Làng tôi vỏn vẹn năm chục nóc nhà, ba phía sông Nghèn bao bọc, một phía là đồng ruộng rải rác những ao chuôm, mồ mả. Đầu làng, giữa một vùng cây cối um tùm có cái đền thờ Đức Thánh Mẫu. Chẳng biết ngôi đền có từ bao giờ. Khi tôi lớn lên, thuở ấy lâu rồi, đã thấy ngôi đền già nua, cũ kỹ lắm. Bờ tường đầy rêu sống xanh nhợt, rêu chết vàng hoe; rồng lượn, hổ chầu sứt mẻ nham nhở. Đến cả hai ông quan văn, quan võ tướng mạo oai phong lẫm liệt đứng hai bên tả, hữu lối vào trung điện cũng chẳng còn nguyên vẹn: Ông quan văn thủng một mắt, ông quan võ sứt bàn tay cầm kiếm: Sự linh thiêng nằm trong thượng điện sâu hun hút sáng lờ nhờ. ở đó, ngày rằm, mồng một hàng tháng, dân làng tôi kéo đoàn sau những ông già mặc áo sồi, quần nâu cứng queo dài lửng cổ chân, đến quỳ sụp thắp hương. Tiếng lầm rầm xuyên qua tường, xuyên qua cửa lim ra tận chỗ bọn trẻ chăn bò chúng tôi. Đấy là lời cầu xin sự phù trợ của một đấng linh thiêng nào đó để cho cuộc đời họ bớt khổ cực. Ngoài hai ngày ấy, suốt tháng, suốt năm chỉ có bọn trẻ chăn bò chúng tôi và lão thủ từ tên là Dụt. Lão Dụt người còm nhom khô đét nhưng mặt to, mắt to. Lão không gọi chúng tôi bằng tên mà gọi “con” với bất kể đứa nào từ lớn chí bé. Từ thuở xửa xưa nào, dân làng tôi ai sinh con đều đem bán cho Đức Thánh Mẫu. Không thể nào biết đã mấy thế hệ, người làng tôi đều là con của Mẹ, còn mẹ đẻ ra họ, họ không gọi là mẹ mà gọi là mự, chị, mụ, dì...
Trong đám trẻ chăn bò con của Mẹ ấy, chỉ có một đứa tên là Nợi không phải con của Mẹ. Nó sinh ra ở đâu ngoài thành phố. Lên tám tuổi, cha nó chết, mẹ nó theo trai, ông Đa ở làng tôi là bác ruột nó đưa nó về nuôi. Mười hai tuổi, nhưng nó cao lớn và xinh đẹp như một thanh nữ. ở tuổi chúng tôi, sắc đẹp chẳng có quyền thế gì. Nhưng Nợi quy phục chúng tôi bằng những trò chơi động trời, đục nước và lạ lùng của nó. Đánh trận giả, đi trốn, tìm... bao giờ nó cũng thắng. Ngoài những cái mẹo nó mang ở thành phố về, còn vì “trận địa” của nó là những nơi thâm nghiêm, bí hiểm chính trong Đền thờ Đức Thánh Mẫu. Nó lăn, nó bò, nó trèo lên án thư, lên hộp sắc. Có lần nó nhổ lông đuôi bò chọc vào mũi ông quan văn, ngoáy vào tai ông quan võ “để nghe tiếng hắt hơi của quan thế nào?”. Một hôm lão Dụt bắt được nó khi nó đang dùng tay, dùng cả hai hàm răng trắng đều tắp như hạt ngô bẻ râu rồng. Lão Dụt trợn mắt, bọt mép sùi tăm cá rô, cái cổ dài ngoẵng phát ra những tiếng gừ gừ, tưởng lão sẽ băm tay chân con Nợi ra cám ngay tắp lự. Chúng tôi nấp sau hông bò ghé mắt nhìn, mặt đứa nào đứa nấy xanh như đít nhái.
- Ta là tao giần xương, lóc thịt mày - Lão Dụt nói.
Nợi vuốt cái đuôi tóc cũn cỡn:
- Cháu làm gì ông đâu nhỉ?
Lão Dụt gầm lên:
- Mày phạm thượng.... Ranh con!...
Nó hỏi:
- Thượng là gì ạ?
- Mày chạm đến Đức Thánh Mẫu
Nó nói:
- Thì để mặc Đức Thánh Mẫu với cháu.
Lão Dụt run lên:
- á.... à
Rồi lão đi vào đền. Chúng tôi thấy giữa vùng sáng lờ nhờ trong điện chính loé lên ánh lửa. Khói hương len qua mái ngói bay lên trời, lừ đừ.
Trưa ấy lão Dụt mặc áo trắng, quấn tròn khăn lụa đen trên đầu đến nhà ông Đa ở phía cuối làng.
Ông đa làm nghề chằm áo tơi. Đấy là nghề đời cụ, kỵ của ông truyền lại. Cái nghề suốt ngày đêm ngồi chồm hôm, đầu cúi thấp, lưng gù lên, nên nòi người nhà ông Đa đều còng trước tuổi. ấy là nghe người lớn kể. Cũng nghe kể, bố ông Đa lúc chết bỏ vào áo quan rồi không đậy được ván thiên phải nhờ bốn trai lực điền ấn mạnh đầu và chân đên nỗi xương sống gãy ắc ắc. Em ông Đa, tức là bố con Nợi, bỏ nhà, bỏ làng đi cũng vì thế. “Từ cái nghề ấy đi; chết còn hơn là còng lưng vì nó” - Bố con Nợi nói với ông Đa như thế. Ông Đa không bỏ nghề. Ông bảo, còng lưng còn hơn chết, chết khổ chứ sung sướng gì... Năm năm nay, ông ở với Nợi trong một ngôi nhà nhỏ lợp tranh rạ thưng phên nứa, cột kèo bằng tre tuốt. Nghe đâu, trước kia nhà ông làm bằng gỗ mít, lợp ngói nam. Khi người vợ, cũng nghe đâu duyên dáng nhất làng chết vì một căn bệnh gì đó trong ngũ tạng, ông bán nhà, đem tiền chôn rải trong vườn. Cứ lúc mặt trời lặn, ông vác cuốc ra đào trời ơi đất hỡi mà gặp tiền. Ông dắt tiền vào cạp quần ra quán thịt chó ông Giản, ngồi uống rượu nhắm với những miếng dồi đỏ sẫm hắc mùi riềng. Khuya, có bữa nửa đêm ông mới chuệnh choạng về, vừa đi vừa hát ri ri nghe buồn não gan ruột. Chó trong làng kéo bầy, kéo lũ theo ông sủa nhanh nhách. Từ khi ông nhận được một bức thư từ thành phố gửi về, ông bỏ nhà đi, ba ngày sau dẫn con Nợi da dẻ trắng trẻo, ăn mặc sặc sỡ về, ít nghe ông hát ri ri dọc đường làng vào những đêm khuya khoắt. Ông may cho con Nợi một cái áo màu nâu, một cái quần đen bắt nó mặc thay bộ quần áo vải hoa sặc sỡ, rồi sắm lễ dẫn nó đến bán cho Đức Thánh Mẫu. Lão Dụt nhăn lùa những nếp răn trên mặt: “Nó là người xứ khác, ở đây nó là dân ngụ cư. Để tôi hỏi thêm bà Thám”. Bà Thám chính là mẹ tôi. Chỉ có thể giải thích được uy tín của mẹ tôi đối với dân làng bằng lý lịch của bà. Mẹ tôi là con ông thầy nho có nghề phụ là thầy cúng. Bố tôi đi làm ăn bên Lào và biền biệt tin tức. Mẹ tôi nhờ lão Dụt lễ Đức Thánh Mẫu. Lão xin quẻ âm dương, rồi lập đàn và lên đồng phán rằng, bố tôi chết sông, xác trôi ra biển. Ông Đa thì bảo, thi hài bố tôi còn ở bản Còi Na dưới gốc cây săng lẻ có vẻ ba gạch ngang. Mẹ tôi tin lão Dụt bỏ lời ông Đa trôi theo nước mắt của bà. Trời ơi, niềm tin của bà hồn nhiên khắc nghiệt làm tôi không có nắm đất ngoài nghĩa địa để ôm lấy nó mà khóc, mà giải bày nỗi lòng lúc phiền muộn! Về chuyện con Nợi, mẹ tôi nói: “Nó (là chỉ con Nợi) đã sống tám năm trần tục, biết còn trong sạch nữa không mà gửi vào lòng Đức Mẹ. Vậy là con Nợi không thành con của Mẹ.
Hôm ấy lão Dụt đến nhà ông Đa khi ông Đa đang là lá nón trên cái lưỡi cày gác ngang nồi than đỏ hực.
Lão nói:
- Con cháu của ông đã phạm đến Đức Thánh Mẫu. Nó đã... Lão ngồi xệp xuống thềm kể việc Nợi phá phách ở đền. Xong lão nhìn chòng chọc vào mặt ông Đa, nói - Ông đã mục sở thị những kẻ chết vì phạm Đức Thánh Mẫu rồi đó. Năm Tý, ông Ninh đi cày về đái trước lối rẽ vào đền thờ, ba ngày sau thì ốm rồi chết. Năm Ngọ, ông Thạch qua cổng đền không hạ nón về đến nhà đau đầu...
Bất ngờ cái lưỡi cày bỗng bật nghiêng áp xuống bàn chân trần của ông Đa. Một tiếng “xèo” vang lên và một chút khói mỏng tang, xanh lét lởn vởn.
- Đức Thánh Mẫu có mắt mà. - Lão Dụt nói trong tiếng rên ư ử đầy vẻ đau đớn của ông Đa.
Hai tay ôm chặt cổ chân để ngăn những cơn đau cứ tựa mũi kim loi ngược lên đầu, ông Đa nói:
- Ông về đi! Về... đi cho...
Không còn lưỡi cày che nữa, gió lào lùa vào nồi than đỏ hồng bốc lên một ngọn lửa ma quái. Ông Đa nhảy lò cò đi tìm cô cháu. Từ lâu nay ông quen mắt nhìn những cái lá kè, lá nón, những sợi mây vàng vô tư quấn vào nhau... quen với khoảng không yên tĩnh nhỏ bé giới hạn bởi bốn sợi dây chằng quanh áo tơi, quen sự ồn ào sung sướng dễ chịu ở quán thịt chó. Vì thế việc lão Dụt đến nhà nói, kể, dọa dẫm... nghe có lý ấy, làm ông bực bội. Nỗi bực bội tăng dần theo những cơn đau nhoi nhói dưới bàn chân bị bỏng. Đứa cháu của ông đã quàng vào cổ ông, chèn lên tấm lưng đang ngày mỗi còng xuống của ông sự liên lụy trời ơi.
Nợi! - Ông Đa gọi, giọng gằn lên.
Nợi ngồi trên cái giường dành riêng cho nó ở góc nhà, tóc xoã che mặt. Hai tay vòng ôm đầu gối. Nó nhìn bác qua làn tóc mỏng. Nó thấy khuôn mặt bác xanh, chập chờn. Những lời lão Dụt nói lúc nãy nó nghe hết, nghe với tâm trạng dửng dưng, vì nó nghĩ nó chẳng có lỗi gì. Nhưng khi nom thấy vết bỏng nơi bàn chân trần ngón toẽ hình nan quạt của bác, nó hoảng lên:
- Bác... bác... Chân bác làm sao vậy?
Giọng nó mềm quá, giống giọng ai ngày xưa quá, ông Đa buông rơi cái roi mây.
- Tao cấm mày... Cấm mày từ ngày mai không được đến đền thờ Đức Thánh Mẫu. Nghe chưa?
Nợi bật dậy, chạy ra vườn. Nó ngắt được một nắm lá ớt, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Ông Đa không cho nó dịt lá ớt lên vết bỏng.
- Đừng lăng xăng nữa - Ông nói, giọng trách móc. Đời tao khổ nhiều rồi, bực bội ứ đầy bụng, đầy ngực rồi, mày đừng làm tao phải bực thêm, phải khổ thêm, cháu ạ.
Con Nợi khóc rưng rức.
Từ đó, Nợi không chăn bò cùng bọn chúng tôi nữa. Một mình nó với con bò lông xám lủi thủi trong bãi lau bên sông Nghèn. Cữ hoàng hôn, tôi cưỡi bò giong về trên đường làng, ngoảnh nhìn thấy cái đuôi tóc cũn cỡn của Nợi nhảy nhảy giữa những bông lau trắng, lòng bỗng se thương.
Nó thèm có bạn, tôi biết thế qua những lúc rảnh rỗi nó chạy sang nhà tôi năn nỉ tôi kể chuyện bọn chúng tôi và há tròn cái miệng xinh xắn nuốt từng lời tôi nói. Xong nó bảo nó về, bằng thứ giọng buồn thiu. Một bữa, nó dạy tôi:
- Đừng bỏ các trò chơi đấy... cơ mà phải theo dõi lão Dụt.
Tôi gật đầu.
Nợi nói:
- Cậu chán quá. Chẳng khi nào nghe cậu cãi lại mình. Như trong sách mình được học hồi ở thành phố thì cậu thuộc loại người - năng-lực-kém.
Tôi lại gật đầu.
Nợi thở dài, một hơi thở dài đến nỗi ngực nó lép xuống.
Mấy ngày sau đó, Nợi không sang nhà tôi. Tôi tưởng nó giận cái gật đầu của tôi. Không ngờ ông Đa nằm liệt giường vì vết bỏng nơi bàn chân nhiễm trùng. Ông ăn, uống, ỉa, đái một chỗ. Nợi vừa chăm sóc bác, vừa chăn bò. Vốn đã nghèo, ông Đa càng nghèo thêm. Ông phải nhờ người làng bán con bò lông xám. Suốt ngày nằm một chỗ nhìn cái kim khâu áo tơi rỉ nhoèn dắt nơi vách nứa, ông cằn nhằn mình, cáu kỉnh Nợi.
Hôm ông Đa bắt Nợi bỏ học, nó khóc như mưa, như gió. Tôi phải dỗ dành nó mãi. Nó nín, nói:
- Không học cũng chẳng chết ai. Cả làng cậu vẫn sống sờ sờ cả đó. Nhưng mà... Mình sẽ chết. Mình chết vì bác mình bảo, bởi tại mình mà bác ốm, mà sạt nghiệp. Biết thế này mình ở quách ngoài thành phố, không có về ở làng cậu đâu.
Sau đó tôi lên phố huyện ở trọ học lớp tám.
Thời gian cứ thế trôi qua. Làng tôi không có gì đổi khác; ngoài ông Tản chết vì mụt yết hầu, bà Ninh chết vì chó dại cắn, chị Nguyệt sinh một đứa con trai tay phải đến sáu ngón và trên bãi cây trinh nữ sau miếu Thành Hoàng mọc thêm một ngôi nhà tranh... Còn nữa, sự đổi khác có chăng cũng như sự hao mòn của đá rắn phải dùng thước căn đo mới nhận ra được. Chỉ có Nợi, phải, chỉ có nó là khác đi nhiều: Nó cao vổng lên, tóc dài quá vai, đôi má ửng hồng, khuôn ngực vun lên hai nuốm vú xinh xinh sau làn áo mỏng.
Ông Đa đã lành chân. Trận ốm làm ông gầy gò như xác ve và tính tình cắm cẳn không chấp nhận được. Tôi nhìn mảng da chân nhăn nhúm giật giật trên bàn chân ông, bỗng nghĩ trong tim ông cũng có vết sẹo như thế. Nợi rồi phải khổ mãi vì vết sẹo đó. Tôi muốn nói với ông rằng, ông giận Nợi là vô lý; rằng, ông lóng ngóng để lưỡi cày úp vào chân rồi không giữ vệ sinh để chân nhiễm trùng, chứ thánh thần gì. Nhưng chẳng hiểu sao tôi không mở miệng mà cứ trân trân nhìn cái kim bằng thép trong những ngón tay như những cành tre khô của ông đâm tanh tách vào áo tơi.
Tôi đi xuống nhà bếp. Nợi đang sàng gạo. Nó nhìn những hạt gạo xoay tròn, run run đôi môi mòng mọng.
- Bao giờ lên trường? - Cuối cùng nó hỏi.
- Mai đi.
Nợi nói, có vẻ người lớn lắm:
- Học cho giỏi mà đi khỏi làng có đền thờ.
Mắt nó bỗng đỏ hoe, buồn rượi
Tôi cúi xuống nhặt lúa trên sàn. Trán hai đứa chúng tôi cụng vào nhau.
Một tháng sau xẩy ra một chuyện đã làm thay đổi tất cả. Bữa đó trời mưa sùi sụt. Nước lũ bọc vây bốn phía làng tôi. Bãi lau bên sông Nghèn chỉ còn vài bông trắng nhờ ngoi ngóp giữa những con sóng lúc loè sáng, lúc tối sầm. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chũm choẹ len lách trong tiếng mưa gió như điên dại. ấy là làng tôi đang đưa tang ông thủ từ đền Đức Thánh Mẫu. Cờ ướt nước quấn chặt vào cán nứa. Nhà mười hai mái giấy đủ màu rách bươm, gió bứt từng mảnh bay lang thang. Trai đầu tùy ngâm nửa người trong nước lũ. Ông già hiệu lệnh, ông thổi kèn, ông đánh trống ngồi trên thuyền nan chòng chành, đầu lắc lư như say rượu... Không có một tiếng khóc. Lão Dụt mồ côi vợ. Mỗi cô con gái còn chút sức lực nào dùng để nhô cao khuôn ngực đồ sộ lên khỏi những con sóng tham lam và ngang ngược.
- Sao Đức Thánh Mẫu lại để người chăm sóc hầu hạ người chết vào ngày mưa lũ như thế? - Tôi hỏi mẹ.
- Mẹ tôi nhăn nhúm khuôn mặt già nua:
- Nói năng giữ mồm, giữ miệng! Mi dính dấp với con Nợi lây phải tính khí nó rồi con ạ. Coi chừng! Mi không hiểu là làng ta có phúc, có lộc là nhờ Đức Thánh Mẫu đó sao.
- Nên mới nghèo rớt mùng tơi. - Tôi nói.
- Im đi! Con Nợi còn sống thì ông Đa còn chưa hết nạn. Tao đã nói với ông ấy thế, nhiều người nói với ông ấy thế. Mi xem, nhà ông ấy đổ chẳng một ai đến đỡ giùm.
Trong tâm hồn non trẻ của tôi rên lên rất nhiều câu hỏi mà không trả lời nổi. Tôi ôm vầng trán nóng phừng lẻn ra khỏi nhà theo lối cửa bếp trốn cái nhìn của mự tôi đi sang nhà ông Đa. Tôi vin vào một cành bông gòn, đứng sững người. Hai mái nhà ông sập xuống, cột kèo chọc qua tranh tua tủa. Cái nhà bếp nằm dưới gốc nhãn vẻ cam chịu vẫn nguyên xi. Cửa mở toang. Tôi bước vào. Bầu không khí rỡn rợn lạnh. Bếp trống huếch. Ông đầu rau chỏng queo trên đống mun ướt.
Linh tính cho tôi hay đã xẩy ra một chuyện gì đó.
- N... ợi... - Tôi lo lắng, gọi.
Im lặng.
- Nợi ơi!
Lại im lặng.
Tôi đã định quay ra thì nghe tiếng khóc hô hố ở sau vườn. Tôi nhằm phía ấy đi tới. Trước mắt tôi, Nợi mềm oặt như cây chuối gãy phơi nắng trong vòng tay ông Đa. Thấy tôi, ông ngửng khuôn mặt ướt nước mưa và nước mắt và tái xanh.
Tôi lỡ tay... Tôi... lỡ... Trời ơi! Đức Thánh Mẫu giết tôi đi!... - Ông vừa nói, vừa khóc.
Tôi nhào tới, cõng Nợi như cõng một xác chết chuệnh choạng bước trên con đường làng lép nhép nước đầy rác rưởi, kiến đen, dế trũi. Ông Đa đi sau tôi, cái đầu vật vờ trong mưa.
Ông Đa nghe lời dân làng như nghe lời phán truyền. ở đám tang lão Dụt về, miệng, áo quần bốc mùi rượu nếp, ông sồng sộc tìm Nợi. Nợi đang cắt rau khoai cho lợn sau vườn. Bàn tay còn dính đất đắp mộ lão Dụt của ông tát bừa lên đầu người cháu... Bà bác sĩ bảo, một dây thần kinh trên đầu Nợi bị nghẽn. Nợi nằm viện hai tháng. Ra viện, tay phải và chân phải của Nợi bị liệt, thõng thượt. Gặp tôi, Nợi tỏ ra vui vẻ, nhưng tôi hiểu cô phải nỗ lực cố gắng như thế nào để có được cái vui vẻ bề ngoài ấy. Những ngón tay nhỏ nhắn nơi bàn tay trái của Nợi bíu chặt cái nạng gỗ đến trắng nhợt. Còn ông Đa thì gầy sọp đi, rầu rĩ, lưng còng xuống lặng lẽ như một cái bóng. Suốt ngày ông lầm rầm những lời gì đó chỉ mỗi mình ông hiểu.
Vào thời gian đó, những biến cố trọng đại đã xẩy ra. Giặc đổ bộ vào Cửa Sót, đánh tràn lên sát tận làng tôi. Mự tôi quyết định gửi tôi ra vùng tự do. Tôi chạy sang nhà Nợi. Cô chống nạng gỗ, chân phải lê trên mặt đất ra tận cửa bếp đón tôi. Tôi nắm lấy bàn tay phải lạnh ngắt, xanh xao của em. Nợi khóc, gục đầu vào cổ tôi, đôi môi nóng, ươn ướt của Nợi áp vào má tôi một thoáng.
- Bác mình ra đền Đức Thánh Mẫu làm thủ từ thay lão Dụt rồi. Nợi thở dài, chớp chớp đôi mi loáng nước nói tiếp - Đi đi, mình mừng cho anh.
Tôi nắm lấy bàn tay thõng thượt của Nợi lần nữa. Và lần này khoé mắt tôi cay xè. Tôi buông vội bàn tay Nợi, đi nhanh ra ngõ.
Nơi tôi đến là một thị trấn nhộn nhịp. Cái trường tôi học cũng nhộn nhịp. ở đây, không có sông, không có nước lũ đục ngầu và cũng chẳng thấy hoa lau. Hoạ hoằn tôi mới nhớ lại làng tôi, nhớ lại Nợi với nỗi bùi ngùi, thương xót.
Sau đó, tôi ra Hà Nội, đỗ đạt, lấy vợ, mua nhà.
Tôi là người nhiều tuổi nhất trong đoàn cán bộ Hội chữ thập đỏ về tỉnh M để điều tra, thống kê số người bị tàn tật sau chiến tranh. Nửa chừng công việc chẳng biết do đâu, tôi bỗng buông lời đề nghị thống kê thêm những người bị tật nguyền hay bị tai nạn... Và một cái gì đó tự trong sâu thẳm tâm can cứ thôi thúc tôi về thăm quê cũ. Ông trưởng đoàn vốn vị nể tôi đã sai anh lái xe chở tôi đi. Ngót ba chục năm rồi, đầu óc tôi lèn chất lên bao nhiêu thứ, quê cũ nằm sâu dưới đáy ký ức bộn bề. Tôi phải hỏi ba lần bảy lượt mới tìm được đường về tận làng. Làng tôi vẫn nguyên chỗ cũ, ba phía sông, một phía đồng, heo hút, đơn côi. Đường vào làng quá nhỏ, ôtô không đi được. Một mình tôi đi bộ dọc con đường men theo bờ sông hoang vắng. Trong ký ức lờ mờ, hỗn độn, lần lượt hiện lên những hình ảnh xa xưa, nó rõ ràng đến nỗi, tôi phải áp mạnh cả hai bàn tay lên ngực. Nợi... Bãi lau... Con bò xám... Đền Thánh Mẫu... Con rồng... Tôi lần trí nhớ, tìm lối vào Đền thờ Đức Thánh Mẫu. Thay vì hai dãy nhà oai nghiêm mà cũ kỹ, lổn nhổn những cây cột lim, xà lim cháy xém, những mảng tường lở lói đứng chơ vơ.
- Hồi Mỹ ném bom, lửa bén vào đền thờ - Một người nông dân giải thích cho tôi khi tôi vừa ở trong đống đổ nát ra.
- Mấy thằng cha đi tìm đồng đen đã đốt đền - Một cậu thanh niên bảo.
Chập tối, không nhờ ai chỉ đường, tôi lần theo trí nhớ tìm đến nhà Nợi. Dĩ nhiên ông Đa đã chết, mái nhà tranh đổ ụp không còn nữa, cái bếp trống huếch không còn nữa. Thay vì những cái đó là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm dưới cây nhãn già nua. Tôi rơi vào một căn buồng vàng vọt ánh sáng đèn dầu hoả, sặc những mùi kỳ lạ mà từ lâu tôi đã quên - mùi cỏ, mùi đất ẩm và mùi gì nữa ngòn ngọt. Nợi đang ngồi trên giường... Những nét vẻ trên khuôn mặt em, dáng vẻ em mà trí nhớ của tôi vừa phục hồi lại được khi bước vào lối ngõ trên hòn đá thời gian đã mài mòn vẹt, nhẵn thín, không còn một chút nào ở người đàn bà đang hiện hữu cách tôi còn một tầm tay với. Bà cựa quậy, cánh tay phải thõng thượt rơi dọc bờ hông, những ngón tay mềm oặt bất động đính vào mạ giường. Bà ngửng khuôn mặt khó hiểu, cứng cỏi, khuôn mặt với cặp mắt mở to sáng quắc mang vẻ khắc nghiệt lạnh lùng và quyết liệt đến nỗi tôi phải mấp máy môi một lúc mới cất nổi tiếng chào. Với một động tác rất nhanh và thuần thục, bà kẹp cái nạng gỗ vào nách đứng dậy. Cái bóng của bà kinh dị liêu xiêu trên vách nứa nơi có mấy tia sáng của vầng trăng rằm vừa lọt vào.
Lòng tôi bỗng nhói đau. Tôi nhớ đến ngôi đền thuở chăn bò và cứ nghĩ: bom đạn? Những kẻ đi tìm đồng đen? Hay chính Nợi đốt đền thờ Đức Thánh Mẫu?./.
Bình luận