( Đời người có ba lần trở về, lần thứ nhất về với dân, lần thứ hai về với mình, lần thứ ba về với đất - Lời người xưa)
Lần lữa mãi nay tôi mới thực hiện được chuyến đi điền dã thu thập tư liệu làm hồ sơ xếp hạng di tích Nhà thờ Đào Thinh ở làng Yên. Đường vào làng vương vãi rơm rạ và phân bò khô, men theo một vạt lau dài hun hút, hoa trắng rũ rượi. Bên kia bãi lau là sông Duềnh, đâu gần lắm, nghe rõ tiếng sóng thầm thì, thầm thì.
Đền thờ Đào Thinh nằm đầu làng. Lối vào đền lát đá, cách khoảng có một cây mưng già, hoa rủ lòng thòng. Không khí bức bối mà tĩnh lặng. Qua cái tắc môn sứt mẻ, mảnh sân gạch lõm lòng thuyền là một ngôi nhà cũ kỹ, trên mái nặng trĩu những rồng bay, hổ phù. Trong nhà tối lờ nhờ. Dãy giường thờ, hương án nép sát bức tường trắng lợt. Giá ngai, vị hiệu, lư hương, chân đèn, hạc chầu, đến cửa võng, câu đối, im lặng và không biết sao đều màu nâu đất. Qua ô cửa ngách thấy cái nền nhà cũ, nhận ra nhờ hình dáng và những bức tường đổ.
Ai đó ? Tiếng hỏi nghe thật âm u phát ra phía hồi nhà.
Tôi quay lại. Một người đàn ông ngồi xếp bằng trên mảnh chiếu trải giữa đất. Khuôn mặt béo rệu, đôi mắt trống vắng hướng ra ngoài sân, đôi môi tái xám mấp máy, một cánh tay xòe ngón áp trước bụng, cánh tay còn lại giấu chỗ nào đó sau lưng...tất cả gây cho tôi một cảm giác sợ hãi.
Tôi ...là cán bộ Bảo tàng tỉnh, tôi đáp.
À...Ông nói. Chuyện di tích à ? Thôi. Xưa khác, nay khác.
Là sao ạ ? Tôi hỏi.
Là thế, là nay không như xưa nữa. Ông nói.
Bỗng có cái gì nhói lên trong đầu và ngay đó tôi nhận ra, rất rõ ràng, con người kia là Ông.
...Hôm ấy, đang nằm đọc những hộp diêm chữ về mấy cái chuyện lạ rất khó tin trên tờ báo tỉnh thì giật mình bởi tiếng chuông điện thoại réo. Định không nghe, nhưng nghĩ, biết đâu lại có chuyện gì đó ở quê, ở mấy đứa con xa. Thời buổi nhộn nhạo trộm cắp, đánh đấm, cờ bạc, tai nạn giao thông, ung thư, dịch bệnh...trời cũng không lường hết được mọi sự. Đành nhấc ống nghe. Giọng hắn, nửa bắc, nửa nam. Hắn nói đến nhà hàng Hoàng Tử, hắn đang ngồi với Ông, rất nhiều chuyện hay. Tôi nói sẽ đến. Có chút muốn ở cạnh một người quyền cao, chức trọng và có chút tò mò. Thay áo, quần xong vừa lúc một chiếc ô tô trắng lóa đỗ xịch trước cổng. Anh lái trạc tuổi tôi, mặt lạnh tanh, lầm lì quay vô lăng. Là nhận ra thế, còn thì không xúc động. Cái lạnh tanh của thiên hạ có mới mẻ gì, có hiếm hoi gì. Xe từ từ lăn bánh và nhà hàng Hoàng Tử, đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy. Mấy ô cửa sổ nhòm ra sân chập chờn bóng người. Anh lái xe hì hụi đi trước, tôi im lặng theo sau. Thoắt cái, rơi tõm vào một căn phòng rộng, sáng lờ nhờ và nồng mùi thuốc lá, mùi mỡ, mùi rượu, mùi son phấn... Hắn ôm chầm lấy tôi, phả vào mặt tôi nào là tuyệt vời, nào là tình nghĩa với bè bạn. Rồi quay về phía người đàn ông to, lùn khuôn mặt rung cục những thịt ngồi bên kia bàn, hắn trịnh trọng giới thiệu Ông là một chính khách thời hiện đại. Lại quay về phía tôi nói đây là một tài năng văn hóa, văn chương. Ông đưa tay ra. Một bàn tay có sáu ngón, ươn ướt. Xong cái bắt tay, Ông bảo mọi người ngồi vào bàn. Hai cô gái trẻ măng, mặt bự phấn, váy ngắn, cổ áo trễ nãi từ sau tấm vải hoa căng ngang phòng bước ra. Sau đó là tiếng rượu chảy riu riu, riu riu. Hắn giới thiệu từng người một. Toàn những khuôn mặt giám đốc công ty này, doanh nghiệp nọ. Chỉ tôi và hai cô gái không chức tước. Một cô áo đỏ, khuôn mặt có nét hao hao Ông và một cô áo trắng. Cả hai mặt đẹp như tranh vẽ, cổ cao, ngực ngồn ngộn, mắt nhìn có sức cuốn hút ma muội. Bàn tay sáu ngón của Ông bấm nhoay nhoáy máy điện thoại, hình như là nhắn tin, rồi dúi máy vào tay cô áo đỏ. Xong lại nhoay nhoáy trên cái máy khác, xong đặt máy vào tay cô áo trắng. Cả hai cô gái cùng cười, nụ cười đẹp không tả được. Chợt nhớ có anh nhà báo nói thành phố vừa nảy ra một Hội săn bắt xếp có trên hai chục hội viên chân dài. Bất giác tôi trút một tiếng thở dài. Ông nhướn mắt nhìn, vầng trán hẹp và bóng hằn mấy đường nhăn, rồi chém bàn tay sáu ngón vào không khí lởn vởn khói thuốc, ý bảo mọi người im lặng, mặt thoắt trang nghiêm và nói đã có nghe tên tôi, hôm nay gọi đến để biết mặt nhau. Làm lãnh đạo có một anh nhà văn bên cạnh cũng hay hay. Ông nở một nụ cười dè sẻn rồi nói tiếp ông đang cần đưa cái đền thờ Đào Thinh vào di tích Lịch sử- văn hóa. Đào Thinh là cụ tổ của Ông từng phò vua đánh giặc lập được nhiều công trạng. Hắn nói hậu duệ cụ Thinh là Ông cũng rất xứng với tổ tiên. Một lời tâng bốc rõ da thịt, vậy mà khuôn mặt Ông vẫn nở ra cười vẻ mãn nguyện lắm. Tôi nói, chẳng lẽ lại không nói, rằng tôi sẽ cố gắng. Hắn bảo việc lập hồ sơ xếp hạng di tích nhà thờ Đào Thinh là trách nhiệm và vinh dự của tôi. Xong hồ sơ, có quyết định cấp tiền, các ông giám đốc có mặt hôm nay hù nhau vào mà tu bổ, tôn tạo và nhớ phần trăm, phần nghìn chu đáo. Đám đông nhao nói sẵn sàng. Ông gật gật đầu. Chắc thấy mặt tôi cứ nghệt ra, hắn rỉ tai tôi hãy khôn ngoan sống theo tính cách cư dân trồng lúa nước, nghiêng ngã theo nước sa, gió thổi. Người ta vụ này, vụ nọ, mày công chức nhà nước nhưng khác chi thằng thất nghiệp, phải kiếm lấy một vụ trong đời. Hắn còn nói gì nữa nhưng tôi không nghe rõ vì căn phòng đã nổ tung tiếng hò hét, tiếng vỗ tay, tiếng cốc chén va nhau, tiếng bia, rượu chảy...Hắn thúc cùi tay vào hông tôi nói uống đi. Ừ thì uống. Đây có thua ai. Một, hai, ba...Cô áo đỏ, cô áo trắng, Ông và ai đó nữa nhoèo ra, chập chờn...
Sao Ông lại ở đây ? Tôi hỏi, không giấu nổi ngạc nhiên.
Ở đây thì sao, hả ? Ông nói.
Thì là tôi tưởng Ông vẫn ở trên tỉnh, tôi nói.
Cả tỉnh biết, mỗi anh không biết ư ? Ông nói, giọng bực bội lẫn trách móc. Anh giả vờ. Thương hại tôi nên giả vờ phải không?
Tôi không biết thật mà, tôi nói.
Tôi bị...Bệnh tật, anh em không nỡ xử tệ, họ cho tôi đi an dưỡng, nhưng tôi tính, tôi phải về đây, ở làng ... Ông nói, giọng đứt ra.
Nét buồn phủ lên khuôn mặt câm lặng và đôi mắt mở to, đồng tử đùng đục, bất động, nom rõ được nhờ chút ánh sáng trời chiều dọi qua lỗ thủng đầu hồi nhà.
Tôi lặng lẽ đi ra sân, tự nhiên lòng buồn mênh mang.
Dân làng kể:
Họ Đào sinh cơ lập nghiệp ở làng Yên đã lâu đời. Theo tộc phả ghi lại, vị tổ họ Đào là Đào Thinh làm đến chức Án sát dưới triều vua Lê. Trước đó, Đào Thinh là dân sơn tràng. Khi giặc rừng càn quấy dọc rừng từ Xứ Thanh vào Xứ Nghệ, Đào Thinh gia nhập quân triều đình và lập công lớn được phong đến chức Án sát. Từ đấy dòng họ Đào kế tiếp nhau hai trăm năm trải qua nhiều triều đại và bao nhiêu biến động thời cuộc, cuối cùng xúm xít ven sông Duềnh. Đến đời ông nội Ông, họ Đào có bốn chục gia đình, hầu hết nghèo khó trừ gia đình Ông. Nhà cao, cửa rộng, ruộng cho dân hàng tổng cày rẽ. Năm 1929, cha Ông dựng một căn nhà gỗ lợp ngói đất, thưng ván kín trong lùm cây cuối làng, làm kho chứa thóc cũng là chỗ hội họp của Đảng Tân Việt, sau là Chi bộ Đảng Làng Yên. Mười lăm năm sau, Ông sinh trong căn nhà ấy. Hôm đó, cờ đỏ rực đường, dân làng rầm rộ kéo nhau xuống huyện cướp chính quyền. Lại mười năm sau, trong phong trào nông dân cải cách ruộng đất, cha Ông bị bắt bỏ tù vì dòng họ Đào có người từng làm quan cho chính quyền phong kiến. Phúc nhà cho Ông, đồng chí Bí thư Huyện ủy từng được cha Ông cưu mang trong ngôi nhà gỗ xưa đã lấy công trừ tội cho gia đình Ông. Cha Ông là kẻ thức thời, vét thóc trong kho, bớt vàng trong tủ sắt hiến cho làng xây kho Hợp tác xã, làm đường giao thông liên làng, liên xã. Năm 1965, Ông tròn 18 tuổi cũng là lúc xẩy ra chiến tranh. Vào lúc thanh niên nô nức ra chiến trường người con trai dòng họ Đào ở lại làng Yên lãnh đạo nữ thanh niên rầm rộ phong trào này đến phong trào khác. Từ phân xanh, phân ủ, bèo hoa dâu đến xây dựng thư viện, học bổ túc văn hóa, bài trừ nhạc vàng...Rồi Ông chém chém bàn tay có sáu ngón vào không khí, kêu gọi chống tàn dư chế độ Phong kiến. Dân làng theo Ông phá miếu Thành hoàng, phá cả trung điện nhà thờ họ Đào. Tên tuổi Ông chườn ườn trên Báo tỉnh. Ông thành Bí thư Đoàn rồi Phó bí thư Đảng ủy xã. Cha Ông chết, cái chết đột ngột do nhồi máu cơ tim. Ma chay cho cha xong, Ông giao đền thờ Đào Thinh, bấy giờ chỉ còn mỗi nhà Hạ điện và chức tộc trưởng họ lại cho ông chú rồi tìm đường lên Thành phố. Sau chiến tranh, cơ quan nào cũng cần người làm việc. Ông trở thành cán bộ Nhà nứơc. Về sau, hàng chục năm, ông vung bàn tay sáu ngón chém vào không khí nhiều lúc, nhiều nơi...
Lời kể chỉ thế. Tư liệu nhà thờ Đào Thinh thì lờ mờ. Hai cái sắc phong Phòng quản lý di sản sưu tầm được thì chữ còn, chữ mất.
Tôi buồn bã nhìn Ông. Dường như mỏi mệt, Ông tựa hẳn người vào bức tường màu nâu, duỗi dài chân và thu hai bàn tay xuống dưới đầu gối, hai gót chân trần choài đi choài lại trên mặt đất... Sông có khúc, người có lúc, hẳn thế, nhưng vì sao có sự đổi thay nhanh làm vậy. Tôi nhìn Ông, rồi nhìn ra khoảng không đang sẫm tối dần trên cái sân gạch xao xác lá vàng, lòng bỗng thấy bùi ngùi.
Tôi xin về để kịp chuyến xe cuối ngày. Tôi nói.
Tối chưa ? Ông hỏi..
Còn mặt trời. Tôi nói.
Sao không nghe tiếng sóng Bến Duềnh ? Ông hỏi, nghiêng đầu.
- Tôi không biết trả lời ra sao.
Trong vòm nhà sẫm tối, dơi từ hốc, hẽm nào đó bay ra liệng vòng tròn trên đầu chúng tôi. Ông tựa lưng vào tường, câm lặng. Gió nhẹ như phẩy lông gà, không khí bỗng trở nên ngột ngạt.
Tôi đi nhanh ra khỏi nhà thờ. Trong cái đầu âm âm u u chẳng thấy ra một điều rành mạch.
Về đến nhà, vợ đưa cho mấy chữ hắn viết trên một tờ lịch: “Tao muốn gặp mày.”. Sau đêm lung tung, mờ mịt đã kể trên, tôi chán hắn thật. Gần nửa năm không liên hệ với hắn. Hắn cũng chẳng qua lại với tôi, chẳng nhắc gì chuyện xếp hạng di tích đền thờ Đào Thinh. Nay mới té ngửa ra là Ông có còn chức quyền nữa đâu. Chao ôi, hắn ơi là hắn.
Bẵng đi mấy ngày, tôi đang đi dọc vỉa hè thì cụng phải hắn. Hắn kéo tôi vào cái quán nứơc chè xanh trong hẻm.
Lâu rồi không gặp nhau, hắn nói.
Việc làm không hết. Tôi nói. Hôm mày đến nhà, tao đang ở làng Yên, đến đền thờ Đào Thinh, nhưng chẳng tìm kiếm được tư liệu gì thêm. Mày biết tao gặp ai ở làng Yên không ?
Tao biết, gặp Ông, hắn nói. Nói xong thì cụp mí mắt xuống.
Tôi im lặng. Hắn cũng im lặng. Đến giờ tôi không còn hiểu vì sao tôi lại chơi với hắn. Ở chiến trường về, nhờ cái mã đẹp trai và miệng lưỡi dẻo quẹo hắn vào làm nhân viên Phòng quảng cáo Đài Truyền hình tỉnh. Được vài tháng thì bỏ, đạp xe đi khắp nơi viết báo. Hắn tìm đến tôi nài nỉ sửa bài hộ trước lúc gửi đến tòa soạn. Trời sinh ra tôi không lạnh lòng được với ai bao giờ. Tôi sửa tin, bài của hắn như đẽo gỗ thành cày. Rồi hắn có tên trên Báo tỉnh, Báo Trung ương. Đột nhiên hắn nói viết báo phải đi nhiều, vắt óc, lọc máu ra viết mà nhuận bút thì bèo bọt, không đủ tiền ăn xôi sáng. Thôi, bỏ. Từ ấy hắn lang thang. Người ta thấy hắn xuất hiện khắp nơi, gặp gỡ những vị tai mắt trên tỉnh, chủ sị các cuộc nhậu giữa Ông với Giám đốc các Doanh nghiệp. Thậm chí có kẻ đến cầu cạnh hắn giúp việc này, việc nọ. Tôi không hiểu nổi. Hỏi, hắn nói cơ chế thị trường mọi thứ đều trở thành hàng hóa, nước bọt cũng là hàng hóa. Rồi cười rỉ tai tôi là hắn làm nghề bán nước bọt, phục vụ cho Ông. Ông và hắn hai bên đều có lợi. Lại nói cuộc đời nhôm nhoam này không có loại người như hắn, làm những cái nghề không phải là nghề như hắn thì chẳng còn là cuộc đời, thì nhiều ông này, bà nọ lấy gì mà nên sung sướng. Ngẫm, có lẽ mình thiếu thực tế, mình mây mưa nên không hiểu hết thời buổi mình đang sống. Thế nên im lặng, không hỏi nữa và tìm cách lánh xa hắn. Nhưng tôi càng lánh, hắn càng sáp lại. Hắn giữ nghĩa, đền ơn hay hắn lợi dụng cái nhà văn của tôi để nước bọt hắn có giá? Mường tượng ra một mạng nhện quan hệ bốn phía chung quanh hắn, sức vóc tôi không thể gỡ ra. Nghĩ lung tung, rối rắm vậy; bất giác tôi hỏi hắn là lâu nay làm ăn thế nào ?
Mấy em chân dài cho tan nát hết rồi. Hắn nói, giọng bực bội.
Tôi chợt nhớ cái Hội săn bắt xếp anh nhà báo nói hồi nào đấy
Về sau tôi biết:
Ông là người máu mê gái gú nên những đêm nhậu hắn tổ chức bao giờ cũng có các em xinh đẹp. Đêm ở nhà hàng Hoàng Tử ấy, hắn gọi cô áo trắng đẹp lả lơi trong số gái hầu rượu hắn từng biết. Cô áo trắng rủ thêm cô áo đỏ bạn bè thủa nảo nào từ Sài Gòn vừa ra. Tôi say, hắn đưa tôi về khách sạn. Tôi ngủ còn cuộc nhậu vẫn tiếp, chuyên bàn chuyện làm ăn mánh mú. Mấy ông Giám đốc Doanh nghiệp, Công ty đêm ấy như được hắn cho gặp Thượng Đế, lợi lộc bằng hàng năm lao tâm, khổ tứ. Nửa đêm ngã nghiêng hết. Cô áo trắng dìu Ông lên phòng, ở lại bao lâu, có làm gì không, ai dìu ai nữa, hắn đếch quan tâm. Cả chuyện cô áo đỏ ghi âm, chụp hình, mãi khi báo đăng tin hắn mới té ngửa. Những kẻ đau đáu cái ghế của Ông, những người từng bằng mặt không bằng lòng với Ông gặp cơ hội họ đứng cả lên, tung ra đủ thứ đòn. Hắn nói thương lắm, Ông cao áp huyết, chuyện xẩy ra đột ngột quá, kinh quá, không chịu nổi, nó tăng vọt lên trên 200. Não không hề hấn gì nhưng đứt mất một sợi dây thần kinh nào đấy khiến hai con mắt cứ mờ dần rồi mù hẳn. Chức tước không còn, thiên hạ thì như đã biến mất. Chắc không chịu nổi cô đơn và sự thất vọng chưa một lần gặp trong đời, hay vì một cái lý, cái tình nào khác, ông về quê .
Thế cô áo đỏ hiện nay thế nào? Tôi hỏi.
Vẫn đẹp hút hồn. Hắn nói. Bỏ đội quân săn bắt xếp rồi. Không làm
Công chúa Liễu Hạnh nữa.
Thế à, tôi nói.
Này. Hắn nói. Tao nghi giữa Ông và cô áo đỏ có mối quan hệ nào đó, từ thời nào đó. Mày có biết không?
Mày là đệ tử của ông ấy bao nhiêu năm. Tôi nói
Tao chỉ rành các dự án với cơ cấu tổ chức cán bộ trong đầu ông ta, còn các thứ khác tao chẳng quan tâm. Hắn nói. Đến nay tao cũng chẳng biết Ông có mấy đứa con. Cái Nhà thờ Đào Thinh nào đó tao hô hào, hò hét thế nhưng có thấy nó vuông, tròn ra sao đâu. Quan hệ thời nay nó vậy. Mà riêng chi tao.
Sau đêm uống rượu ở nhà hàng Hoàng Tử ấy tao không gặp lại họ. Tôi nói.
Tao không tin. Hắn nói.
Hắn không tin là việc của hắn.
Mãi về sau , tôi mới nghe dân làng kể:
...Thuở ấy, làng Yên chỉ mỗi một con đường nối với thiên hạ chạy vòng vèo giữa đồng không mông quạnh. Trên con đường ấy có một cái cống Đá rộng hai mét dài ba mét xây từ thời Pháp, thường xuyên bị ném bom. Mùa hè năm 1968, bà Nghĩa làm nghề đánh bắt cá mụn trên sông Duềnh trở thành người chèo đò ngang. Cha Ông vét hầu bao sắm một con thuyền ba ván cho bà Nghĩa đưa dân làng qua sông tránh đi qua cống Đá. Bến đò nằm đầu làng, có tên gọi Bến Duềnh. Nơi ấy có một cây đa đơn côi nằm giữa một bãi cỏ mật. Qua bãi cỏ là dãy lau ngút ngát len giữa những cây bần um tùm cành lá. Bến có ba bậc đá, những viên đá hình vuông ghép khít vào nhau. Những năm ấy, khắp nơi rùng rùng bom đạn ngỡ như chỉ mỗi Bến Duềnh là thanh bình, tĩnh lặng. Sau lần gặp con gái bà Nghĩa, Ông không thể hiện sự dũng cảm của mình bằng cách đạp xe qua cống Đá lên xã, về làng mà bằng đò ngang qua sông Duềnh. Mà về lúc trời tối, lúc cô Lài, ra thay mẹ chèo đò, cữ gần nửa đêm. Ông muốn cô Lài. Cô Lài cao ráo, trắng trẻo, ngực ngồn ngộn cứ dồi lên, sẹp xuống như sóng... Là con nhà tử tế, nhưng không phải không khao khát cái mùi đàn ông. Nín nhịn được non tháng, cho đến một đêm mưa gió, sóng vỗ tung tóe nơi ba bậc đá Bến Duềnh thì cô ngã vào vòng tay ham hố của Ông. Bén hơi nhau rồi thì không dứt được, thì cứ lăn lộn trên bãi cỏ, trên bậc đá, trên sạp thuyền. Tai vách, mạch rừng. Chuyện hủ hóa ở Bến Duềnh bay khắp mọi ngóc ngách, từ bếp ra ngõ, từ ngõ ra đồng, từ đồng về làng. Ông bỏ đi đường đò ngang. Vẫn thèm cô lái đò làm tình dữ dằn, quằn quại, nhưng Ông chịu đựng thật lì lợm. Hàng tháng bến đò về đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng sóng ì oạp vỗ vào ba bậc đá và tiếng thở dài não ruột đến chao lắc cả con thuyền. Ông phải đi khỏi làng. Một đêm, Ông luồn lách qua bãi lau xuống Bến Duềnh. Gà gáy canh một, Ông nói với cô Lài miệng thế gian như chông nhọn làm khổ chúng mình. Gà gáy canh hai, Ông nói anh phải lánh đi một thời gian để tránh dư luận. Gà gáy canh ba, Ông nói khi nào anh có vị trí trong cơ quan nhà nước anh đưa em đi khỏi làng và chúng ta tổ chức lễ cưới...Gà gáy rộ, cô Lài thôi khóc, ngước mắt nhìn Ông, nói em đã có thai. Ông đứng dậy, hổn hển rằng chưa được đẻ lúc này, chưa được đẻ ... Rồi nói thêm, trời sáng rồi anh phải về để tránh mắt nhìn dân làng... Lên khỏi ba bậc đá, đứng giữa bãi cỏ mật Ông chém bàn tay sáu ngón vào sương mù, rủa thầm”Bến Duềnh chó chết. Ta sẽ không trở lại với mày.”. Ông đi rồi, mẹ con Bà Nghĩa cho thuyền trôi theo sông Duềnh. Không chịu nổi người đời dè bỉu, bà Nghĩa gửi người con gái bụng mang dạ chửa lên ông cậu ở trong rừng. Rồi trở về nghiến răng chèo đò qua sông. Cô Lài sinh con dưới gốc cây trên rẫy ngô. Thiếu thốn, cực khổ lắm. Mấy lần cô bồng con đi gặp Ông nhưng không được còn bị bảo vệ, công an đuổi như đuổi chuột. Hai mẹ con khóc, lủi thủi về rừng. Bà Nghĩa chết bom khi đang chèo đò. Ông cậu cũng chết. Lần nữa, cô Lài đi tìm gặp Ông thì Ông đã ở bên kia quả đất; nghe bảo nhà nước gửi Ông đi đào tạo lâu năm. Về, Cô Lài bán gia sản cậu để lại rồi bồng con vào Sài Gòn sống. Lài làm đủ nghề, không ai biết những nghề gì, nhưng giàu lên nhanh lắm. Bạn bè của Lài thì nhiều như lá. Mẹ con họ chẳng thiếu thốn một thứ gì. Nhưng người con thì đau vì không biết cha mình là ai. Hồi nhỏ ở trên rừng, con gái hỏi thì Lài khóc nói khi nào lớn sẽ biết. Sau này con lớn, thành thanh nữ rồi hỏi, hỏi riết, cô ta mới kể... Người con gái trốn mẹ về quê tìm cha. Mất mấy ngày là cô biết con người là cha mình. Họ gặp nhau, ngồi với nhau nữa, nhưng Ông không biết con gái mình, còn cô gái thì không hé răng. Cô ta ngậm kín thù hận chờ cơ hội thanh toán nợ nần với cha mình.
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi nhìn xuống chén nước đang không thôi quay tròn trong những ngón tay nần nẫn của hắn. Dường như một cảm giác bứt rứt không yên đang làm tình làm tội hắn.
Không Ông tao thành ra bơ vơ, đang không biết làm gì, đang không biết đi về đâu. Hắn nói.
Tao thấy Ông già lắm rồi, nom tội nghiệp nữa. Tôi nói. Mày đã có một thời gian dài gắn bó, làm ăn với Ông, nay nên đến thăm hỏi Ông cho phải đạo.
Hắn im lặng, gật đầu.
Hôm sau tôi và hắn có mặt ở làng Yên. Đền thờ Đào Thinh cửa đóng im ỉm, trong bóng râm của những cây mưng già và sương sớm chờn vờn, nom như một ngôi nhà bỏ hoang. Chúng tôi tìm đến nhà người cháu của Ông. Đấy là một thanh niên thấp chũn, nét mặt buồn buồn, đôi mắt âm u. Anh ta tiếp chúng tôi vẻ rất miễn cưỡng. Tôi hỏi Ông ở đâu, anh ta đáp, mỗi hai tiếng đi vắng . Mãi sau khi hắn nói hắn là bạn của Ông tròn năm năm qua, anh ta mới trở nên cởi mở...
Anh ta kể:
- Bác tôi về làng sau gần 30 năm. Vợ mất rồi, hai người con ở nước ngoài, Ông về một mình trên chiếc xe tải, thùng xe chất mấy cái hòm sắt, hòm gỗ, đủ cỡ. Dân làng từ trong các lối ngõ ùa ra, kéo đến nhà tôi, đứng giữa sân nhìn bác tôi ngồi trên cái phản gỗ kê giữa gian bảy nhà. Trong đám đông có nhiều tiếng thở dài và cả những tiếng cười. Có lẽ đó là tiếng thở dài, tiếng cười cho một vị thế xã hội bị sụp đổ. Dân làng đã biết chuyện bác tôi về làng đâu chỉ vì bệnh tật. Họ đến, rõ là không phải để đón ông mà cho thỏa mãn trí tò mò. Buồn lắm. Buồn cho bác, buồn cho tôi, buồn cho đời. Trưa hôm sau, tôi làm một chầu lễ tại nhà thờ họ để an ủi bác và để lấy lòng dân làng và bà con trong dòng họ Đào. Hương đen, hương trầm, mâm ngũ quả, xôi trắng, thịt gà, thủ lợn la lượt. Sau này nghe đồn, lúc hương sắp tàn có một đám mây hình con mắt, tua riềm chung quanh giống hệt lông mi phủ kín mặt trời một lúc rồi rơi xuống Bến Dềnh. Họ bịa. Ý nói trời có mắt. Miệng lưỡi người đời nó vậy. Mấy ngày sau, bác tôi bỗng dưng ôm quần áo ra ở ngoài đền thờ. Tôi hỏi vì sao, ông đáp ở nhà nóng, ở đền thờ gần sông Duềnh, mát. Bác tôi già lão rất nhanh. Ông nặng nề kéo lê đôi chân như thể được linh cảm dẫn dắt sờ soạng trong không khí đi khắp ngóc ngách nhà thờ, lau chùi, quét dọn. Ngày ba bận tôi đưa cơm ra cho ông. Ông vừa nhẩn nha nhai vừa hỏi đủ thứ trên đời. Hôm kia, đang ăn, ông bỗng đặt bát cơm xuống, hỏi có ai ở ngoài sông không? Giọng bác tôi lạ lắm, nó khiến tôi nghĩ tiếng nói của ông phát ra từ chỗ nào đó sâu thẳm lắm trong lòng. Tôi nói xưa có Bà Nghĩa chèo đò ngang, nhưng nay thì không, nhiều đường mới không ai qua đò nữa. Bà Nghĩa thì chết rồi, con gái đi xa rồi. Chuyện ông và cô Lài, con gái Bà Nghĩa, tôi biết. Ông thì không đả động tới. Đường quan chức của ông trơn tru. Xã lên thẳng tỉnh. Một thời gian sau thì sang Tây năm năm. Về, thành quan to. Mấy lần bầu bán, chỉ có lên, không xuống. Chức lớn, việc lớn, những cái riêng tư xưa cũ ông chẳng để tâm. Mấy lần tôi định nhắc bác tôi chuyện chị Lài, nhưng rốt cuộc không biết sao không nói nổi. Nay thì bác tôi đã nhớ lại ? Giọng nói của Ông, cử chỉ của Ông, cả con người Ông mách bảo với tôi thế. Thấy tình cảnh ông ra vậy, tôi nén lòng mà nói là chuyện lâu rồi, đã bỏ qua hàng bao năm rồi, nay quên luôn đi. Bác tôi lắc đầu, khoát khoát tay, mặt méo xệch một cách đau đớn. Rồi Ông nói, như không phải nói với tôi, mỗi hai tiếng không, không. Chẳng biết không cái gì nữa.
Anh đã gặp mẹ con chị Lài chưa ? Tôi hỏi.
Anh ta không đáp mà cúi nhìn xuống bàn chân mình. Thấy vậy, tôi không hỏi nữa. Anh em trong dòng họ, cái ruột rà là của họ.
Nãy giờ hắn cứ lắc đầu và thở dài, bỗng nói rhắn muốn ra Bến Duềnh.
Không có gì nữa đâu, mỗi cỏ và lau lách. Anh ta nói.
Lúc qua lối rẽ vào đền thờ Đào Thinh, tôi và hắn không ai bảo ai cùng đứng lại, ngoảnh nhìn. Gần trưa, nắng chấp chới trắng, ngôi đền thờ trở nên mờ mờ như một ảo ảnh. Mặt hắn bỗn trắng bệch ra.
Quên việc xếp đền thờ thành di tích đi . Anh ta bỗng nói. Có cái tên với lời truyền khẩu còn ruột trống, sử sách thì thời thế này, thời thế khác. Bác tôi tính toán cái gì đấy mà nghĩ ra việc đưa đền thờ thành di tích, tu bổ, tôn tạo nó, còn thì suốt hàng chục năm qua Ông đâu có ngó ngàng.
Chúng tôi đi qua một quãng đường đất lồi lõm, lầy lội, cỏ và cây trinh nữ bị dấu chân trâu bò giẫm nát, vàng hoe. Sông Duềnh nước cường, dập đềnh những chùm bong bóng trôi lẫn trong rác rưỡi và hoa bần. Thỉnh thoảng một con sóng trườn lên bậc đá thứ ba, chỗ chúng tôi đứng.
Hắn nói là muốn gặp Ông. Anh ta nói là Ông bị ngã, đầu va vào cái gì đấy đang phải nằm viện.
Bỗng dưng tôi nghĩ, Ông bị ngã ở bậc đá Bến đò. Cũng có thể như thế lắm. Hôm trước tôi về chẳng phải Ông hỏi Bến đò Duềnh mấy lần đó sao. Tôi hỏi sức khỏe Ông nay ra sao thì anh ta chỉ lắc đầu, mắt nhìn đăm đăm ba bậc đá lờ mờ dưới nước…
Tháng 5- 2010
Bình luận