logo

Truyện ngắn

Nhân vật tôi trong truyện ngắn Đức Ban

Đức Ban là cây bút văn xuôi có sức vóc ở Hà Tĩnh. Ông viết tương đối nhiều và luôn chứng tỏ sự nghiêm túc. Dầu thể nghiệm tài bút trên nhiều thể loại, song thể loại mà người đọc biết đến ông nhiều nhất vẫn là truyện ngắn.


Nguyễn Mạnh Hà

1. Đức Ban là cây bút văn xuôi có sức vóc ở Hà Tĩnh. Ông viết tương đối nhiều và luôn chứng tỏ sự nghiêm túc. Dầu thể nghiệm tài bút trên nhiều thể loại, song thể loại mà người đọc biết đến ông nhiều nhất vẫn là truyện ngắn.

Truyện ngắn của Đức Ban chủ yếu phản ánh về thực trạng xã hội có nhiều thay đổi sau chiến tranh, trong đó có bức tranh về nông thôn, thành thị, có những con người bước ra từ chiến tranh, những cuộc đời lam lũ, bé mọn. Đặc biệt, ông luôn giành sự quan tâm của mình cho đề tài nông thôn. Và, nếu phân tích đến cùng thì nông thôn chính là đề tài bao quát nhất, ngay cả khi nhà văn cố tình miêu tả cuộc sống nơi thị thành, phản ánh những cuộc đời bất hạnh sau chiến tranh. Bởi: thị thành ở đây là dạng thị thành buổi đầu, thị thành chuyển hóa từ nông thôn, còn manh mún, tạm bợ; những con người từ chiến tranh trở về cũng là những người xuất thân từ nông thôn, trở về với nông thôn. Tuy cái nhìn của nhà văn bao phủ một diện rộng không gian (nông thôn – thành thị), song đọc Đức Ban người đọc dễ dàng nhận ra tấm lòng nhân hậu của nhà văn ẩn tàng đâu đó trong cách kể chuyện, trong cách soi kỹ những mảnh đời riêng tư, những góc khuất nhiều trăn trở.

2. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Đức Ban xuất hiện với tần số khá cao trong hệ thống tác phẩm, có thể kể: Khúc hát ngày xưa, Cô Tề làng tôi, Chuyện quanh quán cây dừa, Bến tắm, Đền thờ Đức Thánh Mẫu(1)... Nhân vật “tôi” xuất hiện trong tác phẩm thông thường là nhân vật trần thuật, tức tác phẩm đó được trần thuật ở ngôi thứ nhất (trong văn học, có khi nhân vật “tôi” xuất hiện song cách kể chuyện lại không phải ở ngôi thứ nhất, vấn đề này chúng tôi sẽ bàn sau). Không phải ngẫu nhiên trần thuật ở ngôi thứ nhất lại khá phổ biến trong tác phẩm nếu như nhân vật “tôi” không mang đến một thông điệp, một tín hiệu thẩm mỹ nào đó. Nhân vật “tôi”, ít nhất có chữ “tôi”, tạo nên độ tin cậy cho câu chuyện và các tình tiết, làm cho người đọc tin tưởng vào một điều gì đó đã được nhân thân bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, khi soi chiếu vào tác phẩm người đọc hoàn toàn có thể nghi ngờ.

Trong truyện ngắn Đức Ban, “tôi” xuất hiện ở nhiều tác phẩm, song đó không phải là cái tôi nguyên phiến như chủ nghĩa cổ điển mà là cái tôi giả danh, đội lốt. “Tôi” có khi là bác sĩ (Khúc hát ngày xưa), bộ đội (Sông nước), có khi là người ở nông thôn (Cô Tề làng tôi), người đạp xích lô (Chuyện quanh quán cây dừa), có khi là cán bộ, công chức (Tiếng đêm)... Rõ ràng, “tôi” không phải là con người tác giả với tư cách là một tồn tại ngoài cuộc đời. Tuy nhiên, giữa cái “tôi” đội lốt này với tác giả lại có quan hệ mật thiết. “Tôi” ở mỗi tác phẩm là một sự trải nghiệm của tác giả. Người sáng tạo đã hóa thân vào nhân vật “tôi” để, ít nhất là đóng kịch (vào vai bác sĩ, xích lô…), từ đó có điều kiện thuận lợi phô trải vốn sống của mình, cho thấy rõ sự am tường hiện thực. Không chỉ có vậy, cái “tôi” đa diện trong các tác phẩm đã tạo nên một thế giới đáng tin cậy thông qua nhiều điểm nhìn, góc nhìn. Ở mỗi cái “tôi” (trong mỗi tác phẩm) là một điểm nhìn về thực tại, một cách hiểu, cách cảm về thực tại mà “tôi” đang sống, chứng kiến. Cứ mỗi tác phẩm như thế, hiện thực, cố nhiên giàu có hơn. Cơ sở để khẳng định điều này là hiện thực trong tác phẩm Đức Ban không hề manh mún, xé lẻ, ngược lại rất tập trung và nhất quán. Hiện thực trong tác phẩm Đức Ban là cuộc sống sau hòa bình, có sự chuyển động rõ nét giữa nông thôn và thành thị, dĩ nhiên là có những cảnh đời, những bức tranh sáng - tối giữa hai không gian. Có thể dễ dàng nhận thấy tính chất đồng quy này trong rất nhiều tác phẩm. “Tôi” trong Sông nước là người đứng ngoài câu chuyện song đã cho người đọc nhận thấy sự trớ trêu của cuộc đời khi người lính kiên cường phải nhận lấy tất cả mọi bất công, tủi hổ, còn kẻ hèn nhát, có quyền lực lại được tất cả phần thắng – tượng trưng cho một kiểu người mới hình thành sau chiến tranh, cũng là một kiểu quan hệ mới trong xã hội mới. “Tôi” trong Hoa bần dầu là người thị thành về thăm quê song đã dựng lại toàn bộ cuộc đời tội nghiệp, bị trù dập bằng quyền lực của ông Trìu, từ đó cho thấy quyền lực ở nông thôn đang thực sự là một thế lực... Rõ ràng, nỗi niềm của “tôi” là tâm trạng của chung con người trước hiện thực đang sống, phải chứng kiến nhiều mặt trái, có khi trớ trêu, bất công. Xin lưu ý, ở đây, trong cách hiểu của chúng tôi, hiện thực không phải là những thực cảnh cực đoan kiểu như những cảnh đời cô lẻ, những thân phận dở dang mà là hiện thực hiểu theo nghĩa là bối cảnh, là bức tranh bao gồm cả không gian, thời gian, cảnh vật và sự kiện.

Với việc hư cấu nên các nhân vật “tôi”, Đức Ban đã tạo nên sự thay đổi điểm nhìn hết sức linh hoạt (nhìn trong hệ thống tác phẩm). Góc quan sát và mô tả của người trần thuật trở nên rộng lớn hơn rất nhiều. Nhưng, như chúng tôi đã nói, hiện thực ở đây là một, bản chất của nó là một, chỉ khác là mỗi cái “tôi” là một sự bổ sung. Cách trần thuật này của Đức Ban đã làm cho tác phẩm vừa sinh động vừa có sức thu hút và ít nhiều cho thấy tinh thần tiếp cận với nghệ thuật trần thuật trong văn chương hiện đại của nhà văn.

3. Nhân vật “tôi” không phải là nhà văn nhưng bóng dáng nhà văn sau mỗi “tôi” là điều không thể phủ nhận. Đây chính gốc rễ của vấn đề, là điểm hội tụ cái hay của tác phẩm. “Tôi” ở trong tác phẩm nhân danh nhiều tư cách. Và, ở đây có một điểm chung rất đáng chú ý: “tôi” không tách khỏi môi trường nông thôn, ngay cả khi “tôi” rất thực dụng, biết lựa chọn thành thị để tiến thân (Hoa bần, Đền thờ Đức Thánh Mẫu). “Tôi” trong Đền thờ Đức Thánh Mẫu đã thể hiện nỗi buồn khi phải chứng kiến cô bạn thông minh, tinh nghịch trở thành một bà lão tật nguyền, mang trong lòng nhiều thương tích. “Tôi” trong Hoa bần lại có chút gì đó bất lực, không thể cứu giúp nạn nhân mà “tôi” biết rõ nguồn cơn, gốc gác... Đây phải chăng là tâm trạng của một người chưa đành lòng với nông thôn? Hay nói đúng hơn “rầu lòng vậy, cầm lòng vậy”?

Trong tác phẩm Đức Ban dầu có nhiều nhân vật “tôi”, song về cơ bản ở đây có thể xếp vào hai kiểu loại: “tôi” ở nông thôn và “tôi” ở thành thị. “Tôi” ở nông thôn xuất hiện trong tác phẩm Chuyện quanh quán cây dừa, Cô Tề làng tôi. Đây đơn thuần là những nhân vật chứng kiến. Ở nông thôn, người ta thường tụm năm tụm ba nơi những gốc cây, lều quán để “buôn” chuyện, nghe ngóng tình hình, “tôi” ở đây có mặt trong đó và nghiễm nhiên trở thành người thu nạp thông tin. Câu chuyện ở đây đương nhiên không tách khỏi nông thôn. Cô Tề - ở - làng “tôi”. Các vị quan chức về hưu cũng ngụ tại làng “tôi”. Dĩ nhiên, ở những truyện ngắn này, dư vị thị thành luôn xen lấn trong đó thông qua nghề nghiệp của nhân vật, cách sống của nhân vật, kể cả sự xuất hiện của bạn bè, đồng nghiệp khi đến với nhân vật.

“Tôi” ở thành thị có cuộc sống vật chất khấm khá hơn người nông thôn, thường là người có học thức, có địa vị, lại được đi đây đi đó am hiểu nhiều nơi (Hoa bần, Bến tắm, Đền thờ Đức Thánh Mẫu…). Đây không phải là một sự sắp đặt tình cờ nếu theo dõi hệ thống tác phẩm. Việc tạo dựng nhân vật “tôi” với tư cách là người có học thức, nhiều hiểu biết nhưng không xa lánh nông thôn, ngược lại luôn bận tâm về nông thôn, về những con người cụ thể tại vùng quê, xóm làng phải chăng là nỗi lòng của tác giả đối với nông thôn. Cái cách mà nhân vật “tôi” về/hướng về nông thôn phải chăng là bóng dáng của nhà văn – một người sinh ra và lớn lên ở quê nghèo? Ở đó, không phải ngẫu nhiên, trong bức tranh giàu hiện thực qua lăng kính của cái tôi tha hương, không gian bến nước, con đò, gốc cây cổ thụ lại xuất hiện với tần số tương đối đậm đặc. Rất có thể đó là không gian nơi nhà văn từng sống, từng mang trong ký ức và có thể là quê nhà? Điều ấy có nghĩa, nhà văn vẫn còn mang trong mình duyên nợ với nông thôn dù có thể nông thôn này là hình dung chung chứ không hẳn là một nông thôn cụ thể.

Nông thôn qua lăng kính của “tôi” (lưu ý là cái tôi đa diện) đã hiện lên với nhiều mảng buồn nhiều hơn vui, trăn trở nhiều hơn bằng lòng. Nông thôn ở đây đượm tính buồn thương và chậm chạm. Điều ấy càng trở nên rõ ràng hơn khi vẫn còn những kiếp người bé nhỏ, có khi bị hắt hủi, bị định kiến chôn vùi, vẫn còn những con đường nhỏ, quanh co, những túp lều tạm, những con thuyền “gối bãi”. Có một cái gì đó tù túng, mê muội, không thoát ra khỏi để trở nên sán lạn, tươi mới hơn.

Dù trăn trở về nông thôn với những cái gì đó buồn, chậm chạp, song ở Đức Ban ta thấy một dư vị nông thôn rất đúng với giá trị văn hóa – lịch sử của nó. Nông thôn là gốc của con người. Gốc ở đây có thể là gốc xuất thân (như nhiều nhân vật tôi từ bé sinh ra ở nông thôn), sâu sắc hơn là gốc của phẩm chất, hồn cốt. Nông thôn là nơi an lành, luôn bao dung đối với tất cả, nhất là những tâm hồn phải vật lộn, ganh đua với thế giới bên ngoài. Phải chăng đây là một chân lý bởi nước ta lập quốc từ nông nghiệp, nông dân là người làm nên lịch sử? Do đó, không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm, tác giả tạo nên một sự lặp lại khi để nhân vật “tôi” dù là bác sĩ, bộ đội, công chức… cuối cùng cũng hướng tâm hồn, sự tĩnh lặng nội tại về nông thôn. Ở đây việc tạo dựng nhân vật “tôi”  tỏ ra rất hiệu quả. “Tôi” - người kể chuyện nên tỏa bóng khắp mọi ngả đường trong tác phẩm, là nhân vật chủ đạo của tác phẩm nên tâm trạng, tính cách, sự suy tư có điều kiện để bộc lộ rõ ràng hơn.

Ngoài ra, bóng dáng của nhà văn sau những cái “tôi” còn thể hiện trong cách nhập vai, dẫn chuyện, cách tự giới thiệu về tôi trùng hợp với trải nghiệm ngoài cuộc đời của nhà văn: sống ở nông thôn, đi TNXP, giữ các cương vị công tác ở thành thị.

4. Việc tạo dựng nhân vật tôi trong tác phẩm Đức Ban là một dụng ý nghệ thuật. Tôi xuất hiện nhiều trong nhiều tác phẩm không làm nhòe mờ nét nghĩa chung mà là bổ sung, làm phong phú thêm hiện thực, đồng thời tác động tích cực, chi phối nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm. Từ “tôi”, không gian, thời gian có sự thay đổi, tuân theo quy luật ngữ nghĩa tác phẩm (hợp đầu một mối về nội dung). Cách dẫn chuyện, kể chuyện với nhiều cung bậc, sắc thái gắn với “tôi” như chính nếm trải của nhân vật này ở ngoài cuộc đời (có trữ tình, chiêm nghiệm của “tôi”, có đối chát của “tôi”, có sự khách quan của “tôi” với tư cách là người không trực tiếp bày tỏ thái độ (Cô Tề làng tôi). “Tôi” ở đây đã là một cái tôi “hiện đại” của văn chương hiện đại, với tính đa nghĩa, sự đánh tráo. Bởi vậy, thông điệp thẩm mĩ và dụng ý của tác phẩm đã đạt đến hiệu quả cần có.

-------------------------------------------------------------------------

1. Đức Ban, Tác phẩm chọn loc, NXB Hội nhà văn, 2009.

Thạch Hà, 20/9/2012


Bình luận