logo

Truyện ngắn

Chất thơ trong văn xuôi viết cho Thiếu nhi của Đức Ban

Một đặc điểm nổi bật của 12 truyện ngắn viết cho thiếu nhi chọn lọc in trong tập Đức Ban- Tác phẩm chọn lọc là chất thơ thấm đẫm trong từng trang viết, tạo nên một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn người đọc, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi.


  Một đặc điểm nổi bật của 12 truyện ngắn viết cho thiếu nhi chọn lọc in trong tập Đức Ban- Tác phẩm chọn lọc là chất thơ thấm đẫm trong từng trang viết, tạo nên một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn người đọc, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi.

Theo chúng tôi chất thơ ấy thể hiện ở vẻ đẹp của cảm xúc, ở cách nhìn, cách nghĩ của tác giả đối với thế giới xung quanh, được biểu đạt thông qua hình thức ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu … Chính đặc điểm này đã làm cho những trang viết của ông trở nên mềm mại hơn, và cũng chính vì thế mà tác phẩm của ông dễ đi vào tâm hồn trẻ thơ, gợi cho các em những liên tưởng thú vị, những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn sâu sắc.

Người đọc rất dễ dàng bắt gặp một thế giới  phong phú, đa dạng được nhìn qua con mắt của trẻ thơ với những vẻ đẹp ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đó là thế giới của những tiếng chim, của những bông hoa xinh đẹp, của cây cối nơi vườn ao, đồng ruộng; thế giới của những con vật gần gũi quanh ta như chú Mèo Mun, Cún Con, Gà Bạch, Chuồn Chuồn, Châu Chấu… Bản thân thiên nhiên và những sự vật này trong môi trường tự nhiên của nó vốn đã là những bài thơ tuyệt đẹp và đáng yêu, qua cái nhìn và cách viết của nhà văn, thế giới ấy lại càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt độc giả nhỏ tuổi và cả những người ưa thích khám phá thế giới của tuổi thơ.

 Có thể nói rằng những câu văn tả cảnh giàu hình ảnh, thấm đẫm cảm xúc xuất hiện khá dày đặc đã làm nên một không gian tươi đẹp, nên thơ của chùm truyện ngắn này. Trong kí ức của mỗi người, những đêm trăng gắn liền với tuổi thơ thật đẹp. Đức Ban đã cảm nhận cái không gian ấy thật đặc biệt, ánh sáng của bầu trời ban đêm được ví như “vàng lỏng chảy tràn trên lá cây, trên mặt đất” (Những tiếng chim), trăng đã làm nên một không gian ngập tràn cổ tích, mê hoặc lòng người, qua những cảm nhận khá thú vị và tinh tế “Những đêm trăng không gian trong ngần, trời xanh như nhung dính đầy những ngôi sao lung linh và gió thì thơm lừng hương hoa, hương cỏ…”(Chim Bã Trầu và cây phong lá đỏ). Khung cảnh làng quê quen thuộc cũng trở nên thơ mộng vô cùng trong nỗi nhớ của một cánh diều khi rời xa mặt đất “Ở đó cánh đồng mênh mông dưới bầu trời mênh mông. Ở đó không khí ngọt ngào mùi cỏ mật và gió thổi lồng lộng từ sáng đến tận khuya. Ở đó có ông lão nuôi tôi, bộ râu và mái tóc bạc phơ đẹp như trong thần thoại” (Có một chú diều như thế). Với khả năng quan sát tinh tế, đặc biệt là đón nhận thiên nhiên bằng tất cả giác quan và cảm xúc của mình, Đức Ban đã để lại cho bạn đọc nhỏ tuổi những trang viết thật đẹp. Trong đó, vẻ đẹp của sự sống, của thiên nhiên luôn được nhà văn miêu tả với một thái độ trân trọng, nâng niu. Truyện Hoa cúc vàng, viết về thời khắc ra đời của một bông hoa, tác giả đã cảm nhận được sâu sắc sự thăng hoa của đất trời: “Ngày tiếp ngày trôi qua. Cây cúc nở một bông hoa vàng. Hoa Cúc Vàng ra đời vào một buổi bình minh, trời đất nhuốm màu hồng rực rỡ. Dòng sông rì rào. Chim bay tầng thấp, tầng cao rót tiếng hót vào da trời xanh ngắt…Tưởng như bông Cúc Vàng đã làm thức dậy buổi sáng thần tiên trên bãi đất ven sông này”. Và khi bông hoa Cúc Vàng hoàn thành sứ mệnh làm đẹp cho đời, khoảnh khắc ấy cũng được nhà văn cảm nhận đầy chất thơ “Lúc ấy, gần trưa, cao ngất trên trời cao, mặt trời mùa hè rực rỡ, nóng bỏng của miền trung như từ từ hạ xuống thấp và gió thơm nồng mùi hương thổi lồng lộng… để bông Cúc Vàng mãi mãi trong ấm áp, mịn màng”, và rồi không lâu sau đó lại tái sinh “một xóm cây Cúc xanh tốt đang hát rì rào”… Phải có một khả năng quan sát tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm, một tình cảm đặc biệt đối với thiên nhiên, nhà văn mới có thể có những cảm nhận thú vị như vậy.

Không gian nên thơ, thấm đẫm cảm xúc của người viết là cái nền để thế giới nhân vật của Đức Ban xuất hiện. Và dù chúng xuất hiện ở thời điểm nào, trạng thái nào cũng tràn căng những cảm xúc, nỗi niềm. Đọc truyện thiếu nhi của Đức Ban, những sự kiện, câu chuyện mà nhà văn đang kể có vẻ mờ nhạt hơn so với những cảm xúc, những trạng thái mà tác giả gợi nên trong lòng người đọc. Truyện Chim Bã Trầu và cây Phong lá đỏ để lại cho người đọc những cảm xúc khó quên về tình cảm của chú chim Bã Trầu và cây Phong lá đỏ trong ngày mưa gió. Trong những đêm trăng đẹp, người đọc nghe được cả tiếng trò chuyện của chúng, với  “những lời yêu thương, hát những bài ca ngợi ca về vẻ đẹp của cuộc sống”, cảm nhận được cả thứ âm thanh đặc biệt của chim chóc, cỏ cây: “Giọng Bã Trầu Lích! Tích! tròn vo, giọng cây lao xao nhiều âm sắc…” (Chim Bã Trầu và cây phong lá đỏ). Nhân vật của Đức Ban cũng thường hay thể hiện nỗi ăn năn, hối hận của mình bằng sự xúc động, bằng nước mắt, bằng cảm xúc khó ngăn lại. Chú Diều Sáo cao ngạo bay cao quá sức mình để rơi xuống cánh đồng và nhận ra mình méo mó một cách thảm hại, rồi khóc, rồi “kể lại câu chuyện của mình bằng một giọng run run xúc động và lộ rõ sự ân hận”(Có một chú diều như thế). Cây cối cũng khóc vì nỗi ân hận đã từng coi thường tiếng hót của một chú chim Chích choè “Đêm ấy sao mà sương rơi nhiều đến thế. Cứ như là nước mắt của cây. Cây khóc vì hối hận và vui mừng” (Những tiếng chim). Những đoạn văn như vậy thuờng lắng laị trong cảm xúc, chắc chắn sẽ để lại những tình cảm sâu sắc trong lòng độc giả nhỏ tuổi. Người đọc có cảm giác như đó chính là những dòng cảm xúc của nhà văn chảy tràn trên trang viết. Thế giới loài vật trong tác phẩm của ông khi xuất hiện cũng thường gắn liền với những trạng thái, tình cảm, tạo nên những ẩn dụ rất thú vị: chích choè “bồi hồi”, “tủi thân”, cây cúc “giận xanh mặt”, đất “cần mẫn” “hồn hậu”, hoa sen  “run run sợi nhuỵ vàng”, “gió lào thào lê mình trên mặt đất”…  Những cảm xúc đẹp đẽ mà Đức Ban gợi nên ở người đọc nhiều khi cũng được thể hiện trong những chi tiết bình thường nhất: nỗi vui mừng không nói hết của bãi đất hoang khi một cánh hoa cúc gieo mình rồi nảy mầm trên đó, đến lượt cây cúc ra hoa rồi biết ơn bãi đất bằng cách “ngoảnh mặt xuống đất, để màu sắc óng ánh, rực rỡ hơn, để hương thơm, dẫu không nồng nàn lắm, ngọt ngào hơn”, và rồi bướm rủ nhau kéo về “những cánh mỏng run lên xúc động” trước vẻ đẹp của hoa (Hoa cúc vàng). Đức Ban có những quan sát cực kì tinh tế ở những sự vật rất nhỏ bé, bình dị, nhiều khi rất ít  người để ý, nhưng lại gợi ra những liên tưởng rất nên thơ, ví dụ: “Trên bãi đất ấy có một cây chanh đang mùa ra hoa. Hoa chanh xoè những cái cánh trắng muốt, thơm đến nồng nàn. Xa hơn tí nữa, bên kia cái rãnh nước ngoằn ngoèo men theo bờ cỏ mơn mởn là hồ nước rất xanh” và ở đó “Chú gà Bạch mảnh khảnh, đôi mắt tròn nhỏ hơi hiêng hiếng. Chú thường thơ thẩn dưới gốc chanh nhặt từng cánh hoa so đo với màu áo của mình. Rồi chú gác đầu lên cánh thom thóp cái mũi tí xíu như một lỗ kim thở không tiếc không khí vô tận thoang thoảng hương chanh” (Gà Bạch). Đọc những đoạn văn như thế, ở lứa tuổi thiếu nhi, có thể các em không thể cảm nhận được hết thảy vẻ đẹp hàm chứa trong đó, nhưng ít nhất nhà văn cũng đã gợi nên những hiệu ứng thẩm mĩ trong trẻo, đẹp đẽ. Đó cũng là điều rất cần thiết ở những tác phẩm văn chương viết cho thiếu nhi.

Puskin thường hay nhắc đến cái mà ông gọi là “văn xuôi chân chính” với sự tồn tại của những “tiết tấu” trong đó. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến tính nhạc trong văn xuôi. Đây là một yếu tố đặc biệt tạo nên cái được gọi là “chất thơ” trong một số tác phẩm văn xuôi. Và điều dĩ nhiên, đó hoàn toàn không phải là một thứ ngôn ngữ đèm đẹp, thể hiện trong một giọng điệu du dương, ru ngủ lòng người mà phải là nhạc điệu của cảm xúc, của tâm hồn người viết, đến lúc trở thành nhạc điệu của cảm xúc nhân vật và cuối cùng gợi nên những cảm xúc đẹp đẽ ở người đọc. Đó không phải là thứ để trang trí bên ngoài mà là chiều sâu của xúc cảm, của trí tưởng tuợng được thăng hoa và được biểu đạt ra bằng ngôn từ. Sử dụng ngôn từ giàu hình ảnh, thể hiện qua một giọng văn giàu nhạc điệu, những trang viết của Đức Ban thực sự có sức ám ảnh. Có những lúc, tác giả kể một cách chậm rãi, với một giọng đều đều, như dẫn người đọc thong thả bước vào một khu vườn để thăm ngắm và thưởng ngoạn: “Mùa xuân bắt đầu với những cơn mưa trắng dịu hiền. Vạn vật thức tỉnh sau giấc ngủ mùa đông dài dằng dặc, cây cối xanh biếc rì rào. Và hoa, hoa cam trắng tinh, hoa thược dược tím, hoa hướng dương vàng rực… Hương hoa ngan ngát lẫn mùi ngải cứu, mùi hương như có ai rắc bột vào không gian” (Chim chích và bông hướng dương). Song, trong chùm truyện này của Đức Ban có vẻ như nhà văn ưa dùng hơn những câu văn ngắn, ngắt nhịp ngắn, tạo ra một giọng văn gấp gáp, biểu lộ được cái cảm xúc căng đầy của thế giới nhân vật - điều đã được chúng tôi đề cập ở phần trên. Để thể hiện nỗi vui mừng của cây cối khi chú chim Chích Choè và Bìm Bịp cất tiêng hót sau một thời gian dài im tiếng, tác giả viết:  “Cây nghiêng mình lắng nghe. Bốn phía xung quanh bỗng xôn xao: Tiếng lá ngã vào nhau, tiếng cành cựa mình, tiếng gió reo, tiếng ánh trăng trôi trên cuống hoa…” (Những tiếng chim). Diễn tả nỗi mừng vui của cây Phong lá đỏ sau một thời gian xa cách, gặp lại con chim Bã Trầu, tác giả đã có những phát hiện hết sức thú vị: “Tiếng xào xạc của lá làm thức dậy những âm thanh sáng sớm vang lừng: tiếng gió reo, tiếng gà con gọi mẹ, tiếng cây cối vươn mình… và tiếng những hạt sương có sắc cầu vồng rơi thánh thót” (Chim Bã Trầu và cây Phong lá đỏ). Ngay cả khi viết về một trạng thái khác của cảm xúc - sự giận dỗi, hình thức ngôn ngữ này cũng được nhà văn sử dụng đắc địa: “Mây tức giận, xịu mặt. Nó bay về một nơi xa lắm, đâu chỗ đất trời giao nhau. Bấy giờ là mùa hè. Suốt ngày nắng chang chang, gió Lào thổi cồn cột. Cái nóng luồn lách kêu tanh tách khắp nơi. Hồ nước bốc hơi như sương khói. Nó nhỏ bé trông thấy. Ngày lại ngày dằng dặc trôi…” (Hồ nước và đám mây). Việc sử dụng khá dày đặc những từ láy giàu tính biểu cảm, cách ngắt nhịp ngắn, câu văn ngắn đã tạo cho đoạn văn một giọng điệu riêng, thể hiện được trạng thái cảm xúc của nhận vật. Những đoạn văn như vậy chắc chắn sẽ thổi vào tâm hồn trẻ thơ những cảm xúc ngọt lành, giúp các em có thêm những liên tưởng phong phú, đẹp đẽ về thế giới xung quanh.

Cách kết thúc trong chùm truyện ngắn này của Đức Ban cũng rất thú vị. Có cách kết thúc rưng rưng cảm xúc: “Đêm ấy sao mà sương rơi nhiều đến thế. Cứ như là nước mắt của cây. Cây khóc vì sự hối hận, vui mừng!” (Những tiếng chim), “nỗi hối hận như biến thành nước mắt tràn ra từ đôi mắt quen nhìn lên cao của chú” (Bệ nhảy của chú châu chấu xanh); Có cách kết thúc như mở ra một câu chuyện mới “Ngày xưa…Có con chim Bã Trầu kết bạn với cây Phong lá đỏ” (Chim bã trầu và cây phong lá đỏ); Có cách kết thúc bằng sự đối thoại: - ở đời, không có ai có thể sống một mình được. – nói xong, Cóc Tía tắc lưỡi. Cóc con gật gật cái đầu nhỏ xù xì” (Hồ nước và đám mây)… Nhưng nhìn chung, nhà văn thường lựa chọn cách kết thúc bằng những câu văn ngắn gói trong những đoạn văn ngắn, ngôn từ cô đọng, để lại nhiều liên tưởng, dư ba trong lòng người đọc. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến âm vang của một câu chuyện sau khi nhà văn đã kết thúc tác phẩm của mình. Và ở một chừng mực nào đó, cho chúng ta thấy rõ hơn cái ranh giới khá mong manh giữa thơ và văn xuôi, mà những truyện viết cho thiếu nhi của Đức Ban là một minh chứng thú vị. Cách kết thúc như vậy cũng rất phù hợp với tâm lí trẻ thơ là ưa thích tưởng tượng và khám phá thế giới.

Đức Ban là một trong những nhà văn tiêu biểu của Hà Tĩnh. Ông viết khá đều đặn và đã cho ra đời nhiều đầu sách với nhiều đề tài khác nhau. Trong đó mảng truyện viết cho thiếu nhi có thể xem là đóng góp rất quan trọng của nhà văn. Rất có lí khi có ý kiến nhận xét rằng: “Nếu như “thế giới người lớn” trong văn chương của ông khá nặng nề, ngột ngạt bởi gánh nặng làm người thì “thế giới trẻ con” như một đối trọng trả lại sự cân bằng, thảnh thơi, nhẹ nhõm” (Nguyễn Thị Nguyệt). Chính chất thơ như một “dòng chảy ngầm” làm nên vẻ đẹp đặc biệt trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Đức Ban. Và đặc điểm này, thiết nghĩ cũng là một phẩm chất rất cần thiết ở những sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi nói chung. Đó là cách tốt nhất để khơi gợi ở các em những cảm xúc đẹp đẽ về thiên nhiên, về con người,  hướng các em đến những giá trị nhân văn văn tốt đẹp trong cuộc sống.


Bình luận