Giữa những chặng dài bờ biển ngun ngút cát trắng nổi lên một ngọn đồi đất nâu. Chỗ đồi giáp biển có ngôi đền nổi tiếng linh thiêng gọi là đền Thánh Mẫu. Đền Thánh Mẫu ngăn cách với biển bởi một khối xanh của si, phi lao, bạch đàn, muồng đen, lồ ô… Dưới chân đồi là làng với hai dãy nhà thấp, sâm sẫm nép vào nhau vẻ nín nhịn. Ngọn đồi và làng đó cùng tên gọi: Yên Linh.
Nhà ông đối diện với biển. Bao đời nay biển lấn dần bờ lúc từ tốn, lúc tàn ngược. Con đường ghép bằng đá xám từ làng ra biển ngắn dần, nhà ông cứ thế gần biển hơn. Thời nào đấy về đêm sóng biển còn tung cả bọt nước xanh lân tinh vào làng và đất đá lở ầm ào, một mảng sườn đồi trựơt dài. Sự biến mất của những vùng đất ven biển diễn ra năm này sang năm khác, trở thành nỗi lo sợ ám ảnh những con người vốn đã nhiều lo toan, vướng bận. Một tổ chức ở tận bên nước Bỉ rót tiền cho dân Yên Linh trồng rừng chắn sóng.
Bấy giờ ông và cô gái về sau là vợ ông ở trong đội trồng rừng chặng bờ biển từ làng đến đền Thánh Mẫu, dài chừng ba cây số. Đội gồm năm chục thanh niên trai trẻ. Chi phí trồng rừng nhiều như nước. Có thể ví công việc ấy với việc ong xây tổ lại cũng giống với dã tràng xe cát. Cần mẫn. Mong manh. Những cây phi lao bám rễ vào cát lớn lên một cách khó nhọc nhưng mà bền bỉ đến lì lợm, nó như bản chất của việc dân chúng đang làm, biểu hiện lòng mong mỏi bình yên và ý thức làm chủ làng xã. Không tính hết những cây trồng bị sóng biển nuốt chửng. Cũng dễ thấy, biển sững lại trước cây. Vai trò của những người trồng rừng trở nên quan trọng bậc nhất, trở thành nơi cho người ta gửi gắm niềm tin. Ông và nhiều người khác biết sự rộng hẹp của đất nước, hình dáng của các bãi biển, vì thế nhận ra rõ như lòng bàn tay những rừng cây bị cuốn trôi, những bãi biển biến mất. Nhưng với trách nhiệm và vai trò của mình, họ vẫn lầm lụi làm việc, hát hò vào những kỳ biển lặng hoặc những hôm đường làng tấp nập người đi lễ hội đền Thánh Mẫu. Bao nhiêu là năm, không đếm xuể cây sống, cây chết. Rồi cũng có những dãy phi lao, bạch đàn, xà cừ nối với lùm cây trước đền Thánh Mẫu thành rừng chạy dài dọc bãi biển, Làng Yên Linh bỗng ra cách xa biển. Sóng dồi, cát cuộn phía bên kia rừng cây. Con đường từ làng ra biển bỗng dài hun hút dưới tán lá cây dày sít, đi mãi mới gặp sóng. Đội trồng rừng hoàn thành sứ mệnh của mình, ai về nhà nấy làm những công việc đã thành truyền thống của gia đình và nói chung phải xoay sở, đánh vật với hoàn cảnh để sống .
Mùa nồm, ông ra khơi đánh bắt cá. Vợ và con gái cắm đầu vào bể chợp chế biến ruốc, nước mắm bán cho khách buôn đường xa. Rồi vợ ông mất vì bệnh tim. Ông bỏ nghề ra khơi, vào lộng, ngày lại ngày quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn chăm sóc mấy cây dứa, cây dưa, đám ớt, vạt khoai giong riềng, khoai sọ, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ để ông ăn uống, tiêu pha. Ông chẳng phải tích góp tiền của cho ai. Đứa con giá duy nhất của ông mệnh hỏa, cầm tinh con ngựa, sinh ngày dần, tháng thìn, từ nhỏ đến lớn cứ lấn bấn dù xinh đẹp nổi tiếng cả vùng. Cao ráo, da trắng mịn màng, tóc chảy dài còn đôi mắt thì long lanh cứ như hút hồn người. Thi hỏng đại học nó làm việc lặt vặt trong nhà rồi sau khi mẹ mất nó đến đền Thánh Mẫu viết sớ cho khách, gõ phách cho lễ hầu đồng hay hát thờ. Không có hành lễ nào vắng nó. Nó mê công việc đang làm với một sự hào hứng tâm linh nào đó ông không hiểu nổi. Điều ấy gây nên trong ông một nỗi lo lắng mơ hồ. Ông hy vọng làm một việc gì đó để có thể kéo con gái ra khỏi niềm đam mê mà ông nghĩ chẳng đem lại cho nó một tương lai sáng sủa, nhưng ông không tìm ra lối và vì không tìm ra lối nên ông im lặng một cách khổ sở.
Đến thời một số vùng đất heo hút, âm thầm của quốc gia trở nên những hình ảnh sống động trên các phương tiện truyền thông mà đặc biệt là điện tử. Yên Linh là một vùng đất như thế. Lúc đầu dăm chục người về làng, leo lên đỉnh đồi chụp hình. Qua một tuần con nước, hai cái tàu thủy to lớn từ ngoài khơi xa lừ lừ tiến về phía Yên Linh. Nó bỏ neo. Rồi một cái cầu chẳng hiểu làm bằng thứ gì nối từ tàu vào bãi cát. Người và đủ thứ sắt thép, máy móc theo nhau vào vùng đất bên kia đồi Yên Linh. Tiếp theo nhiều nhóm người đi ô tô xuất hiện khiến dân chúng hoang mang nghĩ tới một sự đổi thay mà không biết hình hài nó ra sao.
Và rồi cuối cùng một khu công nghiệp ra đời.
Ông trở nên chậm chạp, trầm uất bắt đầu từ ấy, khi rừng phi lao ven biển bị chặt hạ không thương tiếc, những ngôi nhà lợp tôn mọc lên, những con đường ngang, dọc ồn ào, mù mịt bụi. Quy hoạch khu công nghiệp ôm hết dải đất ven biển từ làng Yên Linh đến đền Đức Thánh Mẫu, kéo dài ra hai cái tàu cao ngất ngưỡng ngoài biển, lên Thị trấn Huyện. Nghĩa là dân làng không còn vùng lộng để đánh bắt cá. Nghĩa là rừng phi lao sẽ mất. Nghĩa là Yên Linh trở nên trần truồng trước biển; nó sẽ không còn cơ chế tự vệ cho mình trước sự đe dọa của biển và bão cát. Một làn sóng dư luận phản đối sôi sùng sục khắp nơi và dễ nhận ra, theo nó là những khuôn mặt buồn của sự bực bội và bất lực không giấu diếm. Không phải tất cả đều thế. Bọn trẻ, kẻ vô công rỗi nghề tính sự im lìm, tẻ lặng của làng bao đời nay sẽ được thay bằng khu công nghiệp ứ hự việc làm và tiền. Con gái ông bỏ Đức Thánh Mẫu, bảo đi làm công nhân ở khu công nghiệp, anh Phó tổng người Tây, Tàu nào đó gặp ngoài bãi biển đã nắm tay nó lắc lắc và hứa rồi. Vợ mất khi nó lên mười, ông nuôi nó, chiều chuộng hết kể, nhưng chuyện này ngẫm ra khó nghe. Làm đâu chứ cho khu công nghiệp thì khó nghe. Nó vặc lại ông là vì sao lại ghét người ta. Bấy giờ ông đang ngồi trong nhà nhìn ra dãy phi lao trước làng. Dường như cây với tiếng vi vu cùng màu xanh thẳm trở nên nhạy cảm với tâm trạng của ông, ông nói với con gái mà mắt rưng rưng, mà giọng run run. Ông nói, con có biết làng Yên Linh ở vùng đất này từ xửa xưa, đã hàng mấy trăm năm. Hiểu cha nói không? Con gái ông im lặng, vẻ dửng dưng. Ông nói, con xin hầu Đức Thánh Mẫu để giá đồng mà nghe Đức Thánh phán truyền, cha tin bà ấy cũng nói như cha. Có những điều thánh thần và con người nghĩ như nhau, nói như nhau. Con hiểu không? Con gái ông đáp, con hiểu và vẫn với vẻ dửng dưng.
Ông nhìn con nghiêm nhặt và thở dài. Rồi ông đứng dậy đi ra ngõ, lần bước giữa những gốc cây to da óng màu hổ phách, cao gấp mấy lần người ông, những cây bị bật gốc trơ rễ, những cây cụt ngọn, những cây nằm ngửa thân oằn cong trên đất nâu…Ông vịn tay vào cây đứng, cây đổ mà đi, qua gió, mang theo tiếng xào xạc, vi vu. Ông đi như thế cho đến tận canh một mới về nhà.
Sáng hôm sau ông thức dậy không thấy con gái đâu nữa. Cái hòm đựng quần áo mở nắp, trống rỗng. Con ông đã đến khu công nghiệp ở đằng trong dãy tường bao xây bằng gạch, trụ bê tông, kéo dài như không có chỗ tận cùng. Không riêng gì nó, có nhiều người khác, cũng lặng lẽ rời làng. Họ đi làm công nhân, công nhân cho người Tây, Tàu thu nhập bằng kỷ sư của ta. Là ông nghe phong thanh thế. Con gái ông còn hơn cả công nhân, nó làm ở phòng nhân sự. Gã Phó tổng mê cô gái miền biển chắc lẳn, xinh đẹp. Năm tháng kể từ ngày bỏ đi, nó về thăm nhà, nom khác hẳn, áo váy lượt là, môi son má phấn, đẹp như diễn viên trên truyền hình. Ông lắc đầu nói, khéo sập bẫy đó con. Nó nói, bao nhiêu đứa đang muốn sập bẫy. Ông chuyển hướng hỏi, lâu con không sang đền Thánh Mẫu à? Nó nói, quên chuyện hầu đồng đi cha ạ. Khu công nghiệp không ai thích lễ hội Thánh Mẫu. Lúc ấy mặt nó thoáng chút thảng thốt thế nào đấy. Và nói thêm là nó làm một thời gian rồi sẽ đi nơi khác. Mãi hàng tháng sau không thấy nó về nhà. Một hôm có người đi ô tô đến đưa cho ông một bức thư. Thư viết trên tờ giấy xé từ một cuốn sổ, lề nham nhở, nét chữ líu ríu. Nó xin ông ra nước ngoài với ngài Phó tổng. Nó sẽ về khi đã có nhiều tiền. Nó sẽ xây nhà kiên cố, khỏi cái nỗi thấp thỏm lo sợ biển động. Và rằng, nó không phải gái hư, chẳng qua là đi tìm sự đổi đời. Trên mặt đất nhốn nháo này vẫn có chỗ cho đứa con gái của ông đổi đời ư? Mà đời nó yên lặng thế còn đổi với thay cái gì kia chứ? Ông lầm rầm, cắm chân vào cát nhìn ra mênh mông biển, ngực bỗng đau thắt từng cơn. Ông âm thầm kể với con gái chuyện biến mất của dải bờ biển trước làng, của những rừng cây, chuyện rỗng lòng thuyền mùa tôm tháng ba, mùa mực tháng sáu và cả những cảnh tượng nhộn nhạo chung quanh mà ông không hiểu nổi.
Khi đêm đến, những người nhiều tuổi trong làng cả đàn ông lẫn đàn bà tụ tập tại nhà ông. Cứ như là một hội họp, người ta nói với nhau chuyện gia đình, làng xã, huyện, tỉnh, cả chuyện quốc gia. Và khu công nghiệp là chuyện quan trọng nhất, bởi vì lâu nay, dân chúng ngủ quên đi thì chớ, thức tỉnh là nghe, thấy những thứ của khu công nghiệp hoặc liên quan tới khu công nghiệp. Nếu những người nhiều tuổi trong đội trồng rừng năm xưa có mặt và kể về cuộc đánh vật với bão cát, sóng biển để cho cây thành rừng mà rừng ấy đang biến mất thế nào thì người ta sẽ cảm thấy trong các cuộc cười một cảm giác bất an từ những người tham dự. Vì từng là đội trưởng đội trồng rừng, từng tham dự lễ hội đền Thánh Mẫu, hơn thế có con gái làm hầu đồng, hát thờ dưới bàn thờ Tứ vị Thánh Mẫu, nên ông là người được đám đông quan tâm, thành quan trọng nhất. Mọi người ngước nhìn ông, cứ như ông sẽ xua tan được cảm giác bất an đeo bám họ.
Ông đứng bên cửa sổ, tay cầm chén rượu, bối rối nhìn về phía đền Thánh Mẫu.
Tiểu sử và hành trạng Nàng Len – Đức Thánh Mẫu:
Năm Đinh Mùi (767) là năm Đại Lịch thứ 2, đời vua Đại tông đời Đường, quân Côn Lôn và Đồ Bà ở những đảo ngoài bể vào cướp phá ở đất Ân Đức. Nhà vua thân chinh dẫn quân đi chinh phạt. Đến Yên Linh thấy một ngọn đồi đất nâu đầy đá và gốc cổ thụ, thủ thì đới sơn, vĩ thì đạp thủy, mới lệnh quân lập trận. Hôm sau quan Lạc tướng Lê Tu huyện Ân Đức cùng vợ và con gái tên gọi Nàng Len, mang lễ vật đến chào. Thấy Nàng Len xinh đẹp, thông minh, hiểu biết chính sự lại có tài văn thơ mới lấy theo hầu. Mùa hạ tháng năm, cuối tuần con nước, thuyền bè đã kết đủ, vua ra chiếu tuyên dụ xuất quân. Chiếu chưa kịp đến doanh trại thì bỗng mưa gió sấm chớp nổi, ban ngày mà trời tối đen như đổ mực trong khoảng gang tấc cũng không nhìn thấy mặt nhau. Ngoài biển sóng dựng ngất trời, cao hơn cả ngọn cây si. Dây buộc đều bị đứt, thuyền va đập nhau tan tành cả. Vua bỗng thấy Giao Thần bước rộng lắc mình giữa mưa gió bước đến trước mặt và nói, ta cai quản vùng biển này từ ba trăm năm nay. Thấy nhà ngươi mang theo nhiều phi tần trẻ đẹp mới nổi sóng to níu giữ xin lấy một người hầu hạ. Được vậy thì ta sẽ chuyển sóng gió sang cho bọn Côn Lôn, Đồ Bà. Nhà vua nghe biết, nhưng im lặng. Vẫn không tin chuyện Giao Thần. Người lại lệnh đóng thuyền, kết bè. Sóng gió vẫn không nguôi; thậm chí hung tợn hơn. Đêm ấy, nhà vua nghe cấp báo quân Côn Lôn, Đồ Bà đang lợi dụng sóng êm, bể lặng đốc thúc hải thuyền tiến vào đất liền. Đang lo lắng lại thấy Giao Thần đến đòi thị nữ. Nàng Len biết chuyện, nói thiếp sợ xảy ra tai biến, việc lớn không thành, thôi thì lấy tướng sỹ làm trọng, ái ân thành nỗi riêng tư. Vua nói, có phải hiến nữ nhi cho Giao Thần thì cũng không phải là nàng. Bậc ái nhi không chết bởi tay giặc biển. Nàng Len nói, thiếp sinh ra ở xứ này, từng thấy giặc bể kiêm tính đất đai, xẻ chia, đào hào, đóng quân, trấn giữ. Nay được Hoàng thượng sủng ái, đã là thỏa lòng. Xin cho thiếp thực hiện nguyện ước giúp cho sự chấn hưng cơ nghiệp của Hoàng thượng. Nói xong thì nhảy xuống biển. Bỗng chốc gió đổi hướng, sóng dồn ngược ra phía khơi xa. Quân Côn Lôn, Đồ Bà chạy tan. Vua không tốn một mũi tên mà thắng trận. Sáng ra vua làm lễ tế, vừa khóc vừa đọc:
“ Vì vua thác oan chừ! Hồn tan thủy mi
Bể khơi mênh mông chừ! Kiếp thác bao thì
Mặt ngọc xa cách chừ! Tái hợp khó kỳ
Nhờ lại đức tốt chừ! Lòng ta y hy
Xem lai giấy mực chừ! Giọt lệ lâm ly
Số mệnh đã định chừ ! Trời kia không vi
Than ôi, thương thay! Hồn bỏ trẫm đi…
Thương thay hồn chừ! Hương chén quỳnh chi…”(*)
Xong, ra chiếu dụ rằng: “Nàng Len là nữ nhi, trẻ tuổi mà hiểu thấu mối an nguy của cả nước, lo cho vua tôi, tướng sỹ mà không tính đến mệnh sống của mình. Công lao của Nàng là to lớn. Cái lòng vì đất đai của tổ tiên, vì vương triều là sâu nặng lắm”. Lệnh lập đền thờ và để lại một câu trên ván gỗ: “Chế thắng Đại Vương Thượng đẳng thần”.
Đền thờ Nàng Len xây xong, dân chúng gọi là Đền Đức Thánh Mẫu.
Năm sau, mùa xuân, tháng ba, ngày rằm, giặc Đồ Bà lại kết thuyền tiến vào đất Ân Đức. Vua lệnh cho Lạc tướng Lê Tu nghênh chiến. Vừa qua mấy mùa hạn hán, dân đói khát, quân sỹ uể oải, nhiều vùng thành hoang địa, dọc bờ biển nơi phải dàn trận thì trống trơ cồn cát, Lê Tu lấy làm lo lắng, bèn đến đền Thánh Mẫu tế lễ cầu xin giúp đỡ. Nửa đêm hôm ấy, trời sáng như ban ngày, còn biển thì rì rầm, rì rầm như tiếng người nói chuyện không dứt. Sáng dậy, Tu và quan quân giật mình khi bỗng thấy suốt một chặng dài bờ biển hôm qua còn trắng phớ cát giờ cây cối tốt tươi, dày sít tựa như một bức tường thành. Quân Đồ Bà không tài nào lên được đất liền, phải neo thuyền ngoài biển liền bị 500 cung thủ của Lê Tu từ trong rừng cây bắn tên ra như mưa chết không biết bao nhiêu mà kể. Quân giặc tan vỡ. Năm ấy Lê Tu làm lễ rước to ở đền Thánh Mẫu và xuống lệnh cho dân chúng trong vùng hàng năm cứ đến mùa xuân, tháng giêng ngày rằm, gái trai, trẻ già đều phải ra bãi biển trồng cây để giữ nguyên bờ cõi.
Ngày hôm sau, ông theo chân tường bao khu công nghiệp đi dọc bãi biển, giữa những khối sắt thép, những kho bãi, những máy móc, xe cộ, bụi mù và tiếng động đinh tai…những thứ từ khi cha sinh, mẹ đẻ đến nay ông chưa một lần nom thấy. Một cái gì bí ẩn dẫn dắt ông. Cuối cùng ông rơi vào một khoảng không tĩnh lặng, bốn phía chung quanh là cây xanh. Bấy giờ ông nhận ra mình đang ở giữa sân đền Đức Thánh Mẫu. Đền tọa giữa đám si già thân mốc mác nhưng lá xanh mướt mát. Phía trước là rừng cây dày sít kéo dài ra tận biển. Hình như lúc nào đó, ai đó bảo ông hãy đến nhờ Thánh Mẫu. Người trần không giúp được thì cứ đến với thánh thần. Biết đâu con gái sẽ trở về. Cứ phải có một cái gì đó bám víu vào để chống lại hoàn cánh mà sống. Ông đã thấy dân làng thường đến cầu xin Thánh Mẫu sự bình yên, no ấm. Bình yên, no ấm chưa thấy thì cứ tin, cứ tự nhủ là rồi nó sẽ đến. Và người ta bằng lòng, người ta vui vẻ hy vọng. Bao đời, bao người đã thế. Ông nghĩ, mỗi người mỗi phận, phận ông chẳng giống ai, biết đâu lời cầu của ông nó ứng nghiệm. Một thời, ông cùng vợ và con gái thường đi hội lễ đền Thánh Mẫu. Ngày lễ bao giờ cũng đông người. Khách thập phương kéo về thành lớp trong, lớp ngoài từ chân đồi Yên Linh ra, từ bãi biển vào. Một người mặc áo đỏ, mặt mỏng như lá cây dẫn bọn ông đến nơi xem rước thỉnh kinh, tế lễ, xem ông đồng, bà cốt nhảy múa, phán truyền và nghe văn chầu trong tiếng phách, thanh la, trống, đàn, nhịp khoan, nhịp nhặt. Hồi ấy con gái ông lên mười tuổi. Vậy là đã lâu lắm rồi, khoảng chín hay mười năm rồi. Mà nó đi sang bên kia biển cũng đã ba năm. Nhiều cô gái trong làng đi theo người nước ngoài, có hai đứa đã trở về. Bữa ấy, ông chạy đến gặp họ hỏi tin về con gái. Họ nói, con gái ông nay không biết ở nơi nào, còn sống hay đã chết. Gã Phó tổng đã có vợ, con trai. Con gái ông thành ra người hầu, ra kẻ nô lệ. Linh tính cho ông hay, con gái ông sẽ không trở về nữa. Người ta đã hút cạn kiệt sức lực nó và nó nhảy xuống biển rồi. Ông sụt hẫng cả người vì cay đắng và hoang mang. Mất hết rồi. Ông thử nhớ lại ông đã cảm thấy thế nào về con gái khi nó run rẩy trong vòng tay ông bởi thấy bà đồng vừa hát chầu văn vừa khóc tức tưởi, khi nó mặc áo tím, chít khăn vàng, thắt lưng đỏ ngồi trước bàn thờ Tam tòa Thánh Mẫu ê a hát thờ, rồi bữa nó nhún nhảy, mặt tươi như hoa dẫn người đàn ông nước ngoài khệnh khạng về nhà. Nhưng vô hiệu. Ông buồn bã cúi đầu câm lặng thập thững bước, cảm giác như bàn chân đang hụt vào một khoảng trống không thôi mở rộng, sâu hút. Cảm giác ấy mạnh đến mức ý nghĩ về một sự cố đang xẩy ra vụt nhanh qua đầu óc và ông rùng mình nhảy lùi ra mép sân. Người mặc áo đỏ mặt mỏng như lá cây, cũng có thể là người thủa trước, cũng có thể không phải, đỡ vai ông và nói, hôm nay không có lễ. Ông nói, tôi cầu Thánh Mẫu được không? Người áo đỏ nhìn gương mặt mệt mỏi của khách, dịu dàng nói vào đi, vào đi. Ông ta dẫn ông đến trước bệ thờ và thì thào, thành tâm, thành tâm, xin qua lễ rước, lễ tế, xin qua giáng đồng, cho tín chủ cầu xin Tứ vị Thánh Mẫu, Ngũ vị Vương quan, Tứ vị chầu Bà, Mười vị ông Hoàng…Xong, người áo đỏ đưa mắt nhìn ông rồi bỏ đi. Thượng điện rộng mênh mông, khói hương quẩn quanh. Nhiều ngọn nến cần mẫn cháy trên những cặp chân đèn soi ánh vàng lên thân tượng. Khuôn mặt Mẫu Thượng Thiên mờ tỏ với đôi mắt mở to hồn hậu, bao dung nhìn ông không chớp. Ông quỳ xuống chấp tay thành kính đưa lên trán, cảm thấy người nhẹ bẫng, da thịt rân rân trong trạng thái tôn thờ trước sự linh thiêng, bí ẩn. Ông lẩm bẩm, xin Đức Thanh Mẫu phù trợ độ trì cho Yên Linh chỉ có người anh em, được bình yên, đất đai không biến mất, xin cho đứa con gái của con lạc đường ngoài biển trở về…Ông cứ lẩm bẩm, lặp đi lặp lại như thế không biết bao nhiêu lần.
Ngay tối hôm ấy, một cơn bão mạnh chưa từng thấy tràn vào làng quét dọc bờ biển dài ngót trăm cây số. Sóng biển dựng cao hàng chục mét rồi đổ ụp xuống trào vào đất Yên Linh, rồi rút ra, cuốn theo tất cả những gì nó gặp. Cứ thế, hết lớp sóng này đến lớp sóng khác. Cứ thế, ầm ào, gào rít, mù mịt. Trời sụp xuống tận ngọn sóng, bóng tối mịt mùng. Đây đó lóe lên vài ánh lửa. Tiếng kêu gào bị xé vụn tơi tả. Đêm dài, hổn mang.
Sáng ra nắng vàng và trời cao ngút ngợp. Không gian lặng yên, chốc chốc rung lên bởi tiếng chim hót trên đồi Yên Linh. Còn trên mặt đất thì cảnh tượng thật kinh hoàng: Chặng dài bãi cát quãng nổi, quãng chìm trong nước biển cuộn xoáy. Khu công nghiệp rộng lớn và dãy tường vây bao quanh nó, chỗ nào cũng ngổn ngang, chơ vơ những khung bê tông ngã nghiêng, đổ gục, những thanh sắt thép vặn vẹo. Hai cái tàu thủy biến mất trong mênh mông nước. Làng Yên Linh như bị dán chặt vào sườn đồi, rực màu đất nâu.
Khi những cơn gió từ biển ngưng thổi và bầu trời vàng rực, câm lặng khiến người ta sững người trong cảm giác phấp phỏng, âu lo, ông lặng lẽ khênh đá xếp chồng quanh mộ vợ. Lúc bão vào, ông ngồi nơi ngưỡng cửa nhìn ra biển vừa như thách thức, vừa như cam chịu. Mưa quất vào mặt, bão đánh vào ngực. Bất ngờ một khối đen khổng lồ nặng trĩu ập xuống đầu ông. Rồi ông bị ném từ khối đen này sang khối đen khác. Sau đó ông không nhìn thấy gì nữa. Ông bắt đầu chìm vào khối đen và khối đen không thôi vần xoáy khiến mũi, miệng, tai ông xộc nước mặn đắng. Ông nhận ra mình đang bị sóng biển nhào trộn và chìm dần vào đáy nước giá lạnh. Cố mở to mắt ông nhìn thấy những lườn trắng như bông, như mây dựng cao ngất rồi đổ ụp lên nhau, cứ thế kéo dài mãi. Bỗng những lườn trắng xẹp xuống rất nhanh và phía sau nó hiện lên một dải xanh kéo dài, cao tận những đám mây đen lùng nhùng đang chốc chốc trắng lóa lên vì chớp. Dải xanh rõ dần như đã gần lắm. Rừng cây trước đền Đức Thánh Mẫu. Ông sung sướng kêu thầm và dướn người khua khoắng đôi tay tê cứng. Ông cố trườn về phía rặng xanh với tất cả khát khao của cái tâm hồn sắp sửa bay xa. Và đó là cố gắng cuối cùng của ông.
Ông nằm dưới những tầng lá cây rủ xuống, quấn quýt, quấn bện vào nhau như một chiếc ô khổng lồ. Quanh ông thật yên tĩnh. Bầu trời lặng thinh sau tán lá cây, thấy thấp thoáng một vầng trăng gầy nhợt nhạt, lạnh lẽo. Rồi nhiều bóng đen thẫm hình người dật dờ giữa những gốc cây cạnh những chíếc thuyền gỗ rạn vỡ. Những bóng đen nhiều thêm, dày dặc từ từ tiến về phía biển. Phía ấy, từ trong mờ mịt sương mù và bọt nước hiện lên một cô gái vận một bộ đồ rộng lóng lánh như dát kim loại. Đám bóng đen hình người âm thầm kêu: “Nàng Len! Thượng đẳng thần! Nàng Len! Thượng đẳng thần!”. Bỗng cô gái vận đồ lóng lánh, mảnh như làn khói bay về phia ông, tà áo lướt lên người ông, rồi mất hút vào ánh nến chập chờn trong đền. Ông trôi, bồng bềnh trong rừng cây…
x x
x
Mãi mười ngày sau bữa bão tố, sóng thần, vẫn không tìm thấy ông. Dân làng đinh ninh ông đã bị sóng biển cuốn trôi và không biết dạt vào đâu. Tộc trưởng họ Lê, nghe bảo hậu duệ Lạc tướng Lê Tu, mặc đồ lễ đến đền Đức Thánh Mẫu xin Ngài chỉ chỗ nghỉ của người con làng Yên Linh. Đang lễ bỗng nắm hương trên tay tộc trưởng bốc cháy. Làn khói hương nhiều màu, quẩn quanh rồi xoắn lại, kết thành hình một người đàn bà, mềm mại bay qua cửa chính Thượng điện ra rừng cây ven biển. Lão tộc trưởng run rẩy đi theo làn khói hương hình người ấy và gặp ông nằm trên một đám địa y giữa những gốc cây long não, trong yên ắng, cách đền Thánh Mẫu dăm chục bước chân. Kỳ lạ là người ông vẫn lành lặn, khuôn mặt tuy nhợt nhạt nhưng bình thản như đang ngủ.
Trưa ấy, vừa xong lễ Thiết linh thì một cô gái mảnh khảnh, choàng khăn che mặt xuất hiện. Người ta kể lại, lúc cô gái gục xuống ngực ông, trong mắt ông nhỏ ra hai giọt nước mắt màu nâu đất.
2014
Bình luận