Năm ấy làng được mùa lúa. Đồng còn mảng vàng mảng xanh mà trong nhà lúa đã ngồn ngộn. Lúa xếp dọc thềm nhỏn chạm mái tranh, mái ngói, lúa xây thành cồn ngoài vườn. Đặt chân xuống đâu cũng giẫm lên vỏ lúa ram ráp. Gió Lào mang bụi trắng phủ lên da thịt người, ngứa ngáy không chịu nổi. Chị dâu tôi bảo: “Thôi, chú nghỉ tắm táp đi. Đêm nay nước cường”. Chúng tôi, tôi và anh trai và chị dâu trục lúa giữa sân - cái sân gạch có trước khi tôi sinh. Giọng chị dâu tôi nghe xa xôi như tiếng vọng; chắc vì tiếng lúa lào xào dưới trục, tiếng gió xào xạc trong vườn chè. Anh tôi nói: “Vẽ chuyện! Ra giếng mà dội; nước trong vắt, mát lạnh”. Rồi anh lật cái mo cau đệm dưới dây kéo trục nơi vai, lầm rầm câu gì đó nữa tôi nghe không rõ. Tôi theo chị dâu mấy bước nữa rồi rút nạng tre khỏi giằng trục bước ra ngoài vạt lúa quây tròn dày vài gang tay. Tôi cảm thấy người nhẹ tênh, chung chiêng còn mọi vật trước mắt: ngôi nhà, những cây cau, ngọn đèn soi treo lơ lửng trên mái hiên thì lảo đảo, lúc mờ, lúc rõ.
Tôi ngồi xuống sân, nhắm mắt lại. Hơi đất ngai ngái cồn cào gan ruột. Tiếng giằng tre nghiến nơi cốt trục cót két. Tôi đứng dậy, đi vội ra ngõ. Đêm rộng rênh, dịu dàng. Trăng vàng rượi chảy lênh láng trên lá cây. Cánh đồng trước làng bằng phẳng, mất hút vào khoảng không mờ đục. Lòng tôi bỗng bồi hồi. 17 năm sống với cánh đồng này, tôi quen từng bờ ruộng, hàng cây bên sông đến những cái hang cua đồng thẳng, ngoẹo và mùi bùn, mùi lúa... Một cái gì thân thiết, êm đềm dòa lên trong tôi.
- Ai? - Tiếng hỏi khô khốc khiến tôi sững người.
Tôi quay về phía có tiếng hỏi, bắt gặp một bóng đen lừng lững, một mũi súng cũng màu đen chĩa thẳng vào ngực tôi.
- Tôi... - Tôi vội vã trả lời:
- Tôi là ai?
- Nghĩa... em anh Thắng, chị Nhàn.
Mũi súng thõng xuống. Một giọng đàn ông ấm áp:
- Em chị Nhàn à? Tôi tưởng …Lặng một lúc, anh hỏi- Cậu về bao giờ?
- Vài bữa rồi.
- Tôi là Cường làm bảo vệ đồng lúa. Cậu biết tôi chứ?
- Biết quá chứ ạ.
Anh kéo lê báng súng trên mặt đường đi về phía bến sông. Tôi theo anh, không gian tĩnh lặng nghe rõ tiếng cào cào đập cánh tanh tách dưới ruộng lúa và tiếng sóng nguôi ngoai trong dãy dứa dại ngâm nửa thân trong nước. Ánh trăng run rẩy trên lá đa. Tôi và anh ngồi dưới gốc đa, trên bãi cỏ ẩm ướt nơi bến nước. Da đa sần sùi sau lưng chúng tôi. Gió nhẹ như phẩy lông gà. Tôi không nom rõ mặt anh Cường, chỉ thấy một vạt đen mờ và hai đốm sáng của đôi mắt. Hồi tôi còn cởi truồng, anh đã làm Bí thư đoàn. Anh mặc quần xanh áo trắng, bao giờ cũng phạch phạch bên hông cái xắc cốt màu vàng. Anh thường chơi với bọn trẻ chúng tôi, nhất là trò tìm bần chín ăn với lá lăng. Thuở ấy, dọc bờ sông Nghèn quê tôi, bần như rừng. Quả bần tròn, dẹt, lá lăng xanh nõn lẫn trong lá duối, nhai trộn hai thứ vào nhau ra cái mùi vị thật tuyệt: vừa chua vừa ngọt vừa có chút nhẫn đắng... Rồi tôi lên phố huyện học cấp ba, anh đi bộ đội.
- Khục! Khu... ục! Kh... ục!... - Anh ho, người uốn cong. Là bác sĩ tôi biết phổi anh bị hỏng hóc.
- Phổi anh có chuyện rồi. - Tôi nói - Anh phải thương lấy nó.
- Thương đếch gì nó, cậu. Nó làm tình làm tội tôi đủ điều.
- Sao anh không xin nghỉ, làm việc khác.
- Không ai thay cho. Ngày liền đêm mưa, nắng, nóng, rét cứ phải ở ngoài đồng thì có ai muốn. ..
Gió thổi lâu mỗi mạnh. Mặt sông trước mặt chúng tôi lao xao, đây đó loé lên ánh lân quang xanh. Tôi buông giọng:
- Chị Nhàn nói phải; đêm nay nước cường.
Anh đưa tay xát xát trên ngực trái, một lúc sau, nói:
- Chị Nhàn thường nghĩ là sông nước cường- Giọng anh xa xôi. - Xưa ở đây nhiều bần. Hoa bần đỏ màu máu, còn quả bần chín ăn với lá lăng...
Tôi không hiểu anh định nói gì, nhưng không dám hỏi. Rồi anh cất tiếng hát, buồn não nùng:
- Ngọt, chua gói giữa ruột bần. Lá lăng em đã hái để dành chờ anh.... Giờ thì chẳng còn bần, chẳng còn chua với ngọt. Người ta chặt nó hết rồi.
Giọng anh khác lạ, dài lê thê và run rẩy, như tiếng khóc. Lát sau, anh chống tay vào đầu gối đứng dậy, khoác quai súng lên vai.
- Cậu tắm đi. Lâu nay tôi ghét tắm đêm...
Nói xong, anh đi về phía đồng. Bóng anh nhỏ dần, nhòa vào bóng đêm.
Tôi cởi áo quần, nhảy ào xuống sông. Nước vỡ ra, tung tóe. Tất cả chung quanh tôi: Cây cối trong bóng đêm hiện lên những hình thù kỳ dị, ngôi sao hôm leo lét, cây đa im phắc như một tảng đá, tiếng cá mương chim chíp... thảy, trở nên huyền bí. Một nỗi sợ hãi mơ hồ ám ảnh tôi. Tôi vội vã leo lên bậc đá thứ hai, bậc đá thứ nhất. Đã thấy đốm lửa lập lòe trong làng, lúc xa xôi, lúc gần gặn.
Tôi về đến ngõ, bỗng nghe trong sân tiếng quát tháo của anh tôi. Rồi tiếng chị dâu tôi khóc. Tiếng loảng xoảng của những vật bằng kim loại mỏng va nhau. Anh tôi đang đi tới đi lui trên vạt lúa trục dở.
- Tao sẽ giết mày. - Anh tôi rít lên.
Chị dâu tôi nói:
- Tôi lạy anh. Để con nó nói đầu đuôi xuôi ngược đã.
Tiếng anh tôi:
- Vậy là rõ. Đêm nay nữa là rõ.
Tiếng mẹ tôi:
- Con Thảo đã nói rồi còn chi. Rằng ông ta đã ôm nó. Ôm nó là để hiếp nó chứ ôm để làm chi. Trời đất, đảo điên lên cả rồi.
Tiếng anh tôi:
- Hắn đã làm gì mày chưa? Nói đi!
Cháu tôi, con Thảo đang gục đầu vào lòng mẹ. Vai nó rung lên. Nó khóc, tiếng khóc mắc nghẹn trong cổ nghe ưng ức. Năm nay nó tròn 16 tuổi, người mảnh mai. Dáng vẻ và khuôn mặt giống mẹ như hai giọt nước.
Chị Nhàn vuốt dọc lưng con gái, nói:
- Nín đi. Kể cho mẹ nghe nào.
Con Thảo ngẩng đầu. Khuôn mặt nó nhòe nước mắt.
- Họp xong, con đi tắt đồng lúa về. Đến cồn Mục Đồng thì gặp ông ấy. Ông ấy bảo con ngồi xuống cho ông ấy hỏi chuyện. Con ngồi. Ông ấy cứ im thít. Con đứng dậy, ông ấy nói vội vàng: “Thảo ơi mẹ Nhàn ở nhà à?”. Con nói: “Dạ”. Ông ấy nhìn chăm chăm vào mặt con. Rồi ông ấy vứt súng xuống đất, ôm choàng lấy con. Con giãy giụa, con cắn vào cổ ông ấy. Ông ấy buông con ra.
- Chỉ thế... - Chị Nhàn nói - Sao con lại cắn người ta.
Anh tôi giẫm chân vào đống lúa nơi góc sân:
- Lại thế nữa. Lại tại sao lại cắn người ta?! Tao sẽ hỏi nó. Tao sẽ dần xương nó ra. Cái thằng Cường khốn kiếp.
Anh tôi giật cái nạng chống rèm, chạy ra cửa, xô dạt tôi vào dãy cúc tần.
Chị Nhàn kêu lên hốt hoảng:
- Ai đó giữ anh ấy lại - Nhận ra tôi chị đấm thùm thụp vào ngực tôi - Chú Nghĩa, giữ anh Thắng cho chị. Anh Cường không có tội gì đâu. Đi! Đi.
Tôi đuổi theo anh tôi. Đêm vỡ lào xào. Lúa quất ràn rạt vào anh tôi, vào tôi. Anh tôi trước, tôi sau, chạy về phía có tiếng ho khùng khục.
Tôi đã không ngăn được cơn giận điên dại của anh trai. Lúc tôi đến cồn Mục Đồng, anh Cường đã bị đánh nhũn người. Cái nạng chống rèm nằm cạnh một ngôi mộ sè sè. Mặt anh Cường nhễu máu. Máu lóe sáng trong ánh trăng. Tôi ôm chầm lấy anh. Rồi bế xốc anh lên, chạy đến trạm xá xã. Từ trạm xá xã, anh được chuyển ngay xuống bệnh viện huyện. Hai ngày sau người ta cho anh ra viện, bảo đã hết cách cứu chữa.
Đưa anh về quê, có bốn người. Đi đầu là một ông thiếu tá thời đánh Pháp. Hai người thanh niên và một chị phụ nữ, Bí thư chi bộ làng. Cái dáng lòng khòng, cái đầu cúi gục của ông thiếu tá, cái cáng anh Cường nằm phủ chăn chiên màu tro, những bước chân gần như rón rén và tiếng gió u u, rền rĩ... gợi lên cho tôi những ý nghĩ về một đám tang... Mãi quá chiều chúng tôi đưa được anh Cường tới nhà. Một ngôi nhà nhỏ, tường vôi, lợp ngói. Ngói còn đỏ rói. Trong nhà trống trải, không khí ẩm mốc và lành lạnh. Ngoài cái giường, cái tủ một cánh, bộ bàn ghế cũ kỹ, chẳng thấy gì nữa. Ông thiếu tá đưa tay áo lau nước mắt. Chị Bí thư chi bộ buồn thiu nói thì thào một mình nơi góc nhà.
Anh tỉnh táo cảm ơn mọi người rồi bảo tôi:
- Cậu ở với tôi... là bác sĩ cậu biết được mệnh hệ con người. Vả, tôi có câu chuyện muốn thưa cùng cậu. Giọng anh van vỉ, nhưng rành rọt.
Tôi ngồi xuống mép giường, nắm chặt bàn tay anh, những ngón tay gầy, nổi cộm xương. Anh cười với tôi. Nụ cười méo xệch; chắc vì một cơn đau nào đó trong người. Khuôn mặt anh hồng lên một chút. Trong đôi mắt to, đồng tử màu nâu lặng im, dâng đầy nước.
- Tôi nghe anh đây. - Tôi nói.
Anh hỏi:
- Cậu có tin tôi không?
Quả là tôi không biết anh hỏi tôi tin cái gì và cớ gì để tin hay không tin anh, nhưng nghĩ rằng anh sắp chết thì thật giả, phải, trái, có, không phỏng có ích gì, bèn nói:
- Tôi tin anh.
Anh miết ngón tay lên trán, nói:
- Đêm hôm ấy...
- Ờ, tôi biết không có chuyện ấy, cái chuyện anh và cháu Thảo. Tôi vội ngắt lời anh.
Anh chậm chạp nói:
- Có đấy, có chuyện tôi ôm con Thảo?
Tôi ngỡ mình nghe nhầm. Nói cách khác, ý thức tôi nhận ra lời anh một cách khó khăn. Khoảnh khắc, quên anh đang hấp hối, tôi gằn lên từng tiếng:
- Sao anh làm cái việc như thế?
Anh khó nhọc lắc đầu. Nơi đôi môi tím tái phát ra những âm thanh rời rạc. Tôi cúi xuống, cố nghe lời anh trối trăng, nhưng không nghe nổi. Bàn tay anh quờ quạng trên mặt chiếu rồi bíu vào tôi. Một lát sau, anh tắt thở. Những đường nhăn trên vầng trán, nơi khóe miệng vẫn rung động. ít nhất đấy là cảm giác của tôi.
* *
Tôi lờ mờ thấy có chuyện gì đó dằng dịt giữa chị Nhàn, con Thảo và anh Cường. Mấy lần định hỏi chị Nhàn nhưng không tìm ra lúc thuận. Anh Thắng bị giam ở huyện. Chị Nhàn chạy đi, chạy về, mặt mũi phờ phạc, người xiêu vẹo. Nhà cửa lúa ngồn ngộn, lúa vung vãi. Chẳng ai để tâm dọn dẹp. Cháu Thảo ôm mặt nằm còng lưng tôm trên giường khóc dấm dứt. Không khí buồn hiu hắt. Vừa hết thời gian nghỉ phép, tôi phải về cơ quan. Tôi đi, mang theo khuôn mặt anh trai tôi lầm lì cau có, gương mặt chị Nhàn thấm đẫm nỗi buồn lẫn lo lắng thảng thốt và một ám ảnh anh Cường lúc hấp hối. Hai tháng sau, tôi nhận được bức điện của chị Nhàn. Vỏn vẹn mấy chữ: “Ngày 24 tòa xử anh Thắng, chú về gấp”.
Tôi nhảy tàu về đến nhà lúc mờ sáng ngày 23. Chị Nhàn ra tận sân đón tôi. Chị bảo: “Có chú về, chị vững dạ hơn”. Tôi và chị lên huyện ngay sáng đó. Lần đầu tiên, chị nói chuyện với tôi như với một người bạn:
... - Thuở con gái, chị có thói quen thích tắm đêm. Bến tắm của làng, đêm rất vắng và dày đặc bóng cây. Trong bóng cây, mọi vật mờ ảo và mặt nước thì mịn màng như lụa, đẹp lắm. Sau ngày cưới, anh Thắng thường đi cùng chị. Chị xuống sông, ngâm mình trong nước, còn anh Thắng ngồi hút thuốc lá dưới gốc đa. Cứ thế, được dăm bảy lần. Sau, anh Thắng bảo: “Ra giếng dội vài gàu nước là xong”. Chị đi một mình, tắm một mình. Một hôm, anh Cường đột ngột chắn mặt chị ở bậc đá thứ nhất. Bậc đá rộng mỗi chiều non một mét, bằng phẳng, đụng vào là rân rân khắp cơ thể. Chị xòe hai bàn tay che khuôn ngực trần. Anh nói: “Anh trốn đơn vị về để chào em. Mai anh vào B”. Chị líu ríu: “Về nhà... nói chuyện” - Anh làm một cử chỉ gì đó: “Không... anh đi ngay bây giờ mà. Em để cho anh nói với em vài câu”. Chị lắc đầu: “Còn chi nữa mà nói. Mọi thứ hết cả rồi, hết vào bữa anh đi, vào bữa anh nói là anh không yêu tôi, rằng là tôi đừng chờ đợi anh, chẳng có ích gì, rằng là, tôi hãy lấy chồng” - “Anh đứt ruột mà nói thế Nhàn à. Anh sợ em khổ. Chiến tranh sống, chết cách nhau mũi kim, anh không có gan ràng buộc em. Nay thì em đã có chồng. Anh tin em sẽ hạnh phúc, mong vậy”. Chị nói: “Đừng nói nữa. Chúc anh đi chân cứng đá mềm”. Anh nói “Anh sẽ không quên được em”. Chị thấy hai bàn tay anh dậm dật. Anh nói gần lắm, hơi thở phả cả vào mặt chị: “Anh đã hai mươi bốn tuổi. Chưa hề được ôm đàn bà... Mai anh đi, có thể sẽ chết. Ba đứa đi cùng đợt với anh chết hai rồi... Anh xin em...”. Mọi thứ xảy ra sau đó, những lời nói, những hành động của anh, của chị nó chồng chéo vào nhau, không thể kể lại được. Cơ mà... đêm ấy, ở bậc đá thứ nhất ấy, chị đã cho anh cái anh muốn. Mười tháng sau, con Thảo ra đời. Chị không biết con Thảo là giọt máu của ai, nhưng chị cố tình nghĩ, con Thảo là con anh Thắng. Mọi sự rối tung lên khi anh Cường xuất ngũ về làng. Bố mẹ và đứa em gái của anh đã chết bom. Anh ở một mình, lặng lẽ, âm thầm như một cái bóng. Rồi chẳng hiểu sao, anh xung phong làm bảo vệ cho hợp tác xã. Ngày liền đêm anh ở ngoài đồng không mông quạnh. Một lần anh đến chỗ chị gặt, lượm lúa cho chị, và nói: “Cô có kể cho con Thảo nghe về tôi không?”. Chị lau mồ hôi, nói “Không...”. Anh buồn bã: “Vậy hay hơn”. - Chị nhìn anh nói: “Anh Cường này, anh lấy vợ đi”. Anh cười chua chát: “Có ai đổ điên đi vơ tôi làm chồng hở chị”. Mắt chị cay xè. Nước mắt trộn mồ hôi rơi xuống lúa. Sau lần ấy anh tìm mọi cách tránh chị và tìm mọi cách gặp con Thảo. Anh Thắng biết chuyện, cáu kỉnh: “Nó chắc bị mảnh bom, viên đạn vào đầu phát điên mất rồi”. Chị bảo: “Đừng nói thế có tội”. Anh Thắng cười khẩy: “Tội với chả tình, cái mắt nó nhìn con Thảo như mắt chó nhìn thịt. Cô mà để con Thảo gặp nó thì liệu thần hồn”. Chị tránh chồng, khóc một mình. Cho đến cái bữa, anh Cường ôm con Thảo ở giữa đêm hôm khuya khoắt.
- Chú ạ, con Thảo là con anh Cường. - Đột ngột chị nói. Rồi như kẻ kiệt sức chị rên rỉ. - Trời ơi, cuộc đời này nó giống như một đống lúa mới trục xong chắc, lép, trắng, xanh, to, nhỏ... có cả, lộn nhào.
Tôi đặt tay lên vai chị:
- Thôi đừng tự làm khổ mình nữa, chị Nhàn ạ. Chuyện xảy ra đã 17 năm rồi còn gì.
- Nếu giờ chị không nói, anh Cường bị oan, vong linh anh ấy dưới kia sao mà thanh thản được.
Tôi chép miệng:
- Anh ấy chết rồi!
Chị lừ mắt nhìn tôi:
- Chú đừng nói thế. Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Cái bia miệng ở làng ta thì nó khiếp lắm.
Tôi buông giọng hỏi:
- Thế chị định sao?
- Mai, trước tòa chị sẽ nói chuyện này ra.
Tôi đứng sững lại:
- Chị điên rồi. Chị tính bảo vệ danh dự cho một người đã chết. Người sống thì sao? Anh Thắng sẽ nghĩ gì về chuyện này? Anh ấy phải đi tù đã đủ đau rồi, thế mà chị còn định giáng cho anh ấy một đòn nữa ư? Còn cháu Thảo nữa... Nghĩ lại đi, chị Nhàn, chuyện của 17 năm trước, xới lên làm gì.
Chị Nhàn im lặng. Đôi môi cắn chỉ của chị mím chặt. Cuối cùng chị nói, rành rọt từng tiếng:
- Chị đã nghĩ hàng chục năm nay, nghĩ kỹ khi anh Cường về làng.
Tôi vớt vát:
- Dù sao... có lẽ... không nói vẫn êm thấm hơn.
Chị Nhàn bảo:
- Chú đừng khuyên chị nữa.
Từ ấy cho đến hôm sau, lúc tòa tuyên án anh Thắng tám năm tù giam, tôi hầu như không nói với chị Nhàn một lời. Thâm tâm tôi giận chị. Lúc chị nói trước tòa, trước đám đông rằng, con Thảo là con anh Cường. Anh ấy ôm con Thảo là cái ôm cái tình máu mủ ruột rà, tôi thấy anh Thắng lảo đảo, mặt trắng bệch. Có lẽ lâu nay, sự thật ấy chỉ lờ mờ trong mối hoài nghi của anh mà thôi. “Thế là hết!”. - Anh nói một cách khó khăn.
Chị Nhàn nói: “- Tha tội cho em”. - Anh Thắng bảo: “Chúng ta đều có tội với nhau”. Tôi tưởng mọi sự dừng ở đó. Bất ngờ anh Thắng nói: “Xin tòa cho tôi ly dị với vợ luôn”. Đến lượt chị Nhàn lảo đảo. Lòng tôi nhói đau. Tôi thương chị Nhàn, thương anh Thắng, thương cháu Thảo, thương cho một gia đình đang như cái tổ chim rời khỏi cành chông chênh trong gió. Bất giác tôi nhớ tới câu hát của anh Cường và một chút vui len vào lòng. Mãi về sau, khi bình tâm lại, tôi vẫn không tài nào hiểu được vì sao tôi lại nhớ câu hát, lại vui được vào lúc ấy./.
Bình luận