logo

Truyện ngắn

Miếu làng

Anh rời con đường phố ngập nước leo lên vỉa hè đứng nép vào một gốc cây bằng lăng đơn độc. Bốn phía chung quanh anh bạc trắng mưa. Anh thấy tủi thân quá. Giá mà có một bếp lửa! Trước, anh có nghĩ gì đến lửa. Giờ xương cốp ọp ẹp, anh mới thèm lửa.


 Anh rời con đường phố ngập nước leo lên vỉa hè đứng nép vào một gốc cây bằng lăng đơn độc. Bốn phía chung quanh anh bạc trắng mưa. Anh thấy tủi thân quá. Giá mà có một bếp lửa! Trước, anh có nghĩ gì đến lửa. Giờ xương cốp ọp ẹp, anh mới thèm lửa. Chao! Cái lửa củi cừa ở làng quê ấy... Đến cái khói của nó cũng ấm ngọt... Anh bỗng thấy nhớ làng cồn cào. Anh phải về, có chết cũng chết ở làng. Đất làng anh dẻo quắn, ấm sực. Anh quyết thế và rời gốc bằng lăng.

Giữa trưa anh nom thấy dãy tre làng. Tự nhiên người anh run lên. Cái cơn run không phải vì rét. Mắt anh cay xè. Anh lang thang ngoài thành phố bao nhiêu là năm trời. Thật tệ. Tệ với làng. Tệ với cô ấy. Anh bỏ cô ta? Cô ta bỏ anh? Chẳng biết ai đúng, ai sai nữa. Cơ mà cái duyên trời buộc vào cổ tay hai người hàng chục năm nay rồi thì cứ sống trong anh, lúc nó bùng rực lên, lúc nó leo lắt. Cái đầu anh thì càng ngày càng thêm mụ mị, chuyện nọ xọ chuyện kia.

... Anh nhớ trước làng có cái cầu tre bắc qua một con sông nhỏ đầy cá mương và cá bống đất. Lâu, cầu mục nát. Nhưng người vẫn cứ phải qua sông đến chợ Đông, sang chợ Đoài, thăm hỏi, giỗ chạp. Cha cô ta bàn anh bỏ chài lưới làm nghề chèo đò ngang. Có tiền nóng bỏ túi khỏi chợ búa và ít nhiều ngày nào cũng có tiền. Anh nghe bùi tai. Anh cuộn lưới, cần te thì đẵn khúc bắc ngang mạn thuyền làm ghế... Vậy là con thuyền của cha anh để lại thành con đò ngang chở được trên chục người cả gồng gánh.

Một hôm vào cơn chạng vạng tối, cô ta về nhà muộn, lại một mình, lại đi bộ xa nên mặt mũi đỏ bừng. Rồi cũng một mình con đò chở anh và cô ta chòng chành, nhập nhoạng giữa mặt sông tối lờ nhờ. Nó không chịu áp vào bến mà cứ lơi lả trôi xuôi. Cuối cùng nó se sẽ áp vào dãy dứa dại tốt um. Anh biết thế nào là mùi vị đàn bà, còn cô ả thì biết thế nào là đàn ông.

- Nếu tôi có mang thì... - Cô ta vuốt mái tóc dài lửng lưng, nói

- Thì sao? - Anh hỏi, bàn tay không rời khỏi bầu vú rắn căng của ả.

- Thì anh phải cưới tôi chứ sao trăng gì nữa.

- Cưới và ở trên thuyền, hé?

- ở trên chạng ba cây cừa cũng xong. - Chị nhìn lên bờ sông, nhoẻn cười.

Anh tứ cố vô thân, còn chị có cha, có em lại lúa hai chạn, khoai năm chum. Cha chị còn làm lãnh đạo xã nữa. Cái thân phận nghèo của anh khiến anh không đến nhà chị xin cưới chị làm vợ. Mà lấy gì mà cưới kia chứ! Vào đợt nước ròng, một đêm mát trời chị ra, nói:

- Cha không cho tôi lấy anh. - Giọng chị buồn vùi.

- Thế là bó tay chịu. - Anh ngán ngẩm.

- Chịu đâu được mà chịu... Hay anh thử đến gặp cha tôi.

- Có xin cũng đếch được. - Anh ngắt lời chị - Lạy lục thì tôi chỉ biết lạy mỗi người chết.

Khuôn mặt bầu bĩnh, hơi bẹt một chút của chị có vẻ đăm chiêu. Lúc sau níu lấy vai anh, chị nói:

- Tôi có cách.

- Cách chi?

- Chị cười, bảo anh cho đò vào bến rồi kéo anh chui qua một lùm lau lách tìm đến cái bãi cỏ dưới gốc bần.

- Mấy lần ở trên thuyền cứ chòng chành nên không đậu thai.

Anh hiểu. Anh làm theo cái cách của chị. Một tuần trăng như thế. Nhưng bụng chị vẫn tom tóp.

- Kệ! Tôi vẫn cứ lấy anh - Chị dứt khoát.

Tối, chị xách bọc áo quần, một bao tượng gạo xuống bến đò.

Anh bồng chị lên thuyền. Cả hai chưa kịp vào khoang mai thì cha chị dẫn một đoàn người ra mà ông gọi là dân quân. Họ lôi chị lên bờ và ném anh xuống bãi bùn.

Rồi đến một sáng, dân làng vác tre ra bắc cầu mới. Vậy là anh bơ vơ. Lưới thì bị rái cá cắn nát từ bao giờ, cần te thì anh đã đẵn khúc. Con thuyền của anh chúi mũi vào bãi dứa, buồn thiu. Không ở nước thì ở đất. Anh lấy cái mai thuyền chẳng còn mấy lành lặn, gác một phía lên mái miếu làng, một phía đặt trên hai cái cọc tre chôn chặt xuống đất làm nơi ở. Đấy là cái nhà của anh. Anh gọi thế mặc cái sự đúng, sự sai. Cái miếu có từ thuở nảo nào. Mái ngói rêu ken dày màu xanh lẫn màu vàng loang lổ, giữa nền đất phẳng lì có một ụ gạch vuông đầu xoè ra đỡ cái lư hương bằng đất nung đen bóng. Ba bức tường vôi đêm đêm cứ phát ra tiếng âm âm lạ lùng. Hai cánh cửa lim phía trước đen nhức, nom còn chắc chắn lắm lúc nào cũng mở rộng. Bốn phía chung quanh, mặt đất khô ráo mọc đầy cây xấu hổ, hoa tím ngăn ngắt... Chuyện kể, ngày xưa giặc đến, chúng giết hết dân, đốt trụi làng. Làng trống hoang, lặng ngắt. Người bên kia sông sang, tìm thấy giữa một bãi cây xấu hổ có một ông già nằm sấp, tay chân giang rộng, lưng nhăm nhít vết gươm đao. Vực ông già lên thấy phía dưới hai đứa trẻ một gái một trai nguyên vẹn. Đấy là hai cư dân còn lại sau trận giặc càn. Người ta lập miếu này để thờ ông. Anh ở với miếu. Anh tin sẽ được ông già không tên tuổi nọ che chở như hồi xưa ấy ông che chở cho hai đứa bé cũng không tên, không tuổi nọ.

Hình như thần miếu thấy được niềm tin của anh. Ngài giúp anh thật. Mưa, rét, ăn không ra ăn, mặc không ra mặc mà anh vẫn khoẻ như vâm. Anh bèn đốt ba nén hương và khấn, khấn rằng:

- Con là con mang cái ơn của ngài đến đời cháu chắt, út ít. Con cầu mong ngài giúp con nữa cho qua cái đận gian khổ...

Anh vừa nói đến đó thì ngoài trời đêm gió bỗng u u thổi. Thẻ hương bốc lửa ngọn cháy rừng rực. Ba bức tường biến thành ba cái gương sáng loá lên.

Lời cầu của mình đã được đáp báo. Anh nghĩ thế. Da thịt anh run lên. Bụng anh mừng lắm.

Quả nhiên đêm ấy anh xuống sông gặp một hầm cá trê dưới gốc cừa cạn, nhiều vô kể. Gần sáng người ta nghe tiếng hát khê cháy và thấy một đốm lửa nở bùng phía miếu làng còn mùi cá nướng thơm phức thì lan bò khắp ngóc ngách. Phiên chợ đông, túi đầy tiền, mặt hửng lên anh chỉnh chện bước vào quán gọi rượu. Cái rượu là cái lạ trong vô biên cái lạ nó làm người anh nhẹ tênh tênh. Nó làm anh buồn, nhưng mà buồn êm. Rồi nó làm anh bồi hồi nhớ. Anh nhớ chị. Chị khoẻ như một con me. Cái ngực của chị cứ ngộn ngốt lên. Lại đôi chân của chị nữa, cứ như là không có xương vậy. Chó thật! Anh chửi. Tiếng chửi làm rượu trong bát sắt sánh lên. Rồi anh đập tay vào trán để xua cái nhớ cứ xoáy cuộn lên trong đầu. Cuối cùng thì anh chỉ còn nhớ cái miệng xinh xắn của chị bập vào miếng bánh đúc màu nâu đất. Nổi tiếng có khó chi. Chị nghiện bánh đúc mà cũng nổi tiếng khắp đầu làng đến cuối xã đấy thôi. Anh nghĩ và suýt bật cười. Bỗng anh đứng phắt dậy, đặt mạnh tiền xuống trước mặt chủ quán rồi liêu xiêu đi tới dãy lều bán bánh đúc phía cuối chợ. Mắt anh sáng lên. Nhưng bụng anh thì buồn buồn. Anh áp hai đòn bánh đúc vào cái bụng của mình.

Về nhà, anh ngồi chờ trời tối sau khi thuê một đứa bé chăn bò hai hào vào làng nhắn chị ra. Cả cái buổi ngồi chờ chị ấy, ý nghĩ trong đầu anh rối như nhúm bòng bong.

Rồi chị ra, ra khi trong làng đã tắt hết đèn.

- Có ra? - Anh hỏi.

- Thì anh nhắn.

- Đã hẳn.

- Việc chi vậy?

- à... Có đòn bánh đúc...

- Vậy ư? - Chị hỏi, cười.

Anh bóc bánh. Tay anh như không phải của anh cứ lóng ngóng. Chị vừa ăn vừa nhìn anh trong ánh trăng suông. Anh hút thuốc lào nhìn chị trong ánh trăng màu mắt cá chày. Chung quanh họ cây cối thì thào.

Chị hỏi:

- Anh không giận tôi nữa, phải không?

- Giận, không giận, ích chi nữa - Anh buồn bã.

- Cái số kiếp hai ta nó vậy.

- ờ...

- Anh nên lấy ai đó đi. - Chị khuyên anh. Chị nói mà không hiểu cái bụng anh lúc ấy thế nào.

Ngực anh bỗng tưng tức. Anh nói, giọng bần bật:

- Rõ là sẽ lấy ai đó. Sẽ lấy ai đó. Nhất định thế.

Lần này thì chị nhận ra cái tức tối của anh, cái buồn của anh trên nét mặt, trong giọng nói. Thế nhưng ma quỷ đâu không biết lại xui chị ba hoa, nói rằng:

- Tôi cũng sắp lấy chồng.

Lát sau anh hỏi:

- Thật thế à?

Lòng anh trống hoang, còn trước mắt anh thì chập chờn những đốm lửa. Rõ là lửa. Lửa thật. Trên con đường rẽ vào miếu có một đám người cầm đuốc chạy về phía anh. Chị quá sợ hay là cố tình ngã hẳn vào ngực anh. Anh chưa kịp ôm giữ chị thì cha chị đã lôi tuột chị đi như lôi một con sứa biển. Rồi họ, cái đám người ấy, nắm tóc anh đập đầu anh vào tường miếu. Anh không hé răng. Anh đã thành đá. Anh làm hòn đá tảng cho đến hết đêm. Sáng ra cha chị cho người ra dỡ nhà anh, bảo, anh làm ô uế chốn linh thiêng của làng. Họ đuổi anh sang bên kia cầu tre. Cái chức của cha chị, cái tiền bạc của cha chị kéo được thật nhiều người theo như mùi giun kéo lươn, chạch theo vậy. Anh nghĩ, nghĩ trong khi đôi chân cứ bước, bước vô định. Cuối cùng vì quá mỏi mệt, anh dừng lại ở thành phố...

Mười lăm năm nay làm thuê, anh không còn nhớ hết đã làm những công việc gì. Rồi hết sức anh trở thành kẻ ăn mày. Có sao cái nghề ăn mày! Anh tắc lưỡi. Anh cũng như mọi người, sống trên đất, chết ở dưới đất; Tất tật. Mà nghe, dưới ấy mọi sự khác trên này, ngược lại nữa. Vậy thì sắp tới, anh sẽ không là kẻ ăn mày.

... Nửa chiều anh qua cầu tre làng. Tự dưng người anh nóng hổi đôi chân khuềnh khoàng của anh đứng đắn hẳn lên. Anh lần trong cái đầu âm âm của mình tìm cái ngã đường về miếu làng. Anh đang thấy miếu rõ mồn một. Một con kiến ngoẹo đầu bám nơi chân lư hương, cái đường nứt giống hệt hình vẽ con tôm trên tường, cái hoa xấu hổ mắc kẹt trong kẽ nứt viên đá cạnh chân tường nên đáng ra màu tím nó lại có màu bùn khô. Chính chị nhìn ra bông hoa kia. Vào cái đêm trăng suông ấy. Ra anh vẫn còn nhớ chị kỹ lắm. Bữa xưa ấy, chị bảo sắp lấy chồng. Chồng chị là ai? Anh nghĩ ấm ức. Thà chị ở vậy. Như anh. Bỗng anh muốn nhìn thấy chị. Thế rồi, đáng ra đi vào miếu làng, chân anh lại đưa anh đến trước ngõ nhà chị. Anh không nom thấy gì trong nhà, phần vì mưa dày hạt, phần vì lối ngõ quá ngoằn ngoèo. Anh cho rằng, người làng không còn ai nhận ra anh được nữa. Cái thằng Trợ ngày xưa và cái thằng Trợ nay khác nhau lắm. Nhưng chị thì... Chị sẽ nhận ra anh, sẽ ra gặp anh.

- Có còn ở trong ấy không? - Hay lấy chồng về đâu rồi? - Anh hỏi một mình, giọng dấm dứt.

Anh không biết, cái đêm chị ra miếu làng với anh chị đã khóc cạn khô nước mắt. Cha chị bắt chị nằm sấp trên cái phản gỗ mít rồi dùng roi mây đánh thâm tím mình mẩy chị. Ông rủa, chị là giống tham ăn và đĩ thoã. Tham ăn thì có thể, nhưng đĩ thoã thì không. Chị và anh đã làm gì đâu. Hồi anh ở dưới sông thì có, nhưng đó là vì chị muốn làm vợ anh, anh muốn làm chồng chị. Biết mà phải chịu đòn roi thì chị sẽ kéo anh ra xa miếu cho anh mặc sức thoả mãn. Tức cha, chị nghĩ vậy. Không ngờ cái ý nghĩ ấy bám riết lấy chị. Chị đâm ra tiếc. Đâm ra ân hận. Rồi chị thương anh ở một mình ngoài miếu, thương đến thắt ngực. Chị mắng mình ngu. Anh ấy nhắn chị ra đâu chỉ để ăn bánh đúc, đâu chỉ để ba hoa như con vẹt rằng, mình sắp lấy chồng. Chị đoảng quá. Chị phải làm lại.

Đêm sau, gần sáng chị lẻn ra miếu. Anh không còn đó nữa. Cái lều của anh bẹp dúm giữa bãi cây xấu hổ. Trên nền đất anh từng nằm chỉ còn ba viên gạch chụm làm ông đầu rau. Chị ngồi thụp xuống. Chị nghe khắp nơi bốc lên cái hơi hướng của anh. Chị khóc rưng rức.

Cuộc đời chị như con bò, con me, có ai đó ở đâu đó cầm mũi dắt. Một ngày nọ cha chị dẫn về một người đàn ông goá vợ. Cao, to, đen, miệng nhai trầu nhưng giọng nói thì nhẹ tênh tênh. Ông phải lòng chị ngay tắc lự. Họ ăn nằm với nhau trên cái phản gỗ mít. Nói đúng hơn, chị mặc kệ ông ta ăn nằm với mình. Cha chị mừng ra mặt. Về sau ông ta bị tai nạn ôtô, chị mới biết, ông ta là cán bộ huyện, cha chị muốn ông ta làm con rể mình. Ông ta không mang được theo những thứ của chị, như thiên hạ thường nói. Nhưng không hiểu vì sao, từ ấy, chị héo rũ như cây chuối bị tiện ngang gốc. Mới bốn chục tuổi mà chị già như bà lão sáu mươi. Chị âm thầm tựa cái bóng trong nhà, trong cái làng nhỏ bốn bề tre pheo dày sít.

Lâu rồi. Chị không tin là anh còn sống, nói chi đến chuyện anh trở về làng, đứng trước ngõ ngóng chị ra. Vì thế khi con chó sủa nhách lên, chồm hai chân trước ra sân mưa bong bóng, chị nhìn ra ngõ, thấy anh mà vẫn tưởng ai đó, đứng đợi ai đó. Giây sau, chị thấy trong người khang khác. Chị nghi hoặc. Hay là anh ấy? Anh về trách chị. Anh ấy khoẻ, chưa chết được đâu.Chết có dễ dàng gì. Chục năm qua ấy, chị muốn chết mấy lần mà không chết nổi đấy.

Chị lập cập đứng dậy, chup cái nón lên mái tóc hai sợi bạc, ba sợi xanh, rồi đi ra ngõ. Chẳng biết ai nhận ra ai trước. Cũng có thể cùng lúc. Chị đứng sững, ngón chân quặp vào đất ướt. Anh nhìn chị chăm chăm. Người đàn bà trước mắt anh vừa có nét vẻ của chị có nét vẻ của ai đó.

- Anh còn sống... còn về làng... - Cuối cùng chị lắp bắp.

- Không muốn chết ở nơi đất lạ. - Anh văn vẻ.

- Vào nhà đi! Mưa.

- Không đâu.

- Còn giận tôi ư?

- Gần xuống đất cả rồi, giận nhau làm chi nữa.

- Thì vào đi!

- Để cha cô đuổi à?

Chị cúi đầu, mắt đỏ hoe:

- Cha tôi chết rồi.

Lặng một lúc, anh hỏi:

- Có ai trong nhà?... chồng....

- Chồng cũng chết rồi.

Anh buông một tiếng thở dài, lặng lẽ theo chị vào nhà. Chị trở nên nhanh nhẹn hẳn. Chị kéo ghế cho anh ngồi. Chị rút cái khăn mặt vắt trên dây phơi trao cho anh:

- Lau đi! Ướt hết rồi.

Nhìn khuôn mặt gầy hốc hác của anh, chị hạ giọng:

- Lâu nay ông làm ăn ở những đâu?

- Kiếm ăn ngoài thành phố.

- Trước bảo lấy vợ nữa, có không?

- Có chó nó lấy - Anh kéo dài giọng, còn chị thì cúi đầu xuống hai đầu gối.

- Nay anh định tính sao? Chị hỏi, nín thở.

- Về làng, chết ở làng cho nó ấm cúng.

Chị thấy thương anh quá chừng. Muốn nói một câu gì đó nhưng chị không tìm ra lời lẽ. Chị thầm nghĩ, trên đời này chỉ có chị và anh là khổ nhất. Lâu nay hai người khổ ở hai nơi nên khổ hơn. Nước mắt ầng ậng dâng lên trong mắt chị.

Anh nhìn dáng vẻ chị, đoán biết chị sống cực lắm, buồn lắm. Rồi anh trầm ngâm nghĩ, nghĩ là, anh sẽ che chở cho chị, sẽ cho chị một đứa con trai hẳn hoi, sẽ mua sắm lưới và thuyền... Anh bỗng giật mình. Anh huyên thuyên mất thôi. Anh về làng là để tìm chỗ nương thân. Chưa lo nỗi thân cò còn lo thân vạc. Bất giác anh lắc đầu, buồn không chịu được.

- Sao thế? Chị lo lắng hỏi.

- Chẳng sao cả.

- ở lại đây chứ?

- Không!

- Vậy thì đi đâu?

- Về miếu làng.

- Và ở một mình ngoài ấy luôn à?

Anh nhìn chị, rồi nhìn ra ngoài trời và im lặng. Ngực anh nóng lên. Cái chỗ nương thân già của anh không ngờ lại có đến hai nơi...


Bình luận