logo

Giao lưu bè bạn

Lê Anh Tuấn- Sự im lặng trong suy tưởng

Cách đây tròn mười lăm năm tôi viết về Lê Anh Tuấn. Bài viết có cái tên rất lười nhác: Ba lần gặp Lê Anh Tuấn. Dẫu sao thì nó cũng ghi được ba bước ngoặt trong một phần cuộc đời của ông. Lần thứ nhất giữa bom đạn mịt mù trên một cung đường giao thông miền Tây Quảng Bình. Lần thứ hai trong ngôi nhà lợp tranh cọ bốn phía chung quanh là tre pheo của Bảo tàng Hà Tĩnh sơ tán về vùng quê trong chiến tranh, ngày qua ngày ông lặng lẽ giữa những di vật, cổ vật mốc mác. Học xong Trường Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu Hà Nội rồi vòng vèo, thác ghềnh thế nào tôi không biết, ông rời quê Hà Nam trở lại Xứ Nghệ. Năm 1976, nhập tỉnh ông khăn gói ra Nghệ An. Năm 1991, chia tỉnh ông cùng vợ và ba người con khập khểnh về Hà Tĩnh. Đấy là lần thứ ba tôi gặp ông.


Cách đây tròn mười lăm năm tôi viết về Lê Anh Tuấn. Bài viết có cái tên rất lười nhác: Ba lần gặp Lê Anh Tuấn. Dẫu sao thì nó cũng ghi được ba bước ngoặt trong một phần cuộc đời của ông. Lần thứ nhất giữa bom đạn mịt mù trên một cung đường giao thông miền Tây Quảng Bình. Lần thứ hai trong ngôi nhà lợp tranh cọ bốn phía chung quanh là tre pheo của Bảo tàng Hà Tĩnh sơ tán về vùng quê trong chiến tranh, ngày qua ngày ông lặng lẽ giữa những di vật, cổ vật mốc mác. Học xong Trường Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu Hà Nội rồi vòng vèo, thác ghềnh thế nào tôi không biết, ông rời quê Hà Nam  trở lại Xứ Nghệ . Năm 1976, nhập tỉnh ông khăn gói ra Nghệ An. Năm 1991, c hia tỉnh ông cùng vợ và ba người con khập khểnh về Hà Tĩnh. Đấy là lần thứ ba tôi gặp ông. Ông ở trong một căn phòng chiều ngang 3 mét, chiều dọc 5 mét tồi tàn cuối dãy nhà tập thể xây dựng tạm bợ sau chiến tranh. Một căn phòng ngoảnh mặt ra lối đi đến cái giếng nước công cộng của mấy hộ cùng ở trong ngôi nhà đó. Ông bắc gỗ, lát ván làm một cái gác xép. Và cái gác xép ấy với toan, màu, cọ, tượng, sách…trở thành thế giới riêng của ông. Ông suy nghĩ, ông tìm kiếm, ông phác thảo tượng, ông vẽ…trong khoảng không gian sâm sẫm chỉ sáng lên nhờ ánh đèn điện 100 oát. Bạn bè đến chơi phải cúi khom người để đầu khỏi cụng vào mái ngói. Họ nhoài người để đến được chiếc chiếu cói trải giữa sàn bao giờ cũng phiêu diêu những làn hơi nước thoang thoảng mùi hoa ngâu bốc lên từ miệng cái ấm đất nung. Tôi từng gặp những nhà văn, họa sỹ, phóng viên nhiếp ảnh, thợ sửa chữa xe đạp…ngồi xếp bằng vừa uống chè vừa nhìn những khuôn mặt người nhàu nhĩ, méo mó trong tranh của ông, những khuôn mặt dị dạng đầy ám ảnh, rồi lặng im cúi nhìn làn hơi trên chén nước. Nghệ thuật chỉ có thể nói hết được trong im lặng. Đến một dạo thay cho những khuôn mặt không chút lạc quan kia là những khuôn mặt Phật hiền hậu, bao dung và tĩnh lặng…Lại đến một dạo ông sưu tầm, hồi cố hàng trăm minh họa cảnh và người trong Truyện Kiều từng được in trải suốt trăm năm qua. Mỗi khuôn mặt cứ hiện lờ mờ, cứ phảng phất một số phận của con người nơi trần thế. Và thăm thẳm một nỗi buồn. Lê Anh Tuấn thì dè dặt quay trở, so vai như muốn dành thêm khoảng không cho bạn bè và các nhân vật trong tranh của mình. Tôi có cảm giác ông đang ở đấy nhưng hồn vía ông thì cứ bay, cứ trôi cùng màu sắc, đường nét, hình khối…với những thân phận con người và cả Thánh, Phật kia …

Tôi phải nhìn quá nhiều lần ông quay trở, so vai trong khoảng không gian chật hẹp của cái gác xép bao giờ cũng sáng đèn. Ôi, Lê Anh Tuấn. Ông phải sống ở một nơi chật chội, thiếu thốn như thế là vì sao? Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, anh em văn nghệ không mấy ai giàu sang nhưng chí ít cũng có ngôi nhà. Mỗi Lê Anh Tuấn?  Nếu ông ra khỏi cái gác xép kia, ra khỏi sự vây bủa, ôm ấp của những khuôn mặt đầy thân phận bốn phía chung quanh mà đến với một một chốn rộng rãi, khoáng đạt để suy tưởng và sáng tạo?

Đến một dạo tôi về công tác ở Sở Văn hóa Thông tin, khoảng những năm 2005, 2006. Lê Anh Tuấn vẫn ở trong căn phòng xưa cũ. Cái gác xép thì chật chội hơn, bức bối hơn vì tranh, tượng nhiều hơn, chất chồng. Bạn bè của ông, những họa sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, phóng viên nhiếp ảnh, truyền hình thì tản mác, thưa vắng dần. Cơ chế thị trường, nhốn nháo tiền tài, chức tước không buông tha một ai, kể cả những người đi chăm lo tâm hồn cho người anh em. Con sông nghệ thuật ở Hà Tĩnh trở nên lặng lẽ chảy giữa bộn bề, ồn ào của đời sống, nhưng dường như mỗi người khoanh lấy một khoảnh riêng. Lê Anh Tuấn buồn bã nói với tôi rằng, nghệ thuật là cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ và không có điểm cuối, phải làm sao để những người cầm cọ xứ này biết vẽ, để người xem yêu và hiểu tranh pheo. Ông ít giao du, thường tránh những chỗ đông người. Phần lớn thời gian trong ngày ông ở trên căn gác xép, lặng lẽ suy ngẫm và vẽ những “ Ám ảnh quá khứ”, “Cõi người”, “Nguyễn Công Trứ”, “Nguyễn Du”…Bốn tác phẩm trên bộc lộ được ý tưởng của ông về văn hóa, về thời cuộc, về số phận danh nhân Việt. 

Tôi đang định trèo lên căn gác xép hầu chuyện ông thì người ta cho hay, ông đã đệ đơn xin thôi việc từ ba tháng trước. Ông mới 54 tuổi. Cái tuổi chín, như ông từng nói về Họa sỹ Trần Lê Khả, người bạn thân cận của ông. Rồi đến một ngày, tôi nhớ vào cuối xuân, không khí bức bối, mây tai tái bay đầy trời, tôi gặp ông. Tôi hỏi, tài trí như ông, sức khỏe như ông mà lại nghỉ hưu trước tuổi là vì sao? Ông lắc đầu, nói gọn: Không chịu được. Rồi thôi. Rồi thì bỏ tôi lại một mình đi vào hẽm phố. Đã đành là mỗi người mỗi số phận, kẻ chịu được cái này, người chịu được cái kia, kẻ không chịu được cái này, người không chịu được cái kia, nhưng cái không chịu được của Lê Anh Tuấn là gì? Ông không chịu được những tác phẩm nhạt nhẽo của chính ông? Ông không chịu được những  tư duy nghệ thuật cũ mòn, những tác phẩm“ không tải” đang làm mưa, làm gió trong không gian nghệ thuật?. Ông không chịu được những thứ nhốn nháo, mưu mô, giả dối, bất công…chung quanh ông?   Tôi không thể lý giải nổi. Chỉ biết rằng, ông là người duy nhất tôi đựơc biết, ít nhất là cho đến lúc này, bỏ việc vì sự không chịu được nào đấy. Có người bảo ông “kiêu ngạo, cực đoan, giả vờ ngu ngơ”. Ông kiêu ngạo, cực đoan là có thật. Nhưng tôi nghĩ, âu cũng là một nét tính cách của người làm nghệ thuật.  Còn bảo ông giả vờ thì e rằng không phải. Nếu ông là kẻ biết giả vờ thì ông đã nhận cái chức Trưởng phòng Văn nghệ để hưởng thêm 5% phụ cấp lương, để có quyền mà nhận lợi. Nếu ông là kẻ biết giả vờ thì đã không vẽ tranh thiếu nữ khỏa thân đưa tặng ông Bí thư tỉnh ủy. Nếu ông là kẻ giả vờ thì ba người con trai ông đã có việc làm đâu phải cầm cọ xách giá đi vẽ và đắp phù điêu ở dưới làng, xã. Nếu ông giả vờ thì ông đã có một ngôi nhà dù là nhỏ bé để hai vợ chồng và ba người con trai, một cô con dâu hàng ngày khỏi cụng đầu nhau.

Đôi lúc tôi có cảm giác như chẳng thể nào hiểu được những suy tưởng trong im lặng của ông. Càng ngày cảm giác ấy càng vơi nhẹ, rồi tôi ngộ ra rằng, tôi đã sai khi nghĩ về điều không chịu được của ông. Tôi đa cảm mà thấy ra, nghe ra những điều liên quan đến Lê Anh Tuấn chứ thực thì với ông mọi thứ chẳng sao cả. Không chỉ tôi mà nhiều người chung một ý nghĩ, ông là một văn nghệ sỹ chịu nhiều thua thiệt trong đời sống. Ông nhận ra sự thua thiệt của mình và chấp nhận nó hay là không để tâm tới nó? Có thể cả hai. Ngoài ông ra khó có ai lý giải thấu đáo. Nếu ai đó yêu thương ông, nói lời chia sẻ, lại nhận được ở ông câu: chẳng sao cả. Bản tính một họa sỹ đích thực đã làm ông quên đi tiền bạc, quên đi nhà cửa, quên đi quyền chức, đã giúp ông rủ bỏ chúng ra khỏi suy tưởng và khát vọng dâng hiến. Người ta lại thấy một Lê Anh Tuấn lặng lẽ, trầm tư, thấy những tác phẩm hội họa của ông, những tác phẩm hội họa của Lê Anh Hải và Lê Anh Ngọc vừa là con trai vừa là học trò vừa là bạn bè đồng nghiệp của ông. Trong giới hội họa, ông mặc nhiên thành người thầy, người anh các thế hệ cầm cọ trên đất Hà Tĩnh trong suốt hàng chục năm qua. Ông là người viết nhiều về hội họa, về những vấn đề mỹ thuật đầy tính chuyên nghiệp. Công trình nghiên cứu về “Kiến trúc truyền thống Hà Tĩnh” của ông với những hình họa, những miêu tả, nhận xét, đánh giá, so sánh lịch đại, đồng đại về bao nhiêu là đền, chùa, miếu mạo, bao nhiêu thứ chất liệu gạch, gỗ, đất, đá…  thì trước ông chưa ai làm được. Và giữa nhốn nháo thơ dài, thơ ngắn, Lê Anh Tuấn độc hành một giọng thơ điệu riêng:

 Bà vừa đi vừa ngủ

 Lê đôi chân gầy guộc vẹt mòn

 Bao tải rách buộc vào đòn gánh

Tòng teng đi khắp nẻo đường?

Cứ mươi bước lại gào lên những tiếng

 Đồng nát ơ đồng nát…

Bà đồng nát lại đi

 Đi nhặt những mảnh đồng rơi vãi

 Nằm lãng quên trong dân gian

Bà chỉ ước có một ngày nào đó

 Những mảnh đồng của bà

 Sẽ đúc thành quả chuông Vạn Phúc

  Vai chuông còng như lưng bà…

Và một tâm trạng bất an: 

 Thần Kiều lãng du

Nhân gian chìm nổi

 Bến Giang Đình bồi lở

Dặm hồng cát bỏng bóng thi nhân .

                                       

  Năm 2008, ông rời căn phòng trong khu tập thể Sở Văn hóa Thông tin về ở trong một ngôi nhà tường xây mái ngói nhỏ và xinh xắn. Năm 2011, gia đình ông lên ở nhà tầng. Cả đời vẽ, cả nhà vẽ, gia đình sống bằng nghề vẽ, làm nhà từ những cây cọ. Đâu chứ xứ này như thế là hiếm. Trong số bạn bè của tôi, ông là người thường cho tôi những bất ngờ vui, bất ngờ buồn. Cuối năm 2015, ông điện thoại bảo tôi đến dự khai trương xưởng vẽ. Nhà ba tầng, ông và cậu con trai, họa sỹ Lê Anh Ngọc, Trưởng ban Mỹ thuật Hội VHNT tỉnh dành hẳn hai tầng làm xưởng. Tiếng là chơi với nhau lâu vậy mà lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy, (nhìn không hết) tranh của ông. Tranh to, tranh nhỏ, bột màu, chì, thuốc nước, sơn dầu...dựng, tràn ngập khắp nơi. Đồng nghiệp và công chúng. Người và hoa. Tiếng cười và những ánh mắt. Người ta chúc mừng ông, chúc mừng cái xưởng vẽ đầu tiên trên đất Hà Tĩnh.

Hôm qua ông bảo tôi đến nhà ông uống rượu. Một thầy giáo ở Trường VHNT Nguyễn Du mê tập sách minh họa Truyện Kiều ông sưu tầm, giới thiệu, xuất bản đem đến tặng ông một bình rượu. Bình làm bằng đất nung Bát Tràng, còn rượu kết tinh từ nếp cái hoa vàng và nước trong lòng núi Long Ngâm được nấu theo cách cổ truyền ba nồi. Chén thứ nhất, chén thứ hai...Tôi đứng dậy đi vòng quanh các căn phòng để xem những bức tranh mới. Suốt thời gian tôi đi xem tranh, ông vẫn ngồi chỗ cũ, lặng yên. Tôi trở lại cạnh ông, trong im lặng của ông, trong mùi rượu nếp Quỳnh Viên và bỗng cảm thấy gương mặt đầy vẻ suy ngẫm của ông đang lãng đãng trôi giữa những gam màu nóng, lạnh. Bao nhiêu là lần tôi ngồi với ông, bao nhiêu là lần ông đã như thế...

     Tháng 7/ 2004- 1/2016


Bình luận