu nâu của ông. Thỉnh thoảng vẫn thế, chuyện ông cảnh giác tôi. Có lần ông nhét tôi vào “rọ người mù mờ ở Hội Văn”. Chắc va đập nhiều mà ông sinh tính xấu thế. Thì mặc ông với tính đa nghi của ông, tôi bực, nhổm đít đứng dậy. Ông vội xòe bàn tay phẩy phẩy và nói:
- Anh Toan vừa mách với anh phải không? Anh ta còn nhờ anh khuyên tôi thôi viết về Quýnh phải không? Rút cây động rừng. Mà rừng này nó rậm rịt lắm đấy nhé. Nhiều cây trong rừng đã gặp tôi hoặc nhờ người gặp tôi, nhỏ, to khuyên tôi không mổ xẻ vụ việc ra để ổn định, phát triển. Đừng hòng! Đừng hòng!
Tôi chợt nhớ hôm trước cô Ngọt cũng dằn hai tiếng: “Đừng hòng?”. Đừng hòng cô chịu ký đơn ly dị. Sống khổ, sống cực thì chịu đựng nhưng không để ai lợi dụng.
- Anh Toan nhờ thì anh khuyên tôi đi - Ông Huỳnh độp nói.
- Tôi đâu dám khuyên. Chẳng là anh ấy ốm.
- Anh biết vì sao ốm không? Không à? Đến anh ta cũng không biết từ đâu ra cái tin anh ta nhăng nhít với cô Ngọt.
- Có chuyện đó?
- Quýnh nó sai bọn tay chân tung tin ấy để làm gì thì anh phải biết lấy. Thế là Toan sốc, sinh ốm.
Đang thế thì chuông điện thoại réo, ông Huỳnh áp ống nghe vào tai, rồi chuyển cho tôi:
- Đang nói về ông Toan thì ông ấy điện tìm anh.
Giọng anh Toan đứt quãng:
- Cậu đang ở chỗ lão Huỳnh à? Tôi không muốn nói chuyện với con người lập dị ấy. Tôi nói với cậu là cô Ngọt chết mất rồi. Xong, anh Toan dập máy.
Lòng tôi rợn lên một chút rồi thì lặng phắt. Tôi không hiểu tình cảm của mình ra làm sao nữa. Rồi tôi cũng không cắt nghĩa được thái độ của ông Huỳnh khi tôi cho ông hay tin Ngọt mà ông không nhúc nhích, mặt không động đậy. Lúc sau ông nói:
- Đến đó chứ?
- Đến đó.
Đường phố vắng hiu. Nắng như thiếc chảy trên mặt đường nhựa, chảy trên mái nhà, trên tán lá cây bằng lăng thơ thớt dọc vỉa hè. Gần đến nhà Ngọt lòng tôi bỗng buồn xuội. Vẳng đâu đây tiếng Ngọt nói với theo tôi hôm tôi đến lấy tập bản thảo kịch: “Là hắn chứ không phải em”. Tôi đưa tay vuốt mồ hôi trên mặt, mắt bỗng cay xè. Trước tôi ông Huỳnh lùi hụi đi, đầu cúi về đằng trước. Sân nhà Quýnh đông người. Trách nhiệm, tình cảm với người chết đã là một nhẽ còn một nhẽ tò mò nữa. Ai mà chẳng thế. Tôi và ông Huỳnh rẽ đám đông đi vào. Lên hết ba bậc tam cấp là căn phòng rộng sáng lờ mờ, vì đám người che hết ánh sáng trời cũng có thể tôi vừa bước ngoài nắng vào bị choáng mắt. Ngọt nằm trên một chiếc chiếu hoa. Một tấm vải trắng phủ người em. Đôi chân trần “sưng mọng loang lổ những mảng màu tím thẫm thò ra ngoài tấm vải, những ngón chân nhỏ bé co quắp như những quả đậu ván. Khuôn mặt Ngọt lồi lõm, phía dưới làn vải thì cứ phập phồng như Ngọt đang thì thào lời gì đấy. Trên đầu em, cạnh mái tóc xõa một vòng tròn giữa những viên gạch hoa màu vàng có một vũng máu đỏ sẫm. Nhiều lắm con ruồi đáp xuống rồi bay vù lên, rồi lại đáp xuống, lại bay vù lên. Giữa khoảng không lơ lửng một sợi dây thả từ cái quạt trần xuống, phía dưới thắt một vòng hình quả trám... Cổ họng tôi đắng nghẹn. Cái nếp vải trắng gấp phập phồng trên khuôn mặt Ngọt ám ảnh tôi. ấy là cô ta đang nói với tôi những điều chưa kịp nói hôm tôi bỏ chạy ra khỏi nhà cô với vẻ mặt khinh bỉ, giận dữ. Tôi rùng mình.
Rồi tôi ngồi xuống bên xác Ngọt, muốn đưa tay nâng tấm vải để xem khuôn mặt em, nhưng đã không đủ sức làm việc ấy. Tôi ngoảnh nhìn quanh: Không thấy Quýnh. Tôi hỏi một người kề cạnh, ông ta lắc đầu. Hỏi một anh công an áo vàng, anh ta nói, đôi môi như không hé mở:
- Đang lập biên bản trong kia.
Tiếng xì xào, giống như tiếng gió thổi lá cây lẫn tiếng ruồi, lúc này lượn tròn như múa chung quanh vũng máu khô, khiến tôi thấy bứt rứt không chịu nổi. Tôi nắm tay áo ông Huỳnh kéo ra sân. Ông Huỳnh luôn mồm kêu:
- Về! Về! Về thôi?
Chiều ấy khâm liệm luôn. Dĩ nhiên tôi và ông Huỳnh có mặt từ sớm. Chúng tôi đứng vòng ngoài. Vòng trong là bà con của Ngọt, của Quýnh, cán bộ nhân viên Hội Văn. Thiếu anh Toan. Anh gửi tới một vòng hoa. Vòng hoa của anh nom thật đơn độc giữa những tấm trướng đỏ treo kín hai bên tường phía phải, phía trái. Quýnh mặc com lê đen đầu chít một vòng khăn trắng, nhìn thấy rõ vẻ lo lắng hơn là vẻ buồn thương. Hắn chỉ tay chỗ này, bảo ban chỗ kia. Tôi bối rối trước những lo lắng của mình. Anh em thân thích không, cơ quan thì chỉ mấy cô ả quần dài áo lượt nước mắt dài hơn mắt nhìn, một mình Quýnh với nỗi đau nặng trĩu trong lòng thì rồi công việc bấn lên, nhèo cục, nhèo miếng lại thôi. Ra tôi lo bò trắng răng. Vải vóc, áo quần, chè khô, gương lược, quả trứng, cái bát... thứ nào rõ thứ ấy xếp theo thứ tự nào rõ thứ tự ấy. Đang khâm liệm thì xộc vào hai người, một trung niên, một thanh niên, bảo là anh em ruột thịt của cô Ngọt. Thanh niên có râu quai nón rậm rì, mặt như mặt tội phạm trong phim hình sự, ào tới nắm cổ áo Quýnh rít lên:
- Mày giết em gái tao.
Thì bởi đau đớn quá mà nói hàm hồ vậy, chẳng ai để bụng. Nhưng khi anh quai nón kia dí dí nắm đấm vào khuôn mặt xanh như đít nhái của Quýnh với những lời rõ ràng rằng, em anh ta chết chỉ vì biết quá nhiều về chồng, rằng, chưa được khâm liệm, phải mời cơ quan điều tra khám nghiệm tử thi, thì đám đông xì xào rồi ồn lên như chợ vỡ. Hai anh công an đứng ra dẹp trật tự. Mãi họ mới gỡ được tay anh quai nón ra khỏi cổ áo Quýnh và dẫn anh ta vào căn phòng cạnh cầu thang. Quýnh gào lên như khóc lại cũng như quát nạt:
- Trời! Các người để cho vợ tôi được yên, để tôi lo cho vợ tôi ra đi thanh thản... - Rồi anh ta cào cấu trên áo quan, vày vò tóc trên đầu. Rồi khóc hu! Hu! Ơi hời!.
Sáng hôm sau đám ma. Tiễn Ngọt rất đông người. Tôi và ông Huỳnh đi theo Ngọt ra khỏi thị xã thì quay lại. Tôi thấy mỏi mệt không thể đi tiếp, còn ông Huỳnh thì bảo, còn nhiều việc phải làm cho Ngọt quan trọng hơn việc đưa Ngọt thêm một đoạn đường.
Cái chết của Ngọt thành đề tài trong nhiều câu chuyện của nhiều người ở nhiều nơi, ngày này sang ngày khác. Nghe ra ít người tin Ngọt tự tử. Tôi cũng không tin. Cứ mỗi lẫn nghĩ tới cái chết của em, vũng máu tím thẫm với một đàn ruồi đen bay như múa lại hiện rõ mồn một. Tôi hỏi ông Huỳnh, có phải Ngọt tự tử không, thì ông văng một câu chửi: “Đồ ngu? Có ngu mới nghĩ vậy”. Không dưng tôi bị xối ngu lên đầu. Bực, tôi thách ông tìm ra chứng lý, ông lại chửi tôi ngu, rồi bảo sẽ mở mắt ra cho tôi. Mãi sau trăm ngày Ngọt ông mới mở mắt được cho tôi. Nhưng đấy là về sau. Còn lúc ấy tôi cắn môi im thít.
*
* *
Anh đổ bệnh vào mùa gió Lào, tôi còn nhớ cái tiếng quạt máy kêu xè xè trên chỏm đầu hôm vào bệnh viện thăm anh, mà nay đã vào mùa rét. Tôi co ro trong cái áo bông cũ kỹ, lỗi thời hình như cả thị xã này chỉ còn mỗi tôi mặc, đội mưa đến thăm anh. Vỉa hè đầy lá bàng vàng, gió thổi bay xao xác. Tôi nhìn bàn chân tái xám của mình trong đôi dép nhựa quai nham nhở như bị cóc gặm, đều đặn đặt xuống những viên gạch vuông có rãnh. Không phải tránh ai vì thiên hạ lui hui, chen chúc dưới đường. Hàng điện tử, quần áo, giày dép, sắt thép, ống nước, bệ xí, thuốc lá, xi măng... vươn ra trước những cánh cửa khép hờ không ai ngó ngàng. Nước mưa chảy ròng ròng trên những dòng chữ quảng cáo xanh, đỏ lòe loẹt... nom buồn lặng. Chẳng bù những ngày nắng, áp lễ tiết gì đó người và hàng hóa chộn rộn, nháo nhào, tung tẩy cả lên. Mới mấy năm trở lại đây, Thị xã đổi khác. Anh Toan có một bài thơ viết về sự đổi khác ấy và Quýnh phổ nhạc, đoàn Ca Múa dàn dựng thời lượng ngót chục phút. Bất giác tôi lẩm nhẩm hai câu mở đầu: “Thị xã mình nay đầy hương hoa. Sự đổi mới len vào từng sợi tóc”. Có thể tôi còn nhớ thêm, còn lẩm nhẩm đọc nữa, nếu không đụng phải một người đàn bà. Chị ta đội cái nón lá, tấm áo mưa vải bạt trùm kín lên tận mũi.
- Ra là chú. Hồn vía lửng lơ đâu vậy. - Chị kéo cổ áo mưa xuống, nói.
Tôi nhận ra ngay chị Phương, cho dù khuôn mặt chị không còn hồng hào tươi tỉnh như xưa mà nó hốc hác, tái xám.
- Chị đi đâu giữa mưa gió vậy? - Tôi đứng lại hỏi.
- Tôi đi mời thầy châm cứu cho nhà tôi. Về rồi chú ạ. Viện họ trả về điều trị tại nhà theo phương pháp đông tây y kết hợp. Có đỡ nhưng chậm lắm. Mới hay cái tim nó quan trọng thật.
Tôi nói là tôi đang trên đường đến thăm anh. Mắt chị bỗng sáng lên. Chị nói:
- Thế thì tốt quá. Anh ấy buồn, thèm có người đến nói chuyện lắm. Mà chú tính, hồi còn công tác anh ấy sống tốt với mọi người lắm chứ...
- Thì hẳn là thế rồi - Tôi vội vã nói cốt để chị thôi kể lể chuyện nhân tình thế thái. Chao ôi, chuyện nhân tình thế thái kể bao giờ cho hết được.
Mắt chị bỗng nhòe nước:
- Chú về trước đi. Tôi nhoáng cái rồi cũng về. Nói xong thì kéo áo mưa lên tận mũi cúi đầu bước đi. Được mấy bước chị quay ngoắt lại: “Tôi dặn chú một điều là bệnh viện bảo không được làm anh xúc động, tức là không làm anh vui quá, buồn quá, tức quá”.
- Tôi biết rồi - Tôi nói và không hiểu sao lại mở ra một nụ cười.
- Chú biết nhưng anh Toan không biết đâu. Là nói cái chuyện ấy mà.
Tôi há hốc miệng. Chuyện ấy là chuyện gì? Chuyện gì mà tôi biết mà anh Toan lại không biết. Đang định hỏi thì chị đã lại nói:
- Chuyện tiền nong người ta chi cho nhà tôi chữa bệnh đấy mà.
- Tôi không biết thật mà. - Tôi nói.
- ờ mà chú biết thế nào được. Thì cứ im lặng đọc thơ thôi nhé. Rồi tôi về tôi nói chú nghe.
Tôi ậm ừ cho qua chuyện rồi vội bước đi. Lối ngõ nhà anh bùn lép nhép, mặt sân gạch cũng vương vãi bùn. Mấy cây trúc anh đào, thiết mộc lan, đuôi phượng... trồng trong chậu sứ đặt dọc lối ngõ, dọc thềm nom ủ rũ. Anh nửa nằm, nửa ngồi trên cái ghế xích đu bằng gỗ đăm đăm nhìn những bụi cây cảnh. Anh vốn thích trồng cây và chăm sóc cây. Chẳng hiểu vì sao lâu nay ý thích ấy không còn nữa. Anh thành thật nói với tôi vậy lần tôi và anh bình bài thơ “Cây vông” của cụ Nguyễn Công Trứ. Thấy tôi vào, anh ngoảnh đầu lại, đưa bàn tay phải lên bắt tay tôi, cái bắt tay chặt lắm.
- Cậu đến thăm tôi... Quý hoá quá...
Tôi nói dối anh rằng lâu nay đi công tác ở các huyện vùng rừng mới về hôm qua, nên đến anh muộn.
- Không sao. Người ta sống với nhau ở cái tình, cái tình suồng sã ra ngoài, cái tình lặng thầm vào trong, thì cũng là cái tình. Rồi đến ngày nào đó cậu sẽ biết ai tốt thật với mình, ai không tốt thật với mình.
Tôi định nói, thế thì muộn quá, thế thì phỏng có ích gì chỉ thêm mệt lòng, nhưng tôi đã không nói. Không nói mà trong đầu cứ cựa quậy cái câu hỏi, Quýnh đối với anh ra sao? Thì ra tôi cũng có tính tò mò như ai, cũng tầm thường như ai. Đâu phải tôi quan tâm về quan hệ giữa Quýnh với anh là vì anh!
- Ha? Ha - Anh ngắt dòng suy nghĩ của tôi - Con - Người... Ông Ăng Ghen bảo thế nào nhỉ?
Vừa lúc ấy chị Phương về. Chị cởi nón và áo mưa ném lên cây trúc anh đào. Anh nhổm người lên:
- Cẩn thận, cây...
Chị nhỏ nhẹ:
- Em biết rồi. - Nói xong thì sà đến bên anh, lấy cái khăn bông vắt trên thành ghế lau khuôn mặt anh giống như một người mẹ lau mặt cho con nhỏ. Tôi bỗng thấy buồn mênh mang vội đứng dậy đi đến bên anh, đặt bàn tay lạnh cóng của mình lên vai anh. Giọng tôi run lên còn khóe mắt thì cay xè:
- Tôi xin về. Chúc anh chóng bình phục.
Anh nói:
- Thỉnh thoảng đến chơi với mình nhé. à mà cho Thực xem cái này.
Anh quay về phía chị Phương:
- Tờ giấy ấy đâu rồi?
- Tờ giấy nào? - Chị Phương ra vẻ bối rối.
- Tờ giấy hắn kê khai tiền chi điều trị cho tôi ấy. Đừng giấu tôi nữa. Tôi biết rồi. Tôi muốn anh Thực biết, cả thiên hạ biết gan, ruột nó.
Chị Phương bỗng kêu lên:
- Trời ơi, chuyện nhớp nhúa, tồi tệ, cạn tàu ráo máng ấy thì biết làm gì hở trời?
Anh cười, khuôn mặt méo xệch:
- Không sao? Không sao mà. Chẳng lẽ tôi cứ mãi không biết gì cả à?
Tôi không nỡ đoán đấy là một sự thanh toán sòng phẳng giữa Quýnh với anh. Bỗng thấy sờ sợ phải đọc tờ giấy mà anh nói ấy. Hai tay tôi rụt lại.
Bỗng anh gầm lên:
- Đưa ra...
Chị Phương móc trong túi ra một tờ giấy chưa kịp trao vào tay tôi thì tôi đã bỏ đi ra sân. Chị đuổi theo tôi:
- Để tôi kể cho chú nghe - Chú biết anh Quýnh bạn của chú...
Tôi bỗng nổi bất bình. Tôi ném vào khuôn mặt chị một cái nhìn, rồi cáu với chị, hay là cáu với ai đó nữa.
- Hắn là bạn anh Toan chứ không phải bạn của tôi. Bạn anh Toan, chị nghe chưa?
Chị Phương nghe hay không chẳng rõ, chỉ thấy chị quay nhanh lại đi vào nhà. Tôi mở phanh khuy áo ngực. Người bức bối không chịu nổi.
2005
Bình luận