logo

Truyện ngắn

Ba Truyện ngắn - ngắn

Như không nhằm tới một mục đích tư tưởng, đạo lý nhân sinh nào mà chỉ chăm chút cách kể câu chuyện tự nhiên bằng ngôn ngữ tươi tắn, hơi vănnhẹ nhàng, quấn quýt, nó khiến ta rung động và rồi không dứt được những ngẫm nghĩ về cuộc đời về số phận con người quanh ta.


   BA TRUYỆN NGẮN - NGẮN

Như không nhằm tới một mục đích tư tưởng, đạo lý nhân sinh nào mà chỉ chăm chút cách kể câu chuyện tự nhiên bằng ngôn ngữ tươi tắn, hơi vănnhẹ nhàng,  quấn quýt, nó khiến ta rung động và rồi không dứt được những ngẫm nghĩ về cuộc đời về số phận con người quanh ta. Bởi, những truyện ngắn- ngắn dưới đây được chưng cất từ những nguyên liệu xã hội và nhân sinh giàu có, sinh động, phức tạp và ngổn ngang… (Tạp chí Hồng Lĩnh- 2015) 

                               THĂM THẲM

  Tháng chạp, mưa phùn dườn dượt còn  gió mùa đông bắc thì thổi thông thống.   Chùa Nàng Hương ngự trên sườn núi Tượng Sơn cách làng  con sông Lam và một cánh đồng hẹp khô ráo, quang đãng. Hoa đại rụng trắng mấy dãy sân gạch rêu phong.

Chùa vắng khách, chỉ mỗi tôi và chị Hoài. Phải đến gần chục năm, nay hai chị em mới ở cạnh nhau. Chị chăm chăm nhìn tôi, cái nhìn thật lạ, hút hoẵm. Bỗng chị thở dài,  cúi nhanh xuống , sẽ sàng nhặt những bông hoa đại rụng bỏ vào giỏ tre màu nâu sẫm. Chị nói, mỗi ngày một giỏ đầy. Tôi hỏi, nhặt cất làm chi? Chị cười buồn, nói chẳng để làm chi cả, nhưng lâu rồi, mấy năm rồi nhặt vậy, thành quen. Tôi không hỏi gì thêm. Tiếng giỏ tre miết trên sân gạch lạt xạt khiến bầu yên tĩnh bốn phía chung quanh thêm thăm thẳm.

Ngày chị lên chùa tôi còn ở chiến trường. Hết giặc tôi về, mẹ tôi nói, giọng buồn không chịu được, chị Hoài đi tu rồi. Tôi không tin vào tai mình.   Mẹ tôi lén lau nước mắt, giọng gần như những tiếng thì thào: Bom rơi trúng vào nhà, chẳng còn ai chờ nó về. Anh Ninh (anh em sinh đôi với tôi, giống tôi như hai giọt nước) cũng nằm lại trong rừng không về. Nó lẻ loi, nó cô đơn quá mà. Tội nghiệp, đi đông, về tây, bom đạn chừa ra mà phận ra làm vậy?”.  Hôm ấy, tôi thập thững lên núi Tượng Sơn. Thấy chị mặc bộ quần áo nhà chùa rộng thùng thình, lòng tôi nhói đau, chợt nhớ dảng vẻ chị ngày xưa. Ngày xưa chị thon thả, xinh đẹp, nhanh nhẹn làm sao. Tôi vét hết lời trong gan ruột bàn chị hoàn tục. Chị nhìn những ngón tay của mình đặt hờ trên cái mõ gỗ nói, chú cho chị yên…Cõi trần có bao nhiêu nẻo. Xong,  bỏ tôi đứng lại một mình, đi vào điện thờ.

Lần này gặp chị tôi không nhắc chuyện cũ, không nói gì về anh Ninh. Chị thì im lặng nhìn vào mắt tôi, rồi nhìn về phía rừng xanh thăm thẳm và hỏi, bao giờ chú đưa anh Ninh về ? Tôi lúng túng nhìn theo chị chưa biết trả lời ra sao thì cánh cửa lim đã nặng nề khép lại sau lưng áo màu vàng của chị. Tôi rùng mình, dón chân giữa những bông đại trắng đi ra cổng, xuôi theo  con đường mấp mô bậc đá xuống sông Lam. Cữ nước cường, sông mênh mông. Hoa bần tung nhuỵ như những cái kim khâu đỏ màu máu bay lăm răm khắp nơi. Bến đò có ba bậc đá, rêu viền chung quanh, ngọn rêu vật vờ trong nước xanh nom buồn thiu. Người chèo đò là chị Ngọc, đi Thanh niên xung phong cùng đợt, chiến đấu trong cùng một đơn vị với chị Hoài.  Nghe kể, chị Hoài bỏ làng lên chùa được một năm thì chị Ngọc bỏ nhà xuống sông, thay mẹ chèo đò ngang. Ba khoang thuyền có một khoang được che chắn kín đáo làm nơi ăn, ngủ cho chị. Một lần, chị Ngọc nói với tôi, bao nhiêu là người người đến luỵ tôi để sang sông, cơ mà đến nay vẫn không có thằng đàn ông nào ở lại thuyền. Lặng một lúc chị nói tiếp, chị Hoài của chú làm Ni cô nhưng cái trí, cái tâm để cả nơi anh Ninh. Rồi thì nó cũng cởi áo nhà chùa đi thôi. Mà thế mới phải chứ. Chị cười, tiếng cười nghe sao mà đắng đót.

Tôi đứng ở bậc đá thứ hai. Chị Ngọc ở bờ bên kia, quay thuyền. Khuôn ngực ngồn ngộn, phập phồng của chị bặn lên tay chèo. Mũi thuyền cập bậc đá thứ ba, khựng lại. Chị gác chèo lên mạn thuyền, găm sào tre rồi đứng chạng chân trên sạp gỗ, ưỡn cái bụng lùm lùm, vui vẻ nói với tôi là đã có một người đàn ông ở lại trên thuyền mấy ngày đêm. Tôi hỏi, người nào tốt số vậy? Chị chớp chớp mắt nói người ấy đi rồi, đi luôn. Tôi nhìn chị không giấu nổi ngạc nhiên. Đi luôn là sao. Người ta có vợ có con, ấm êm. Mình giữ họ lại đâu được. Tôi hiểu, lòng chạnh buồn. Chị nói, áp tết, chị sẽ lên chùa nhờ sư Hoài cầu an. Tôi nói, mồng 5 tết mới lễ cơ mà. Chị bảo, biết thế nhưng chị lên trước để có thời giờ cùng chị Hoài ôn chuyện xưa cũ. Chị bát mạnh thuyền, ngửa mặt nhìn đâu đó giữa khoảng không, nói, nay lên chùa không còn phải lủi thủi một mình nữa mà hai mẹ con, hai mẹ con nhé…Tôi nói, mừng cho chị nhiều. Nói xong thì chạnh buồn,  nhớ chị Hoài se sắt.

Chị Ngọc nhìn tôi,  bỗng nói, giọng như trách cứ, chú và anh Ninh giống nhau quá thể. Lặng một lúc lại nói rừng Trường Sơn mênh mông làm vậy biết anh Ninh ở chỗ nào, hở trời ?

Tôi bỗng thấy lòng buồn nẫu và cảm thấy thăm thẳm bốn phía chung  quanh. Con thuyền đến giữa sông, gió nhẹ, không có sóng nhưng chẳng biết vì sao nó cứ chòng chành, chòng chành…

…Gần tết thì trời hửng nắng.  Mờ sáng ngày hai ba, tôi về nhà. Mẹ tôi đang ngồi têm trầu trên chiếc chõng tre kê trên thềm, thấy tôi bà hỏi, về để cúng ông Táo à ? Tôi đáp, phải. Mẹ trầm ngâm một lúc rồi bỗng nói, Tết nhất xong, con xin nghỉ phép vô trong nớ tìm kiếm để đưa anh Ninh về. Giọng mẹ tôi trĩu nặng. Tôi cắn môi, ôm đôi vai gầy của mẹ. Mẹ nói, con lên chùa hỏi sư Hoài có cầu biết được gì về anh Ninh không ? Tôi im lặng, khoé mắt cay cay. Thay áo quần xong, tôi đến bến đò. Không thấy thuyền chị Ngọc đâu. Tôi ngồi xuống bãi cỏ đẫm sương nhìn ba bậc đá vật vờ rêu dưới những làn hơi nước mỏng tang như khói. Sau lưng tôi là làng, trước mặt tôi là núi Tượng Sơn và chùa Nàng Hương, xa hơn nữa là rừng, thăm thẳm, bạt ngàn rừng xanh. Tất cả bần thần chìm vào im lặng. Có cái gì đó câm nín, nóng hổi, lan toả. Một nỗi hồi hộp mơ hồ ám ảnh tôi. Tôi lịm mười ngón tay vào cỏ và nghe đâu đó giọng con gái bồng bềnh, bồng bềnh...

Dân làng đổ ra bến đò. Họ chen chân trên ba bậc đá, trên bãi cỏ bầm giập, chờ thuyền sang sông để lên chùa. Tiếng cười nói ồn ào, tiếng sóng vỗ lách tách trong dãy dứa dại, còn trên thinh không, rời rạc tiếng vạc ăn đêm về muộn. Một lúc sau, từ sau khúc ngoặt dòng sông, thuyền chị Ngọc hiện ra, dập duềnh cập bến. Dân làng  bíu áo nhau lên thuyền. Đến lượt tôi, chị Ngọc nói, chờ đấy. Khách lên hết bờ bên kia, chị quay lại với tôi. Khuôn mặt chị rờ rỡ. Chị nói, giọng vui như hồi nào khoe với tôi chị có thai, rằng sư Hoài đi khỏi chùa Nàng Hương rồi. Tôi hỏi, đi đâu ? Chị không trả lời, một tay gạt chèo, một tay chỉ vào rừng Trường Sơn xanh thăm thẳm phía tây.

Tôi nhìn con thuyền đang sang sông./.

                                          MƯA PHÙN

       “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”

                                      Nguyễn Bính

   Người con gái ngoảnh nhìn qua khung cửa sổ: đêm bàng bạc, chốc chốc chớp léo sáng soi rõ những hạt mưa trắng bay lang thang. Đã hết tháng ba, quãng mưa phùn cuối mùa rồi!

-Công việc trên ấy thế nào? – Người con trai nãy giờ vẽ cái gì đấy trên tờ giấy khổ rộng trải giữa bàn, cất tiếng hỏi.

  Người con gái rùng mình như bị lạnh, uể oải đáp:

-  Chẳng thế nào cả.

-  Người con trai nhìn nhanh người con gái, khẽ lắc đầu. Người con gái cắn móng tay, mi mắt chớp chớp. Không ai nói gì, nghe rõ tiếng gió thì thào trên ngọn cây chanh sát ngay cửa sổ. Rồi có tiếng gọi: “Đò ơi! Sang với” buồn buồn lẫn vào tiếng mái chèo cắt nước sắc gọn từ dưới sông Duềnh vọng lên, kéo dài ra, âm âm trên núi Đá phía sau làng. Người con trai buông giọng:

-  Mưa gió thế mà vẫn còn khách qua sông.

Người con gái nói:

-  Mái chèo của Hạnh đấy.

-  Biết rồi. – Người con trai nói.

Họ cùng làng, tốt nghiệp lớp 12 cùng khoá và cùng thi hỏng đại học. Nhà đứa nào cũng nghèo mà việc làm thì ngày mỗi khó khăn. Một lần, người con gái hỏi người con trai: “Hạnh có nghề chèo đò mẹ để lại, còn hai đứa mình thì sao?” Người con trai nói: “Thì ở lại làng. Làng có bao nhiêu việc để làm”. Hôm ấy, họ cũng ngồi chỗ này, trời cũng rả rích mưa và cây chanh cũng ngã cành vào khung cửa thế. Người con gái quờ tay ngắt một bông hoa chanh thả vào lòng bàn tay người con trai và nói: “Chẳng lẽ ở nhà làm nghề trồng chanh?” Một thoáng buồn hiện trên khuôn mặt người con trai. Mấy ngày tết trôi qua trong mưa phùn và rét ngọt. Vệt cỏ dọc đường xuống bờ sông lay phay dưới mưa, kéo dài biền biệt. Rồi đầu mùa xuân, người con gái đột ngột bỏ làng đi. Bố người con gái nói: “Nó làm cán bộ trên tỉnh”. Dân làng thì bảo: “Tỉnh, huyện gì đâu. Nó lang thang trên phố ấy.” Người con trai lên phố hai ngày, trở về bảo, người con gái bếp núc, quét dọn nhà cửa cho một gia đình gốc gác ở làng. Áp tết người con gái về, vóc dáng gầy hơn nhưng ăn mặc thì màu mè hơn. Người con trai  không nói gì, như người con gái chưa hề bỏ làng lên phố vậy. Anh tôn trọng sự lựa chọn của bạn. Ngồi với nhau, người con trai vẽ lên trước mắt người con gái những dự định làm ăn lớn trên mảnh đất họ từng sống gần hai chục năm, còn người con gái thì nhìn ra xa xăm, dửng dưng. Rồi rằm tháng giêng, người con gái lại ra đi. Cô Hạnh chèo đò chở người con gái qua sông. Từ ấy, mù mịt tăm hơi. Đời có bao nhiêu là đường, mỗi người tự chọn đường đi cho mình. Người con trai nghĩ vậy, nhưng lòng cứ thấy trống vắng. Nhiều đêm nghe tiếng mái chèo cắt nước của Hạnh dưới sông vọng lên, người con trai lại dõi nhìn qua khung cửa, thắc thỏm. Đến khi anh không còn chờ đợi người con gái trở về thì tối nay cô bỗng xuất hiện. Chẳng hiểu sao lòng anh lại dửng dưng, cứ muốn mọi thứ lặng im.

-       Anh không có gì để nói nữa à? – Người con gái hỏi.

Người con trai nhếch môi nở một nụ cười lạnh:

-       Có công việc tử tế trên phố rồi à?

Người con gái ngước khuôn mặt xinh xắn về phía người con trai, nói:

-       Em dối đấy.

-       Lại làm thuê cho nhà ấy à?

-       Không phải.

-       Thì nhà khác, có gì khác? Sướng nhỉ?

-       Sư…ớng ? – Người con gái nhắc lại, giọng kéo dài như diễu chính mình, buồn không chịu nổi.

Người con trai cố tỏ ra thân mật, giọng dịu xuống:

-       Thì rốt cuộc thế nào?

-       Đi tìm việc khắp nơi, ở đâu cũng được hỏi: Học trường nào ra, ngành gì, hệ chính quy hay mở, tốt nghiệp khá hay giỏi… Lìa cả chân.

-       Rồi sao? Người con trai có vẻ nôn nóng.

-       Rồi cuối cùng thì gặp Bác Thoảng.

-       Là ai?

-       Người đẻ ra ông nội bác ấy là con cậu người đẻ ra bà ngoại em, là mẹ của mẹ em…

-       Mịt mù quá!

-       Ừ, mịt mù!

-       Rồi ông Thoảng mịt mù ấy cho việc làm à?

-       Ông ấy cho một câu hỏi.

-       Câu gì?

-       Hỏi: “Sông Duềnh, núi Đá còn ở làng chứ?”.

-       Người con trai bỗng cười, giơ cả hai tay khuơ khoắng vào khoảng không.

Người con gái giận dỗi:

-       Có gì vui mà cười. Đã thế, đây về.

-       Thì về. Khi nào lại lên phố?

Một thoáng buồn trên gương mặt người con gái. Mắt người con gái rân rấn nước, còn đôi môi thì mấp máy, khoé môi trĩu xuống.

Người con trai vội nắm bàn tay người con gái, nói:

-       Ngồi lại tý nữa, đã nói với nhau được gì đâu.

Người con gái rụt tay về:

-       Không tin đây thì thôi.

-       Anh sẽ nói cái điều bác Thoảng từng hỏi em. Thấy bản vẽ sông Duềnh, núi Đá trên bàn không? Mà thôi, tính sau. Có người đến.

Người con trai vừa dứt lời thì cửa mở và một cô gái thon thả, mái tóc bám đầy những hạt mưa trắng li ti ào vào phòng. Khuôn mặt tươi tắn của cô bắt gặp ánh điện ửng hồng lên, những hạt mưa trên tóc cô cũng lóng lánh lên. Dụi đầu vào ngực người con trai, cô gái ríu rít:

-       Mưa ngoài sông dày hơn trong làng. Nhưng gió thì ấm, thơm nữa. Em ướt hết tóc rồi.

Người con trai như ngượng với người con gái, lùi lại:

-       Đừng. Ướt sang tôi này.

Cô gái cười rồi nói:

-       Nào, xoè bàn tay ra!

Người con trai ngửa lòng bàn tay. Cô gái thả vào tay người con trai một bông hoa chanh, cánh hoa trắng ngần đẫm nước mưa.

Người con gái nhìn người con trai và cô Hạnh chèo đò, một cảm giác hẫng hụt oà ra trong lòng. “Độ ấy tới nay hơn một năm rồi, qua hai cái tết, qua một mùa hoa chanh rồi còn gì!” – Người con gái nghĩ và lặng lẽ đứng dậy đi đến bên cửa sổ.

Bên ngoài mưa rỉ rắc trên lá chanh. Mưa này, nước sông Duềnh sẽ dâng, còn sim trên núi Đá chắc chín nẫu, sim chín, chim sẽ về./.

                                                                                     

                                                                              

 XẨM NHÂN TƯ (1)

 1. Làng nép dưới chân một ngọn núi đá, ngoảnh mặt ra sông. Từ cổng làng, con đường đất đỏ uốn cong qua bãi cây dại lúp xúp, qua bãi cỏ có gốc đa già là gặp sông.

Người đàn ông găm thuyền chăng te giữa dòng. Đã chín năm trên sông nước như thế. Chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả: gia đình, nhà cửa, vườn tược.

Người đàn bà gội đầu nơi bến nước. Tóc dài xoã một vùng, những vòng sóng quyện ra tận thuyền. Hai bên bến, hoa lau trải dài, trắng phất phơ. Một ngày một lần gội. Một ngày một lần thuyền anh chung chao giữa vùng sóng. Hết một mùa hè, như thế…

Sang thu, sang đông, rồi đông sang xuân…những lúc chị gội tóc trên bến sông, anh ôm đàn nhị, hát:

Thương nhớ trông mong em ra là bao ngày tôi thương nhớ trông mong. Nhớ thương là em ơi là quặn thắt mà để trong lòng thương nhớ khôn nguôi ư…hừ…(*)

Một đêm trăng khuyết và nóng hôi hổi, trên bãi cỏ giữa mịt mùng lau hoa trắng, họ trộn vào nhau.

Chị thì thào:

-Lỡ có mang thì …

-Thì sao? - Anh hỏi, bàn tay vẫn ấp trên khuôn ngực phập phồng của chị.

-Thì ta cưới nhau?

 -Cưới rồi ở trên sông, hé?

-Ở giữa bãi lau cũng xong – Chị nhìn lên bờ sông, nhoẻn cười.

Họ ôm lấy nhau, ngỡ không gì tách ra được.

 Là thế mà mãi họ cũng không thành vợ chồng vì anh tứ cố vô thân, chị có cha làm quan chức to trên tỉnh, nhà ngang, dãy dọc.

      Cữ ấy, người bên kia biển sang, người phía Bắc vào san ủi núi đá, làm đường lớn phía sau làng nối đến một chỗ nào đấy phía thượng nguồn sông để xây dựng khu công nghiệp. Sông sủi bọt, đục ngầu. Suốt ngày làng rậm rịch, ồn ào như chiều ba mươi Tết. Người làng dựng quán bán hàng ăn, hàng uống, hàng hút dọc đường mới mở. Nhiều kẻ nhuộm tóc đỏ, tô môi son, bỏ ruộng đồng, bỏ làng lên phố Huyện buôn bán, vào Khu công nghiệp làm thuê.

        Không còn thấy chị ra bến sông gội đầu. Anh để mặc lưới chìm trong nước, đau đáu nhìn dọc con đường đất đỏ dẫn lên làng. Đường vắng, gió reo trong cây và cỏ dại.

      Nghe đồn cha chị dẫn ông chủ Khu công nghiệp nói tiếng tây, tiếng ta ngọng nghịu về làng. Dân đứng trong các lối ngõ nhìn ra. Đến một ngày nọ, hai chiếc ô tô chở chị đi khỏi làng. Chị đi, lặng lẽ, không một lời với anh.  

Hôm ấy, hoa lau dửng dưng bay trắng trời, trắng đất.  

Anh bỏ thuyền, bỏ te lưới, bỏ sông đi đâu không ai biết. Mãi không thấy trở về.  Dân làng đồn đại, anh bị người đàn ông đầy thế lực trên Thành phố bắt vào tù. Lại nghe anh dẫn đầu một đám giang hồ đào vàng trong núi Đà Neo, Chư Phát. Rồi nghe anh làm thủy thủ cho tàu vận tải biển của một đại gia người Hải Phòng. Lại nghe, anh kéo đàn nhị, hát xẩm ở chốn đông người. 

  Hư hư, thực thực. 

2. Lại nói về người đàn bà.

Từ độ lên Thành phố, chị trở nên nõn nường, môi son má phấn, có mặt ở những tiệc tùng ồn ào và nhốn nháo những con người ăn mặc sang trọng, nồng nàn mùi nước hoa Victoria. Đang thế thì một người hát xẩm xuất hiện. Và tiếng hát anh ta nấc nghẹn, buồn não len lách giữa ồn ào và nhốn nháo kia: 

 Mười tám cái xuân xanh em bỏ người tình. Mười tám cái xuân xanh em bỏ người tình em đi ư hư..Mỏi mòn là em ơi người đợi, người trông ư ư. Thuyền lênh đênh trôi là em ơi, lau trắng, trắng rơi trôi theo con nước ư ư.  Thủy chung chớ em ơi bạc ơ  là bạc ư màu. Chớ lòng đau đã từng, đã từng em ơi …ư hừ…(*)

Chị nghe, thẫn thờ giữa đám đông.

       Đêm đêm, tiếng hát bay vào tận phòng ngủ vợ chồng chị. Chị dón chân đến bên cửa sổ nhìn bóng anh đơn độc ngồi ôm cây đàn nhị dưới gốc cây bằng lăng trứơc cổng.

Tiếng hát thì quặn thắt đêm.

Từ ấy chẳng hiểu sao, tóc người đàn bà cứ bạc trắng dần.  Mươi ngày, nửa tháng chị lại đến hiệu nhuộm tóc. Mười ngày, nửa tháng, những sợi tóc lại bạc, bắt đầu từ gốc… Vào tuổi  bốn mươi chị thôi nhuộm, mái tóc trắng rũ.

Người đàn ông như chỉ chờ có thế, anh bỏ thành phố trở về chốn xưa.

Người đàn bà cố công tìm kiếm cũng không thấy bóng dáng người hát sẫm, chỉ nghe thổn thức bốn phía chung quanh:

Hồ mong cho người là em ơi  đi chín sông ơi mười bến,ơ  hồ mong cho người ư ư ư …Thương nhau đã từng, đã từng em ơi, Đứng ngóng trông theo em  ơi nỏ thấy, thấy em đâu nào. Hương thừa là có bên sông hỡi chứ để hoa lau trắng bên sông.. Hỡi chứ để hoa buồn thương nhớ em  ơi…ư...hừ…(*)

    

    3. Mùa xuân năm….Người đàn bà xuất hiện ở bến sông. Bấy giờ đã quá chiều. sông trôi mềm mại giữa hai bờ hoa lau trắng.

      Mưa phùn giăng mắc. Chị  ngồi nơi bến nước. Anh xếp bằng đầu mũi thuyền, cây đàn nhị tựa vào vai.

     - Hắn đi rồi à ? Anh hỏi.

   Chị thở dài :

-  Ờ…

Anh có vẻ ngậm ngùi:

- Nhưng mà …Vì đâu ra nông nỗi…

Chị nói, gần như thì thào:

- Hắn đi, hắn về nơi hắn ra đi mà. 

    Anh  nhìn vào mắt chị, giọng trách cứ:

- Thế nên bà mới mò về đây chớ gì?

Chị vuốt mái tóc bạc, lí nhí:

- Ờ… Trên ấy…

- Cái nhà ấy cứ rộng rênh ra à?

- Chỉ một mình mà.

- Thì sao?

Lặng một lúc, chị ngửng nhìn anh, hỏi:

- Già rồi chưa?

Anh đáp liền:

- Thì vẫn còn trẻ.

-Trẻ à? - Người đàn bà rưng rưng - Bao nhiêu là mùa hoa lau.

- Vài chục…Cứ bạc trắng - Anh bâng quơ và dựng cần nhị, run run cầm vĩ:

        Hồ mong cho người là em ơi  đi chín sông ơi mười bến, ư hồ mong cho người ư ư ư …Thương nhau đã từng, đã từng em ơi, Thương nhau đã từng, đã từng em ơi…ư ư ư…(*)

   Chị vục tay xuống nước sông. Không còn tóc xanh để gội. Bỗng cảm thấy buồn nao lòng. Nếu từ xưa lại nay người ấy cứ găm thuyền  giữa sông và mình cứ ngồi nơi bến nước này… 

Thương nhớ trông mong em ra là bao ngày tôi thương nhớ trông mong. Nhớ thương là em ơi là quặn thắt mà để trong lòng thương nhớ khôn nguôi ư…hừ…(*)

Chị nói vọi ra sông:

-Thôi, đủ rồi. Lên bờ đi…

………………………

(1): Một làn điệu Hát xẩm.

(*) Phỏng theo Xẩm nhân tư ;   rút trong Âm nhạc Dân gian Xứ Nghệ; Lê Hàm - Chủ biên; Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An;XB; 2000; 


Bình luận